headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TỔNG NÊU NHÂN DO TÔNG CHỈ KHAI THỊ NGỘ NHẬP

 CHÁNH VĂN

Phần duyên khởi của các kinh, mỗi mỗi khác nhau. Nhân duyên kinh này, lấy ánh sáng mà dẫn, từ trong vô lượng nghĩa lưu xuất. Vô lượng nghĩa cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Hạng thượng căn thấy đó, đã tròn đầy yếu cơ Khai, Thị, Ngộ, Nhập, chẳng nhọc đức Thế Tôn từ chánh định dậy, lại diễn nói thêm. Nên trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng thể nghĩ bàn, tướng lời nói lặng lẽ. Nhưng các loài chúng sanh khác không thể hiểu thấu, nên xin ưa muốn nghe”.

Khai là phá bỏ vọng tưởng tình thức kia, bày tỏ căn tánh chân thường tức là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh.

Thị là đã khai phá vọng thức rồi, liền chỉ ra căn tánh chân thường, là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh.

Ngộ là chúng sanh từ kiếp vô thủy đến giờ, chẳng biết chân tánh xưa nay trong sạch. Chỉ nhận bốn đại, năm uẩn làm thân, sáu thức vọng tưởng làm tâm. Nên cần phải mở bày, mới có thể giác ngộ “tình thức là vọng, căn tánh là chân”.

Nhập là đã biết vọng thức, nhận ra chân tánh, bèn hồi tâm ngộ nhập tánh chân thật, chóng bỏ thức tình vọng tưởng. Lại, Nhập cũng chính là nghĩa “nhập lưu vong sở”. Là thu nhiếp các thức trở về căn nguyên, trái bỏ cảnh giới vọng trần vậy.  Kệ rằng:

                        Pháp Hoa một đại sư nhân duyên,

                        Khai Thị khiến cho Ngộ Nhập liền (1).

                        Phóng quang sáng tỏa, bừng mắt đạo,

                        Từ tam-muội dậy, chỉ linh nguyên.

                        Hoa lòng, nhận thấu chân tri kiến,

                        Biển tánh, vào giòng giác biến viên.

                        Hãy dừng chớ có dùng lời nói,

                        Mây bay, tùng gợn, vốn thiên nhiên.

(1) KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP: Tất cả các đức Phật Thế Tôn ra đời chỉ vì muốn cho chúng sanh “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”. Chúng sanh được khai thị ngộ nhập Phật tri kiến rồi lòng Phật mới thỏa, nguyện Phật mới xong, một đại sự nhân duyên ra đời của các Ngài mới hoàn tất.

Kinh nói: “Các đức Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra trong đời. Xá-lợi-phất! Thế nào nói rằng các đức Phật Thế Tôn hiện ra trong đời chỉ vì một đại sự nhân duyên?

Các đức Phật Thế Tôn vì muốn chúng sanh khai mở Phật tri kiến để được thanh tịnh mà hiện ra trong đời. Vì muốn chỉ thị Phật tri kiến cho chúng sanh mà hiện ra trong đời. Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ Phật tri kiến mà hiện ra trong đời. Vì muốn tất cả chúng sanh chứng nhập Phật tri kiến mà hiện ra trong đời.

Xá-lợi-phất! Đó là các đức Phật Thế Tôn vì đại sự nhân duyên mà hiện ra trong đời vậy.”

 Phật tri kiến chính là bản giác diệu tâm, là chân tánh bình đẳng của tất cả Thánh phàm. Từ xưa đến giờ khắp cùng pháp giới, Phật và chúng sanh vẫn đồng một thể tánh này. Thể tánh dù đồng, nhưng mê chính nó là chúng sanh, ngộ chính nó là Phật. Ngộ tức thuận theo tánh. Thuận theo tánh thì luôn luôn thụ hưởng bốn đức “thường, lạc, ngã, tịnh”. Mê là trái tánh theo trần. Trái tánh theo trần hẳn luân hồi sanh tử đảo điên khôn cùng. Vì trần lao là cảnh “huyễn mộng vô thường”.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Trái giác hợp trần, trái trần hợp giác”, là đấy.

GIẢNG

Đây là phần Tổng nêu nhân do tông chỉ Khai Thị Ngộ Nhập. Nhân do là nguyên nhân hay lý do về tông chỉ Khai Thị Ngộ Nhập. Đầu kinh Pháp Hoa nói “Đức Thế Tôn ra đời là vì một đại sự nhân duyên”, tức một việc lớn, một nhân duyên lớn. Nhân duyên lớn đó là muốn khai thị ngộ nhập cho chúng sanh. Tức mở bày chỉ ra cho chúng sanh nhận được, thể nhập được tri kiến Phật của chính mình. Đó là lý do chánh yếu của chư Phật thị hiện ra nơi đời.

Tri kiến Phật được Hòa thượng Tôn sư nói rất nhiều lần qua những thời giảng kinh hoặc Ngữ lục của chư Tổ. Nhà thiền nói tánh giác, chân tâm, hay Ông Chủ của chúng ta. Các đức Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng ta nhận được tánh giác của chính mình. Tại sao phải chỉ như thế? Vì chúng ta có sẵn cái đó nhưng quên đi. Chữ Mê (迷) trong nhà Phật có nghĩa là quên đi. Bởi quên nên chúng ta chạy theo vọng trần. Vọng trần là gì? Vọng trần gồm những thức tình điên đảo, vọng tưởng trùng trùng điệp điệp, nhiều lớp nhiều đời chồng chất. Chúng ta đã quên gốc, lại bị vọng tình vọng thức bu bám nên quên lại càng quên, càng mờ mịt không biết lối về, không nhận ra được gốc Phật, không nhận ra được tánh giác của mình. Do đó điên đảo tạo nghiệp, lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử, không có ngày cùng.

Bây giờ chúng ta được học lại những lời dạy cao quý của chư Phật, của các thiện hữu tri thức, chỉ mong muốn chúng ta một điều duy nhất là nhận lại. Nhận lại cái gì? Nhận lại tánh giác của mình, nhận lại cái mà mình bỏ quên. Chỉ khi nào chúng ta nhận lại, sống được với tánh giác thì mới dừng cái vòng lẩn quẩn, cắt đứt những lăng xăng điên đảo từ vô lượng kiếp tới nay. Cắt đứt nó rồi chúng ta hết khổ, không bị trôi lăn nữa. Hòa thượng Tôn sư luôn nhắc nhở chúng ta đừng quên tánh giác, đừng chạy theo vọng tưởng. Ngài dạy vừa dấy niệm là phải tỉnh, dừng, đừng chạy theo, không để nó kéo lôi. Do tỉnh dừng nên được định, biết nó không thật, không để nó kéo lôi là tuệ. Định tuệ hiện tiền là chúng ta sử dụng được trí Bát-nhã của mình rồi.

Với người nhiều công phu, ngay bây giờ có thể biết được tình hình mình sẽ bị luân hồi sanh tử hay không? Biết bằng cách nào? Đó là, nếu có một dấy niệm mà mình làm chủ, đừng để nó kéo lôi, không chạy theo và biết nó hư giả, điểm trán nói: Chính mày mà ta bị trôi giạt, bị kéo lôi, lay hoay lẩn quẩn trong vòng luân hồi từ vô số kiếp đến nay. Bây giờ ta không còn lầm, không còn mê đảo nữa. Bọn bây không còn cơ hội, không đủ sức dẫn dắt ta đi đâu được nữa! Nếu như tất cả thiền sinh chúng ta đều điểm trán được vọng tưởng, những dấy niệm của mình hằng ngày, hằng giờ, từng phút giây là quý vị có thể làm chủ được rồi. Người hằng sống được như vậy là người nhận và sống được với tánh giác của mình. Điều này thật ra rất giản dị, đâu có gì khó! Song mình làm không được vì mê mà thôi. Mê là quên đi tánh giác của mình.

Như anh chàng nọ sáng mai chuẩn bị đi dự hội, đem bít tất mới ra mang. Anh tròng một chiếc bít tất vô xong rồi lại quên, tròng tiếp chiếc còn lại vô chân đó. Chết dở! Mất hết một chiếc không biết tìm đâu, lục hết ngăn tủ, các ngăn kéo, không có chiếc bít tất. Là tại vì hai chiếc tròng vô một chân. Tình trạng chúng ta cũng vậy. Mình có sẵn tánh giác rồi nhưng hơi lẩm cẩm một chút. Lẩm cẩm chứ không do ai lấy mất của mình. Do lẩm cẩm nên cái này chồng chéo lên cái kia, tánh giác ẩn đâu mất, kiếm không ra. Quên là như vậy đó. Mê giác ở trong chúng ta. Nhớ, không quên là giác. Quên, không nhớ là mê. Lẩm cẩm một chút là nằm bên bờ mê. Nhớ ra, tỉnh lại là đứng bên kia bến giác. Mê và giác không có biên cương cố định.

Cho nên trong công phu tu tập chúng ta phải nâng cao trình độ tỉnh. Cái tỉnh hiện tiền thì được định, tức là vững vàng. Định tỉnh thì không bị mê. Bởi vậy tất cả các thiền sinh chúng ta mỗi ngày đêm đều có ngồi thiền. Ngồi thiền là thế thù thắng nhất để gầy dựng cái tỉnh. Tuy ngồi thiền có tỉnh, nhưng cái tỉnh đó vẫn bị lung lay. Ví dụ mình đi kéo củi nó bị lung lay, làm vườn bị lung lay, tiếp khách lại càng dễ lung lay hơn nữa. Cho nên sự tỉnh giác này phải được duy trì và chú ý thực tập trong tất cả mọi lúc, mọi nơi.

Khi chúng ta tập trung ngồi thiền, có ba bước:

1. Điều hòa thân. Nguyên tắc của pháp ngồi thiền là sau khi thân đã điều hòa rồi thì ngồi yên cho tới chừng nào xả ra mới cử động. Nhờ sự khống chế đó trong một thời gian nhất định, chúng ta nuôi lớn cái tỉnh. Tỉnh được nuôi lớn thì định được phát huy. Định tỉnh phát huy thì định tuệ song hành.

2. Điều hòa hơi thở. Hơi thở điều hòa thì thân thể chúng ta sẽ biến thông, nhẹ nhàng, thư thái.

3. Điều tâm. Đây chính là mục đích chánh của người thực tập tọa thiền. Chúng ta áp dụng pháp tu “Biết có chân tâm” để nhận ta tánh giác của chính mình.

Mỗi ngày thiền sinh đều phải thực tập như thế. Đây chính là những nguyên tắc để bảo trì thân, bảo vệ hơi thở, cuối cùng là hướng dẫn tập trung vào công phu tu hành. Mỗi ngày ít nhiều gì, các thiền sinh chúng ta đều sống và trải qua những thực tập này. Nếu như ngày nào chúng ta thiếu áp dụng sống tỉnh giác mình sẽ cảm thấy khó chịu. Tại vì ta quen thực tập tỉnh giác rồi. Cho nên sự tu hành rất hay và có ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ giờ giải lao huynh đệ năm ba người cùng đi, vui vẻ nói chuyện tới cổng và vượt qua cổng. Bỗng nhiên quí vị nhớ ra quy luật thiền viện không cho phép mình ra ngoài đường, cho nên các huynh đệ quay lại. Đó là những khuôn khổ nhỏ, nếu chúng ta thường xuyên tu tập áp dụng sẽ tạo thành chất liệu nuôi dưỡng sự tỉnh giác.

Nếu sự tỉnh giác của vị nào kém thì tu không tiến, vì sức nỗ lực không có. Tự lực không có, giống như người bị bệnh tai biến vậy, thân họ bại hoại hai phần ba, một phần tư hay phân nửa… xem như mất tự chủ, không tự điều khiển được. Làm sao tất cả thiền sinh chúng ta nuôi dưỡng phát huy cho được sự tỉnh giác. Dù rằng chỗ này chưa phải là Phật, song nó là chất liệu đảm bảo cho tương lai của mình. Nó được hình thành ngay trong cuộc đời hiện tại, có giá trị hay không là từ tinh thần này.

Nhà thiền rất coi trọng những thiền sinh có trình độ tỉnh giác cao. Từ sự quý trọng đó, họ được nuôi dưỡng, được tạo điều kiện để phát huy sự tỉnh giác hiện tiền, mạnh mẽ. Vì thế Hòa thượng Viện trưởng thành lập mô hình các thiền viện chuyên tu ở những nơi như núi cao yên tỉnh. Ngày xưa, khi chưa thành lập thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt, ngài từng tới lui Vũng Tàu, nơi có rừng núi và khí hậu tốt hạ thủ công phu tu thiền. Tâm nguyện của Hòa thượng muốn tạo những nơi thích hợp cho các vị có duyên tu thiền, phát huy cho được sự tỉnh giác càng sâu càng tốt. Ngài dạy: Mấy chú mà tỉnh giác thì không ai làm gì được hết. Ngược lại, sức tỉnh giác yếu thì dù nằm trùm mền trong Bệnh xá, ma quỷ vẫn dắt mình đi như thường.

Trở lại chuyện Mê. Mê là bỏ quên. Quên gì? Quên ở đây không phải quên tiền quên bạc, quên địa vị danh vọng mà là quên cái gốc, quên tánh giác của mình. Mới nguy chứ! Quên cái mà nếu nhớ được mình sẽ giác ngộ giải thoát, tự tại, làm chủ hoàn toàn, không bị ma quái khống chế lôi đi. Phải chi quên được tiền bạc danh vọng thì nhẹ nhàng, đỡ khổ biết mấy. Mỗi chiều chúng ta tụng Bát-nhã nghe Phật nhắc cái này không, cái kia không để nhớ tánh giác. Nhưng nhắc hoài mình cũng vẫn cứ quên!

Tu thiền thật ra là một phương pháp tu hành mà không có phương pháp gì hết. Có khi chúng ta không cần tụng kinh nữa, chỉ làm sao đừng quên cái gốc. Khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thốt lên: Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê bỏ quên để bị luân hồi sanh tử? Ngài thấy toàn thể chúng sanh có khả năng giác ngộ, có trí tuệ đức tướng Như Lai, nhưng không hiểu tại sao bỏ quên để thành ngu mê, bị trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Từ đó ngài phát đại bi đại nguyện nhắc nhở, chỉ vẽ, làm sao cho họ nhớ và sống lại với tánh giác của mình.

Trong kinh Pháp Hoa, anh cùng tử được người bạn cho viên ngọc, gắn trong chéo áo mà anh cứ quên. Lúc say xỉn khổ sở, trôi giạt, gặp lại người bạn cũ. Anh ta bảo:

- Hồi đó tôi cho anh viên ngọc cột trong chéo áo, sao không chịu đem ra dùng?

Nhận ra mình có viên ngọc, lập tức anh chàng cùng tử trở thành giàu có, hết lang thang khổ sở.

Tóm lại chúng ta đừng quên, đừng mê. Đừng quên đừng mê là nuôi dưỡng tánh giác.

Phần duyên khởi của các kinh, mỗi mỗi khác nhau. Nhân duyên kinh này, lấy ánh sáng mà dẫn, tức Phật phóng ánh sáng giữa chặng mày, từ trong vô lượng nghĩa lưu xuất. Vô lượng nghĩa cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Hạng thượng căn thấy đó, đã tròn đầy yếu cơ Khai, Thị, Ngộ, Nhập. Ở đây hạng thượng căn đương cơ là ngài Xá-lợi-phất. Sau khi nhận ra tri kiến Phật rồi, ngài được Phật thọ ký sẽ thành Phật.

Chẳng nhọc đức Thế Tôn từ chánh định dậy, lại diễn nói thêm. Nên trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng thể nghĩ bàn, tướng lời nói lặng lẽ. Nhưng các loài chúng sanh khác không thể hiểu thấu, nên xin ưa muốn nghe”. Lẽ ra đó là chỗ không phải nói gì hết, đức Thế Tôn dùng những hình ảnh, hạng thượng căn từ đó nhận ra và được thọ ký. Tuy nhiên với đại đa số chúng sanh ưa muốn nghe là vì chưa nhận ra.

Ở đây giải thích:

Khai là phá bỏ vọng tưởng tình thức kia, bày tỏ chân tánh chân thường tức là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh.

 Khai là phá bỏ vọng tưởng, phá bỏ tình thức, bày tỏ chân tánh. Chúng ta nghiệm lại cái gì thuộc về vọng tưởng, thuộc về tình thức thì bỏ đi. Vọng tưởng là gì? Là những lăng xăng ngược xuôi, dính mắc trong lòng chúng ta. Bên trong như thế, còn bên ngoài là cảnh duyên xung quanh, cảnh nào chúng ta cũng mắc mứu, cũng dính hết, nó cũng thuộc về loại bà con quyến thuộc của vọng tưởng.

Người tu thiền làm sao để trị được những bệnh này? Tức là bên trong làm chủ, không bị những lăng xăng lôi dẫn. Đối với các hiện tượng, các cảnh duyên bên ngoài, bình thản an nhiên, không chạy theo, không dính mắc. Người được như thế là người có sức làm chủ, sống được với chân tánh của mình. Được như vậy là như như đối với các pháp. Như như đối với các pháp là bên trong yên ổn, niệm lăng xăng không dẫn đi được. Đối với cảnh duyên bên ngoài cũng không phải chạy theo. Cảnh là cảnh, tâm sáng suốt vẫn sáng suốt, không vì cảnh mà tâm mê mờ. Người được như thế là người như như đối với các pháp.

Thị là đã khai phá vọng thức rồi, liền chỉ ra căn tánh chân thường, là Phật tri kiến, tâm bản lai thanh tịnh. Chữ Thị có nghĩa là chỉ ra. Khi vọng tưởng đã bị khai phá, chúng ta làm chủ được, chúng không lôi kéo mình nữa, đức Phật mới chỉ tới phần chúng ta có tri kiến Phật ở ngay nơi tự thân.

Ngộ là chúng sanh từ kiếp vô thủy đến giờ, chẳng biết chân tánh xưa nay trong sạch. Chỉ nhận bốn đại, năm uẩn làm thân, sáu thức vọng tưởng làm tâm. Nên cần phải mở bày, mới có thể giác ngộ “tình thức là vọng, căn tánh là chân”. Ngộ nghĩa là nhận ra. Nhận ra cái gì? Nhận ra từ vô thủy kiếp đến nay chúng sanh quên mất chân tánh vốn sẵn có của mình, nên trôi dạt trong luân hồi sanh tử. Trong các thứ mê chấp, cái mê chấp lớn nhất của chúng ta là mê chấp thân tâm hư giả cho là thật. Từ đó bám víu, yêu thương, muốn bảo vệ nó, cho nên tạo vô số nghiệp. Bây giờ đức Phật mở bày, chỉ ra cho chúng sanh nhận được “tình thức là vọng, căn tánh là chân”, để chúng sanh không còn chìm đắm trong kiến chấp sai lầm, thoát khỏi nổi khổ sanh tử.

Nhập là đã biết vọng thức, nhận ra chân tánh, bèn hồi tâm ngộ nhập tánh chân thật, chóng bỏ thức tình vọng tưởng. Lại, Nhập cũng chính là nghĩa “nhập lưu vong sở”. Là thu nhiếp các thức trở về căn nguyên, trái bỏ cảnh giới vọng trần vậy. Chữ Nhập ở đây có thể thêm từ cho dễ hiểu là thể nhập, tức là vào được nhà của mình, là ông chủ sống tự do tự tại hoàn toàn, không còn bị bất cứ thứ gì câu thúc nữa. Khi được đức Phật khai, thị xong chúng ta ngộ rồi, buông bỏ thức tình vọng tưởng cho nên nhận và sống được với thể tánh chân thật của mình. Ngài Minh Chánh bảo là thu nhiếp các thức trở về căn nguyên, bỏ lại cảnh giới vọng trần. Nhập cũng chính là nghĩa nhập lưu vong sở. Ở đây nói theo tinh thần kinh Lăng Nghiêm. Nhập lưu là vào dòng, vong sở là quên. Nhập lưu vong sở là vào được dòng thánh, quên cái dòng luân hồi sanh tử từ lâu nay. Thành thử bây giờ làm sao chúng ta thiền định để vào được chỗ đó. Chỗ đó là chỗ nào? Là tánh giác của mình.

Tóm lại Khai Thị Ngộ Nhập là đức Phật chỉ cho chúng ta biết mình có tánh giác, có pháp thể thanh tịnh, thường trú bất sanh bất diệt, bây giờ quay về nhận lại. Nhân lời dạy của Phật mà ta nhận ra tâm chân thật có ở nơi mình. Pháp của Phật dạy giống như nhân ngón tay thấy được mặt trăng. Nhân cái này nhận ra cái kia. Nếu ai không nhân ngón tay thấy mặt trăng trên kia, lại cho ngón tay là mặt trăng thì làm hỏng đi ngón tay mà không bao giờ biết được mặt trăng. Cho nên Khai là một cách nói. Sở dĩ chúng ta có cái đó mà quên. Bây giờ Phật muốn dẫn chúng ta đến cái đó, chỉ cho chúng ta thấy, rồi tự chúng ta nhận ra, quay về hằng sống với cái đó.

Chư Phật với tâm nguyện muốn chúng sanh hết khổ được vui, các ngài chỉ cho chúng ta biết mỗi người đều có tánh giác. Nói tánh giác là một cách nói thôi, mỗi chúng ta đều có khả năng thành Phật. Nói khả năng thành Phật cũng là một cách nói thôi. Như đức Thế Tôn nói chúng ta là Phật sẽ thành. Muốn nhận lại tánh giác chúng ta phải định tĩnh, cứ lăng xăng theo trần cảnh hoài thì không bao giờ nhận được tánh giác. Nói tánh giác, nói trí tuệ, nói pháp thân, nói chân như, nói Niết-bàn… cũng do chính mình tự ý thức buông bỏ những lăng xăng, làm chủ được đối với tất cả các cảnh duyên thì mới nhận ra cái chân thật ấy. Người nào học Phật, hiểu Phật, áp dụng đúng như vậy là thành công. Phải xoay lại, phản quan tự kỷ, từ nơi mình mà được, không từ bên ngoài đến.

Chỗ này các thiền sư đưa ra ví dụ, như sư tử, khi có người liệng ra một cục xương, nó không chụp cục xương mà chụp người liệng cục xương. Đó là phản quan. Người tu thiền là người phản quan giỏi nhất, có trí lực mạnh nhất, để thấy ngược lại chính mình, không lầm các pháp tạm bợ bên ngoài. Như nghe nói cánh tay đẹp, có kẻ mê cánh tay đó.

 Người trí lực kém chưa thể soi thủng để thấy từng tế bào, từng thỏi xương, từng lớp da, từng mảng bầy nhầy hình thành cánh tay nên mới thích cánh tay đẹp ấy. Đây là người không biết quán chiếu. Người biết quán chiếu sẽ phân tích, phẩu thuật thấy rõ cánh tay không có gì đẹp ngoài một mớ da thịt gân xương tạm kết hợp mà thành, nên họ không mê cánh tay. Cái đẹp không có trong mớ bầy nhầy, không có trong thỏi xương trắng, không có trong mớ gân vụn. Tóm lại cái đẹp không có thật. Nói cánh tay đẹp chẳng qua là do mê, không thấy thủng tận căn để các pháp, nên mới có các thứ sai lầm nối theo sau.

Mọi thứ trên đời này, nếu sử dụng trí tuệ quán chiếu thì không có gì vướng mắc chúng ta được cả. Nhưng có điều chúng ta không gan, không dám nhìn thẳng mà thôi. Cả ngôn ngữ cũng không có chủ thể cố định. Như bây giờ tôi nói được thế này là nhờ có hàm răng, chưa súng cái nào, hai môi không sứt, lưỡi đầy đủ để phát ra âm thanh rõ ràng. Nhưng nếu như một bộ phận nào hư đi, răng thiếu, môi trớt… thì tôi nói ra không ai nghe được. Mọi cố chấp chẳng qua là quan niệm, thành kiến từ chỗ điên đảo vọng tưởng mê lầm của chúng ta mà ra. Từ đó chúng ta vướng mắc rồi tạo nghiệp với nhau.

Ở đây đức Phật quy tất cả về tâm, không có cái khác. Khai cũng khai mở tâm. Thị cũng chỉ ra tâm, tức tri kiến Phật. Ngộ là nhận lại tâm. Nhập tức thể nhập chân tâm. Bây giờ chúng ta ngồi thiền, thọ trai, tụng kinh, làm tất cả việc trong chúng... tựu trung vì một việc duy nhất là để vào được tánh giác. Tánh giác cũng gọi là bản lai diện mục, là chân tâm, là Ông Chủ. Mỗi danh từ diễn đạt một diệu dụng của tâm. Như nói tánh giác là nặng về giác, nói bản lai diện mục là chỉ cho mặt mắt thực xưa nay của chúng ta v.v… Khi đến được chỗ đó rồi thì mọi danh từ đều không còn ý nghĩa nữa. Vào được chỗ đó rồi thì chỉ nhận ra thôi, không nói gì hết.

Tất cả những sinh hoạt tu học, việc làm, mọi thi vi trong đời sống của chúng ta đều nhằm làm sao nhập vào được chỗ này. Vào được chỗ này thì quên. Quên gì? Quên trần cảnh, quên bạn bè, quên tiền bạc, quên địa vị, quên ăn ngon, quên mặc đẹp… quên hết. Cho đến cuối cùng quên cái thân này luôn, bỏ sạch vọng tưởng nữa là thành Phật. Cho nên vào dòng được rồi thì kết quả đương nhiên là quên. Nếu chưa quên cái này thì chưa vào cái kia. Hai cái này nghịch chiều, cái này đậm đà thì cái kia yếu nhạt.

Tóm lại, công huân tu hành hằng ngày của chúng ta đừng nghĩ chỉ ở lúc ngồi thiền, tụng kinh, mà chủ yếu là trong tất cả sinh hoạt đều phải tu. Sở dĩ chúng ta bị sắp đặt vào quy chế thời khóa như vậy là vì mình còn yếu quá đi, thả ra là chạy theo ngoại trần, là đắm nhiễm. Vì vậy có những nguyên tắc để kéo về, lấy lại thế Ông Chủ từ từ. Bao giờ chúng ta tự tại rồi thì thôi, nói gì tụng kinh hay ngồi thiền. Bây giờ chưa tự tại, chưa làm chủ được thì phải tụng kinh, ngồi thiền. Chúng ta đang sử dụng phương tiện, phải biết phương tiện có giá trị trong một giới hạn nào thôi. Chúng ta đang sống, đang hòa hội với nhau, đang sử dụng những phương tiện để tiến đến nhập lưu, hằng sống được với tánh giác của mình. Sống được với tánh giác rồi, trần cảnh sẽ không làm gì được mình. Khi đó thả chúng ta về thành phố hoặc đi Tây đi Tàu không còn sợ nữa, tự do thừa hành Phật sự, làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng bây giờ thì chưa được.

Huynh đệ cũng đừng bao giờ lợi dụng chữ phương tiện. Thầy nói khỏi tụng kinh, tới giờ tụng kinh không ai tụng hết cũng kỳ lắm. Anh em đang sống trong một tập thể có tổ chức, có nguyên tắc, có sự hòa hợp và áp dụng phương tiện như vậy. Hòa thượng không nói chúng ta phải tụng kinh suốt đời. Cứ tụng đi, chừng nào ngài thấy chúng ta tự tại, làm chủ được thì không cần tụng nữa. Cũng như Hòa thượng bảo tất cả thiền sinh phải ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, nhưng ngài không bắt buộc mãi như thế. Nếu người nào ngồi hai tiếng, rồi ba tiếng, tiến dần lên năm ba ngày một cách tự tại, chừng đó Hòa thượng không bảo mình phải ngồi thiền hai tiếng nữa. Còn bây giờ thì phải theo đúng sự hướng dẫn của ngài và qui định chung của thiền viện.

Nói tóm lại, khai thị ngộ nhập là tinh thần chủ yếu nằm trong bản hoài của các đức Phật ra đời, nhằm chỉ cho chúng ta nhận lại gia bảo nhà mình, hằng sống được với nó. Như vậy chúng ta sẽ được tự tại giải thoát.
 

[ Quay lại ]