headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẨM PHƯƠNG TIỆN, THÍ DỤ, TÍN GIẢI, THỌ KÝ

 Chúng ta sẽ học đề cương các phẩm Phương Tiện, Thí Dụ, Tín Giải và Thọ Ký. Chữ “đề” là nắm lên, chữ “cương” là cương lĩnh. Học đề cương kinh Pháp Hoa là nắm cho được phần cương lĩnh của kinh. Vì học đề cương, nên không dẫn giải kỹ trong văn từ, chỉ học những ý chính, để nắm cho vững mà áp dụng tu hành. Cách học này đòi hỏi chúng ta phải tự học, tự nghiên cứu thêm trong nguyên bản kinh Pháp Hoa. Quan trọng là làm sao nắm được pháp tu để hành trì, không luận nhiều đến văn nghĩa.

1. PHẨM PHƯƠNG TIỆN

Chữ Phương Tiện là dùng phương cách tiện lợi để chỉ cho người học thấy biết về cái gì đó. Nhớ rằng phương tiện chỉ tạm dùng trong một giai đoạn nào thôi, không phải là chỗ đến cuối cùng. Ở đây cũng vậy, điều chúng ta học là những phương tiện để nắm được yếu chỉ kinh Pháp Hoa, giúp chúng ta nhận ra tri kiến Phật của mình, chỉ thẳng bản lai xưa nay của mỗi người. Chúng ta đã có sẵn cái đó, nhưng bỏ quên nên bụi đời, lang thang theo dòng trôi giạt mãi. Bây giờ do túc duyên nào đó, ta lại có cơ quày đầu và được sự hướng dẫn của Phật, dù trong thời kiếp mạt, xa dần với chánh pháp nhưng vẫn có thể nghe chánh pháp, làm sống dậy chủng tử Phật từ xưa nay. Như vậy là có phúc duyên rất lớn!

Người tu thường chú trọng tới công phu. Bởi thiếu công phu, dù chúng ta học giỏi bao nhiêu cũng chỉ là đếm của báu nhà người. Như nhân viên ngân hàng, đếm bạc từ sáng tới chiều mà bản thân không có một đồng. Ở đây cũng vậy, muốn nắm vững đề cương, phải có công phu hành trì. Tôi không phủ nhận kiến thức. Kiến thức rất cần nhưng không khéo chúng ta sẽ bị các thiền sư chê là vướng mắc. Có kiến thức thì mắc kẹt kiến thức, không kiến thức mắc kẹt không kiến thức. Tóm lại với người đắm trước, có kiến thức cũng chết mà không kiến thức cũng chết. Rõ ràng chỉ có công phu, may ra lóe lên trí tuệ giúp mình thoát khỏi lưới mê.

Từ vô lượng đời, chúng ta trôi giạt, dính mắc bởi những duyên rườm rà, chúng bao phủ ta giống như tơ lưới con kén con tằm, không nhúc nhích cục kịch gì được. Cho nên bây giờ phải tháo gỡ. Người chưa có chủ lực, dễ bị những thứ bên ngoài dẫn đi, có khi nó dập chết mình tại chỗ luôn. Như bình thường chúng ta thế này, nhưng có bệnh là mất tự chủ liền. Khó tìm được một người nghe nói một tuần nữa chết mà cười bình thường. Hiếm hoi lắm. Nhà thiền cần loại người như thế.

Phương tiện thì không phải thật. Phật đưa ra hình ảnh ba xe rồi cuối cùng trở về một cổ xe lớn, để dụ cho ban đầu Thế Tôn nói ba thừa, sau đưa về Nhất Phật thừa. Phật thừa là chỉ Tri kiến Phật, tức nói đến tánh giác sẵn có của chúng ta. Người ham tu, quyết tâm tu thành Phật, không còn nghĩ đến những việc chung quanh. Lòng lúc nào cũng rỗng rang, cắt đứt tất cả các duyên để được giải thoát. Do chỗ mong mỏi đó nên nghe ai nói tu năm ba bữa thành Phật liền chạy theo. Trên thực tế của cuộc đời, người ta hay bị vấp ngã bởi những lối tẽ, bởi ngả tắt. Rõ ràng công phu phải được thực hiện từng bước một, khắc phục, chiến đấu can trường, dũng mãnh và dứt khoát lắm mới gầy dựng được sự định tỉnh, sáng suốt. Việc gầy dựng này đòi hỏi một ý chí tu hành kiên cố, không thoái chuyển.

Nói tới ý chí, chư huynh đệ thấy có người không nói gì hết mà làm, lằm lủi làm. Trong lúc làm, nếu có vấp ngã họ gầy dựng trở lại, tự họ tìm cách đứng vững, cương quyết khẳng tâm, phấn chấn tiến tới. Hạng người này dù chậm lụt hay quê mùa tới đâu, nhất định cũng sẽ thành tựu. Ngược lại người dù thông minh lanh lợi mà lười biếng, cuối cùng chẳng đi tới đâu. Nếu thấy công phu có tiến bộ, chúng ta sẽ cảm nhận niềm phấn khởi, toát mồ hôi hạn sau thời gian khắc phục, chịu đựng. Từ đó chúng ta phấn phát, thích thú trong việc tu hành. Ví dụ chiều hôm đó quí vị thấy mệt mỏi không muốn tụng kinh, không muốn ngồi thiền, nhưng rán theo chúng, hoan hỷ phấn chấn, nghiêm túc khắc phục. Gan hơn nữa là tăng giờ ngồi thiền, cho đến toát mồ hôi thì mọi lười biếng, tăm tối bu bám tan hết. Quí vị hân hoan đứng lên vững vàng. Một lần hai lần như vậy thì các thứ giải đãi, hôn trầm, vọng tưởng ngán mình lắm. Nếu không như thế, cứ xìu xìu ểnh ểnh, ba thứ tăm tối nó sẽ bám vào gỡ không ra. Niềm khinh an thật sự chỉ có trong quá trình công phu, không thể tìm ở đâu khác, không có trong ti vi, không có trong đi-quăn, không có trong sự lười nhát, trong điên đảo vọng tưởng. Cho nên thời gian còn khỏe mạnh, anh em quyết tâm tu hành, nhất định sẽ có những kết quả tốt đẹp.

Thiền viện chủ trương đào tạo những thiền sinh gạo cội, có bản lĩnh mới duy trì, mở mang, phát huy đúng tinh thần thiền tông. Những vị chạy theo ngôn ngữ văn tự, coi chừng cuối cùng sẽ bị thiền sư Minh Chánh quở “công phu luống uổng một đời ai!” Những hình ảnh bất diệt của các bậc đại tăng Việt Nam là nhục thân của các thiền sư như ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, Như Trí… còn để lại cho Phật giáo đồ Việt Nam cái linh hồn bất tử. Hay như quả tim của Bồ-tát Quảng Đức, không có tác phẩm thứ hai, làm rúng động hàng vạn vạn trái tim trên toàn thế giới. Đó là gì? Là công đức tu hành. Là chân tâm hiển bày.

Tôi nhớ trước khi Hòa thượng Thiện Châu theo Phật, ngài có về thăm thiền viện chúng ta, ở đây chơi một ngày với Hòa thượng Ân sư và chư tăng. Hòa thượng là một tăng sĩ có học vị tiến sĩ đặc biệt nhất. Thế nhưng ngài đã nói về bằng cấp như sau: “Bằng cấp chỉ để treo mà chơi, nó không nói lên được điều gì. Chư tăng nhớ cho, bao nhiêu tinh huyết chúng ta tạo dựng được chỉ y cứ trên công phu thể nghiệm của mình, theo sự chỉ dạy của Phật, của Bồ-tát, chư vị tổ sư truyền lại”. Nếu đức Phật Thích Ca để lại cho chúng ta bằng tiến sĩ thì bây giờ chúng ta không tu được đâu. Hoặc Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền ban cho chúng ta bằng cử nhân, thì cũng chẳng mở được con mắt trí tuệ cho mình.

Vậy các ngài để lại cái gì? Như tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm xoay mặt vào vách, không nói một lời, đợi đến khi Thần Quang đứng trong tuyết, chặt tay dâng lên hỏi pháp an tâm, ngài mới động môi “Đem tâm ra ta an cho”. Động môi mà chẳng nói lên điều gì. Nhờ vậy dòng thiền trực chỉ mới sống động và lưu truyền mãi trên đời. Chớ nếu tổ Bồ Đề Đạt Ma xuống núi mở pháp hội giảng giải nọ kia, người ta hoan nghinh nhiệt liệt “ông thầy giảng hay quá”, thì có lẽ sẽ không tìm được Nhị tổ Huệ Khả đứng dưới tuyết, chặt cánh tay cầu pháp an tâm rồi. Cho nên gốc của sự tu là ở chỗ thực hành, trải nghiệm đến tận xương tủy mới được.

Ở đây nói không học không có nghĩa là không biết giáo lý, không biết cách tu. Mà không học là không học trên chữ nghĩa. Học xong thì buông bỏ hết để tu. Thiền viện chủ trương học để tu chứ không thi lấy bằng cấp. Các anh em phấn phát lên. Buổi khuya vị nào có bệnh ngáp từ ba giờ tới năm giờ thì cố gắng cắt đứt cơn ngáp, cũng như cắt đứt cơn nghiện vậy. Nghe kiểng thức chúng là trổi dậy, không ngáp nữa, rửa mặt rồi uống một chung nước nóng vô, phấn chấn lên điện Phật. Chiêm ngưỡng và đảnh lễ chân dung đức Thế Tôn, phát tâm ngồi thiền chết bỏ, đau chân mấy cũng không xả. Ngồi nghe như hai chân cháy rụi, cho nó cháy luôn. Đừng tưởng nó cháy rồi uốn éo, kéo ra kéo vô, kéo hoài nó cũng vậy thôi. Kéo bên đây nó đau bên kia, nhúng tới cũng đau mà ngã lui cũng đau. Kệ nó. Quên nó đi, tự nhiên sẽ không còn thấy đau nữa. Như vậy mới tăng tiến công phu được chứ! Có nhiều anh em ngã tới ngã lui một hồi, rồi kê cái đầu lên bồ đoàn… ngáy pho pho. Khỏe quá, hết đau. Tọa thiền kiểu đó thì nguy, vì đã chui vào hang quỷ rồi.

2. THÍ DỤ

Phật nói phẩm Thí Dụ, những người có trí nhân thí dụ mà nhận ra ý chánh Phật muốn nói. Tuy nhiên việc nhận ra yếu chỉ Phật dạy đòi hỏi nơi công phu của chúng ta nữa. Sự thể nghiệm luôn luôn đóng vai trò quyết định.

3. TÍN GIẢI

Tín là tin, giải là hiểu. Hiểu rồi mới nhận, cởi mở, giải bày. Phẩm cuối cùng ở đây, được thiền sư Minh Chánh nêu rất rõ trong đề cương. Đó là phẩm Thọ Ký.

4. THỌ KÝ

Từ phương tiện tới dẫn dụ, chúng ta nhận ra thì được ấn chứng. Thọ ký là ấn chứng đã được như thế. Nhưng trong kinh Pháp Hoa, không có vị Bồ-tát, vị đệ tử nào được Phật bảo: “Ta thọ ký cho ông, lát nữa ông thành Phật”. Nghe lời thọ ký của đức Thế Tôn , chúng ta le lưỡi luôn. Nghĩa là phải gặp bao nhiêu trăm ngàn muôn ức đức Phật phụng thờ, tu tập, được những tam muội gì, trải qua kiếp số tu hành và lợi ích chúng sanh không thể tính kể mới thành Phật.

Thời gian kiếp số của người Ấn Độ thật là mênh mông bất tận. Hai ba mươi tiểu kiếp, hai ba mươi trung kiếp, ba bốn hay vô số đại kiếp… dài ơi là dài! Nói đến thời gian như thế là nói đến sự sống trải, gan dạ và công phu thể nghiệm của hành giả. Nhưng một điều lý thú nhất, chắc chắn nhất là chúng ta có phần. Do đó nghe nói tri kiến Phật mình nhận ra, tuy cái nhận của mình không bằng người xưa. Hồi xưa các vị có túc duyên đặc biệt, từ kim khẩu đức Thế Tôn chỉ bày, các ngài nhận ra dễ dàng. Chúng ta tuy kém hơn nhưng cũng nhận ra được mình có tánh Phật là điều vinh dự rồi. Nếu không nhận ra thì không biết mình ra ra sao, đi về đâu?

Phật nói chúng ta đâu có nghèo, cũng không phải thiếu, mà có của báu vô lượng. Không riêng chúng ta như thế mà tất cả chúng sanh đều có của báu vô lượng. Nhưng tại sao bây giờ mình nghèo thiếu, phải hiểu lời Phật như thế nào đây? Phật nói không sai, nhưng tại mình bụi đời. Nhìn lại chúng ta không vướng bên này cũng kẹt bên kia, cứ lao ra ngoài mà quên xoay lại mình. Người nặng về tổ chức, người thích khoa bảng, học vị, thuyết giảng, công tác từ thiện xã hội… số người ngồi yên nhìn lại chính mình để sửa đổi, chuyển hóa chưa nhiều. Cho nên chư huynh đệ chúng ta hãy dừng bước phong trần, trở về ngôi nhà xưa của mình. Trong thiền viện được chừng mười vị chuyên nhất, thắp sáng được ngọn đuốc trí tuệ của mình, cũng đủ làm sáng rực cả đạo tràng này. Phật dạy một vị sắp thành đạo, mười phương thế giới chấn động, trời đất rung chuyển, cung ma sụp đổ. Năng lực của sự tu tập to lớn như vậy đó.

Ngày xưa đức Phật ngồi dưới cội Bồ-đề thành đạo, chuyển pháp luân làm long trời lở đất. Ngài tu trong rừng, thành đạo dưới cội cây, nhập diệt cũng dưới bóng đại thọ. Tự tại như thế. Chúng ta bây giờ bị vật chất bu bám thật khó tu. Ngài Qui Sơn nói ham hố lợi danh, lẩn thẩn theo đời, bèn thành quê kệch v.v… là quở chúng ta đó. Thật đáng xót xa cho mình! Sự an lạc trong đạo không phải miếng ăn ngon, không phải vị ngọt của các cảm giác, mà nó có từ sự phấn phát quyết liệt của hành giả, xoay lại nơi chính mình để nhận lại nguồn an vui miên viễn. Không thể tìm được niềm an vui từ các cảnh duyên sanh diệt bên ngoài.

Có câu chuyện thế này. Một nhóm người chuyên trình diễn về quỷ la sát. Họ nói năng, múa mai theo kiểu quỷ la sát. Sau thời gian trình diễn ở vùng ấy, khách xem đã chán, họ dọn đi nơi khác. Trên đường họ phải băng qua một cánh rừng nguy hiểm. Trong nhóm có người bảo không khéo gặp quỷ la sát thật, nó xơi tái bọn mình hết. Nói thì nói nhưng họ vẫn cứ đi. Đến giữa rừng vào ban đêm, họ đốt một đống lửa nghỉ. Đồ đạc trang phục quỷ la sát để cạnh đó, tất cả mọi người đều mệt mỏi, họ cùng nằm dài ra ngủ. Đến khuya lạnh quá, có anh dậy lấy đồ quỷ la sát mặc vô cho ấm. Lát sau anh bên cạnh lạnh quá, lò mò ngồi dậy, thấy anh mặc đồ la sát, tưởng quỷ la sát thật, liền hét lên “quỷ la sát”. Cả đám thức dậy thấy quỷ la sát thật, thế là cùng nhau chạy bạt mạng. Anh mặc đồ quỷ la sát cũng hoảng, tưởng có quỷ la sát thật nên tháo chạy theo các bạn. Chạy cho đến té nhào, quần áo xúc sổ, chạy hết nổi nữa, họ quay lại nhìn, té ra anh bạn mặc đồ la sát bây giờ hiện nguyên hình chính là bạn mình, chứ không phải quỷ.

Câu chuyện làm mình thấy tức cười. Chúng ta cũng vậy, tự tạo ra bao nhiêu cảnh tượng rồi trở lại kinh sợ, thán oán những gì mình đã vẽ ra. Nào ngờ tất cả đều từ tâm sanh. Cho nên bây giờ cần phải tỉnh, phải buông xuống hết thì yên thôi. Chỉ có tu mới gánh vác nổi sự nghiệp trí tuệ, mở sáng tông phong. Phải có tu mới chiếu thông được điều mình học. Chính công phu tu hành mới thể nghiệm thực được những gì chúng ta hiểu thông qua kinh điển. Chư huynh đệ tụng Bồ-đề giải thoát trăm lần, ngàn lần mà không có chút công phu thì Bồ-đề giải thoát đó chỉ là văn tự, không dính dáng gì tới sự an lạc giải thoát. Cho tới chừng nào mình nhận ra được mặt mắt thật xưa nay thì mới bình yên, giống như mấy anh chàng giả quỷ la sát trong câu chuyện kia vậy.

Chúng ta tụng kinh không phải để Phật nghe, mà để tự xem lại mình rồi khắc phục, bỏ những nghiệp tập xấu dở đi. Đêm nào cũng quyết tâm như thế đâu lo gì không thành tựu. Ở thiền viện, giờ tụng kinh không tăng, giờ hành trì không tăng, nhưng phẩm chất bên trong phải được tăng lên. Tu như vậy mới tiến. Giờ tụng sám hối sáu căn, giờ tọa thiền, những giờ giấc khác, nếu chúng ta xoáy đúng vào chỗ thật thì sẽ được biến thông, sẽ hài hòa tăng tiến. Ngoài ra mỗi ngày chư tăng có thêm giờ học Phật pháp tức là giờ hun đúc nhắc nhở. Nhân ngón tay mà nhận ra mặt trăng. Chư huynh đệ tăng tiến vươn lên, không nên nằm ì một chỗ. Như vậy không xứng đáng là đệ tử của Phật, không xứng đáng là người xuất gia, cầu hạnh giác ngộ giải thoát.

[ Quay lại ]