headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM HIỆN BẢO THÁP - (tiếp theo)

 CHÁNH VĂN

Bởi tâm thể không hình nhưng tác dụng của tâm có dấu vết, ứng hiện ra các căn. Hợp cơ, chỉ hiển bày kiến căn, mà sáu căn vẫn đủ. Căn là chỗ của tâm quang ứng dụng, tâm tức là căn thể xưa nay. Đây là tâm căn soi lẫn nhau, thể dụng đều rõ rệt. Muốn thấy bản tâm từ căn mà vào. Trong kinh nói: “Từ ánh sáng mà được lửa, nắm mũi là dắt cả con trâu”.

GIẢNG

Kiến căn là mắt, dùng một căn nhận ra tánh giác thì các căn khác đều biết. Ở đây nói muốn thấy bản tâm, từ căn mà vào. Nói rõ hơn là muốn nhận được cái Viên Trạm Thường Tính thì từ các giác quan của chúng ta mà soi lại. Các tổ sư thiền tông Việt Nam dạy thường phản quan tự kỷ, tức là từ ánh sáng kia soi rọi, nhận lại cái Viên Trạm Thường Tính của chính mình, như trong Đề cương kinh Pháp Hoa tổ Minh Chánh đã chỉ đây.

Từ mắt thấy chúng ta không chạy theo, xoay trở về sống với chính mình, là sống với cái Viên Trạm. Từ nghe không chạy theo thinh trần, phản quan sống lại với cái Viện Trạm, các giác quan khác cũng vậy. Cho nên ở đây nói “Từ ánh sáng mà được lửa, nắm mũi là dắt cả con trâu”. Chúng ta đừng sợ gì hết, sống được với tâm thể xưa nay rồi thì mọi thứ đều đầy đủ. Giống như hạt châu để trong chéo áo, bao giờ nhận ra được, lấy xài là giàu có muôn hộ.

CHÁNH VĂN

Lại đức Phật Đa Bảo biểu trưng cho tâm thể xưa nay. Đức Thích Tôn biểu trưng cho căn dụng của căn tánh. Các Hóa Phật biểu trưng cho thức tản mạn theo sáu trần. Nay thì chuyển thể đến dụng là nghĩa các phân thân nhóm họp. Nhiếp dụng về thể là nghĩa thấy được Phật Đa Bảo. Hai đức Như Lai cùng ngồi một tòa trong tháp là nghĩa xưa nay một lý, cũng chính là nghĩa thể dụng không hai. Lại có nghĩa là ba thân đồng một thể. Các học giả, phải hiểu như thế!

GIẢNG

Ở đây nhắc lại đức Phật Đa Bảo trong tháp báu là biểu trưng cho tâm thể, đức Thích Tôn là biểu cho ứng dụng căn tánh, tức là ứng thân, hóa thân. Các hóa Phật biểu trưng cho thức tản mạn theo sáu trần tức là những hóa thân tùy loại mà hiện các tướng sai biệt. Trong phẩm Phổ Môn, Bồ-tát Quán Thế Âm có tam thập nhị ứng, nghĩa là tùy theo loại chúng sanh mà ngài ứng hóa ra ba mươi hai thân để giáo hóa chúng. Như muốn độ loài quỷ trong địa ngục khổ đau, ngài hiện ra đại quỷ thần tức Tiêu diện Đại sĩ hay gọi một cách bình dân là ông Tiêu. Bồ-tát Quán Thế Âm, vì từ bi muốn độ loài quỷ đói nên thị hiện một đại quỷ lực như thế để nhiếp thống ma quỷ, đưa họ trở về con đường tu hành.

Trong đạo tràng này, dù nội viện hay khu ngoại viện chung quanh, tất cả huynh đệ đều hướng về đời sống của người xuất gia, sống hạnh thanh tịnh giải thoát, cố gắng nỗ lực tu và kích dương động viên cho huynh đệ chung quanh cùng tu cho đến sáng đạo. Mình vừa tu vừa giáo hóa. Như huynh đệ ngồi thiền ngủ gục hoài, muốn rút lui mà thấy mình ngồi nghiêm trang tề chỉnh quá nên vị ấy thấy xấu hổ, không bỏ đi mà cố gắng ngồi ngay thẳng tỉnh táo lên. Cho nên mình tu đàng hoàng, sẽ là chỗ nương cho huynh đệ cùng tu. Đó là chúng ta hỗ trợ nhau tu. Như vậy mình đã làm được việc vừa tự độ vừa độ tha, vừa tự tu vừa giáo hóa những chúng sanh có liên hệ gần gũi với mình cùng tu. Đó là những huynh đệ cùng ăn một mâm, cùng sống trong một thiền viện, cùng làm một việc. Đời sống trở nên có ý nghĩa biết bao nhiêu, nhưng nếu ta không biết sẽ thấy buồn tẻ lắm.

Sống trong tập thể hơn một trăm thiện hữu tri thức mà mình không dính dáng với ai hết, là một khiếm khuyết lớn. Làm sao thấy huynh đệ ở thiền viện là bà con ruột thịt của mình. Phật nói tất cả người nam là cha của ta, tất cả người nữ là mẹ của ta, người ngang với ta là anh chị, người nhỏ hơn ta là em út, không ai là không ruột thịt của mình. Đợi gì cha mẹ anh em ở nhà mới là ruột thịt. Chỉ thay đổi quan niệm như thế là tu tiến rồi.

Ở đây nói Phật Đa Bảo là pháp thân, hiện thời Phật Thích Ca là ứng thân, các vị Phật hóa ra của đức Thích Ca là hóa thân. Muốn cho pháp thân hiện bày thì ba thân này cùng về một thể. Do đó kinh nói tháp Đa Bảo được mở cửa, Phật Đa Bảo mời đức Thế Tôn lên, hai vị Thế Tôn ngồi chung một tòa, gọi là trở về với pháp thể thanh tịnh. Trước khi ngồi một tòa như thế thì các ứng hóa thân của Phật Thích Ca khắp trong mười phương đều tập trung về hết, bấy giờ tháp Đa Bảo mới được mở cửa, rồi đức Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo ngồi chung một tòa trước đại chúng. Đó là chuyển thức dụng, phân thân nhóm họp các nơi trở về.

CHÁNH VĂN
    Kệ rằng:
                    Nhân gì tháp báu vọt trước đây,
                    Lại nghe trong đó tiếng “Lành thay”,
                    Đại Nhạo Thuyết Tôn, nghi đến hỏi,
                    Thích-ca Văn Phật quyết tỏ bày,
                    Phân thân vốn thật Mâu-ni hóa,
                    Tháp báu nguyên là cổ Phật đài,
                    Đấy chỉ ba thân về một chỗ,
                    Tòa sen cùng ngự, lý không sai.

GIẢNG

Nhân gì tháp báu vọt trước đây, trong kinh đã chỉ rõ nhân duyên tháp báo hiện ra là đức Phật muốn nêu bày tất cả chúng sanh đều có pháp thân thanh tịnh ẩn nơi thân năm uẩn này. Lại nghe trong đó tiếng “Lành thay”, khi bảo tháp vọt lên, đại chúng trong hội nghe tiếng đức Phật trong ấy nói “Lành thay, lành thay”, đó là lời Phật Đa Bảo khen ngợi đức Phật Thích Ca. Vì ngài thệ nguyện nơi nào có giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì ngài thị hiện đến chứng minh, khen lành thay lành thay.

Đại Nhạo Thuyết Tôn nghi đến hỏi, Thích-ca Văn Phật quyết tỏ bày, bấy giờ trong hội có vị Bồ-tát tên là Đại Nhạo Thuyết, thấy những sự kiện ấy mới nghi và hỏi, đức Phật Thích Ca liền vì tỏ bày. Phân thân vốn thật Mâu-ni hóa, Tháp báu nguyên là cổ Phật đài, phân thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khắp mười phương giáo hóa chúng sanh, đó chỉ là thân ứng hóa thôi, không phải thân chân thật. Trong tháp báu này mới là pháp thân Phật.

Đấy chỉ ba thân về một chỗ, tòa sen cùng ngự lý không sai. Muốn pháp thân hiện thì phải gom hết các phân thân của Phật Thích-ca về một nơi, pháp Đa bảo mới mở, để nói lên ý nghĩa chúng ta muốn thể nhập pháp thân thì mọi vọng tưởng lăng xăng phải lặng hết, trở về pháp thân mới được. Chúng ta sống được với tâm xưa nay của mình là tâm thể rỗng rang sáng suốt thì được yên ổn, không còn khổ nữa.

[ Quay lại ]