headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

 CHÁNH VĂN

Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Bởi muốn khai thị cho chúng sanh khiến ngộ nhập Phật tri kiến đạo.

Lúc mới thành Chánh giác, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, đem cho họ giáo Viên đốn Nhất thừa, khiến mọi người đồng lên biển Hoa Tạng. Nhưng pháp lớn cơ nhỏ, chắc chắn là khó vào. Do đó, Giáo có năm thời, Thừa chia ba tạng.

Thời thứ hai, nơi vườn Lộc Dã, Ngài nói kinh A-hàm.

Thời thứ ba, tại tinh xá Kỳ Hoàn, Ngài nói kinh Bát-nhã.

Thời thứ tư, trong núi Kỳ-xà-quật, Ngài nói kinh Pháp Hoa.

Thời thứ năm, ở thành lớn Câu-thi, Ngài nói kinh Niết-bàn.

Hai thời trước là phần giáo của Tiểu thừa và Nhị thừa. Đến thời Pháp Hoa là phần giáo của Đại thừa. Kinh nói: Phật nói kinh Đại thừa, tên “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”.

Bởi chư Phật hộ niệm từ lâu xa đến giờ. Nay, trong chúng đệ tử, căn cơ đã thuần thục, lưới nghi cũng trừ xong, có thể kham nhận lãnh pháp lớn, nên Phật đem Đại thừa này giao phó. Giáo này cũng đồng với kinh Hoa Nghiêm. Do đó, kinh nói: “Thẳng bẳng bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng. Khiến cho chúng đệ tử, nương đạo Nhất thừa này, tiến vào Tối thượng thừa, Tri kiến Phật nhất đại sự, A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Nhưng, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm đồng một ý hướng, mà kinh Pháp Hoa là mật ý xưng dương tán thán Phật tri kiến. Kinh Lăng Nghiêm là nói rõ Phật tri kiến. Đến kinh Niết-bàn thì dạy “Sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui”. Chính nơi đây, niềm vui lớn mới thật rốt ráo.

Nên biết trên hội Pháp Hoa là lúc đào giếng đã thấy đất ướt, biết chắc gần tới nước. Hội Lăng Nghiêm là khi thấy nước rồi. Hội Niết-bàn là lúc uống nước. Thế thì, nhân duyên một việc lớn, chính là giải thoát vậy.

Nói lớn, cũng chẳng vượt qua tâm. Nhưng, tâm lại là Tri kiến chân như, bản lai không một vật. Chúng sanh tự quên cái bản lai này, theo vọng thức, trôi giạt mãi trong biển khổ. Cho nên, pháp của Phật nói ra, dụ như chiếc bè hay cứu vớt chúng sanh, ngược giòng mà qua, khiến họ bỏ vọng về chân. Sau đó, mới khai thị cho họ, dạy biết cái “bản lai thanh tịnh”, ngộ nhập “Tri kiến địa chân như”.

Tỳ-kheo Thanh Đàm,
Thiền sư Giác Đạo Tuân
Minh Chánh tuyển.
 

GIẢNG

Bài Tông Chỉ Đề Cương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này do ngài Minh Chánh viết.

Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Bởi muốn khai thị cho chúng sanh khiến ngộ nhập Phật tri kiến đạo. Bản nguyện rộng lớn của chư Phật ra đời, chỉ vì một việc duy nhất là muốn mở bày cho tất cả chúng sanh nhận được và hằng sống với tri kiến Phật của mình. Chúng ta có tri kiến Phật mà bỏ quên, rồi lăng xăng tạo nghiệp bị luân hồi bị trôi giạt qua vô số kiếp, nên bây giờ các ngài phát nguyện nơi nào có mình, chư Phật thị hiện đến chỉ cho mình việc ấy.

Lúc mới thành Chánh giác, ngài nói kinh Hoa Nghiêm, đem cho họ giáo Viên đốn Nhất thừa, khiến mọi người đồng lên biển Hoa Tạng. Lịch sử kể rằng, khi đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề, ngài đã thốt lên: Lạ thay! Mọi loài đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để rồi bị trầm luân sinh tử! Nghĩa là ngài dùng con mắt Phật, mắt tuệ đã thực chứng nhìn khắp muôn loài, thấy chúng có sẵn trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để bị trôi giạt. Do đó ngài liền chỉ dạy pháp Viên đốn Nhất thừa, khiến cho mọi người vào biển Hoa Tạng, tức là thể nhập được tạng tâm Như Lai của chính mình.

Pháp thì lớn, cơ thì nhỏ. Nghĩa là pháp Nhất thừa viên đốn rất rộng sâu, mà căn cơ chúng sanh lại quá cạn hẹp. Chúng sanh đang giong ruổi và mắc mứu bởi trần lao phiền não đầy dẫy, cho nên không nhận nổi pháp viên đốn Phật chỉ dạy.

Do đó, Giáo có năm thời, Thừa chia ba tạng. Đây là theo sự phán giáo của các tổ đời sau. Thời thứ nhất, là sau khi thành đạo Phật giảng kinh Hoa Nghiêm do chư thiên thỉnh cầu. Thời thứ hai, nơi vườn Lộc Dã, Ngài nói kinh A-hàm. Chúng ta học trong lịch sử, sau khi thành đạo rồi, đức Thế Tôn từ Bồ-đề đạo tràng trở lại vườn Lộc Dã gặp gỡ mấy người bạn đồng tu là năm anh em Kiều Trần Như. Nơi đây ngài nói pháp Tứ đế. Vì vậy, thời thứ hai đức Phật nói pháp cho hàng Nhị thừa.

Thời thứ ba, tại tinh xá Kỳ Hoàn, Ngài nói kinh Bát-nhã. Tinh xá Kỳ Hoàn tức là tinh xá Trúc Lâm. Tinh xá này do ông Cấp Cô Độc thành lập. Phật thành đạo rồi, có những đệ tử xuất gia và tại gia theo Thế Tôn tu học, phát nguyện tạo phương tiện giúp cho chánh pháp được lưu truyền nơi đời, lợi lạc chúng sanh. Tinh xá Kỳ Hoàn do trưởng giả Cấp Cô Độc phối hợp với thái tử Kỳ-đà thành lập. Đây là tinh xá lớn nhất, đức Phật nhập hạ ở đây cũng nhiều nhất. Tại nơi này Phật nói kinh Bát-nhã.

Thời thứ tư, trong núi Kỳ-xà-quật, Ngài nói kinh Pháp Hoa. Núi Kỳ-xà-quật tức là núi Linh Thứu. Tại đây Phật nói kinh Pháp Hoa.

Thời thứ năm, ở thành lớn Câu-thi, Ngài nói kinh Niết-bàn. Đây cũng là chỗ đức Phật nhập Niết-bàn.

Hai thời trước là phần giáo của Tiểu thừa. Đến thời Pháp Hoa là phần giáo của Đại thừa. Kinh nói: Phật nói kinh Đại thừa tên “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”. Tức là kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát này được chư Phật hộ niệm.

Bởi chư Phật hộ niệm từ lâu xa đến giờ. Nay, trong chúng đệ tử, căn cơ đã thuần thục, lưới nghi cũng trừ xong, có thể kham nhận lãnh pháp lớn, nên Phật đem Đại thừa này giao phó. Ngay trong phần đầu, đức Phật thị hiện giới thiệu chỉ bày, từ từ các vị đệ tử lớn như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-chiên-diên, Ca-diếp v.v… đã thuần thục, đã trưởng thành, kham nhận được giáo pháp Đại thừa, bấy giờ đức Phật mới nói kinh Pháp Hoa.

Giáo này cũng đồng với kinh Hoa Nghiêm. Do đó, kinh nói: “Thẳng bẳng bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng. Khiến cho chúng đệ tử, nương đạo Nhất thừa này, tiến vào Tối thượng thừa, Tri kiến Phật nhất đại sự, A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”. Kinh Hoa Nghiêm nói Thẳng bẳng bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng, tức là chỉ thẳng, vượt qua tất cả phương tiện. Khiến cho chúng đệ tử, nương đạo Nhất thừa này, tiến vào Tối thượng thừa, Tri kiến Phật nhất đại sự, A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Việc duy nhất tối thượng thừa là như vậy.

Nhưng, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm đồng một ý hướng, mà kinh Pháp Hoa là mật ý xưng dương tán thán Phật tri kiến. Kinh Lăng Nghiêm là nói rõ Phật tri kiến. Kinh này đem so với kinh Lăng Nghiêm, cả hai kinh đồng một ý hướng. Kinh Pháp Hoa là mật ý xưng dương tán thán Phật tri kiến, còn kinh Lăng Nghiêm nói rõ Phật tri kiến. Cùng một ý hướng nhưng mỗi kinh có một nhiệm vụ chỉ bày như vậy đó.

Đến kinh Niết-bàn thì dạy: “Sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui”. Chính nơi đây, niềm vui lớn mới thật rốt ráo. Đến kinh Niết-bàn là rốt ráo, sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui.

Nên biết trên hội Pháp Hoa, là lúc đào giếng đã thấy đất ướt, biết chắc gần tới nước. Nơi hội Pháp Hoa, đức Thế Tôn chỉ cho mọi người nhận ra tri kiến Phật, trong đó có chúng ta. Tuy rằng chúng ta chưa giác ngộ giải thoát, chưa thành Phật, nhưng nhận được mình có tánh giác, có tri kiến Phật tức là tin chắc ta có khả năng thành Phật. Giống như đào giếng tới đất ướt rồi, chắc chắn sẽ tới nước, sẽ trị được bệnh khát nước. Kinh nói nhận được tri kiến Phật, nhà thiền bảo hằng sống với tánh giác của mình.

Hội Lăng Nghiêm, là khi thấy nước rồi. Tức là chỉ thẳng cái đó ra. Hồi nãy tới đất ướt, biết chắc gần tới nước, đến đây thấy nước. Hội Niết-bàn, là lúc uống nước. Kinh Niết-bàn nói gì? Sanh diệt đã hết, lặng lẽ là vui.

Thế thì, nhân duyên một việc lớn, chính là giải thoát vậy. Giáo hóa chúng sanh được như vậy là nhân duyên nhất đại sự đã thành công, tức là giải thoát.

Nói lớn, cũng chẳng vượt qua tâm. Câu này ý nói lớn không ngoài tâm, nói lớn nói nhỏ gì cũng không ngoài tâm cả.
Nhưng, tâm lại là Tri kiến chân như, bản lai không một vật. Tâm chính là Tri kiến chân như, bản lai không một vật. Thành ra khi Lục Tổ nói Bản lai vô nhất vật là ngài đã nhận ra được tri kiến Phật của mình. Nhận được, sống được với tâm của mình rồi, Tổ mới nói “Bản lai vô nhất vật”. Người chưa nhận được tâm, còn bị mắc mứu chạy theo những lăng xăng điên đảo bên ngoài, không khi nào dám nói vô nhất vật. Rõ ràng như vậy.

Chúng sanh tự quên cái bản lai này, theo vọng thức, trôi giạt mãi trong biển khổ. Đây là câu nói thông thường mà các vị thánh dành cho chúng sanh đang lô nhô trong biển khổ. Chúng ta có cái bản lai ấy mà quay lưng với nó, để rồi vướng mắc trôi giạt, khổ sở điên đảo không cùng. Con người thường chạy theo sự thay đổi giả tạm bên ngoài, chợt có chợt không, khi còn khi mất. Khi được thì vui cười hả hê, lúc mất lại buồn khổ sầu thảm. Mất thân này tìm thân khác, cứ thế mà bám, mà trôi giạt. Bây giờ có cách để không bị trôi giạt nữa là chán bỏ thân này, nhận và sống với thân thật, tự nhiên không bị khổ đau nữa. Biết rõ mình bị khổ đau, luân hồi là vì mê nhận những điên đảo, hư giả làm thật. Bây giờ muốn hết khổ đau, muốn dừng vòng luân hồi sinh tử thì đừng ôm đồm, đừng chạy theo, đừng mắc mứu những cái đó nữa.

Tự chúng ta ý thức và nhận trách nhiệm đối với vòng luân hồi mình đang vướng mắc. Chúng ta không thể cầu nguyện, không thể trông mong ai ban cho mình sự an ổn. Ví dụ mình đang bị một bức xúc trong lòng. Nó ray rứt, quấy nhiễu, lăng xăng mà chưa giải toả được. Giả như bây giờ có ai khuyên, an ủi, để mình quên sự bực bội ấy, nhưng nếu ta chưa giải tỏa, còn vướng bận trong lòng thì dù được an ủi bao nhiêu, sự ray rứt vẫn chưa hết. Chỉ khi nào mình cởi mở, buông bỏ hết thì mới yên được. Cho nên tự mình phải vận dụng trí lực của mình, không thể ỷ lại vào sự hỗ trợ bên ngoài. Đoạn đường đó là đoạn đường quyết liệt tự mình đi, vững vàng hay không, tự tại hay không là do mình. Các phương tiện chỉ có giá trị tạm thời, rất giới hạn, không thể cứu được mình.

Công phu phải do ta tự gầy dựng, yên lắng hết vọng tưởng, phiền não không còn, mọi lăng xăng buông xuống thì trí tuệ hiện tiền phát ra. Nghĩ như vậy rồi, chư huynh đệ sẽ thấy quý trọng thời gian, sẽ thấy công phu tu hành bây giờ quyết định cho đường đi nước bước của mình, cho cuộc đời mình. Nên nhớ vô thường không tha ai hết, dù cho những bậc phát minh siêu xuất nhất, thuốc thang tối ưu nhất, tuy nhiên cuối cùng rồi cũng bó tay. Một hơi thở ra không lấy lại là rồi. Thế thì có gì bảo đảm? Chả có gì hết, chẳng qua chỉ là duyên hợp thôi. Nếu chúng ta không cùng nhau hạ quyết tâm xây dựng cho đẹp, cho xứng đáng, mà còn gây tạo những bất an bất ổn trong đó thì quả thật là dại khờ.

Nói cho cùng, việc của mình mình phải đảm đang, phải giải quyết thôi. Càng lớn lên, chúng ta sẽ càng thắm thía nỗi quạnh quẽ, cô đơn một mình, không ai cảm thông nổi! Con đường luân hồi sinh tử ta gầy dựng thì chính ta đương đầu và giải quyết. Pháp của Phật cao siêu mầu nhiệm như thế, nhưng nếu ta không áp dụng, không thể nhập được thì luân hồi sinh tử vẫn cứ lôi ta trong luân hồi sinh tử. Nghiệm tới đây, mọi người nên tha thiết, quý trọng nhau. Vì tất cả chúng ta đều là Phật hết mà, dù người cao, người thấp, người già, người trẻ, người khôn, người dại… cũng là Phật sẽ thành thôi. Chúng ta quý trọng, đùm bọc nhau, để thành tựu việc cho nhau. Tôi nói hỗ trợ, chứ không phải người này làm thành cho người kia được đâu.

Cho nên, pháp của Phật nói ra, dụ như chiếc bè hay cứu vớt chúng sanh, ngược giòng mà qua, khiến họ bỏ vọng về chân. Sau đó, mới khai thị cho họ, dạy biết cái “bản lai thanh tịnh”, ngộ nhập “Tri kiến địa chân như”. Pháp của Phật dụ như chiếc bè. Chúng ta biết dùng chiếc bè hay không là chuyện của mình. Muốn qua sông thì phải là chiếc bè an toàn, chứ qua giòng nước xoáy, sóng to sông lớn mà bè lủng bè mục thì chết chìm giữa giòng. Biết sử dụng bè cũng như biết sử dụng pháp, biết sử dụng phương tiện tu tập. Trước nhất là thân này, kế là trí tuệ hiểu biết, những phương tiện trong đời sống nuôi dưỡng trí tuệ và thân của chúng ta. Ngoài ra còn có bạn hữu, các phương pháp giải trừ độc tố cho mình.

Dùng xong thì bỏ phương tiện, không nên mang vác theo nữa. Có vị nào thấy một người đi trên đường nhựa mà vác chiếc bè trên lưng không? Không. Nhưng nếu ở dưới sông mà không có bè thì chết. Nói như thế để chúng ta sử dụng cái bè cho đúng. Bè là để qua sông. Làm sao bảo đảm an toàn cho mình, ta giữ gìn để có bè tốt mà qua được sông. Qua sông rồi thì bè trở thành vô dụng.

Khiến họ bỏ vọng về chân. Rồi sau đó khai thị cho họ, dạy biết cái Bản lai thanh tịnh, ngộ nhập Tri kiến địa chân như. Nghĩa là nhân kế tựu kế, chỉ cho chúng sanh qua sông vững vàng, làm chủ rồi không bị các pháp kéo lôi, đó là Bản lai diện mục thanh tịnh chân như của chính mình.

[ Quay lại ]