NÊU RÕ DIỆU LÝ THEO MỖI PHẨM TRONG KINH PHÂN GIẢI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 10 Tháng Hai 2008 03:36
- Viết bởi nguyen
Phẩm Tựa, vào đầu nói: “Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, ngài vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ. Thân tâm chẳng động, giữa chặng mày phóng ánh sáng trắng, chiếu thẳng đến phương đông, tướng các cảnh giới bên đó đều hiện rành rõ”, ấy là sao ?
Bởi ánh sáng này trưng biểu cho nhãn căn thấy tánh, tức là Diệu pháp đạo lớn Nhất thừa chẳng nghĩ bàn, cũng là Tối thượng Phật thừa. Lại phương đông thuộc mộc, can tạng chúng ta cũng thuộc mộc. Trong can ngoài nhãn, tinh quang chiếu kiến. Chiếu kiến này chính là tâm. Thân tâm chẳng động phóng ra ánh sáng, là trưng biểu cho tâm thường lặng lẽ, ánh sáng thông cả chiếu kiến. Tâm này xưa nay trong sạch chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chúng sanh theo chiếu bỏ mất chân tông, đuổi cảnh mà bị lưu chuyển. Ấy bởi chấp nhận vọng thức làm tâm vậy.
Thế nên, đức Thế Tôn hiện ánh sáng giữa chặng mày chẳng động này, khiến các chúng sanh bỏ vọng về chân, mà chuyển thức thành trí. Đương cơ, ngài Di Lặc khởi nghi, là theo thức mà tỏ bày tướng cảnh giới hiện bên ngoài kia. Bồ-tát Văn Thù nêu rõ bản nhân của ánh sáng nhiệm mầu. Nghĩa là hiện nay thấy điềm ấy như xưa. Đây lại trưng biểu cho thức theo cảnh mà hiện, cảnh từ căn mà có. Căn tức là ứng dụng của tâm, đấy cũng chính là trí căn bản.
Nên biết, một ánh sáng mà hiện khắp, nhằm bày tỏ gốc là một tinh minh chia làm sáu hòa hợp. Vào một căn mà viên ngộ cả sáu căn, vào một pháp mà chóng rõ hết các pháp là đấy.
Kệ rằng:
Phật tuệ chiếu soi khắp phương đông,
Cùng thời, chúng hội khởi nghi đồng.
Mở đầu Di Lặc, Khai mê thức,
Chỉ thẳng Diệu quang, Thị giác không.
Lập một phá ba, toan trước hiển,
Ngộ quyền về thật, sẽ sau thông.
Pháp môn tùy Nhập, dù vô lượng,
Đồng đến Liên Hoa, pháp mênh mông.
GIẢNG
Tiếp theo là phần nêu rõ diệu lý theo mỗi phẩm trong kinh phân giải. Trước nhất là Phẩm Tựa, vào đầu nói: “Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, ngài vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ. Thân tâm chẳng động, giữa chặng mày phóng ánh sáng trắng, chiếu thẳng đến phương đông, tướng các cảnh giới bên đó đều hiện rành rõ”, ấy là sao ?
Ở đây nêu lên câu hỏi sau khi Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, ngài vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm chẳng động, giữa chặng mày phóng ánh sáng trắng, chiếu đến phương đông v.v… tất cả các hiện tướng đó là sao? Theo tinh thần Thiền, ngài Minh Chánh điểm qua từng sự kiện cho chúng ta thấy. Bởi ánh sáng này trưng biểu cho nhãn căn thấy tánh, tức là Diệu pháp đạo lớn Nhất thừa chẳng nghĩ bàn, cũng là Tối thượng Phật thừa. Tức nói về ánh sáng biểu trưng cho nhãn căn thấy tánh. Đây là điểm quan trọng của nhà Thiền.
Đọc tụng kinh Pháp Hoa, nếu không được sự chỉ điểm của các thiền sư theo tinh thần Thiền, chúng ta sẽ không nhận được yếu chỉ của kinh thông qua cái hiện tại sinh động này. Cái nhìn của nhà thiền rất đơn sơ nhưng sâu sắc, giúp chúng ta nhận được bản tâm ngay nơi sáu căn này. Từ trước, rất nhiều vị trì tụng kinh Pháp Hoa nhưng chưa hề biết Phật tri kiến là gì hoặc ngỡ rằng tri kiến ấy của Phật, chứ mình không có phần. Chư Phật ra đời là nhằm chỉ cho chúng sanh Phật tri kiến của chúng sanh, giúp chúng sanh nhận ra Phật tri kiến của mình.
Phẩm Tựa nêu lên hình ảnh Phật phóng quang giữa chặng mày, ánh sáng trắng chiếu thẳng phương đông. Từ ánh sáng đó chúng sanh thấy được tất cả hiện tướng sinh hoạt của mình. Ở đây nói ánh sáng này biểu trưng cho nhãn căn thấy tánh, tức là Diệu pháp đạo lớn Nhất thừa chẳng nghĩ bàn, cũng là Tối thượng Phật thừa. Ánh sáng đó không phải hào quang bên ngoài, mà từ tâm phát ra. Giữa chặng mày chính là chân tâm vậy.
Lại phương đông thuộc mộc… Đây là lối giải thích liên hệ tới Ngũ hành. Các Tổ mình ngày xưa hay nói như vậy. Để làm gì? Để chúng ta từ đó nhận lại việc của mình. Phật giáo Việt Nam vào thời Trần chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Trong đó có Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Giai đoạn đầu chúng ta theo tập cấp của Khổng giáo, con người được giáo dục lớn lên theo lễ giáo như thế, học hành, thi cử, đỗ đạt, làm việc đều theo nếp nhà Nho. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Đạo giáo. Tức luyện đan, tu pháp thần tiên, sống hằng nghìn tuổi, bước đi từ đầu non này qua đầu non khác v.v… vui thích với Bồng Lai tiên cảnh. Sau khi đã sống trải nếm đủ mùi đời rồi, bây giờ con người ước mơ tuổi thọ kéo dài, sống nhẹ nhàng thanh thản nơi cảnh non Bồng nước Nhược. Đến giai đoạn thứ ba trở về với Phật, sống với chính mình. Bấy giờ buông tất cả mơ ước giả tạm, sống trong tinh thần rỗng rang sáng suốt, tự tại giải thoát. Trở lại bình thường, không ước mơ gì nữa, thôi ngược xuôi, không còn dính mắc mọi thứ xung quanh. Sống được với tinh thần Phật, đó là sống Thiền. Tâm như, cảnh như, tâm cảnh không dính nhau gọi là tâm cảnh như như.
Tuy chủ trương như thế, nhưng trên thực tế ít ai đi hết ba giai đoạn trên. Có người gục ở đoạn thứ nhất, có người lan man bước sang đoạn thứ hai. Giai đoạn này lại không có thầy, nếu có bước sang con người cũng sống trong những giấc mơ thôi. Cuối cùng thấy giấc mơ không phải là hiện thực, họ từ bỏ và chuyển sang giai đoạn thứ ba, đó là trở về với chính mình. Ba giai đoạn trên, ít có ai thực hiện được trọn vẹn. Tới một giai đoạn nào đó, ngã tư nào đó, người ta tẽ. Mà đi ngã tẽ thì chẳng tới đâu. Đó chính là sự hụt hẫng giữa giấc mơ và hiện thực.
Con người luôn luôn bị dằn co bởi thể lý tâm lý, giống như người đứng giữa ngã tư đường không biết mình phải đi ngã nào? Thân thì muốn đi ngã này mà tâm lại hướng về ngã khác. Đạo Phật không chấp nhận như vậy, chỉ chấp nhận cái hiện thực bình thường an nhiên tự tại. Mà muốn được như thế trước nhất phải bình thản, định tĩnh. Cho nên với người tu thiền, điều đầu tiên không thể thiếu được là tinh thần tự tỉnh giác. Tự tỉnh giác để làm gì? Để những ngã tẽ kia, mọi thứ hấp dẫn xung quanh cuộc đời này không làm gì chúng ta. Chúng ta vẫn nghe, vẫn thấy, vẫn ngửi, vẫn nếm nhưng đều bình thản trước tất cả. Ta không chạy trốn thứ nào, cũng không lầm thứ nào.
Con đường đó là con đường Thiền. Vậy nên các thiền sư, các hành giả trong tông môn thường nhắc nhở chúng ta, quan trọng ở công phu áp dụng. Làm sao chủ động được các giác quan, tiếp cận với trần cảnh không bị kéo lôi, chúng ta không lầm chạy theo bất cứ cảnh duyên nào bên ngoài. Người được như vậy là người tự tại, cũng gọi là người sống với nếp thiền. Từ hướng đó chúng ta nhận ra được ý nghĩa của thiền, định nghĩa được thiền là gì trong đời sống này.
Hòa thượng Viện trưởng đinh ninh nhắc dạy chúng ta, tỉnh giác liên tục và làm chủ được các dấy niệm, đó là sống với Ông Chủ, với tánh giác của mình. Khỏi nói Thiền nói Đạo chi, sống được với Ông Chủ không bị cảnh duyên kéo lôi, không lầm cảnh duyên xung quanh là đủ rồi. Thiền là như thế. Nói đến Thiền thì có nhiều cách, nhiều phương thức áp dụng. Phương thức không bị vướng, bị kẹt bởi bất cứ cảnh duyên nào là phương thức của Thiền tông. Nói phương thức nhưng nó không có phương thức gì hết, không có bài bản nào cố định. Ở đây chủ trương tỉnh giác. Tỉnh giác không phải là phương pháp, nó là một sự an nhiên, tỉnh táo sáng suốt bình thường. Khi cần soi rọi thì soi rọi, không cần thì bình thường. Không nói sáng không nói tối, không nói tỉnh không nói mê.
Nhiều người cho rằng phương pháp này không tưởng. Không phải không tưởng. Vì từ lâu nay chúng ta đụng cái nào là dính cái ấy, các thiền sư nói ta giống như con cẩu, cái gì cũng liếm. Nói pháp dính pháp, nói cảnh dính cảnh, nói tâm dính tâm, nói trí dính trí… Ở đây nói không có một pháp cố định để chúng ta vào không được vô không nổi, mới không kẹt dính. Rõ ràng như vậy.
Ở Trung Hoa có quan Thị Lang Bạch Lạc Thiên là một văn hào lỗi lạc. Khi đến trấn nhậm vùng mà thiền sư Ô Sào đang trụ hóa ở đó. Chữ Ô Sào có nghĩa là ổ quạ. Đặc biệt kỳ lạ hơn thiên hạ, thiền sư Ô Sào tìm một ngọn cây, làm cái ổ ngồi trên đó. Bạch Lạc Thiên đến trấn nhậm vùng này nghe danh thiền sư Ô Sào, đến yết kiến. Khi đến thấy ngài ngồi trên cây, ông đứng dưới nói:
- Ngài ở chỗ chi mà nguy hiểm?
Thiền sư trả lời:
- Chỗ của ta không có nguy hiểm, chỗ của ông mới nguy hiểm.
Bạch Lạc Thiên thưa:
- Chỗ của con có gì nguy hiểm?
Thiền sư bảo:
- Chỗ của ông dưới một người mà trên muôn người. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua.
Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua, sự tật đố tị hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng chắc của cội cây này!
Bạch Lạc Thiên nghe xong im lặng, cúi đầu. Sau đó ông hỏi tiếp:
- Xin Ngài chỉ cho đại ý của Phật pháp?
Thiền sư liền đáp:
- Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.
Dịch:
Chớ làm các điều ác,
Vâng làm các việc lành,
Tự thanh lọc ý mình,
Là lời chư Phật dạy.
Bạch Lạc Thiên nghe xong bảo:
- Những lời ngài vừa nói, đứa bé chín tuổi cũng thuộc.
Thiền sư mỉm cười:
- Đứa bé chín tuổi cũng thuộc nhưng chưa chắc ông già bảy mươi làm được.
Tới đây Bạch Lạc Thiên mới bắt đầu kính lễ, xin thọ giáo với thiền sư Ô Sào.
Bài kệ thiền sư dạy, ở đây những thiền sinh trên mười năm chưa chắc đã làm được. Bao giờ chúng ta làm chủ được các giác quan, các dấy niệm của mình, luôn sống với ông chủ, không bị cảnh duyên bên ngoài kéo lôi, chừng ấy thôi khỏi phải tụng Pháp Hoa, tụng Bát-nhã… tụng gì cả. Làm chủ được các dấy niệm thì định tuệ đồng đẳng, y như lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng. Lúc đầu nhiều người phê phán pháp của Hòa thượng Viện trưởng dạy giống ngoại đạo, không nhằm trong kinh điển nào hết. Nhưng sự thực đây là pháp môn chỉ thẳng, ai có hành trì mới biết.
Kinh Pháp Hoa nhằm chỉ cho chúng ta tri kiến Phật, để chúng ta nhận ra tánh Phật ngay nơi chính mình. Tại sao trong kinh phải nói đức Phật phóng ánh sáng, có sự chứng kiến của chư Phật, chư Bồ-tát từ các phương đến? Tại vì ánh sáng ấy là ánh sáng tự tâm, không phải ánh sáng của điện đèn. Tướng hào quang sáng giữa chặng mày là chỉ cho ánh sáng tự tâm. Nói một cách bình thường không ai tin, nên phải có chư Phật và Bồ-tát khắp mười phương chứng minh cho điều đức Phật Thích Ca nói là đúng. Cho nên biết thấy được tất cả mọi thứ bằng con mắt tâm là thấy được chân lý.
Ngày nay chúng ta đủ duyên đủ phước hành đạo, thật là quí báu. Nếu để mất cơ hội này, mất duyên này mình sẽ trôi dạt không biết về đâu? Cho nên chúng ta phải tranh thủ làm sao nhận ra được yếu chỉ đó. Mỗi ngày huynh đệ được sống, được học hiểu, được áp dụng tu tập như thế này thì thật không còn gì quý bằng! Đầu đêm cuối đêm, các vị ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách, nghe giảng, làm các công tác Phật sự đều biết rõ ràng. Đó là chúng ta sống đạo, sống với tri kiến Phật. Cho nên chúng ta cố gắng đừng cho tâm xen tạp, tỉnh giác liên tục thì tiến thẳng trên con đường Phật đạo, chừng nào bằng Phật với vừa lòng con. Ngược lại, nếu chưa như thế thì chúng ta dễ thoái chuyển, nhìn qua nhìn lại, thấy thế này cực, thế kia sướng. Cứ đặt vấn đề hoài, càng đặt càng không hài lòng, cuối cùng bỏ cuộc. Vì vậy đã lập chí tu hành đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, quyết tử, khẳng định như thế, không có gì lay chuyển được.
Bây giờ còn trẻ còn sức khỏe các huynh đệ không siêng tu, đến lúc thân thể suy kém, mất thăng bằng, làm sao áp dụng công phu, làm sao chúng ta giữ được chánh niệm, làm sao hành trì liên tục nổi. Lúc đang có điều kiện chúng ta chưa chịu yên tu, còn ngó qua ngó về, đợi đến khi sức khỏe suy thoái, bệnh tật ập đến chỉ còn nằm đó, hoàn toàn mất hết tự chủ. Trong lúc tỉnh sáng quyết định rõ ràng, mình không chịu làm, đợi đến lúc mơ mơ, muốn nói nói không được, làm sao mà “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” nữa. Cho nên bây giờ là chúng ta phải hạ quyết tâm thôi.
Học kinh Pháp Hoa là để nhận ra tri kiến Phật của chính mình. Tri kiến Phật này không phải của người khác, không phải của Phật Bồ-tát cho chúng ta, mà chính chúng ta có sẵn. Chư Phật ra đời chỉ cho chúng ta cái chúng ta có sẵn. Thành ra học kinh Pháp Hoa là đem cái của mình ra dùng. Đến giai đoạn chúng ta phải nhận được viên bảo châu vô giá, nhận ra tri kiến Phật của mình, cắt đứt mọi thứ ngược xuôi, những lăng xăng từ trước đến giờ. Ngài Minh Chánh làm Pháp Hoa đề cương này cũng nhằm nhắc nhở chúng ta cái đó. Người tu Phật không cần phải nhận thêm tòa nhà nào, sự nghiệp nào ngoài tri kiến Phật của chính mình. Hãy lấy viên bảo châu vô giá trong chéo ra dùng để không còn ngược xuôi, nghèo khó, lang thang xin ăn vất vả nữa, chấm dứt cuộc đời cùng tử, trở về với đời sống trưởng giả vốn có từ vô thủy.
Phần dưới thiền sư Minh Chánh nói về Ngũ hành… là do ảnh hưởng Tam giáo đồng nguyên từ thời Trần. Thật ra điều này không phải mê tín, mà là cái nhìn của Nho Lão vào thời đó như vậy. Thông hiểu nền văn minh khoa học trong thời đại của mình, cũng hỗ trợ nhiều cho việc giáo hóa của các thiền sư đương thời. Trong thời đại chúng ta ngày nay tối kỵ sự mờ mịt, cho nên chúng ta không được mờ mịt. Mọi thứ đều được đưa ra ánh sáng, bởi vậy thiền phải được tiếp cận với quần chúng. Nói lý chung chung, không có kinh nghiệm thực hành, sẽ không có ai nghe ta đâu. Đó cũng là điều khiến cho thiền tăng chúng ta phải hiểu và tu cho tới nơi tới chốn.
Mê tín hay chánh tín không có biên thùy nào cố định cả. Ta làm gì mà không biết manh mối, làm mà không thông, bày đặt ra đủ chuyện, đó là mê tín dị đoan. Thiền tăng có trách nhiệm làm sao cho mọi thứ trong cuộc sống phải được mở sáng. Không mở sáng bằng kiến thức thu gặt trong học hỏi, mà mở sáng bằng tâm tuệ giác, từ công phu tu hành của chúng ta. Người có công phu, mỗi ngày khám phá được những tâm tưởng phiền não vọng động, không bị nó lôi kéo nữa, đó là có trí tuệ Bát-nhã. Hồi xưa không biết chúng ta cho thân này là thật, bây giờ từ trí tuệ Bát-nhã thấy rõ nó không thật nên không tham đắm, không chấp kẹt nó nữa. Nhờ thế chúng ta bớt khổ vì thân.
Các nhà khoa học thể nghiệm việc bên ngoài, còn người tu thiền thể nghiệm việc của mình. Như nói về thân thì người tu hành không bao giờ cho thân này thật. Cho đến tâm cũng vậy, người có công phu thấy không thật. Tất cả hiện tượng trên thế gian này, dưới con mắt người có trí tuệ đều không thật, không có chủ tể. Ngày nay khoa học cũng dần dần thấy như thế. Phân tích từ những vật chất lớn tới những hạt điện tử cực nhỏ, cuối cùng không tìm ra vật chất cụ thể, ngoài bầu hư không mênh mông trường tại. Cho nên khoa học càng nghiên cứu càng phát minh càng thấy lời Phật dạy là chân lý. Với con mắt trí tuệ Bát-nhã, hành giả thấy các pháp lưu hành trước mắt, thể tánh rỗng không.
Công năng hành thiền đem lại cho hành giả những lợi ích rất to lớn và thiết thực. Cho nên thiền sư Đại Giác tông Lâm Tế nói trong Luận Tọa Thiền “ngồi thiền là ngồi làm Phật”. Ngồi một giờ là làm Phật một giờ, ngồi hai giờ là làm Phật hai giờ… Thế thì bây giờ chúng ta ngồi thiền như thế nào để được gọi là ngồi làm Phật? Các tổ không bao giờ nói ngoa, chỉ vì chúng ta tu hành không đúng như những gì cổ đức chỉ dạy thôi. Những ai chưa hành thiền đúng thì chưa đạt được kết quả tốt, mà chỉ là học trên sáo ngữ. Ngồi thiền phải mở sáng mắt trí tuệ ra, soi thấy thân tâm hư vọng, không theo, như thế mới an định. Có định mới có tuệ. Định tuệ hiện tiền mới gọi là Phật chứ!
Học ngữ là sao? Là bắt chước nói theo những ngôn ngữ nhà thiền, chứ không dám buông tay, để nhận ra cái chân thật. Đối với thiền, phải dám buông tay mới nhận ra được tánh Phật. Như thiền sư Ô Sào dám làm ổ trên ngọn cây để sống mới sáng đạo. Thiền tông có những hành giả dám đi vào cuộc lữ ấy, bỏ tất cả để nhận được cái trọn vẹn nhất. Trong cuộc lữ ấy nếu không dám buông thẳng tay, còn một chút vướng mắc thì chẳng những đời này mà nhiều đời kế tiếp cũng chỉ là kẻ học ngữ thôi, không thể nào nhận được bản tâm chân thật.
Khi nghe một vị Luật sư nói các thiền sư chấp không, ngài Đại Châu bảo: “Các ông mới là người chấp không”. Vị Luật sư hỏi: “Chúng tôi căn cứ lời Phật dạy, giữ gìn mọi thứ oai nghi tế hạnh, vì sao chấp không?” Thiền sư mới chỉ “Kinh điển văn tự là phương tiện giả lập, chấp trên những thứ đó, không phải chấp không là gì?”. Một khi chúng ta vướng mắc vào phương tiện, cả đời loay hoay lẩn quẩn, không có lối ra. Quả thật nhìn lại quá trình tu hành, đôi khi chúng ta không có lối thoát. Như ngài Đại Giác nói một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật. Chúng ta ngồi thiền hai ba giờ mà không có một phút làm Phật, vì sao? Vì chưa dám buông tay.
Xét lại công phu, với quá trình tu hành như thế sẽ đưa chúng ta tới đâu? Đó là điều xót xa nhất của mình. Tuổi thọ không cho phép chúng ta kéo dài thêm giờ phút nào, tới lúc chấm dứt dù muốn hay không, ta phải chấp nhận. Không luật sư trạng sư nào chạy chữa được khoảng này cả. Dù hạng quyền quý giàu sang địa vị cỡ nào cũng không giải quyết được. Chuyện hiện thực hôm nay chúng ta cứ lơ là, để ngày tàn tháng lụn trôi qua, chấp nhận một cuộc sống mơ hồ, kéo dài cuộc lữ trong vòng luân hồi không lúc nào tỉnh. Đức Phật bảo thật đáng thương.
Chúng ta còn tranh chấp hơn thua, xấu đẹp, dài ngắn v.v... đủ thứ chuyện, làm sao nhập tri kiến Phật được. Ngài Đại Châu cảnh giác chúng ta bằng một thông báo chung là chớ có chấp ngôn ngữ văn tự. Luật nghi, văn tự trong từng pho kinh điển đều không thật, bằng chứng rõ ràng là chúng ta có thể in ra được mà. Nếu nó thật làm sao người ta in hàng trăm tập cho khắp thế giới. Cái thật không thể đem cho được. Cho nên phải biết ngôn ngữ văn tự như ngón tay chỉ mặt trăng, chớ nó không phải là mặt trăng. Nương kinh điển để nhận ra tri kiến Phật nơi mình, chớ không phải học kinh điển để nói như con vẹt. Học kinh là để tu, không học thì không biết đường mà tu, nhưng nhớ không được chấp kinh. Nếu như kinh tạng để nằm ì trong tủ không ai rờ mó tới, không ai dịch giải ra, không ai giảng nghĩa thì có lợi lạc gì đâu. Không một pho kinh nào tự ngồi dậy nói tôi là tri kiến Phật đây.
Chỗ này Hòa thượng Viện trưởng nói giống như lâu nay khách khứa đầy nhà, bây giờ mời hết khách ra. Không cần phải nói ông chủ, ông nào còn lại đó là ông chủ, khỏi phải giới thiệu. Chủ thì không đi đâu, khách khứa mới tới lui lăng xăng. Những người tới lui không phải là chủ. Cũng thế các pháp trần phiền não chợt hiện chợt mất, không thật, còn cái chủ trì bên trong thì cứ thế không đến không đi, bất sanh bất diệt. Nhưng nghe nói bất sanh bất diệt ta liền chấp bất sanh bất diệt, cho Phật tánh bất sanh bất diệt thì chết cứng ngay đó, coi như Phật tánh bị mình đóng cái mác ngay đó.
Có những món đồ ai làm ra không biết, nhưng khi tới mình, ta đóng cái mác tên vào thì nó là của mình. Tức thì ai đụng tới không được, đụng tới là cù cặn nổi lên. Điên đảo của chúng sanh là như thế, mất quyền làm chủ là như thế. Bây giờ mình thu hồi lại quyền làm chủ, không bị những lăng xăng bên ngoài quấy động nữa, sống trở về với tri kiến Phật của mình. Đừng vướng kẹt bất cứ thứ gì có hình tướng, có sanh diệt nữa, thì lập tức giải thoát an vui ngay.
Tâm này xưa nay trong sạch chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chúng sanh theo chiếu bỏ mất chân tông, đuổi cảnh mà bị lưu chuyển. Ấy bởi chấp nhận vọng thức làm tâm vậy. Đó là sự lầm mê của chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay. Nhận giả làm chân, nhận khách khứa bên ngoài làm mình, nên tạo nghiệp khổ cho nhau.
Thế nên, đức Thế Tôn hiện ánh sáng giữa chặng mày chẳng động này, khiến các chúng sanh bỏ vọng về chân, mà chuyển thức thành trí. Đương cơ, ngài Di Lặc khởi nghi, là theo thức mà tỏ bày tướng cảnh giới hiện bên ngoài kia. Bồ-tát Văn Thù nêu rõ bản nhân của ánh sáng nhiệm mầu. Nghĩa là hiện nay thấy điềm ấy như xưa. Đây lại trưng biểu cho thức theo cảnh mà hiện, cảnh từ căn mà có. Căn tức là ứng dụng của tâm, đấy cũng chính là trí căn bản. Theo cái nhìn của thiền sư, mọi hiện tượng chung quanh đều từ tâm, từ trí của mình hiện ra. Nếu người nhận bóng giả bên ngoài thì bị thức tình vọng tưởng kéo lôi, ngược xuôi theo nó. Từ đó nhận lại tức thì nhận được tâm thể.
Trong nhà đầy người lăng xăng tới lui, nhưng mình biết rõ đó là khách, nên không sợ lầm ông chủ hiện tiền, không bị động theo cảnh duyên bên ngoài. Đây là tinh thần phản quan trong nhà thiền. Tuy chúng ta biết tất cả muôn cảnh đều từ gốc này lưu xuất, nhưng nếu chạy ra thì mất gốc, còn nhớ nhận lại gốc thì những lăng xăng bên ngoài tự nhiên lặng. Cách tu phản quan tự kỷ rất nhẹ nhàng, ai cũng có thể tu được.
Nên biết, một ánh sáng mà hiện khắp, nhằm bày tỏ gốc là một tinh minh chia làm sáu hòa hợp. Vào một căn mà viên ngộ cả sáu căn, vào một pháp mà chóng rõ hết các pháp là đấy. Lối nói của các thiền sư rất giản dị. Những điều ngài nói ở đây rất giống trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm, Phật ví dụ như một căn nhà có sáu cửa lớn nhỏ, giữa nhà có viên ngọc sáng. Viên ngọc phát ánh sáng ra sáu cửa, chúng ta nhận ra viên ngọc cũng từ sáu cửa này. Kinh Lăng Nghiêm gọi viên ngọc đó là Viên Trạm Thường Tính hay Bản Tịnh Minh Thể, Diệu Tịnh Minh Tâm của chúng ta. Quay lưng với ánh sáng này chạy ra ngoài, Phật cho đó là người ngược xuôi theo trần cảnh, bị cảnh duyên kéo lôi, không nhận được Viên Trạm Thường Tính của mình.
Bây giờ từ sáu căn chúng ta nhận lại tánh giác của mình, chớ không từ đâu khác. Giống ánh sáng phát ra, chúng ta biết ánh sáng đó từ viên ngọc. Muốn nhận được nguồn ánh sáng đó trọn vẹn thì phải quay về nhận lại viên ngọc, không chạy theo những thứ bên ngoài. Kinh Lăng Nghiêm nói là “Bội trần hợp giác”. Còn hạng người chạy theo trần cảnh bên ngoài, bỏ quên Viên Trạm Thường Tính gọi là “Bội giác hợp trần”.
Ý của kinh Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa không hai. Nghĩa là nếu ai còn mắc mứu cảnh duyên bên ngoài thì người đó không bao giờ nhận được tri kiến Phật. Chỉ có người gan dạ, dám buông mới nhận được tánh giác của mình. Người đó sống, thể nhập được tri kiến Phật. Người tu thiền, dù lúc tụng kinh, cuốc ruộng, bửa củi, nấu cơm, làm tất cả công việc đều có thể nhận lại tri kiến Phật. Ngồi thiền bị muỗi cắn, nóng bức chịu không nổi là chạy theo cảnh duyên nóng bức, khổ vui thì không phản quan tự kỷ. Người như thế dù ngồi một trăm năm, cũng không nhận ra tri kiến Phật. Người đang cuốc đất thấy nhọc nhằn, thấy như vầy như kia, tu không được, đó là cái thấy của phàm phu tục tử, không cần thiết với người muốn nhận lại tri kiến Phật.
Người bửa củi người nấu cơm, hành đường, trị nhật cũng vậy. Ví dụ người trị nhật nhằm đêm mưa gió lạnh lẽo, thấy tại sao mình phải cực thế này, trong khi có người nằm ngủ hoặc đang ngồi thiền sung sướng v.v… trong lòng bực bội, đó là hạng người chạy theo vọng trần, không phản quan tự kỷ, nên không nhận được tri kiến Phật. Cho nên chỗ này không có biên cương giữa ma đạo và Phật đạo, ai nhận ra thì trong mọi thời mọi cảnh đều nhận được, còn không nhận thì trầm luân sanh tử suốt kiếp. Tổ Qui Sơn bảo “Không nhận được thì muôn đời suốt kiếp mang lông đội sừng”. Mang lông đội sừng là sao? Do không nhận được tâm Phật nên khởi lên những niệm tham sân si. Chính những niệm này dẫn ta vào ngạ quỉ, súc sanh hay thọ hình khổ nơi địa ngục v.v… Nếu mình bị động hoài thì đời đời kiếp kiếp phải như thế thôi.
Bây giờ các thiền tăng chúng ta phải cố gắng nhận ra tánh giác của mình, để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Nói ý nghĩa nhưng không có ý nghĩa gì hết. Ăn cơm là ăn cơm, gánh nước là gánh nước, cuốc đất là cuốc đất, hốt rác là hốt rác, bửa củi là bửa củi, làm tất cả công việc là phương pháp để chúng ta làm Phật. Do đó cung cách là cung cách Phật, việc làm là Phật sự, không có nặng nhẹ, xấu tốt, ta người trong đó. Được như vậy là tự tại giải thoát, không luận đại tăng tiểu tăng, không luận hàng xuất gia hay tại gia, nhận ra được tri kiến Phật rồi thì hết trầm luân, ngay đây lập tức chúng ta bỏ được những lớp lang của quỉ đói, của địa ngục, của súc sinh…
Trong thiền viện, sáng mai thầy thì quét sân, thầy xách nước, thầy chạy xe, thầy làm việc này thầy làm việc kia, mỗi người một phận sự, giống như một bản đại hòa tấu nhịp nhàng, thể hiện trọn vẹn ông Phật của mình. Chúng ta học theo gương Bồ-tát Thường Bất Khinh, ngài không nói nhiều, không dạy gì khác ngoài một việc, khi gặp bất cứ ai, nam nữ cư sĩ, tục gia xuất gia, ngài đều bái bái nói “tôi không dám khinh các ngài, các ngài là Phật sẽ thành”. Chỉ một câu nói đó, một bài pháp đó, dù bị mạ nhục, đánh đập, khinh chê, ngài cũng chỉ như thế mà thôi.
Kệ rằng:
Phật tuệ chiếu soi khắp phương đông,
Cùng thời, chúng hội khởi nghi đồng.
Mở đầu Di Lặc, Khai mê thức,
Chỉ thẳng Diệu Quang, Thị giác không.
Lập một phá ba, toan trước hiển,
Ngộ quyền về thật, sẽ sau thông.
Pháp môn tùy Nhập, dù vô lượng,
Đồng đến Liên Hoa, pháp mênh mông.
Mỗi một phẩm ngài Minh Chánh tóm ý bằng một bài Đường thi.
Lập nhất phá tam tiên dự hiển, lập một xe trâu trắng phá ba bốn xe dê xe hưu. Ý phá đối đãi không thật để chỉ ra tri kiến nhất Phật thừa.
Trong phẩm Tựa thiền sư Minh Chánh nói diệu lý trong mỗi phẩm. Kinh này có 28 phẩm, ngài nói diệu lý của mỗi phẩm qua ánh sáng của thiền tông.
Tuy nhiên việc nhận được tri kiến Phật, sống được với tánh giác không bị cảnh duyên kéo lôi, nói dễ mà làm không dễ. Do đó chúng ta không nên xem thường thời gian ở thiền viện. Nếu ai xem thường, không chịu gắng gổ tu hành, chỉ thiệt hại cho mình mà thôi, sau này hối không kịp. Thời gian quí báu thế này, quí vị sẽ không tìm được ở đâu nữa, chừng đó ngồi mà trách, tại sao hồi đó không nỗ lực, cuối cùng chỉ còn đổ thừa như vầy như kia. Quí vị đừng nghĩ ngồi thiền, tụng kinh mới là tu. Nếu ngồi ngủ thì cũng không tu gì hết, một trăm năm ngủ lại là ngủ. Đây là pháp môn lưu thông, mở rộng ra để chúng ta có thể áp dụng tu trong mọi tình huống, mọi sinh hoạt, không nên cuộc việc tu vào trong một giới hạn, như thế sẽ thiệt thòi lắm.
Các thiền sư khi được hỏi đạo, thường trả lời những câu không có trong kinh điển nào hết. Có vị nghe tiếng thầy hương đăng đánh rơi bao nhang cái soạt trên chánh điện liền ngộ đạo. Việc ấy không có trong kinh điển đâu. Nếu chúng ta chấp kinh là lầm. Cho nên người xưa biểu chúng ta hãy nhìn về phương nam mà xem sao Bắc Đẩu. Hoặc nói con ngựa của quan huyện ăn mà con trâu của quan tỉnh no, vị nào khéo thì nhận ra sống được. Nó không cuộc hạn cố chấp, chúng ta sống phải thoải mái bình thản và chấp nhận mọi tình huống. Cuộc đời của mình không phải là một chiếc thuyền chỉ lướt trong cái hồ không có sóng gió. Nên nhớ đây là chiếc tàu ra khơi, thuyền trưởng dở là chết chìm. Cho nên huynh đệ phải cố gắng.
Tin mới
- PHẨM HIỆN BẢO THÁP - 11/03/2008 10:13
- Phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký, thọ học vô nhân ký và Pháp sư - 05/03/2008 05:37
- PHẨM DƯỢC THẢO DỤ VÀ HÓA THÀNH DỤ - 28/02/2008 08:39
- PHẨM PHƯƠNG TIỆN, THÍ DỤ, TÍN GIẢI, THỌ KÝ (tiếp theo...) - 22/02/2008 09:04
- PHẨM PHƯƠNG TIỆN, THÍ DỤ, TÍN GIẢI, THỌ KÝ - 16/02/2008 19:12
Các tin khác
- TỔNG NÊU NHÂN DO TÔNG CHỈ KHAI THỊ NGỘ NHẬP - 01/02/2008 04:20
- CHÁNH VĂN TỔNG NÊU PHÁP DỤ VÀ ĐỀ MỤC CỦA KINH - 26/01/2008 19:30
- TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA - 23/01/2008 18:16
- CHÁNH VĂN TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA - 23/01/2008 18:14
- TỰA TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA - 19/01/2008 08:48