headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHÁNH VĂN TỔNG NÊU PHÁP DỤ VÀ ĐỀ MỤC CỦA KINH

 CHÁNH VĂN:
Diệu Pháp Liên Hoa kinh, năm chữ. Hai chữ Diệu Pháp là chỉ cho Pháp thật. Pháp tức là tâm xưa nay trong sạch. Tâm ấy, xưa nay không sanh không diệt, chẳng sạch chẳng nhơ, chẳng thêm chẳng bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trụ trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói, tâm xưa nay trong sạch là vậy.

Lại tâm này, là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay. Trạm trạm lóng trong, tức không tức sắc. Không thể dùng tâm thức suy lường mà biết được. Đức Thế Tôn, vì muốn đem một việc lớn, “Tâm này” trao phó cho hàng Bồ-tát, gây tâm nhân địa, làm gốc tu nhân. Nhiên hậu, có thể thành tựu quả địa tu chứng, nên nói rằng Diệu Pháp.

Nên biết, tâm này trong các kinh đều khai thị nó trước nhất. Phương tiện đặt tên, mỗi chỗ chẳng đồng. Như Tâm Kinh Bát-nhã thì “Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa”. Lại bảo: “Bồ-tát Quán Tự Tại”. Cũng nói: “Chân thật chẳng hư”. Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp môn Bất nhị”. Hoặc là “Chẳng nghĩ bàn”. Kinh Kim Cương dạy: “Như thế sanh tâm thanh tịnh”. Lại dạy: “Nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biển tánh Tỳ-lô”. Lại nói: “Trí Căn bản”. Kinh Lăng Già cho rằng: “Tự giác thánh trí”. Kinh Lăng Nghiêm chỉ: “Diệu minh nguyên tinh”. Lại nói: “Như Lai tàng tánh”. Kinh Viên Giác thì “Nhân địa pháp hạnh” hoặc là “Viên Giác diệu tâm”. Kinh A-di-đà nói: “A-di-đà Phật”. Lại nói: “Kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, hết thảy chư Phật đều hộ niệm”. Kinh Đại Bát Niết-bàn thì dạy: “Thân Kim Cương chẳng hoại”. Đến như kinh Pháp Hoa này là “Diệu Pháp Liên Hoa”, là “Một đại sự nhân duyên”. Lại, “Phật tri kiến đạo”. Hay là, “cứu cánh Phật tuệ”. Cũng lại, “Trí nhất thiết chủng” v.v… Như thế bao nhiêu thứ danh hiệu, đều tùy dụng mà đặt ra, có vô lượng sự sai khác. Thế nên nói là “Diệu Pháp”.

Hai chữ Liên Hoa là thí dụ. Lấy trong sạch chẳng ô nhiễm làm nghĩa. Vì tất cả sự vật trong thế gian, chẳng kham làm dụ cho tâm, nên cưỡng lấy hoa sen để ví cho nó. Bởi loài hoa này sanh trong nước bùn, mà chẳng bị nước bùn làm ô uế. Cũng như tâm ở trong trần lao, mà chẳng bị trần lao làm mê hoặc. Nhưng, tâm không hình tướng, hoa có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mới biết hoa. Hoa là sắc tướng vô tình, còn thấy biết chính là chân tâm. Chỉ chẳng vọng sanh phân biệt thì vật ngã tự như như.

Kinh là sợi chỉ xâu suốt tâm. Bảy quyển bao hàm hơn sáu muôn lời, đều là những số của tâm. Lấy một sợi chỉ xâu hết lại thành một kinh vậy. Nhưng, chỗ tỏ bày của kinh là môn học Định, Tuệ. Thế là nói lượt đi, kỳ thật gồm cả Giới trong đó, do Giới giúp cho Định Tuệ. Nhân Giới sinh Định, do Định phát Tuệ. Thế nên, Giới là phương tiện đầu của Định Tuệ, há có thể lãng quên được ư?

Nói Định Tuệ, tức là tông chỉ của Thiền định. Tuy trong các kinh đều nói Định Tuệ, nhưng có Định Tuệ Tiểu thừa, Định Tuệ Nhị thừa, hoặc Định Tuệ của Quyền thừa Bồ-tát. Đến như kinh này thì Phật tuệ rốt ráo, chỉ bày Nhất thừa, Phật tri kiến đạo, khiến các chúng sanh rốt ráo đều được Trí nhất thiết chủng.

Nên biết, Định Tuệ trong kinh này nói, chẳng phải Định Tuệ của các kinh khác mà có thể so sánh được. Kinh nói: “Tạng kinh Pháp Hoa này, rất bền chắc sâu xa, không người có thể đến”.

Nay, đức Phật giáo hóa hàng Bồ-tát được thành tựu rồi, nên vì họ mà chỉ bày. Nhưng kinh Pháp Hoa, mới bắt đầu khai thị khiến họ ngộ nhập. Đến kinh Lăng Nghiêm, thì nghĩa Đại thừa đã rành rõ, mọi việc đã hoàn tất. Thế nên biết, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm làm tiêu biểu cho nhau. Do đó, kinh Pháp Hoa cũng có tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương kinh”.

Kệ rằng:
                    Đề kinh năm chữ, nghĩa u huyền,

                    Diệu Pháp Liên Hoa(1), Phật tuệ viên,

                   Thanh-văn(2), Độc giác(3), khôn lường xét,

                    Bản lai thanh tịnh, bặt trần duyên,

                    Theo thời chẳng muội Chân tri kiến,

                    Chỗ hiển mở bày thật quả nhân,

                    Pháp dụ cùng nêu, ngời đại sự,

                    Tâm hoa rực rỡ, chiếu vô biên.

(1) DIỆU PHÁP LIÊN HOA: Diệu Pháp là Pháp diệu khó nghĩ, vượt hơn các pháp. Lại kinh pháp này là vua trong các kinh của Phật nói.

Liên Hoa là dụ như hoa sen. Một loại hoa sánh với các loại hoa khác có năm điều đặc biệt:

            1- Có hoa là có gương: nhân quả đồng thời.

            2- Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho.

            3- Cọng hoa từ gốc đã tách rời cành lá.

            4- Loài bướm không bu đậu.

            5- Không bị người dùng làm đồ trang điểm.

Nói Diệu Pháp Liên Hoa là gồm cả dụ lẫn pháp trong đó. Thông thường các Phật tử chỉ gọi tắt hai chữ là Pháp Hoa mà thôi.

(2) Thanh-văn: Các vị này sanh cùng thời với Phật, được nghe pháp Tứ Đế ngộ lý Vô sanh, chứng quả A-la-hán. Thanh văn có bốn bậc:

            1- Tu-đà-hoàn 2- Tư-đà-hàm

            3- A-na-hàm 4- A-la-hán

(3) Độc giác: Còn gọi là Bích-chi Phật. Có hai hạng:

        a) Các vị ra đời không gặp Phật, cũng không gặp chánh pháp, nhưng nhờ chứng kiến cảnh hoa héo lá khô v.v… mà tự ngộ lý vô thường dứt Kiến tư hoặc, thoát ly sanh tử luân hồi. Vị này gọi là Độc giác.

        b) Các vị ra đời gặp Phật gặp chánh pháp, tu quán mười hai nhân duyên, chứng ngộ vô sanh thoát ly sanh tử luân hồi. Vị này gọi là Duyên giác. Cả hai hạng trên cứ nơi quả chứng thì ngang với A-la-hán.

GIẢNG:

Diệu Pháp Liên Hoa kinh, năm chữ. Hai chữ Diệu Pháp là chỉ cho Pháp thật. Pháp tức là tâm xưa nay trong sạch. Tâm ấy, xưa nay không sanh không diệt, chẳng sạch chẳng nhơ, chẳng thêm chẳng bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trụ trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói, tâm xưa nay trong sạch là vậy.

Lời văn của ngài Minh Chánh rất sáng. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có thật pháp và thí dụ. Liên hoa là dụ, Diệu pháp là thật. Diệu pháp là chỉ cho tâm xưa nay không sanh không diệt, không nhơ không sạch không thêm không bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trong trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói là tâm xưa nay trong sạch. Đó là nói về tâm thể của chúng ta.

Lại tâm này, là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay. Trạm trạm lóng trong, tức không tức sắc. Không thể dùng tâm thức suy lường mà biết được. Đức Thế Tôn vì muốn đem một việc lớn, “Tâm này” trao phó cho hàng Bồ-tát, gây tâm nhân địa, làm gốc tu nhân. Nhiên hậu, có thể thành tựu quả địa tu chứng, nên nói rằng Diệu Pháp.

Ở trên đã dẫn, ở dưới nói thêm, Lại tâm này… một loạt, để chỉ cho chúng ta biết tâm này là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay… Nghĩa là tâm trùm hết, linh linh lặng lặng. Những từ này thật sâu sắc, đọc lên đã đủ, không thể giải thích được nữa. Giải thích sẽ trật đi. Linh linh lặng lặng.

Trạm trạm lóng trong, nghĩa là gì? Chữ Trạm (湛) là lắng yên, bất động, không bị sai sử lay chuyển bởi những thứ bên ngoài.

Tức không tức sắc: Tâm ấy cũng là không, cũng là sắc.

Không thể dùng tâm thức suy lường mà biết được. Nghĩa là tâm đó không thể dùng sự suy lường bằng tri thức mà biết được. Chỉ nhận ra, hằng sống.

Đức Thế Tôn, vì muốn đem một việc lớn, “Tâm này” trao phó cho hàng Bồ-tát, gây tâm nhân địa, làm gốc tu nhân. Mục đích ra đời của đức Phật, vô lượng các bậc Thánh, là đem việc lớn “Tâm này” giao phó, ở đây nói hàng Bồ-tát nhưng chính là chỉ cho chúng ta biết mình có tâm ấy, để gây tâm nhân địa, tức tâm của mình là cái gốc tu nhân.

Nhiên hậu, (然後) là sau đó Có thể thành tựu quả địa tu chứng, nên nói rằng Diệu Pháp.

Nên biết, tâm này trong các kinh đều khai thị nó trước nhất. Phương tiện đặt tên, mỗi chỗ chẳng đồng. Như Tâm Kinh Bát-nhã thì “Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa”. Tức là chỉ cho Tâm. Nó là kinh Tâm. Bát-nhã ba-la-mật tức là trí tuệ viên mãn. Ba-la-mật là Đáo bỉ ngạn.

Lại bảo: “Bồ-tát Quán Tự Tại”. Kinh Bát-nhã, đương cơ Phật nói pháp là Bồ-tát Quán Tự Tại. Phật bảo với Bồ-tát Quán Tự Tại, mà ngầm hiểu là đức Phật dạy chung cho tất cả chúng sanh.

Cũng nói: “Chân thật chẳng hư”. Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp môn Bất nhị” hoặc là “Chẳng nghĩ bàn”. Kinh Kim Cương dạy: “Như thế sanh tâm thanh tịnh”. Lại dạy: “Nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biển tánh Tỳ-lô”. Lại nói: “Trí Căn bản”. Kinh Lăng Già cho rằng: “Tự giác thánh trí”. Kinh Lăng Nghiêm chỉ: “Diệu minh nguyên tinh”. Lại nói: “Như Lai tàng tánh”. Kinh Viên Giác thì “Nhân địa pháp hạnh”. Hoặc là “Viên Giác diệu tâm”. Kinh A-di-đà nói: “A-di-đà Phật”.

A-di-đà Phật tức là Vô lượng thọ, Vô lượng quang. Chỉ cho pháp thể thanh tịnh của chính mình. Thành ra kinh A-di-đà nói: A-di-đà Phật.

Lại nói: “Kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, hết thảy chư Phật đều hộ niệm”. Bất khả tư nghì công đức chư Phật nhất thiết hộ niệm.

Kinh Đại Bát Niết-bàn thì dạy: “Thân Kim Cương chẳng hoại”. Đến như kinh Pháp Hoa này là “Diệu Pháp Liên Hoa”, là “Một đại sự nhân duyên”. Lại, “Phật tri kiến đạo”. Hay là, “cứu cánh Phật tuệ”. Cũng lại, “Trí nhất thiết chủng” v.v… Như thế bao nhiêu thứ danh hiệu, đều tùy dụng mà đặt ra, có vô lượng sự sai khác. Thế nên nói là “Diệu Pháp”. Nói diệu pháp là bởi năng dụng hay dụng lực của tâm lớn lao vô cùng vô tận vậy.

Hai chữ Liên Hoa là thí dụ. Lấy trong sạch chẳng ô nhiễm làm nghĩa. Vì tất cả sự vật trong thế gian, chẳng kham làm dụ cho tâm, nên cưỡng lấy Hoa sen để ví cho nó. Bởi loài hoa này sinh trong nước bùn, mà chẳng bị nước bùn làm ô uế. Cũng như tâm ở trong trần lao, mà chẳng bị trần lao làm mê hoặc. Nhưng, tâm không hình tướng, hoa có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mới biết hoa. Hoa là sắc tướng vô tình, còn thấy biết chính là chân tâm. Chỉ chẳng vọng sinh phân biệt thì vật ngã tự như như.

Câu kết cho chúng ta hình ảnh gì ? Như trong kinh Viên Giác nói, người muốn nhận ra mặt trăng thật thì phải từ ngón tay mà nhìn lên mặt trăng thật trên kia. Cho ngón tay là mặt trăng sẽ có lỗi vừa làm hư ngón tay, vừa không nhận ra mặt trăng thật. Ở đây cũng vậy, tâm không hình tướng, hoa thì có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mà biết hoa. Nhân dụ mà chỉ ra pháp thật. Người có trí từ dụ nhận ra pháp thật. Hoa là sắc tướng vô tình còn thấy biết chính là chân tâm.

Chỉ chẳng vọng sanh phân biệt thì vật ngã tự như như. Chúng ta đừng chạy theo vọng thức, đừng sanh phân biệt thì vật ngã tự như.

Kinh là sợi chỉ xâu suốt tâm. Bảy quyển bao hàm hơn sáu muôn lời, đều là những số của tâm. Lấy một sợi chỉ xâu hết lại thành một kinh vậy. Nhưng, chỗ tỏ bày của kinh là môn học Định, Tuệ. Thế là nói lượt đi, kỳ thật gồm cả Giới trong đó, do Giới giúp cho Định Tuệ. Nhân Giới sanh Định, do Định phát Tuệ. Thế nên, Giới là phương tiện đầu của Định Tuệ, há có thể lãng quên được ư? Ở đây giải thích chữ Kinh, “Kinh” có ý nghĩa là xâu suốt lại. Bảy quyển bao hàm sáu muôn lời. Có bài tán đầu kinh Pháp Hoa:

                Hơn sáu muôn lời, thành bảy cuốn,

                Rộng chứa đựng vô biên nghĩa mầu.

                Trong cổ nước cam lộ rịn nhuần,

                Trong miệng chất đề hồ nhỏ mát.

                Bên răng ngọc trắng tuôn xá-lợi,

                Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang.

                Dầu cho tạo tội hơn núi cả,

                Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng.

Bài tán này rất hay. Chỗ tỏ bày của kinh là môn học Định, Tuệ. Nói Định Tuệ là nói lượt, kỳ thật có Giới trong đó nữa. Giới giúp cho Định Tuệ. Nhân Giới sanh Định, do Định phát Tuệ, cho nên Giới là phương tiện đầu của Định Tuệ, há có thể lãng quên được ư?

Nói Định Tuệ, tức là tông chỉ của Thiền định. Tuy trong các kinh đều nói Định Tuệ, nhưng có Định Tuệ Tiểu thừa, Định Tuệ Nhị thừa, hoặc Định Tuệ của Quyền thừa Bồ-tát. Đến như kinh này thì Phật tuệ rốt ráo, chỉ bày Nhất thừa, Phật tri kiến đạo, khiến các chúng sanh rốt ráo đều được Trí nhất thiết chủng. Định Tuệ của kinh này nói là gì? Nhất Phật thừa. Trong nhà Phật có Định Tuệ Nhị thừa, Định Tuệ Quyền thừa Bồ-tát v.v… nhưng Định Tuệ của kinh này nói là Nhất Phật thừa và rốt ráo Nhất thiết chủng trí.

Nên biết, Định Tuệ trong kinh này nói, chẳng phải Định Tuệ của các kinh khác mà có thể so sánh được. Kinh nói: “Tạng kinh Pháp Hoa này, rất bền chắc sâu xa, không người có thể đến”.

Nay, đức Phật giáo hóa hàng Bồ-tát được thành tựu rồi, nên vì họ mà chỉ bày. Nhưng kinh Pháp Hoa, mới bắt đầu khai thị khiến họ ngộ nhập. Đến kinh Lăng Nghiêm, thì nghĩa Đại thừa đã rành rõ, mọi việc đã hoàn tất. Thế nên biết, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm, làm tiêu biểu cho nhau. Do đó, kinh Pháp Hoa cũng có tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương kinh”.

Ở đây nói lại chỗ này một chút. Đức Phật giáo hóa hàng Bồ-tát được thành tựu rồi, nên vì họ mà chỉ bày. Nhưng kinh Pháp Hoa, mới bắt đầu khai thị khiến họ ngộ nhập. Như trước đã nói, kinh Pháp Hoa giống như đào giếng thấy đất ướt, biết chắc có nước. Đến kinh Lăng Nghiêm, thì nghĩa Đại thừa đã rành rõ. Tức là kinh Lăng Nghiêm chỉ cho cái Diệu tịnh minh tâm, hay là cái Kiến chân nguyên minh, tức chỉ cho tâm thể của mình. Mọi việc đã hoàn tất. Sau khi khai thị rõ ràng rồi, đến giai đoạn nhận được chính xác và thể nhập. Thế nên biết, kinh Pháp Hoa cùng kinh Lăng Nghiêm, làm tiêu biểu cho nhau. Hai kinh này làm tiêu biểu cho nhau. Do đó, kinh Pháp Hoa cũng có tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương kinh”. Chữ Vương là vua. Vua trong các kinh. Kinh vua Diệu Liên Hoa rất rộng lớn.

Kệ rằng:

                    Đề kinh năm chữ, nghĩa u huyền,

                    Diệu Pháp Liên Hoa, Phật tuệ viên,

                    Thanh văn, Độc giác, khôn lường xét,

                    Bản lai thanh tịnh, bặt trần duyên,

                    Theo thời chẳng muội Chân tri kiến,

                    Chỗ hiển mở bày thật quả nhân,

                    Pháp dụ cùng nêu, ngời đại sự,

                    Tâm hoa rực rỡ, chiếu vô biên.

Hoa sen so sánh với các loại hoa khác có những điểm đặc biệt. Ở đây tóm lại có năm điều.

1. Có hoa là có gương: Hoa sen nở ra là có sẵn gương ở trong rồi, gọi là nhân quả đồng thời. Nghiệm lại với pháp tu của chúng ta rất đặc biệt.

2. Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho: Hoa sen sinh trưởng từ trong bùn lầy nước đọng, hôi nhơ, nhưng hoa lại thơm. Đó là điểm đặc biệt của hoa sen.

3. Cọng hoa từ gốc đã tách rời cành lá. Cọng tách rời cành lá từ dưới gốc.

4. Loài bướm không bu đậu. Bướm không bu đậu hoa sen. Ngộ thật. Tôi nghĩ bướm thì hoa nào cũng bu đậu, nhưng đặc biệt hoa sen nó không dám bu.

5. Không bị người dùng làm đồ trang sức. Người nữ trang sức hoa trên đầu như hoa hường hoa cúc, ít thấy ai cài cái hoa sen tổ bố trên đầu. Đó cũng là điểm đặc biệt.

Điểm đặc biệt của hoa sen là mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho. Chúng ta không thể nào chạy trốn xã hội này, đừng nói phải đến nơi nào đó yên mới tu được! Ở đây, ngay đây bây giờ mà tu không được thì đừng nói chạy đi đâu. Nếu muốn tìm kiếm nơi nào khác mới tu được, thì chẳng khác người đứng núi này trông núi nọ. Nếu không chịu khó, không dám đương đầu với thực tế, không chấp nhận sống với hoàn cảnh hiện tại, thì không thể tiến trên bước đường tu tập. Làm sao trong bùn lầy chúng ta vẫn trong sạch như hoa sen. Làm sao trong cuộc sống này với bao nhiêu vướng mắc mình vẫn tự tại. Mình là mình. Giữa bùn lầy mình vẫn thơm tho. Thơm tho ở đây không phải y cứ trên hình thức ăn chay, niệm Phật, tụng kinh mà khi làm tất cả công việc đều không đắm trước, không thấy tướng ngã tướng nhân. Như các vị Bồ-tát xả thân đắp cầu, làm đường… mà tâm luôn luôn an vui thanh tịnh.

Cọng hoa sen từ gốc đã tách rời cành lá, loài bướm không bu đậu, không bị người dùng làm đồ trang điểm. Chúng ta tu hành như thế nào để đừng bị cuốn hút, đừng tạo nghiệp. Chúng ta cố gắng phấn đấu từng hơi thở, từng tâm niệm, nhắc nhở nhau tu hành, chuyển cho được nghiệp tập của mình, để được giải thoát an vui ngay trong cõi đời uế trược này.

[ Quay lại ]