headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký, thọ học vô nhân ký và Pháp sư

 CHÁNH VĂN

Hàng Hữu học Vô học(1) đều được thọ ký, cho đến hạng người chỉ nghe một kệ, một câu, hoặc tùy hỷ cúng dường kinh này, cũng đều được Phật thọ ký cho đạo Bồ-đề.

GIẢNG

Đến đây hàng Hữu học, Vô học đều được thọ ký. Hạng người chỉ nghe một kệ một câu, hoặc tùy hỷ cúng dường kinh này cũng đều được Phật thọ ký cho đạo Bồ-đề.

Hữu học và vô học là hạng nào? Trong bốn quả Thanh văn, hữu học là từ thứ nhất cho tới thứ ba, tức Tu-đà-hoàn cho tới A-na-hàm. Quả thứ nhất là mới dự vào dòng thánh, cũng gọi là quả Dự lưu. Quả này còn phải bảy lần sanh tử nữa, nhưng không mất chủng thánh. Từ Tu-đà-hoàn qua quả thứ hai là Tư-đà-hàm. Quả này còn trở lại cõi đời một lần nữa, cũng gọi là quả Nhất Lai. Từ Tư-đà-hàm qua quả thứ ba là A-na-hàm. Quả này không còn trở lại cõi đời nữa, cũng gọi là quả Bất Hoàn. Vô học là quả vị cuối cùng thứ tư, quả A-la-hán, cũng gọi Vô sanh. Chư Tỳ-kheo nào có phúc báo đặc biệt, xuất gia gặp Phật khai thị liền chứng được quả thứ tư. Có những vị ngay trong thời Phật, nghe Phật gọi “Thiện lai Tỳ-kheo”, thì viên thành chỗ này. Có vị tu một tuần lễ, hoặc ba tháng, cũng có vị suốt đời mới chứng thánh như tổ A-nan.

Bây giờ những kinh điển thiền như Lăng Nghiêm, Niết-bàn, Bát-nhã, Pháp Hoa, Kim Cương v.v… Hòa thượng đã giảng rõ. Nhưng mình đội khối âm u tăm tối nhiều đời nhiều kiếp quá, cho nên tu hoài mà vẫn chưa dự vô hàng nào. Nếu có thể thì dự vào hàng hữu học mà kể như không chính thức. Vì sao? Vì có khi lên lớp, có khi không lên lớp, làm sao chính thức, làm sao dự vào hàng hữu học ?

Nghĩa thường, hữu học tức là còn phải học. Vô học là chỗ không còn học nữa. Vì vô sanh tức không còn bị sanh tử luân hồi nữa thì học cái gì ? Chỗ này định nghĩa như củi hết lửa tắt. Đến đây mọi dây mơ rể má, vọng tưởng đều bị định lực của các ngài cắt đứt, tuệ giác của các ngài thấy rõ quá trình trước đó là hầm hố đau khổ, cho nên các ngài không đi lại con đường ấy nữa. Định thể này là một loại định lực phi thường của các bậc thánh A-la-hán, ngang ngữa với định lực của các vị Bồ-tát Đệ Bát Bất Động Địa.

Bởi thế anh em mình cố gắng tu cho tới nơi tới chốn, phải khắc phục để vượt qua tất cả những khó khăn, rồi sẽ tới nơi. Nhận rõ như vậy, tuy rằng mình chưa phải là người rỗng rang sáng suốt, nhưng không còn bị lầm đường lạc lối nữa và có niềm tin vững vàng.

Hạng người chỉ nghe được một kệ, một câu là ai? Là những vị Bồ-tát, có chủng tánh đại thừa. Chúng ta nếu được nghe Tri kiến Phật, có chút niềm tin là biết mình có chủng Phật rồi. Tùy theo mỗi người phát triển nhanh hoặc chậm, cho tới hôm nay chúng ta được nghe trọn vẹn Tri kiến Phật của chúng ta.

Tri kiến Phật này nhà thiền gọi là tánh giác hay Bản lai diện mục. Chúng ta đã nghe Tri kiến Phật, bây giờ quay về nhận lại, sống cho được với Tri kiến Phật của mình. Đó là quá trình công phu của các thiền sinh trong thiền viện. Nếu chúng ta nhận được như vậy, từ chủng xa xưa, từ niềm tin tự thân, chúng ta nỗ lực công phu chuyên cần, nhất định có ngày sẽ thành tựu.

Thành tựu cái gì? Thành tựu niềm tin. Ngày xưa chúng ta tin mà không vững, bây giờ tin chắc hơn. Công phu mau hay chậm tùy vào mỗi huynh đệ. Mau cũng là việc của chúng ta, chậm cũng là việc chúng ta, chứ không phải của ai hết. Do vậy ta cảm thấy phấn khởi. Rõ ràng mình có quyền định đoạt cho việc tu hành của mình. Chúng ta tự nguyện tu, không do sự bắt buộc nào, không do hoàn cảnh nào, nhất định không thể suy suyễn, chểnh mảng, mất thời gian thuận lợi của mình.

Biết như vậy rồi ta không thể ngồi đó đợi cơ hội tốt, không như kẻ ôm cây đợi thỏ. Người nắm chắc trong tay phương pháp, con đường, việc làm một cách rõ ràng, trong từng phút giây quyết định thực hiện cho được mục đích của mình. Sáng tỏ hay lu mờ, tiến hay thoái, đều tùy nơi chúng ta, chứ không do ai cả. Bồ-tát Thường Bất Khinh có mặt và chỉ đạo trực tiếp cho những người đang trong quá trình nhận và sống với tánh giác này. Chúng ta có duyên với Phật pháp nhiều đời nên hôm nay được nghe trọn vẹn về tri kiến Phật. Bao nhiêu ngôn từ đó, nếu chúng ta nhận và thực hành được là xứng đáng một đời tu lắm rồi.

Tôi nghĩ ngày xưa, trong số người mà Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp, trong đó chắc có mình. Có lẽ hồi đó chúng ta nghe Ngài nói “tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài sẽ thành Phật”, nhưng ta không tin trái lại còn hủy báng Ngài, cho ngài là con người mất bình thường nên ta mới bị trôi dạt tới bây giờ. Tuy nhiên nhờ được nghe như thế mà ta kết chủng duyên Phật đến ngày hôm nay. Chung quanh mình bao nhiêu thứ ràng buộc, vướng mắc, nhưng ta cũng cố gắng tu tập buông bỏ, đứng lên. Nếu không ta sẽ phải chịu đựng gánh nặng này còn lâu xa và nhiều hơn nữa.

Thế thì ta còn ngại gì, còn đợi gì ? Chỉ quyết tâm nữa mà thôi. Từ đây dốc lòng xả bỏ thân này, dũng mãnh cương quyết cắt đứt mọi dây mơ rễ má chung quanh, tiến lên. Chư huynh đệ tuy đã xuất gia nhưng mỗi vị đều còn có sự ràng buộc nào đó, chưa mạnh dạn bứt ra được. Người chưa có vợ con thì có cha mẹ, rồi thân thuộc, bạn đạo, bạn bè… Đi từ bắc vô nam quen biết thêm một lô người dọc đường. Rồi lộ trình từ đây đến cảnh giới Phật còn xa xôi vô vàn, không biết chúng ta mang thêm bao nhiêu quyến thuộc nữa đây? Chúng ta hiện diện ở đâu cũng có quyến thuộc, luôn luôn kết chặt với các duyên.

Hạng người nào cũng có quyến thuộc. Người dù lỗ mãng, xấu xí, răng cỏ xệu xạo… đủ thứ khiếm khuyết, nhưng không bao giờ bị mọi người ghét bỏ hết. Giả như trong chúng, một trăm hai mươi chín người ghét cũng có một người thương. Thầy đó nói chuyện nghe không được nhưng mà có duyên gì đâu! Bởi vậy nên khổ. Ít khi nào con mắt chúng ta trơn tru. Nó dán tới đâu là có chuyện tới đó. Người ta đang đi không đụng chạm chi tới mình, vậy mà nói “cha này sao thấy ghét quá”. Rõ ràng con mắt kẻ mê dán tới đâu thì sinh sự tới đó.

Tri kiến Phật hay tánh giác của mình không hề có loại bà con quyến thuộc dính mắc đa dạng như thế. Nó rỗng rang sáng suốt, nhưng ta chỉ nói mà không biết. Nói được mà làm không được. Đó là một khuyết điểm vô cùng lớn lao của người tu hiện nay. Bao giờ chúng ta dám nhận những khuyết điểm đó mới tiến được. Bên Nho học nói cái nhìn của người quân tử là tự khiêm tự khắc với mình mà phải khoan dung đại độ với tất cả.

Đức Thế Tôn đã dạy tánh giác vốn rỗng rang sáng suốt, nhưng chúng ta nhìn ra ngoài thì âm u tăm tối, quay về mình lại rộn ràng trăm thứ. Thế thì làm sao giác ngộ? Chuyện không đơn giản bởi vì chúng ta vướng mắc nhiều quá, đa đoan trăm mối, không chịu buông bỏ thì đừng bao giờ mở miệng nói khoát về cái rỗng rang sáng suốt ấy. Hồi quí vị mới bước vô cửa thiền viện, chưa biết Tri kiến Phật là gì, bản lai diện mục là gì. Bây giờ ai cũng thuộc lòng, nào là từ bi, trí tuệ, Bát-nhã, thiền định, Niết-Bàn, giải thoát, thanh tịnh… thuộc đủ hết nhưng không áp dụng được cái nào, nguy chưa! Điểm này mỗi người cần phải nghiệm lại.

Ví dụ nói từ bi mà mình chưa từ bi, nói trí tuệ mình không có trí tuệ, giải thoát cũng không, giác ngộ cũng không, chân như bình đẳng cũng trớt. Rồi sao? Chỉ nói thôi. Chỗ này phải bổ khuyết. Bổ khuyết bằng công huân tu hành. Như trên đã nói nơi pháp hội ngày xưa chúng ta có dự, bởi có dự như thế nên đức Thế Tôn thọ ký cho người thời ấy, ngài cũng thọ ký cho chúng ta. Chúng ta có tánh Phật thì chúng ta sẽ thành Phật. Các vị hãy phấn khởi như vậy.

CHÁNH VĂN

Bởi được nghe kinh này, dù chưa lên địa vị thánh, nhưng đã thấy chân nhân, xưa nay trong sạch. Đã có nhân như thế, hẳn được quả như thế. Dụ như có sẵn châu báu trong chéo áo. Lại như đào giếng ở chỗ cao nguyên, đã thấy đất ướt, biết chắc rằng nước chẳng còn xa.

GIẢNG

Đây là những lời quả thật thi thiết, giản dị. Thiền sư thường không nói lời trau chuốt. Ngài nói giống như đào giếng đến được giai đoạn đất ướt thì tin sẽ có nước. Mục đích của người đào giếng là để được nước, họ tâm niệm và chắc chắn như vậy. Công phu tu hành của chúng ta ngày hôm nay cũng thế. Công phu tu hành bao nhiêu cũng chỉ để thể nhập tánh Phật của mình. Sống thực, sống lại với cái đó, chắc chắn chúng ta sẽ có niềm tin. Đến nước rồi thì tha hồ thọ dụng.

Nước đó là nước gì? Nước pháp, nước cam lồ siêu thoát. Ai chưa nhận, chưa dùng được nước này thì giống như người đi ngoài sa mạc, chỗ cát nóng bức khi mặt trời lên. Nếu được sự hướng dẫn đúng đắn, kẻ bộ hành tìm ra chỗ có nước thì thật sung sướng, tạm qua cơn hiểm nghèo. Còn người quờ quạng trong cát trắng khô khan, khát cháy cổ không biết đâu là đâu, thì sẽ phơi xác trên sa mạc. Thành ra nói đào giếng được tới đất ướt là tin tức tốt.

Các thiền sinh đến thiền viện tu học nếu không có niềm tin, có lẽ các anh em đã quải gói đi mất, không tội gì mà ở chung trong thiền viện với các quy chế bó buộc. Ít nhiều gì mỗi chúng ta cũng có nếm được chút nước pháp. Người nào chưa thưởng thức được cũng nắm chắc trong tay cái tin tức công phu đào giếng đã đến đất ướt. Có thế ta mới dẹp hết trăm ngàn thứ ngỗn ngang, an nhiên sống tu hành. Đó là giá trị niềm tin của mỗi chúng ta vậy.

Chắc rằng chúng ta nhớ mình có viên minh châu cột trong chéo áo, tuy nhiên đôi lúc lại quên. Lúc nào lén thầy bỏ ngồi thiền bỏ tụng kinh, làm gì đó là quên quách viên ngọc của mình rồi. Những lúc quên như thế là cà kê, lang man bên ngoài, đem thêm những thứ cù cặn xấu xí vô, càng chôn vùi viên ngọc của mình. Quí vị có xem chuyện “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” thì thấy rõ lắm. Vị tăng mang cái “Mê Ngộ Cảnh” xuống núi, lo rọi bên ngoài riết mà không rọi mình. Tới chừng rọi lại thì thấy chính mình là ma quái nanh vuốt dữ dằn, dữ dằn hơn những ma quái bên ngoài nữa. Chết dở không!

Phật bảo viên ngọc nắm sẵn nơi chúng ta, vậy tại sao không lấy ra xài? Nó trở ngại gì, có cần phải đi làm thuê làm mướn mới lấy được viên ngọc đó không? Không hề. Chỉ đưa tay vô chéo áo lấy ra xài thôi. Chéo áo của mình mà, nó hiện hữu đó. Phật nói cõi Ta bà này là cõi “Kham Nhẫn”. Ngày xưa tôi không biết tại sao cõi này lại có tên kham nhẫn. Bây giờ càng tiếp cận đời sống chung quanh, mới thấy quả thật là kham nhẫn.

Nhìn thấy các vị lớn tuổi của viện đã sáu bảy mươi tuổi, trung trung khoảng ba bốn mươi tuổi, trong số ấy tìm một vị hoàn toàn không có chút bệnh, không hề có. Không nhức đầu cũng sổ mũi, không chân run rẩy thì cũng mắt mờ tai điếc… nhưng rồi ai cũng kham nhẫn. Tới giờ ăn thì đi ăn, tới giờ tụng sám hối thì tụng sám hối, tới giờ ngồi thiền thì ngồi thiền, không dám trốn. Nhiều vị lâu lâu cũng muốn trốn nhưng thấy ngại ngùng quá. Mình vô đây tu chứ đâu phải vô đây để trốn ngồi thiền tụng kinh. Mỗi lần trốn thấy xấu hỗ quá, bởi vì việc này mình tự nguyện chớ đâu có ai bắt buộc. Cho nên ráng. Tới giờ thiền đau lưng cũng ráng, ngủ gục cũng ráng, ẹo một bên cũng ngồi, đầu quay vù vù cũng ngồi, bị thiền trượng đập ê ẩm cũng ngồi. Tất cả đều kham nhẫn đi lên đứng lên. Chư huynh đệ anh hùng như thế tôi trân trọng lắm, cho nên cũng ráng theo quí vị. Mỗi người thể hiện đúng với danh nghĩa mà đức Thế Tôn gọi cõi này là cõi kham nhẫn. Chúng ta từng phút từng giây sống kham nhẫn.

Như trong bản kinh nói, người được hạt châu trong chéo áo, người đào giếng ở cao nguyên thấy đất ướt v.v… thì tất cả chúng ta đều có phần. Do đó đức Phật thọ ký cho các hàng đệ tử, trong đó sẽ có chúng ta.

CHÁNH VĂN

Đất ướt là nhân gần của nước, tâm trong sạch là hạt giống của Bồ-đề. Lục Tổ đại sư khi trao tâm ấn, Ngài từng dạy kệ:

                        Đất tâm sẵn các giống,
                        Mưa khắp mầm chồi sanh.
                        Chóng ngộ, hoa tình sạch,
                        Bồ-đề quả tự thành.

GIẢNG
Khi đất tâm của chúng ta hàm chứa sẵn hạt giống Bồ-đề, thì gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ nẩy mầm. Tất cả hoa tình sạch hết là nói chúng ta đã nhận tới chỗ viên mãn thì quả Bồ-đề tự thành.

Phật thọ ký cho tất cả hàng hữu học và vô học, những người có niềm tin khi nghe một kệ một câu kinh tùy hỷ. Đức Phật quả thật từ bi, không bỏ sót ai hết. “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Đó là một lời thọ ký có thể nói quyết liệt và hiện thực nhất. Phật không thọ ký cho chúng ta thành pháp sư, Hòa thượng, trụ trì, am chủ… mà là thành Phật, phấn khởi chưa? Vậy thì chúng ta vững niềm tin rồi.

CHÁNH VĂN

Kệ rằng:
                    Kiều Trần Như, cùng các bạn thân,
                    Cả thảy năm trăm nhận một lần,
                    Hữu học thảy đều sẽ làm Phật,
                    Thanh văn cũng được chứng Năng nhân,
                    Nghe kinh cúng dường rõ chân tánh,
                    Tùy hỷ xét tu, trồng chánh nhân,
                    Chẳng khác cao nguyên đào tìm mạch,
                    Thấy bùn biết nước đã kề gần.

GIẢNG

Chư huynh đệ nhớ, chuyện tu hành là chuyện của mình. Mọi sinh hoạt do tự tâm chúng ta phát ra, muốn vào nề nếp, bây giờ chỉ còn phải cố gắng thôi. Chữ gắng nghĩa là sao? Chữ gắng có từ chữ phấn miễn của Hán tự, tức là phải phấn đấu và chấp nhận vượt qua tất cả khó khăn để thành tựu đạo nghiệp. Chuyện tu hành là chuyện của mình, chứ đâu phải ai khác, gắng một chút là được thôi. Mong tất cả ghi nhớ và cùng nhau hành trì cho được tốt đẹp.

---------------

(1) Hữu học và Vô học: Các vị chứng từ quả A-na-hàm trở xuống chưa được giải thoát còn phải học tập nên gọi là Hữu học. Các vị nào chứng quả A-la-hán đã được giải thoát thì đối trong pháp Thanh văn không còn phải học tập gì nữa nên gọi là Vô học.
 

[ Quay lại ]