PHẨM HIỆN BẢO THÁP
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 11 Tháng ba 2008 10:09
- Viết bởi nguyen
CHÁNH VĂN
Tháp Phật Đa Bảo vọt hiện lên chứng minh, là biểu trưng cho Diệu pháp của bản lai thanh tịnh, được sự hộ niệm của các đức Phật thuở quá khứ và sự ủng hộ gìn giữ của các đức Phật thời hiện tại, cũng là chỗ tu chứng của các đức Phật trong tương lai. Số mục theo đời chia làm ba, nhưng tâm này chỉ là một. Từ xưa đến giờ, trước sau chẳng khác. Cũng chẳng theo trình tự đổi dời của ba thời. Thế nên, kinh Kim Cương nói: “Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai cũng chẳng thể được”.
GIẢNG
Với người tu hành luôn khắc tỉnh, để ý đến công phu của mình, chịu cực chịu khó, chấp nhận gian lao, chịu mọi thử thách là vì mình thương mình, chứ không vì ai khác. Nếu ai không vì mình mà nói vì người khác, e rằng công phu đó chẳng đi tới đâu cả. Tâm sanh tử diệu vợi từ vô lượng kiếp chúng ta đã đeo mang, nên rồi loay hoay lẩn quẩn từ đời này sang đời khác, không có ngày cùng. Người biết như vậy, mà không chịu thương mình để giải quyết cho rồi thì quả thật là tay cực kỳ phiêu lưu. Chư huynh đệ nắm vững ý đó mà hạ thủ công phu tu hành. Mình thương mình mà xuất gia, chấp nhận tất cả để trong từng phút giây, gầy dựng sự tỉnh sáng, quyết tâm chấm dứt nhiều kiếp trôi lăn. Có như vậy mới gọi là hồi đầu thị ngạn.
Phẩm Hiện Bảo Tháp là giai đoạn đức Phật chỉ cho chúng ta biết mình đào giếng tới đất ướt, sắp tới nước và sẽ dùng được nước. Nếu không được chỉ rõ thì đào giếng tới nước, ta sẽ chết ngộp trong nước, chứ không biết dùng nước. Chư Tổ thường nói các ông đứng trong nước ngập đầu mà kêu khát nước, hoặc “Bính Đinh tìm hỏa”, Bính đinh là lửa mà đi tìm lửa nữa… đại loại đều chỉ cho những kẻ ở trong tánh Phật mà đi tìm tánh Phật.
Mỗi chúng ta đều có tánh Phật. Tánh Phật ấy được sự hộ niệm của chư Phật thuở quá khứ, sự ủng hộ gìn giữ của các đức Phật thời hiện tại, cũng là chỗ tu chứng của các đức Phật trong tương lai. Số mục thì có thời quá khứ hiện tại tương lai, nhưng thực ra như kinh Kim Cương nói: “tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai cũng chẳng thể được”. Hay là từ xưa tới giờ trước sau chẳng khác, chẳng theo trình tự đổi dời v.v… Nghĩa là cái đó hiện tiền ngay đây, của chính mình mà ta không nhận ra.
Chúng ta có tánh giác mà quay lưng với nó, rồi kêu Phật ban cho. Đêm đêm niệm Bồ-tát Quán Thế Âm cầu Bồ-tát cho con sự bình an. Trong khi sự bình an dính trên lưng lại không chịu nhận, có lạ chưa? Đã thế thì chúng ta là kẻ phiêu lãng rồi, chấp nhận đứng trên đầu bờ tử sinh, đứng trên chỗ điêu linh, ngược xuôi dong ruổi, chả biết ta là gì. Mình không thương mình, đợi ai thương mình ?
Số mục theo đời chia làm ba, nhưng tâm này chỉ là một. Từ xưa đến giờ, trước sau chẳng khác. Cũng chẳng theo trình tự đổi dời của ba thời. Ngài nói tâm này chỉ là một, không còn cách nào khác nữa. Nhưng chúng ta cũng chưa dám nhận.
CHÁNH VĂN
Lại Phật Đa Bảo là biểu trưng cho Pháp thân. Hiện tại đức Thích Tôn là biểu trưng cho Ứng thân. Chư Phật phân thân khắp nơi trong mười phương là biểu trưng Hóa thân. Đây nhằm bày tỏ ba thân cùng một lý vậy.
GIẢNG
Ứng thân, Pháp thân, Hóa thân đều là tâm thể của chúng ta. Nói Phật thì có Pháp thân Phật, Báo thân Phật, Hóa thân Phật. Tuy có nhiều danh từ nhưng thực sự là nói tâm thể của chính chúng ta. Tâm thể thì thế nào? Rỗng rang sáng suốt trùm khắp. Rõ ràng nếu không có tánh đó chúng ta sẽ không biết gì cả. Bây giờ ta biết tất cả. Thiên hạ chửi ta biết, bụng đói ta biết, thấy huynh đệ, thiền viện v.v.. tất cả mọi cảnh vật và con người, chúng ta đều biết hết.
Như vậy bên trong chúng ta có cái gì, chúng ta mới biết chứ! Nếu bên trong không có tánh giác thì nhất định ta không biết gì hết. Nghe tiếng gì mình biết, thấy cái gì mình biết, có mùi vị gì mình biết, có xúc giác gì mình biết, như vậy chứng tỏ bên trong có cái gì đó, nên mới tác dụng biết như thế. Rõ ràng mỗi chúng ta đều có sẵn tánh biết. Nhà thiền gọi tánh biết ấy là bản lai xưa nay của chúng ta. Nhận được cái đó thì giàu có vô vàn, khổ đau không còn làm gì được chúng ta.
Tin mới
Các tin khác
- Phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký, thọ học vô nhân ký và Pháp sư - 05/03/2008 05:37
- PHẨM DƯỢC THẢO DỤ VÀ HÓA THÀNH DỤ - 28/02/2008 08:39
- PHẨM PHƯƠNG TIỆN, THÍ DỤ, TÍN GIẢI, THỌ KÝ (tiếp theo...) - 22/02/2008 09:04
- PHẨM PHƯƠNG TIỆN, THÍ DỤ, TÍN GIẢI, THỌ KÝ - 16/02/2008 19:12
- NÊU RÕ DIỆU LÝ THEO MỖI PHẨM TRONG KINH PHÂN GIẢI - 10/02/2008 03:39