headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM HIỆN BẢO THÁP - (tiếp theo)

 CHÁNH VĂN

Tháp bảy báu là biểu trưng cho bảy đại, năm uẩn, thân và tâm. Đức Phật trong đó khen “Lành thay” đối với đức Thích Tôn, đây là biểu trưng Pháp thân Phật, ẩn kín trong lầu năm uẩn bảy đại mà phát huy ra sáu căn thấy, nghe, hiểu biết ấy vậy. Chính trong kinh Lăng Nghiêm nói Như Lai tạng tánh là đấy. Đại chúng muốn mở cửa tháp báu để thấy đức Đa Bảo Như Lai. Nhưng đức Phật kia có lời thệ lớn, là cần đợi các phân thân của đức Thích Tôn trong mười phương nhóm họp đông đủ, Ngài mới xuất hiện. Đây là biểu trưng cho hành nhân, muốn tự thấy tâm thể xưa nay của mình, tức phải thu cái nhìn nghe trở lại. Thu nhiếp sáu căn, chẳng cho căn tánh tán loạn ngoài cảnh giới sáu trần. Đến lúc một niệm không sanh, liền đó tự thấy tâm thể xưa nay của mình.

GIẢNG

Tới đây thì tháp Phật Đa Bảo vọt lên chứng minh v.v… Tháp bảy báu là biểu trưng cho bảy đại, năm uẩn, thân và tâm. Chúng ta học về pháp số, về kinh giáo đã nắm rồi. Năm uẩn là gì? Bảy đại là gì? Thân và tâm là gì? Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng gọi là năm ấm. Chữ uẩn có nghĩa là nhóm họp, chữ ấm có nghĩa là che đậy. Sắc tức sắc pháp gồm có bốn đại: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại. Trong thân này có đủ bốn thứ: Cứng là địa đại như xương, hơi thở là phong đại, hơi ấm là hỏa đại, nước là thủy đại.

Bốn thứ thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm. Nội cảm thọ không chúng ta tu mấy chục năm cũng chưa thể nghiệm hết được. Nó là một loại vọng tưởng, người ta thường nói tâm mình nhưng thực ra nó là vọng tưởng. Các loại cảm thọ chẳng qua là bóng dáng của tiền trần, cho nên nó là vọng tưởng. Thế mà chúng ta chấp nhận, nuôi dưỡng, sống và bị nó đẩy vào thế lầm nhận chính là mình, cho nên ta nuôi vọng tưởng và sống với vọng tưởng.

Thứ hai là tưởng. Tưởng tượng của chúng ta dồi dào lắm, ta ngồi đây mà có thể tưởng voi tưởng trâu, tưởng thứ nọ thứ kia. Ngồi nghe làn gió mát thoảng qua là tưởng tượng Đà Lạt lạnh lẽo cô đơn chẳng hạn. Thế thì tưởng tượng cũng thuộc về vọng, nó sâu kín hơn vọng tưởng thứ nhất một chút.

Thứ ba là hành tức những dòng niệm nghĩ. Các triết gia phương Tây thường nói “Có suy nghĩ là có tôi”. Theo tinh thần Phật dạy, suy nghĩ chẳng qua là vọng tưởng. Loại vọng tưởng này sâu sắc hơn các loại vọng tưởng kia. Tưởng tượng thì phải có một hình bóng nào đó để căn cứ, rồi tưởng tượng. Cái suy nghĩ ở đây, đối tượng sâu kín bên trong. Chúng ta dùng trí não suy gẫm về cái gì, xét nét về cái gì, đây là lãnh vực của ý thức, không phải tâm thể, nên nó là vọng tưởng.

Cuối cùng là thức, chú này vô cùng bén nhạy. Nó chuyên phân biệt hay biện biệt. Trong chữ Hán, “biện” có nghĩa là chia chẻ, “biệt” là từng món từng phần. Cho nên đến giai đoạn này, mọi hiện tượng vừa nhìn tới liền được phân tích nhận định tận căn để, giống như đang trong lúc phẩu thuật vậy.

Thế gian cho những người ý thức nhạy bén lanh lợi là thông minh, nhìn sâu hiểu rộng. Với nhà Phật, hạng người ấy chưa đáng khen ngợi, chưa thể giải thoát, giác ngộ được. Do vậy các triết gia, bác học có hiểu biết rộng lớn, nhưng không phải là người giải thoát. Mẫu người lý tưởng của đạo Phật là mẫu người giác ngộ giải thoát, đó mới là đỉnh cao. Bởi thế chúng ta xuất gia, dám bỏ những thứ người khác không bỏ được, như bỏ cha bỏ mẹ, bỏ tất cả để tiến thẳng vào công phu dẹp sạch những suy tư biện biệt, những vọng tưởng điên đảo, với mục đích thể nhập tâm thể sáng suốt trùm khắp của chính mình.

Hòa thượng Viện trưởng dạy vừa có niệm khởi, bỏ đi. Tại sao bỏ đi? Vì biết nó là vọng tưởng. Vừa có niệm khởi dù đó là niệm gì, cũng đừng để nó kéo đi, như thế là người được định, có tỉnh lực. Biết vọng tưởng không thật nên không chấp nhận nó, đó là tuệ. Có định và tuệ rồi thì mọi thứ trên đời chỉ là mớ bòng bong vô nghĩa. Người xuất gia mà ngồi đó tơ tưởng thì quả thật đáng bị quở trách. Chúng ta ngồi thiền chìm sâu trong những suy gẫm, đó chính là điên đảo vọng tưởng. Như thế là đã đánh mất cái định tuệ bản hữu của mình. Cái định tuệ bản hữu này không phải tìm ở đâu cả. Vừa có một dấy niệm mình không động, không chạy theo, cũng không dấy khởi gì hết mà bình thản an nhiên, đó là định tuệ hiện tiền, đó là người có lực lượng, không gì có thể phá hại được. Người đó là người có cung thiền định và kiếm trí tuệ. Chúng ta học và tu là để nhận lại cái bản hữu này.

Đọc lịch sử của đức Thế Tôn, tới khoảng ngài sắp thành đạo, ma quân rầm rộ phủ vây, nhe răng múa kiếm hù dọa đủ thứ chuyện. Bọn ấy hỏi:
- Ông sợ ta không ?
Bồ-tát Sĩ Đạt Đa trả lời:
- Ta không sợ.
- Ông nói dối. Ông có một mình lại tay không, bọn ta đông đảo và khí giới như thế này mà ông nói không sợ ?
Ngài trả lời:
- Ta có cung thiền định và kiếm trí tuệ, biết các ngươi không thật nên ta không sợ.
Như vậy cung thiền định và kiếm trí tuệ ở đâu? Ở sẵn ngay nơi ta, nhưng mình quay lưng bỏ đi, có người nhắc cũng không chịu nhận, nên mới bị ma nhác. Nó nhe răng mình hết hồn chạy tuốt, cung đâu mà thiền định, kiếm đâu mà trí tuệ!

Người thật sự tu hành sẽ cảm nhận được công phu của mình. Bao giờ ta còn điên đảo bởi những hiện tượng bên ngoài tức là chưa vào được công phu. Tánh giác rỗng rang sáng suốt chưa hiện bày thì luôn bị các vọng tưởng kéo lôi hoặc rơi vào một trong bốn trường hợp thọ, tưởng, hành, thức như Phật đã nói ở trên. Ngược lại cả ngày lẫn đêm, trong tất cả thời, mọi sinh hoạt, nếu người có công phu, có lực lượng thì không gì làm lay chuyển nổi.

Trong Thiền Quan Sách Tấn ngài Hoàng Bá nói, cái đó của các ông khi hiện bày thì dù bao nhiêu đức Phật ra đời cũng không biết được, đừng nói là ma quân. Tuy nhiên cái phi thường rơi vào tay thỏ đế cũng trở thành tầm thường. Còn người đã phi thường thì bất cứ cái gì trong tay cũng trở thành phi thường. Người có công phu tự thầm nhận sự tỉnh lặng an lạc thực sự nơi mình. Chỉ có điều mình biết rõ là cái an lạc này chỉ là giai đọan, chưa phải rốt ráo nên không bị đắm chìm trong ngả tẻ. Nếu người tu mà không có cảm nhận an vui nào hết, sẽ không tu nổi. Như các vị cư sĩ tập tu một thời gian thấy chán nản, mệt mỏi thì làm sao tu tiến? Khi nào chúng ta nhận được mình có tánh Phật sẽ bình an. Trời nắng cũng bình an, trời mưa cũng bình an. Mọi thứ chung quanh đều là những chất liệu cần thiết bổ sung cho công phu tu hành của chúng ta.

Công phu hành thiền là tự nguyện, tự nhận, tự sống lại với tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình. Tuy nhiên những danh từ này cũng chưa phải thật, nó là dụng có ra từ tâm thể kia. Bao giờ vọng tưởng yên lắng hết thì không cần nói từ gì cả. Vì vậy chúng ta học kinh Duy Ma Cật, ngay chỗ pháp môn Bất Nhị, ngài Duy Ma Cật không nói. Các vị đại thánh người thì diễn tả như vầy người diễn tả như kia, chỉ tôn giả Duy Ma Cật im lặng. Đó là thể hiện tròn đầy tánh giác. Lý tưởng đỉnh cao của chúng ta ở chỗ ấy. Nói thế cũng là một cách nói để động viên chư huynh đệ tu hành thôi. Thật ra chỗ này càng nói càng xa.

Tháp bảy báu là biểu trưng cho bảy đại, năm uẩn, thân và tâm. Đức Phật trong đó khen “Lành thay” đối với đức Thích Tôn, đây là biểu trưng Pháp thân Phật, ẩn kín trong lầu năm uẩn bảy đại mà phát huy ra sáu căn thấy, nghe, hiểu, biết ấy vậy. Tức là pháp thân Phật ẩn kính trong tháp bảy báu, nhưng biểu trưng ra ngoài là thấy nghe hiểu biết, tức các giác quan của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có pháp thân nằm ẩn trong lầu năm uẩn. Nó biểu hiện ra ngoài qua thấy nghe hiểu biết, tức là những cảm giác từ các giác quan của chúng ta.

Nếu chúng ta thấy đẹp thấy xấu và chạy theo các duyên bên ngoài, coi như chúng ta đã cắt đứt cái mạng mạch giác tánh của mình rồi. Do vậy mà sống theo pháp trần vọng tưởng điên đảo, bị trầm luân sanh tử. Nghe cũng như thế. Như ta ngồi nghe tiếng xe chạy, tiếng người nói chuyện, tất cả âm thanh trong khu vực này đều nghe hết. Nếu ta chạy theo một loại âm thanh nào, liền khi đó cắt đứt sinh mệnh, quên mất giác tính. Tóm lại, chúng ta có sáu giác quan, chúng đều biết, đó là biểu trưng sáng suốt của tâm thể. Tuy nhiên chúng ta lao theo bên ngoài thì mất mình.
Kinh Lăng Nghiêm nói mỗi chúng ta đều có cái Viên Trạm Thường Tính. Như viên ngọc sáng để trong căn phòng, nó phát ánh sáng ra sáu cửa. Chúng ta nhìn thấy gốc cây đẹp liền chạy theo, muốn gốc cây đó của mình, bằng mọi cách đem xe cẩu cẩu về để trước nhà. Đó là chúng ta đã cắt đứt sinh mệnh, giác tánh của mình. Cho nên nơi sáu cửa, chúng ta không chịu quay về mà lao theo pháp trần là nhận giặc làm con. Từ đó mê mờ ngược xuôi theo cảnh duyên bên ngoài. Người như thế Phật nói chưa thể nhận ra Viên Trạm Thường Tính. Người không chạy theo trần cảnh mới sống được với Viên Trạm Thường Tính, Diệu Tịnh Minh Thể của mình. Ở đây cũng vậy, chúng ta đang ngồi thiền, đang tụng kinh, đang làm công việc mà lao theo, vướng mắc, không sống với tánh giác của mình là đã xa cội nguồn.

Trong sự tu hành, chỉ mình khéo nhận thôi. Tuy chúng ta có sẵn cái đó nhưng không khéo nhận thì cũng không được chi. Người khéo nhận ra thì cắt đứt dòng trầm luân sanh tử, các nỗi khổ điêu đứng. Nỗi khổ lớn nhất của chúng sanh là u mê, không nhận được đâu là thật, bám theo cái giả tạo nghiệp, để trôi nổi trong luân hồi sanh tử. Sanh chỗ này chết chỗ kia, nay trồi lên mai sụt xuống, thay hình đổi dạng đời kiếp trôi lăn. Đây là nỗi khổ trầm thống nguy hiểm nhất, chứ không phải khổ thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tình thương gì. Cái khổ đó chỉ trong đời này, nó giả tạm thôi, còn cái khổ kia đến bao giờ ta sáng đạo, phá được mầm tăm tối mới giải trừ hết. Nếu chúng ta cứ tăm tối, lăng xăng điên đảo hoài là nuôi dưỡng gốc khổ, sẽ phải chịu ngược xuôi dính mắc dài dài trên con đường sanh tử triền miên.

Chúng ta không nhận định được như thế thì quả thực là mù mờ. Suốt đời chỉ sống với vọng tưởng, hết đời này đến đời khác. Con người với dây mơ rễ má trầm luân sanh tử, từ đâu tới đâu mình không biết. Do đó tổ Quy Sơn nói “Tiền lộ man man vị tri hà vãng” đường trước mờ mờ chưa biết về đâu. “Tùng tư thỉ tri hối quá, lâm khát quật tỉnh hề di” từ đây mới biết hối hận, đợi đến khát đào giếng thì làm sao cho kịp. Cho nên hiểu biết rồi thì ráng tu, chớ lăng xăng hoài giống như người đợi khát cháy cổ mới đào giếng thì làm sao kịp, chắc phải chết khát.

Tu hành thật ra không khó, chỉ ta chịu tu, ta biết thương mình hay không thôi. Một khi quyết tâm rồi nhất định chúng ta sẽ tu tiến, sẽ gắn bó với Phật pháp. Tuy nhiên trong kinh A Hàm, Phật có dạy dù học hiểu Phật pháp thấu đáo rồi nhưng có người tu tiến, có người tu không tiến. Vì sao? Vì nhận ra mà người chịu sống thì mới đến Niết-bàn, còn người nhận ra mà không tu thì không đến được Niết-bàn. Rõ ràng như thế. Chúng ta còn ngao du, còn lăng xăng thì không được gì cả.

Nhưng đức Phật kia có lời thệ lớn, là cần đợi phân thân của đức Thích Tôn trong mười phương nhóm họp đông đủ, Ngài mới xuất hiện. Đây là biểu trưng cho hành nhân, muốn tự thấy tâm thể xưa nay của mình, tức phải thu cái nhìn nghe trở lại. Thu nhiếp sáu căn, chẳng cho căn tánh tán loạn ngoài cảnh giới sáu trần. Đến lúc một niệm không sanh, liền đó tự thấy tâm thể xưa nay của mình. Đoạn này ngài dạy chúng ta phải thu nhiếp sáu căn trở lại. Chúng ta ngồi thiền, hành thiền, sống thiền, sinh hoạt thế nào mà các giác quan không dính mắc trần cảnh. Đó là hằng sống với tâm thể xưa nay của mình.

[ Quay lại ]