headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 18/12/2024 - Ngày 18 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GƯƠM BÁU VỚI MÙA XUÂN

Thông Thiền   

Trong gió còn nghe lời ngữ lục
 Mùa Xuân gươm báu lóe hào quang

 Có những thanh gươm (thanh kiếm) làm nên lịch sử, thiết lập nên một triều đại, xây dựng mùa xuân trong cuộc đời của các đấng minh  quân, các vị anh hùng. Đó là những thanh kiếm Mạc Da, Long Tuyền, Thái A, Ỷ Thiên trường kiếm… mặc dù vậy, giá trị của chúng vẫn nằm trong tương đối, vì lưỡi bén của chúng dấy máu đào, tạo nhiều ác nghiệp, gây đau khổ cho chúng sanh.

Nhưng cũng là những thanh kiếm ấy, lại xuất hiện trong các tác phẩm Thiền tông như Bích Nham lục, Chỉ Nguyệt lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ  … với tần số khá cao. Thế thì, các thiền sư dùng nó với mục đích gì, lai lịch ra sao, mang ý nghĩa và tác dụng trong nhà thiền như thế nào? Nó liên quan ra sao với mùa xuân mà nói là gươm báu với mùa xuân? Mùa  xuân trong cuộc đời của các danh nhân ta có thể hiểu được, còn mùa xuân miên viễn thì ở đâu?

Trong Đạo, các Thiền sư hay dùng chữ Xuân để nhắc nhở chúng ta. Nhờ lời khuyên dạy của các Ngài, chúng ta càng tu càng phấn khởi hơn, càng vui thích hơn, nếu không thì tu lâu sẽ cảm thấy chán và buồn. Tại sao chán buồn? Vì ăn chay ăn lạt suốt đời, lại thêm thức khuya dậy sớm, bị rầy bị quở. Cho nên ở chùa lâu ngày cảm thấy chán buồn nếu không tìm được nguồn vui, nguồn vui đó các Thiền sư dùng chữ Xuân để diễn tả. Vậy chúng ta phải cố gắng đi mãi trên con đường tươi đẹp đã chọn dù phải vấp té trầy chân hay gặp những hòn sỏi phiến đá trở ngăn. Nhưng dù những chướng ngại có khó khăn bao nhiêu cũng không thể ngăn cản được bước chân của những tâm hồn khoáng đạt, của những con người nguyện quyết tiến đến chỗ an lạc dài lâu mới thôi. Người tu là người thấy tương lai mình xán lạn tươi vui, chứ không phải càng tu rồi càng tối tăm đau khổ. Chính mỗi bước tu là mỗi bước chúng ta huớng về mục tiêu cao quí nhất, an lạc nhất của đời mình. Vì vậy khi nói đến mùa Xuân miên viễn chúng ta cảm nhận một niềm vui tràn đầy ở ngày mai khi tu chứng hoàn mỹ, đạt đến Niết-bàn cứu cánh.

Kiếm, xuất hiện từ trước thời Ân (Chu) và Thương. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, phong tục đeo kiếm và đấu kiếm đã trở nên phổ biến và thịnh hành, qua đó lý luận về kiếm thuật cũng bắt đầu được hình hành. Bởi thế mà vào đời Hán có nhiều người nổi tiếng về kiếm thuật là vậy. Đời Tùy, Đường hình thức kiếm vô cùng phong phú, thiết kế tinh xảo, tạo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sau. 

Bảo kiếm thường gắn với anh hùng, hiệp sĩ, nghĩa sĩ. Bảo kiếm trong lịch sử cổ đại Trung Quốc còn là những thanh kiếm độc nhất vô nhị, gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, đôi khi pha màu sắc thần thoại, đó là các thanh kiếm trứ danh thiên hạ như : Long Tuyền kiếm, Can Tương Mạc Da kiếm…

Long Tuyền là một trung tâm từ xa xưa chuyên về rèn kiếm của tỉnh Triết Giang. Nhưng hiện nay nó cũng là một trung tâm nghiên cứu và canh tân về các loại kiếm chiến đấu, tương tự như các loại kiếm Nhật.

Âu Dã Tử được coi là ông tổ của nghề rèn kiếm và là người rèn kiếm nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa. Một lần ngao du, ông đã thấy mạch nước Long Tuyền trên núi Tần Khê, Triết Giang có ánh sắc kim khí. Biết nơi đây có quặng sắt quý, ông đã cho xẻ núi và lấy được một mảnh thiết anh (sắt tốt). Được Sở vương giúp đỡ, ông đã dồn hết tinh lực và luyện nên bộ ba thanh bảo kiếm có tên Long Tuyền, Thái A, Công Bố. Thái A bảo kiếm có nước kiếm sắc ngọt, chém sắt như bùn sau này rơi về tay Tần Thuỷ Hoàng Đế, từ đó lịch sử của thanh bảo kiếm này đã gắn chặt với sự nghiệp thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng. Tần vương sau khi nhất thống thiên hạ đã cho cắm thanh kiếm báu này trên núi Trâu Tịch để tế cáo trời đất và được coi như một bảo vật trấn quốc. Thanh Long Tuyền kiếm dài ba thước (0,9m) rất sắc thì được đem dâng cho Sở Vương. Sau này những thanh kiếm qua lăng kính văn học đều được gọi là Long Tuyền kiếm và cụm từ “tay vung ba thước Long Tuyền kiếm” đã trở thành một khẩu ngữ quen thuộc. Cả ba thanh bảo kiếm này sở dĩ trở nên vang danh thiên hạ là vì thân kiếm tuyệt đẹp, sống kiếm chắc chắn, lưỡi kiếm vô cùng sắc bén, có thể chém sắt, chặt đá, đâm trâu đâm bò nhẹ như đâm xuống nước, khi múa kiếm khí tỏa ra khiến cho đối thủ hoa mắt chóng mặt, nhưng ngược lại vầng kiếm khí làm tăng uy lực của người sử dụng kiếm. Tiết Chúc, một người rất giỏi về kiếm học khi được nhìn thấy ba thanh kiếm này đã phải thốt lên: “màu sắc đẹp như hoa phù dung mới nở, sáng rực như sao băng”.

Dẫn chứng thiền ngữ:

Cứ theo lời tụng công án này của Tuyết Đậu giống như người giỏi múa kiếm Thái A, huơ trong hư không thênh thang mà không chạm đến lưỡi bén. Nếu người không có thủ đoạn này, vừa nắm đến liền chạm lưỡi đứt tay. (Phần lời bình của tắc 1 trong Bích Nham lục)

Thế nào là Long Tuyền kiếm? Sư đáp: chẳng ra khỏi vỏ. Tăng nói: Xin mời rút ra khỏi vỏ? Sư đáp: Trăng sao dời chỗ. Hỏi: Cõi nước an ninh, vì sao châu chẳng hiện? Sư đáp: Đánh rơi chỗ nào rồi? (Ẩn Vi Giác Tịch thiền sư trong Ngũ Đăng Hội Nguyên q.8)

Hai thanh kiếm Long Tuyền và Thái A trên đây được các thiền sư mượn dụ cho trí huệ Bát-nhã trong  nhà thiền.

Rèn, đúc được một thanh bảo kiếm là cả một quá trình công phu, nhiều khi phải hy sinh cả một con người như câu chuyện dưới đây:

Vào thời Ngô, bên Trung Quốc có một người thợ chuyên môn rèn kiếm nổi tiếng tên là Can Tương, vợ anh ta là Mạc Da. Hai người này phụ giúp vua Ngô Hạp Lư. Trong qua trình rèn kiếm, mặc dù có thép tốt, lò lửa đủ độ nóng, nhưng đã gần hai tháng mà thép trong lò vẫn chưa dung hóa nên Mạc Da phải nhảy vào lò đồng sôi và thép đã dần dần chảy tan. Cuối cùng, hai thanh kiếm tốt đã rèn xong : một thanh có vân như vảy rùa là hùng kiếm tên là Can Tương, một thanh dợn như sóng nước là thư kiếm, tên gọi Mạc Da. Trải qua thử nghiệm, sắc nhọn vô cùng, có thể dùng đâm trâu ngựa, cắt sắt chém đá, còn vượt hơn cả thanh kiếm của Hạp Lư dùng.

Dẫn chứng thiền ngữ:

Gương sáng trên đài soi thấy rõ ràng tốt xấu. Gươm Mạc Da nơi tay tùy thời cứu sống hoặc giết chết. (Tắc 9, BNL)。

Hỏi: Cầm kiếm Mạc Da định lấy đầu thầy thì sao? Sư hừ một tiếng. Tăng nói: Đau khổ quá!. Sư liền đánh. (Chỉ nguyệt lục, q.2)

Thanh  kiếm Mạc Da trên đây được các thiền sư mượn dụ cho trí huệ  sẵn có của mỗi người hoặc tri kiến Bát-nhã của thiền sư dùng để tiếp hóa người học một cách tự do tự tại.

Ỷ thiên là tên gọi một thanh kiếm báu mà theo Kim Dung, nó được đúc bằng thép nguyên chất pha lẫn platin nên rất bén, chém sắt như chém bùn, phải dùng đến đao Đồ Long chém thì cả đao lẫn kiếm mới cùng gãy.

Thực ra, Ỷ Thiên Trường Kiếm là thanh kiếm đã có nghìn năm trước thời Ỷ Thiên Đồ Long Ký (Nguyên Mạt Minh Sơ). Thời Tam Quốc, nhân vật có thanh Ỷ Thiên Trường Kiếm là . . . Tào Tháo !

Vì Ỷ Thiên Trường Kiếm có thật, nên thiền sư Thạch Thành Kim có nhắc đến trong Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ : Hạ thủ công phu tu thiền cần lấy một chữ Tử dán ở trên trán, xem thân thể máu thịt này như đã chết đi, chỉ cốt thấu rõ một niệm. Một niệm hiện tiền, như được cây Ỷ Thiên trường kiếm, nếu chạm mũi nhọn của nó không thể được, nếu cà nhám cọ lụt thì kiếm ấy bỏ đi vậy. Thiền tông dùng thuật ngữ “ Ỷ Thiên Trường Kiếm” để chỉ cho Bát-nhã Vô Tri.

Chúng ta nhận thấy hầu hết các thanh gươm trên đây được thiền sư dùng để chỉ cho Bát-nhã. Bát -nhã là trí huệ, là thực trí của Pháp thân (trí thể), là căn bản trí. Bát-nhã ngoài thực trí chiếu soi tất cả mà vô tri, còn có quyền trí (trí dụng). Chúng ta hãy xem lộ trình tu tập của một thiền giả:

                            Chiếc gươm trí huệ tay chẳng rời
                             Đơn đao đột nhập vô thượng giác
                            Tam độc bát phong không chướng ngăn

Người tu được ví như một người phải đi băng ngang qua một khu rừng rậm dầy đặc.  Nhưng anh ta đâu cần phải đốn chặt hết cả khu rừng ấy!  Anh chỉ cần dọn cho mình một lối đi nhỏ, xuyên qua khu rừng ấy, để sang đến bên kia.  Và dụng cụ mà anh có thể sử dụng để thực hiện được điều ấy là thanh kiếm (quán chiếu bát-nhã). Nhưng nếu muốn có hiệu quả thì nó phải có hai yếu tố là sức nặng và sự sắc bén.  Nếu như ta băng ngang qua khu rừng với một lưỡi dao cạo, thì dầu cho nó có sắc bén đến đâu chắc chắn ta cũng sẽ thất bại.  Và nếu như ta có một thanh mã tấu lớn nhưng cùn lụt thì kết quả cũng sẽ chẳng có là bao.  Nhưng khi ta phối hợp hai yếu tố ấy lại với nhau, sự sắc bén và sức nặng của thanh kiếm, và với một công phu đều đặn có phương pháp rõ rệt, ta chắc chắn sẽ vượt xuyên qua khu rừng và sang đến bên kia, bằng từng bước một, từng thanh cây một, từng dây leo một… Đây là một ví dụ rất hay về định và huệ trong Thiền tông.  Huệ chính là sự sắc bén, sự sáng suốt của tâm thức, biết quán chiếu sâu sắc, và Định chính là sức nặng của thanh gươm, nó là năng lượng và sức mạnh ở phía sau mỗi nhát gươm trí huệ, dẹp sạch dây mơ rễ má vô minh vọng niệm, giúp cho mỗi bước chân thiền tập của ta được chắc chắn và vững vàng tiến đến một niệm hiện tiền, thấy được tự tánh, rồi tiếp tục sử dụng thanh kiếm ấy như vừa là phương tiện vừa là cứu cánh (thanh gươm chính là mùa xuân):

                                Chỉ một chơn như tam muội ấn
                                Tiến thẳng vào trong nhà pháp thân

Chân như tam muội  là chánh định trụ trong cảnh chân như, chính là Như lai thanh tịnh thiền, là Tối thượng thừa thiền, là căn bản của tất cả tam muội. Đến trình độ này chính là Bát-nhã Vô Tri.  Vì nếu có sở tri, tức là có cái bị biết, thì cũng có cái không biết tới. Giống như khi ta ở gần một đống cát, nếu ta nhìn kỹ một hạt cát, thì chẳng biết tới tất cả những hạt khác. Còn trí Bát Nhã là biết tất cả, bình đẳng không thiên vị, không chú ý đến một cái nào, (nhưng không cái gì không biết). vì vậy nên nói là Bát Nhã Vô Tri. Kinh Đạo Hạnh nói “ Bát Nhã vô sở tri, vô sở kiến” hoặc nói “ Chơn tâm bậc Thánh chẳng có chỗ tri, chẳng có chỗ bất tri”. Vì thấy biết tất cả bình đẳng nên không cần tác ý, vì không tác ý nên tâm bậc Thánh trong sạch, trống rỗng. Và càng trống rỗng, trong sạch chừng nào thì sự chiếu dụng càng đầy đủ chừng ấy, giống như mặt gương càng sạch thì càng sáng. Do đó suốt ngày tri mà chưa từng tri là vậy. ( Vì không có tác ý)

Tiến thẳng vào trong nhà pháp thân: vào nhà pháp thân chính là an trú nơi mùa xuân miên viễn.

Hơn nữa, một khi tu hành đến chỗ viên mãn, trí thể trí dụng  hiện tiền thì cơ phong của hành giả hết sức linh hoạt, sắc bén khi tiếp dẫn người học, giúp họ ngộ nhập một cách dễ dàng. Quyền trí có công dụng ứng cơ hóa độ mà không qua sự tác ý. Do chẳng cần tác ý nên siêu việt trên thế tục, vì thế quyền trí suốt ngày ở trong thế gian mà chẳng nhiễm, suốt ngày tùy cơ hóa độ vô biên chúng sanh mà chẳng thấy lao nhọc:

                                Trên ngọn diệu phong rong tự tại
                                Xem xét mười phương chúng khổ đau
                                Khởi từ phương tiện tùy ứng hóa
                                Đưa chúng đồng lên bờ Niết-bàn.

Thiền sư Bảo Ninh Nhân Dũng có làm một bài thơ như sau:

                                  Xách búa nện lên thanh thép dài
                                  Tứ bề tung tóe lửa hồng bay
                                  Nhà nghề rèn được thanh gươm báu
                                  Đem ra đầu  ngõ bán cho ai.

Thiền sư là người đem cả tuổi thanh xuân, nhiệt huyết của mình ở yên nơi chùa am thanh vắng, dùng trí bát-nhã thực hiện công phu nhằm đạt đến trí tuệ cứu cánh. Tiếp đến là sử dụng tuệ giác ấy hướng dẫn giúp đỡ mọi người. Con người đó được nhà thiền ví von như một tay thợ rèn giỏi, chịu sự nhọc nhằn nóng bức của lò lửa, đôi khi đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình để rèn nên một thanh gươm báu; xong, người đó mang ra đầu ngõ để rao bán. Chúng ta biết rằng với thanh gươm ấy, chúng ta có thể dựng nên mùa xuân hạnh phúc cho cuộc đời mình, nhờ nó mà bao muộn phiền lo lắng ràng buộc sẽ được cắt đứt, dẹp sạch. Thế thì, mùa xuân của đất trời đang đến, cũng như mùa xuân miên viễn mà chư thiền sư có được nhờ thanh gươm báu, các ngài giới thiệu cho chúng ta, nhất là thanh gươm-phương tiện làm nên mùa xuân-các ngài trao nó cho ta, sao ta không hoan hỷ đón nhận!? Không nhanh chóng chộp lấy nó để tung hoành cho thỏa chí bình sanh?  
 

[ Quay lại ]