169 - Tích Thúy (như) bán đồ quí
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 01 Tháng tám 2009 18:58
- Viết bởi nguyen
675. 積 翠 鬻 珍 — Tích Thúy (như) bán đồ quí
Tông Lâm Tế truyền bảy đời, đến đời Thạch Sương Viên. Học trò của Viên có hai người: Một, Tích Thúy Nam. Hai, Dương Kì Hội.
Sự lập bày giáo hóa của Nam giống như người ngồi ở ngã tư đường bày trăm món lạ và quí để rao bán; còn trâm thừa khoen hư thì tùy chỗ mà tìm kiếm. Bọn người hèn mạt nhanh chóng giả mạo dòng họ của ngài rất nhiều. Còn Dương Kì Phương Hội giống như người sửa ngọc quí báu, loại bỏ các thứ đá tầm thường nên con cháu của ngài đều rực rỡ hơn đời; ví như trong núi còn sót lại các tấm bia mà không có tấm nào là đồ giả.
(Theo: Bổ Tăng Bảo truyện.)
676. 楊 岐 治 璠 — Dương Kì (như người) sửa ngọc quí
Xem tắc 675: “Tích Nham dục trân”.
677. 佛 眼 題 壁 — Phật Nhãn viết trên vách
Thiền sư Phật Nhãn Thanh Viễn trụ chùa Long Môn, Thư Châu, từng viết lên vách nhà Diên Thọ như sau:
- Phật cho phép người có bệnh nên ở liêu trị bệnh, để cho có chỗ nghỉ ngơi. Trong Thiền lâm, liêu này còn có vài tên khác.
Hoặc tên:
– Niết-bàn, thấy pháp thân thường trụ, thấu rõ pháp bất sinh.
Hoặc tên:
– Tỉnh hành, biết các việc trái lí nhân duyên đều từ hành khổ.
Hoặc tên:
– Diên thọ, nghĩa là muốn được huệ mạng thì phải giữ gìn sắc thân nhưng kì thực là khiến người thấu rõ chỗ sinh tử.
Nếu nhiều kiến giải mà ít giác ngộ là bệnh còn nhẹ thì nên vào nhà này, chẳng cần gượng thừa đương để tìm điều bổ ích. Cho đến người bệnh nặng, nhớ nghĩ đến quê hương, không khéo đẩy lui chỗ suy nghĩ để diệt trừ gốc khổ. Bậc Tiên thánh nói: “Bệnh là thuốc hay của chúng sinh. Nếu người nào khéo uống thuốc thì không bệnh nào chẳng hết”. Có bậc Tôn túc nói: “Phải biết có người chẳng bệnh”, nên rõ ràng viết những lời này để bảo kẻ hậu lai. Xem khuôn phép của họ giống như là vịnh gió, khăn lau giầy. Há riêng khiến người thôi suy nghĩ về gốc khổ mà thôi! Hay là muốn khiến họ noi theo, chợt có lời răn dạy đến chết. Những lời sáng suốt ấy cần thiết phải xét kĩ, có thể bảo là lời răn dạy bổ ích như thuốc uống, đá châm để trị bệnh.
(Theo: La Hồ Dã lục.)
678. 晦 堂 牓 門 — Hối Ðường viết bên cửa
Thiền sư Hối Ðường Tổ Tâm buổi đầu vâng theo lời phó chúc của Thiền sư Huệ Nam, lãnh đồ chúng trụ chùa Sơn Duyên. Thời gian pháp hội của Sư hưng thịnh là mười ba năm. Sau đó Sư cương quyết từ chức, về Tây Viên theo lời dặn dò của Thầy.
Sư nói:
– Tôi muốn từ bỏ việc đời để chuyên tu hành Phật pháp.
Khi ấy ở bên cửa của Sư có viết:
– Nhắn với các vị học thiền, cần tham cứu đạo này cho đến nơi đến chốn, rất cần tự khán, không ai thay thế các vị được. Hoặc là khán được nhân duyên, tự có chỗ nào vui vẻ, trở lại đây vào thất thổ lộ cho ta biết để ta phẩm bình đúng sai, sâu cạn. Nếu như chưa phát minh, chỉ cần thôi hết đi, thì đạo tự hiện ở trước. Còn như khổ công chạy tìm thì càng thêm mê muội. Ðây là đạo lìa lời nói, cốt ở nơi tự nhận, chẳng nhờ người khác mà ngộ. Phát minh như thế mới gọi là thấu rõ được cội rễ sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay. Nếu thấy được đạo lìa lời nói thì thấy tất cả thanh sắc, ngôn ngữ thị phi đều không phải pháp nào khác. Nếu chẳng thấy được đạo lìa lời nói, dù đem trí thông minh để lãnh hội nhân duyên sai biệt trước mắt cho là sở đắc thì chỉ e lầm nhận môn đình, bóng sáng trước mắt, tự chẳng giác biết, trở thành việc thừa thãi. Rốt cuộc chỉ là tự dối, uổng phí tâm lực. Các vị hãy ngày đêm khắc kỉ tinh thành, trong lúc đi đứng quán sát chỗ nhỏ nhiệm, xét kĩ, không cần quan tâm điều gì nữa, tự nhiên sẽ có đường vào, chẳng phải chỉ trong sớm chiều mà thành tựu được đâu. Nếu không có khả năng tham vấn tinh tường như thế, thà xem kinh, lễ bái cho qua kiếp sống tàn này, cũng là việc tốt. Nếu như sinh ra mê lầm phỉ báng Phật pháp, nếu như bỏ phí tuổi già thì ai dám bảo đảm cho các vị thành người vô sự mà không có hệ lụy nào khác. Ngoài ra, những người vào thất hôm nay đến hai ngày mồng một và rằm phải đến thưa hỏi.
(Theo: Nhân Thiên Bảo Giám.)