headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM PHƯƠNG TIỆN, THÍ DỤ, TÍN GIẢI, THỌ KÝ (tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN

Thọ ký(1) là chỉ thẳng tâm bản lai thanh tịnh này, tức chân như Phật, tri kiến đạo. Dùng tâm này làm nền tảng tu nhân, tương lai chứng được quả vị trong sạch trang nghiêm cõi Phật. Chính trong kinh đã nói: “Nhân như thế, duyên như thế, quả như thế, báo như thế, rốt ráo trước sau đều như thế”.
Tổ Bá Trượng cũng nói: “Chẳng lầm nhân quả” là đấy!

GIẢNG

Người công phu như thế, thể hiện như thế, sống như thế, làm như thế, quyết tâm như thế thì sẽ đến chỗ như thế. Chúng ta sống một đời sống đầy đủ phẩm chất của người có công phu, nhất định sẽ tới chỗ an vui thanh tịnh, không chạy đàng nào khác. Nên nhớ đừng đi ngả tẽ. Ở thiền viện học như thế, tu như thế, sinh hoạt như thế. Mai mốt gặp ai nói đừng theo Hòa thượng nữa, theo tôi chừng ba tháng là giải quyết hết tất cả nghiệp tập, liền đi theo. Đó là ma mị cám dỗ người. Kẻ yếu thì bị nó hốt hồn thôi. Không có nghiệp tập nào giải tỏa như thế đâu. Nghiệp tập do mình tạo, mình không giải tỏa được thì không ai giải tỏa cho. Chuyện trong bụng mình không nói ra thì không ai biết. Ngài Hoàng Bá nói: “Dù một ngàn đức Phật ra đời cũng không biết được chỗ bất động của ông”.

CHÁNH VĂN

Chư thiên mừng khen, là bởi các trời xưa ở trong chỗ tu hành do phước hữu lậu mà được sanh lên cõi trời, nhưng chưa thoát khỏi luân hồi và năm thứ tướng suy(2). Nay nghe được tâm trong sạch mầu nhiệm như hoa sen, đồng thời rõ được yếu chỉ xuất thế, mừng rỡ tự biết sẽ là Phật, nên cùng nhau khen ngợi vậy.

Trong phẩm Thí Dụ, nhà lửa là dụ cho ba cõi, sáu đường. Lửa là dụ cho sanh, già, bệnh, chết v.v… tám thứ khổ và vô lượng phiền não. Ông trưởng giả là dụ cho Phật. Các con ông trưởng giả là dụ cho đệ tử Phật. Ba xe là dụ cho lời dạy thuở xưa. Nhất thừa là chỉ cho cơ lớn vui thích. Chàng cùng tử bỏ cha chạy trốn là dụ chúng sanh mê căn nhận thức. Mà thức thì tản mạn theo sáu trần, chưa từng phản chiếu lại căn nguyên. Đã nhờ tiếp nhận, mà vẫn còn tự khi ta là phàm phu, lòng không chút hy vọng.

Than ôi! Đức Thế Tôn đành nhận tướng phàm phu mà tùy nghi vì nói.

GIẢNG

Đây là lời của ngài Minh Chánh, qua cảm khái về sự việc trước mắt của tất cả chúng sanh và chính bản thân mình, nên ngài làm đề cương này.

Tất cả những dụ nói ở trên đều nằm trong phẩm ví dụ của kinh Pháp Hoa. Nhà lửa dụ cho sanh già bệnh chết, tám thứ khổ và vô lượng phiền não. Tại sao nói nó là lửa? Vì nó làm chúng ta khó chịu còn hơn lửa nữa. Như lửa đốt mình chỉ nóng thôi, nhưng hôm nào bị phiền não, chẳng những nóng bức mà còn mất ăn mất ngủ, buồn bực, tu tập không được. Tay chúng ta rủi bị đun trong lửa một cái xèo, nó đau nhức theo kiểu bị lửa đốt cháy, chỉ đau đớn trên thân phần này thôi. Trong khi lửa phiền não nguy hại hơn nhiều. Nó đốt tiêu những cơ hội tốt đẹp của mình, từ lửa phiền não chúng sanh tiếp tục tạo nghiệp thêm, luân chuyển dài lâu trong nhiều kiếp sống khổ đau. Nói tóm lại, trong tất cả các thứ lửa, lửa phiền não là đáng sợ nhất.

Nhìn chung huynh đệ chúng ta ai cũng có một túi phiền não. Không biết nó ở đâu, chứa trong hộc trong đơn nào, mà có cơ hội là nó nhảy ra liền. Có loại phiền não tự tôn, có loại phiền não tự ti... Bây giờ muốn giải trừ phiền não, phải làm sao? Phải có trí tuệ sáng suốt, cụ thể là phải có công phu tu hành. Không có công phu tu hành, không làm sao giải trừ được phiền não. Người thiếu công phu tu hành, thiếu tỉnh lực, thiếu trí tuệ, thấy cái gì cũng phiền não, nghe cái gì cũng phiền não, ăn cái gì cũng phiền não, làm cái gì cũng phiền não hết. Quái lạ! Cái này đâu có sung sướng, đâu có thoải mái thích thú gì, mình cũng không muốn cất chứa nó làm chi, nhưng không hiểu sao nó cứ bày ra đó, ì ra đó.

Bây giờ chúng ta cố gắng triệt tiêu. Nói triệt tiêu giống như chiến sĩ chiến đấu với hư không vậy. Biết nó ở chỗ nào mà đập cho một hèo? Ai biết được phiền não mình ở đâu? Ngồi thiền mò mẫm từ ngày này tới ngày kia, không biết nó ở đâu, mà hở chút là nó ló đầu ra liền. Bây giờ phải có trí, có công phu lắm mới thắng được nó, thắng nó rồi mới an lạc. An lạc rồi mới được thọ ký thành Phật.

Kệ rằng:

                Thân Tử mong nhờ nhận trước tiên,
                Hoa Quang cõi Phật quả y nhiên,
                Các trời hớn hở vui đồng tánh,
                Hai dụ tuyên dương rõ đốn viên,
                Đầu hứa ba xe, sau tặng một,
                Trước cho nhà cỏ cuối thêm kiên,
                Trong đây quyền thật đều phô diễn,
                Được ý quên lời mới là hiền.

 Bài kệ thơ Đường này rất hay. Chỉ bài kệ này, chúng ta tu đủ thành Phật rồi.
Năm thứ tướng suy của chư thiên hiện ra khi các ngài hưởng hết phước trời, sắp đi đầu thai là:

1. Quần áo thường dơ bẩn.
2. Trên đầu tóc rối, hoa tàn tạ.
3. Thân thể hôi nhơ.
4. Dưới nách thường ra mồ hôi.
5. Không thích chỗ ngồi của mình.

Chư thiên trên trời phước báu nhiều vô lượng, nhưng lúc gần hết phước thì năm tướng này hiện ra. Dưới nách thường ra mồ hôi, chúng ta bị rồi nghe. Không thích chỗ ngồi của mình, khi phiền não mình đi kiếm chỗ này chỗ kia tu, như vậy cũng hiện tướng suy này. Quần áo thường dơ bẩn. Thân thể hôi nhơ. Ta có luôn. Trên đầu tóc rối, hoa tàn tạ. Mỗi chư thiên do phúc báu của họ, trên đầu thường có hoa tươi xinh xắn. Khi nào phúc hết, các hoa này héo. Mà ở trên đó rớt, không chắc được rớt xuống đây. Chỉ những ai có duyên với Phật pháp mới rơi xuống cõi người, bằng không là đi thẳng xuống âm phủ luôn hay thọ sanh vào các đường dữ, chứ không phải chơi. Bởi vì suốt một quá trình thụ hưởng, không có cơ hội gầy dựng công phu cho định tuệ phát sinh. Một khi thụ hưởng hết phước rồi giống như cái thùng rỗng, rớt thì rớt tận xuống đáy luôn.

Do đó đạo Phật không chủ trương sanh lên thiên giới. Được phước thì hưởng nhưng cứ hưởng hoài, hết phước rớt xuống rất nguy. Ở cõi người phước tuy không bằng chư thiên, nhưng nhờ thế chúng ta biết tu. Công phu là điều hết sức quan trọng. Chúng ta biết sợ tội, sợ nhân quả, biết tỉnh giác để tu là những cơ hội tốt. Cho nên các vị thánh, các vị tu Bồ-tát đạo phần nhiều thị hiện trong cõi người , vì chỉ có cõi này đủ điều kiện để tu tiến nhất. Nên biết được thân người là một phước báu rất lớn, chúng ta phải nỗ lực, phấn đấu giải trừ phiền não để thoát khỏi nỗi khổ lớn sanh tử.

Chúng ta muốn được thọ ký, muốn sống với tri kiến Phật thì phải nhận hiểu lời Phật dạy và có công phu. Cụ thể chúng ta vâng giữ đúng thời khóa trong thiền viện, nâng cấp công phu ngày một cao hơn, không để nó loãng hay lệch lạc, không để mất thời gian. Việc này đòi hỏi huynh đệ chúng ta tự ý thức, tự nỗ lực.


(1) THỌ KÝ: Đức Phật nói trước những việc sắp đến của vị đó một cách chắc chắn như: sau bao nhiêu năm sẽ thành Phật danh hiệu gì, ở cõi nào và tuổi thọ bao nhiêu v.v…
(2) Năm thứ tướng suy của chư thiên: Khi các Ngài hưởng hết phước trời sắp đi đầu thai thì năm thứ tướng này hiện ra:
1 - Quần áo thường dơ bẩn.
2 - Trên đầu tóc rối, hoa tàn tạ.
3 - Thân thể hôi nhơ.
4 - Dưới nách thường ra mồ hôi.
5 - Không thích chỗ ngồi của mình.
 

[ Quay lại ]