GỞI LẠI ĐÓA XUÂN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 24 Tháng một 2009 22:04
- Viết bởi nguyen
Hạnh Chiếu
Lật lại trang Yên Tử hơn 700 năm mà nhớ Tổ sư. Nhớ nên sẽ về. Điều đó đối với tôi tự nhiên như con nhớ mẹ, như mây nhớ núi, như kẻ tha hương nhớ nhà. Tôi ao ước già mình sẽ về núi, núi nào thì không biết. Có khi là một ngọn núi rất riêng của chính mình.
Hồi trước, Trần Thái Tông hay nhớ non Yên, nhất là mỗi lần trong lòng bất an. Bởi vì đó là nơi tĩnh tại, bình an, cõi hồng trần không lên tới được. Mấy hôm nay lật lại trang sách cũ, thấy vua mới như tân. Bởi vì trong vua có một trái tim không bao giờ cũ. Trái tim đồng cảm với tha nhân, chung một con đường sanh lão bệnh tử.
Vua bảo tướng sanh của người là mùa xuân của năm, liễu biếc hoa xinh, rực rỡ thắm tươi. Đẹp lắm. Nhưng bất ngờ vua lại kết hai câu thơ buồn đứt ruột:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
Không hiểu tại sao chúng ta có sanh ra là có lang thang trong cát bụi tử sinh. Vui buồn, được mất, thương ghét… cứ thay nhau dẫn mình chạy loạn trong sáu nẻo. Vọng tưởng như bộc lưu, quen vậy rồi nên đứng lại không được. Phải tìm đường chạy thôi, dù có bức hơi, có thở hổn hển, có té lên té xuống… cũng cứ chạy! Đạp nhau mà chạy. Đôi lúc đuối sức, Phật thương biểu đừng chạy nữa thì mình giận Phật luôn. Lạ lùng chưa? Cái nghiệp nó như thế.
Thật ra cũng không phải vô cớ, Phật bảo chúng sanh vì vô minh vọng động mà tạo nghiệp xoay vần lên xuống trong sáu nẻo. Song, dù có đi đâu cũng không ra khỏi bản tâm của mình. Bởi thế đến lúc mệt quá cũng phải dừng lại, tự nhiên vậy thôi. Chỉ có điều sớm hay muộn. Nếu để muộn quá, gió thu se lạnh, rét đông kéo về, đôi con mắt sụp tắt. Có tiếc cũng đã rồi. Một đời phong trần cho tới gối mỏi lưng còng vẫn biệt tích vô âm, không thấy đâu là mái nhà. Bấy giờ chiếc bóng ly hương mới quạnh quẽ làm sao. Đến sông không thuyền, nỗi khổ này biết thố lộ cùng ai!
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà vua Trần lại bảo tướng già của người là mùa hạ của năm, hoa tàn liễu úa. Tướng bệnh của người là mùa thu của năm, núi trơ non trọi. Tướng chết của người là mùa đông của năm, tất cả đều trở về không. Bốn mùa đi qua một đời người, xoay tròn cái vòng sanh lão bệnh tử. Chuyện này đâu phải của riêng ai. Nhà vua thấm thía lắm mới nói lên được sự thật ấy.
Vẫn biết đông tàn thì xuân sang. Nhưng phải là một mùa xuân như thế nào để không lẩn quẩn nữa đây? Chỗ này, đợi đến vua Nhân Tông xuất hiện mới thật sự mãn túc.
Thân như hơi thở ra vào mũi,
Đời giống mây trôi đỉnh núi xa,
Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,
Đâu phải tầm thường một xuân qua.
(Hòa thượng Thanh Từ – Thiền sư Việt Nam)
Chiếc thân mong manh như hơi thở, cuộc đời phù du tựa mây trôi. Thì kệ nó, có sao đâu. Bởi vì còn có vầng trăng sáng riêng treo một cõi, còn có tiếng quyên kêu vang dội một phương. Và hơn thế nữa, cả một trời xuân ảnh hiện sắc thân Như Lai, bất sanh bất diệt, hiển hiện tròn đầy qua mắt qua tai, qua trái tim nồng ấm của thiền tăng đầu núi. Bao nhiêu đó đủ rồi, còn lại thì mặc nhiên, các pháp từ duyên sanh thì cũng từ duyên diệt. Ném hết thị phi là chấm dứt muộn phiền. “Buông bốn đại chừ dừng nắm bắt. Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng” (Thượng sĩ Tuệ Trung), chẳng còn gì có thể câu thúc thân tâm. Bởi vậy Điều Ngự mới sung sướng mà reo:
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
Vua Trần Nhân Tông hoàn thành tâm nguyện một đời mình mà cũng là tâm nguyện của Thái Tông, của lịch đại Tổ sư. Nhà vua không còn nhớ núi như ông nội hồi đó nữa, bởi vì ngài chính là thiền tăng ở núi. Sống sức sống của núi, thở hơi thở của núi, đi đứng ngồi nằm ở trong chánh định tựa như núi. Trầm mà hùng. Đạm mà thanh. Để từ đó Yên Tử sơn mãi mãi là linh hồn của Phật giáo Việt Nam. Và mùa xuân miên viễn đọng lại trên đài hoa năm uẩn, phi sắc phi hương mà bát ngát thinh không, dâng lên cúng dường mười phương các đấng Như Lai. Trong đó có những vị Phật đã thành, đang thành và sẽ thành ở chốn nhân gian.
Nhờ thế chúng sanh muôn đời sau vẫn trọn niềm tin tưởng - Giữa cuộc đời bọt bèo huyễn hóa, trong ta còn ngát một đóa hoa.