headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tâm kinh Bát Nhã giảng giải.

HT Tinh Vân - Đạt Ma Thuận Hùng dịch

Thưa các vị Thiện hữu tri thức, các vị Pháp sư và Cư sĩ.

Hôm nay tại Bửu Liên Thiền tự có tổ chức pháp hội giảng kinh liên tục ba đêm. Với bản kinh rất đơn giản và phổ thông, mọi người đều có thể biết được, đó là “TÂM KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”, gọi tắt là Tâm Kinh.

Chữ tâm này rất quan trọng, thành Phật cũng do tâm, tạo nghiệp và làm chúng sinh cũng do tâm, lên thiên đường cũng do tâm, đọa vào địa ngục cũng do tâm, cho nên kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm ghi: “Nếu người muốn biết rõ tất cả chư Phật ba đời, nên quán pháp giới tính, tất cả chỉ do tâm tạo.”

Tâm như công họa sư

Họa chủng chủng ngũ uẩn

Nhất thiết thế gian trung

Giai do duy tâm tạo

Dich:

Tâm như nhà họa sư

Ngũ uẩn từ tâm sinh

Hay vẽ những thế gian

Đều do tâm tạo tác.

Ví như Hương Cảng là do tâm tạo ra, do tâm con người đến nơi này, có phước đức mà lập dựng nên. Non song gấm vóc cũng do tâm lành của người dân xây dựng thành, cho đến thế giới Ta-bà của chúng ta, cũng do tâm chúng sinh của thế giới Ta-bà này tạo nên; thế giới Cục Lạc là do Phật A-di-đà và tâm của đại chúng thanh tịnh tạo ra. Thật vậy, rất nhiều người chưa nhận biết được tâm này, vì mê lầm tâm này mà thọ khổ vô lượng, sinh tử luân hồi không có ngày dừng, chỉ có Chư Phật và Bồ-tát mới thấu suốt được tâm này. Khi hiểu biết tâm này một cách viên mãn thì gọi là Phật, nếu thấu hiểu tửng phần, tâm này gọi là Bồ-tát, Bồ-tát là chủng nhân thành Phật, Phật là quả thành tựu của Bồ-tát, Phật nhân và Phật quả không lìa tâm sáng suốt này, nếu tâm chưa sáng Phật nhân của chúng ta sẽ chưa có phần, thì Phật quả cũng lại như thế. Cho nên người học Phật có một điều kiện: Chư Phật hành trì như thế nào, thì chúng ta cũng phải hành trì như thế ấy, chư Phật tu như thế nào, chúng ta cũng phải tu như thế. Nhưng như thế nào là tu? Chính là thấu suốt được tâm ấy.

Luận Đại Thừa Khởi Tín cho tâm có bốn tướng: Sinh, trụ, dị diệt. Phàm phu ở trong bốn tướng chỉ có biết rõ tướng diệt, khi tâm phàm diệt rồi, phàm phu mới rõ biết, nhưng thật ra chẳng rõ biết, bởi vì tâm lặng đi, tâm mất rồi, tâm đã không còn, thì như vậy khi nào mới biết rõ được tâm? Giống như giặc rút lui hết rồi mới dấy binh, giặt đi rồi đem binh đến cũng vô dụng, thế nên phàm phu không gọi là giác...tâm phàm diệt rồi mới giác thì có tác dụng gì?

Thế nào gọi là tướng diệt? Ví như chúng tôi vừa buông bỏ vọng tưởng, lúc buông bỏ vọng tưởng mà không biết mình buông bỏ vọng tưởng, khi buông bỏ vọng tưởng xong mới viết vừa rồi mình buông bỏ vọng tưởng, thì vọng tưởng ở nơi đâu? Ta có nắm bắt được nó hay không?...Hay là nó đã lặng đi rồi! Thế nên, phàm phu biết được tướng diệt thì chẳng gọi là giác. Lại như một niệm ác khởi lên, ta biết được niệm đó chăng, hay là diệt rồi mới biết? Nếu như niệm chưa diệt lại chẳng giác, sau khi niệm diệt rồi mới giác, thì không gọi là giác. Thế nên phàm phu đối với tự tâm một điểm cũng không giác, sau khi diệt rồi mới giác thì gọi là bất giác.

- Thế nào gọi là tướng DỊ? Dị tức là biến đổi không cố định. Biết cảnh biến đổi ở thế gian nên không còn biến đổi nữa, một khi biết tướng biến đổi của tâm thì tướng biến đổi này liến rỗng không, đó là biết cảnh biến đổi nên không còn biến đổi. Ví như người trong mộng, biết được mộng thì mộng không còn, cũng như người suy nghĩ sai lầm, một khi biết được sự sai lầm liền không còn sai lầm.

- Hàng nhị thừa biết được tướng biến dị của tâm, tướng biến đổi là đúng hay sai? Cho đến tướng thiện ác, sinh tử, nhân ngã, oán thân...đều là tướng biến đổi, hàng Nhị thừa biết được tướng biến đổi của tâm, biết được cảnh biến đổi nên không còn biến đổi, liền không có đúng sai, thện ác, nhân ngã, oán thân...không biến đổi đây là Niết-bàn, cho nên hàng Nhị thừa chưa có gì hoàn toàn viên mãn, họ chẳng qua chỉ tu dụng công, thấy được tướng biến đổi của tâm, biết được cảnh biến đổi là không biến đổi, thì sinh tử liến dứt.

Bồ-tát tiến thêm một bước biết rõ tướng TRỤ, biết được tướng trụ nên không còn trụ, khi mê liền có tướng trụ, khi tỉnh ngay đó liền không. Ví như chúng ta khi tạo việc ác là tâm niệm đang mê, khi tỉnh liền không tạo tác. Không tu thiện thì mê, một khi giác liền tu thiện thì không mê, cho nên biết được tướng trụ thì không còn trụ ngay lúc biết tướng trụ thì tất cả không có chỗ trụ, còn có chỗ trụ đây là vọng tâm, tất cả không chỗ trụ liền là chân tâm.

Bồ-tát không trụ, không trụ lại là tướng gì? Không trụ đây là vô tướng, không trụ là bên trong không có tướng ngã, bên ngoài không có tướng nhân, khoảng giữa không có một vật, gọi là tam luân không tịch, (Ví như lức bố thí, không có tướng ngã của bố thí, không có tướng của vật đem ra bố thí, cũng không có tướng của người thọ nhận bố thí. Thế nào là không? Chẳng trụ tướng là không, còn trụ tướng là có. Người đời chọn hình tượng Phật lễ bái, chọn chúng Tăng dâng cúng dường, hai việc làm này cũng là hình thức trụ tướng, chọn Phật lễ bài thì công đức không thể to lớn, chọn chúng Tăng dâng cúng dường thì mất đi tâm dâng cúng rộng khắp, không gọi là phổ cúng dường, đây gọi là tâm phân biệt thỉnh cúng dường, tâm nhỏ hẹp thì công đức cúng dường cũng nhỏ hẹp.

Không trụ tướng bố thí, dâng cúng một người cũng là cúng dường tất cả mọi người, bởi vì tâm không trụ giống như hư không, công đức cũng rộng khắp như hư không.

Kinh Kim Cang ghi: “Bồ-tát đối với pháp, nên không chỗ trụ mà thực hành pháp bố thí, gọi là không trụ sắc bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Này Tu-bồ-đề ! Bồ-tát nên như thế bố thí, không trụ nơi tướng, vì cớ sao! Nếu Bồ-tát không trụ tướng bố thì thì công đức không thể nghỉ lường, này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao! Hư không phương Đông không thể nghĩ lường chăng? Không thể nghĩ lường vậy, Thế Tôn! Này Tu-bồ-đề, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, hư không tứ phía và 2 phương trên dưới không thể nghĩ lường chăng? Không thể nghĩ lường vậy, Thế Tôn! Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng bố thí, phước đức cũng không thể nghĩ lường như thế.

Bồ-tát biết được tướng trụ nên không còn trụ, bởi vì không trụ sinh tử, không trụ Niết-bàn. Nếu trụ bố thí thì không thể tiến tu trì giới. Nếu không trụ nhẫn nhục, thì không thể tu tiến thiền định, Bồ-tát không có chỗ trụ như thế, đây gọi là đồng tu lục độ vạn hạnh.

Tướng SINH tâm như thế nào? Nếu biết tướng sinh tức là không sinh, không sinh là gì? Không sinh chính là Phật. Bồ-tát Đẳng giác vẫn còn một phần vô minh sinh khởi. Bồ-tát thập địa vẫn còn hai phần vô minh sinh khởi. Bồ-tát Sơ địa thì có mười phần vô minh sinh khởi. Phật thấy được tướng sinh của tâm, biết được tướng sinh tức vô sinh, thấy tâm vô sinh, thì xem tất cả pháp cũng vô sinh, chứng được vô sinh pháp nhẫn. Phiền não là pháp sinh tử, phiền não không sinh liền chứng được Bồ-đề. Nghiệp chướng không sinh, đây là giải thoát, sinh tử không sinh, đây là Niết-bàn. Chúng sinh vô sinh liền là chư Phật. Cho nên chúng sinh thành Phật rất dễ, chỉ cần có thể biết tướng sinh là vô sinh, ngay đó thành Phật. Vì thế, Phật gọi là Đại giác viên mãn.

Phật đối với bốn tướng của tâm rất rõ ràng thông suốt, cho nên gọi là minh tâm. Biết tướng sinh là không sinh, biết tướng trụ là không chỗ trụ, biết tướng diệt ngay đó liền không diệt, bốn tướng sinh-trụ-dị-diệt đều không, đây chính là tâm Bồ-đề, tâm thanh tịnh, cũng chính là tâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chỉ có Phật mới thể nhập cứu cánh, phàm phu mê là do bất giác nên không nhập được.

Tu hành chính là muốn sáng được tâm, nhưng muốn sáng tâm không phải dễ, Tổ sư Đạt-ma có một bài kệ:

Tâm tâm tâm

Nan khả tầm

Khoan thời biến pháp giới

Trách dã bất dung châm

Dịch:

Tâm tâm tâm

Khó có thể suy tìm

Khi rộng trùm pháp giới,

Khi hẹp chẳng chứa mũi kim.

“Tâm tâm tâm” chính là chỉ cho tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Kinh Kim Cang ghi: “Tâm quá khứ không thể được”. Đã không thể được thì làm sao mà tìm? Nếu tâm có thể được thì mới đi tìm. Lại ví như hư không, không hình, không tướng thì làm sao có thể nắm bắt, ba tâm ấy không thể được, nên gọi là khó có thể truy tìm. “Khoan thời biến pháp giới”, ‘khoan’ nghĩa là rộng lớn, khi rộng thì trùm khắp pháp giới, “Trách dã bất dung châm” khi hẹp thì một mũi kim cũng không lọt, hai câu sau là chỉ tướng mạo của tâm.

Lại nói:

Ngã bổn cầu tâm bất cầu Phật

Liễu tri tam giới không, vô vật,

Nhược dục cầu Phật đản cầu tâm,

Chỉ giá tâm tâm tâm thị Phật.

Dịch:

Ta vốn cầu tâm chẳng cầu Phật,

Rõ biết ba cõi không, vô vật,

Nếu muốn cầu Phật chỉ cầu tâm,

Chỉ tâm tâm tâm này là Phật.

Tổ sư Đạt-ma nói: “Ta chỉ cầu tâm, chẳng cầu Phật”. Chư Phật ở phương Đông nhiều như số cát sông Hằng, phương Nam phương Tây phương Bắc, bốn phương và hai phía trên dưới cũng có chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, thế thì ông cầu đức Phật nào? Cho nên nói, ta vốn cầu tâm chẳng cầu Phật. “Biết rõ ba cõi không, vô vật.”, ba cõi do tâm tạo, nếu sáng được tâm, ba cõi đều không, người xưa nói: “Ba cõi không có pháp nào khác, chỉ là một tâm tạo, nếu người biết được tâm, đại địa không tấc đất”. Cho nên ba cõi chỉ do tâm, chẳng phải ngoài tâm có ba cõi, chúng ta trụ ở trong ba cõi này, hoàn toàn do tâm biến hiện, đều do tâm tạo, cho nên Tổ sư nói biết rõ ba cõi là không cũng không có một vật. “Nếu muốn cầu Phật chỉ cầu tâm, chỉ tâm tâm tâm này là Phật”. Muốn thành Phật, cần phải sáng tâm, Phật vốn từ tâm tạo, chẳng phải Phật tạo ra Phật, từ tâm thành Phật, cho nên trong kinh có ghi: “Là tâm là Phật, từ tâm thành Phật”. Tổ sư Đạt-ma dạy chúng ta phải sáng được tâm, tức tâm là Phật.

Trích theo bài kệ:

Ngã bổn cầu tâm tâm tự trì,

Cầu tâm bất đắc đãi tâm tri,

Phật tính bất tùng tâm ngoại đắc,

Tâm sinh tiện thị tội sinh thời.

Dịch:

Ta vốn cầu tâm, tâm tự giữ,

Cầu tâm chẳng được đợi tâm biết.

Phật tính chẳng từ ngoài tâm được,

Tâm sinh ngay đó tội liền sinh.

Ý nghĩa 2 câu đầu: Nếu chúng ta muốn cầu tâm, thì tâm ấy sớm đã trói buộc chính mình. Xưa kia trưởng giả Tu Tu-đạt-đa xây dựng Tinh xá Kỳ Hoàn, Xá-lợi-phất và ông ấy cùng đi đến kéo dây cắm mốc, Xá-lợi-phất bất chợt cười lên, Trưởng giả hỏi cớ sao Ngài cười? Xá-lợi-phất nói: “Tinh xá Kỳ Hoàn vẫn chưa xây dựng, hiện tại chỉ là kéo dây đo đất mà thôi, nhưng phước báo của Ngài đã hiện rõ ra ở cõi trời lục dục”. Chỉ sáu tầng trời của Dục giới:

1. Tứ thiên vương

2. Đao lợi thiên

3. Dạ ma thiên

4. Đâu suất thiên

5. Lạc nhạo biến hóa thiên

6. Tha hóa tự tại thiên

Trưởng giả nói: “Tôi hy vọng chỉ sinh vào cung trời Đâu-suất. Gần gũi với Bồ-tát Di-lặc”. Nói xong lời này, năm tầng trời trong sáu cõi trời dục đều ẩn, chỉ còn cung trời Đâu-suất hiện ở trước mắt, đây gọi là “tâm tự trì”.

‘Trì’ nghĩa là gìn giữ tâm, Tinh xá Kỳ Hoàn tuy chưa xây dựng, chỉ mới khởi niệm, phước báo liền hiện ra ở cõi trời, cũng như chúng ta chưa cầu tâm, thì đã bị tâm trói buộc chính mình rồi.

“Cầu tâm chẳng được đợi tâm biết”, tâm vốn rất sáng suốt, khi cầu tâm không có thể để tâm biết, tuy nhiên tâm chính là cái tâm chân thật của mình, gọi là tâm Bồ-đề, cũng gọi là bản tâm, nhưng từ vô thủy đến nay chúng ta quên mất bản tâm này, nếu muốn tìm lại bản tâm này, ta không nên khởi động niệm tìm cầu, một khi khởi tâm động niệm, là bị tâm biết liền cầu không được, người xưa tu hành đều là vô tâm ngộ đạo, vọng tưởng buông đi tâm liền sáng suốt, người ấy hoàn toàn đều là vô tâm, đạo không thể hiện tiền trước mắt, cho nên nói vô tâm là đạo.

“Phật tính không từ ngoài tâm mà được”, chẳng phải ngoài tâm có Phật tính, cho nên nước trong thì trăng hiện, tâm thanh tịnh thì Phật hiện tiền. “Tâm sinh ngay đó tội liền sinh”, lúc tâm dấy khởi, không những Phật tính không thấy được, thì tội đã hiện sờ sờ trước mắt, thế nên người học Phật cần phải thận trọng, tâm sinh tội liền sinh, khởi tâm tức sai, động niệm liền trái, khởi tâm động niệm đều là tội lỗi, có tội còn có thể được thấy Phật tính sao? Nếu chúng ta có tội liền phải chịu quả báo.

Chúng ta muốn nhận biết rõ ràng cái tâm ấy là gì? Tâm Bồ-đề, tâm Niết-bàn, tâm chân như, tâm Phật, đây là chân tâm thường trụ, các vị vẫn có thể chưa thấu suốt được nguồn tâm, bây giờ tôi xin giải thích ngắn gọn, rõ ràng ở dưới đây:

Luận về minh tâm, chính là thấu suốt tâm phiền não chưa sinh trở về trước, tâm phiền não là cái đến sau, có vô minh trước rồi mới có phiền não. Một niệm bất giác gọi là vô minh, từ vô thủy kiếp đến nay tâm mê là có phiền não. Phiền não xưa nay vốn không, vậy tâm xưa nay không có phiền não là như thế nào? Chúng ta cần phải thấu suốt điều này, nếu phiền não xưa nay là thật, thì không một người nào có thể tu hành thành Phật được, bởi do phiền não xưa nay không thật, cho nên chúng ta chắc có cơ hội tu hành thành Phật, chỉ cần ngộ được phiền não xưa nay vốn không, liền thấu suốt tâm thanh tịnh, không phiền não, tiến thẳng vào con đường thành Phật.

Thế nào là tâm không phiền não? Là bản lai diện mục của chúng ta, bản lai diện mục không có phiền não, nếu có phiền não chẳng phải bản lai diện mục, bản lai diện mục không có sinh tử, sinh tử về sau mới có, sinh tử khi chưa sinh trở về trước, xưa nay vốn không sinh tử, tâm xưa nay không sinh tử chính là tâm Bồ-đề của chúng ta, tâm Niết-bàn, tâm chân như, tâm Phật, chúng ta phải dùng cái tâm không sinh tử này mà tu hành để đạt được Niết-bàn, tiến thẳng vào con đường thành Phật.

Có phải chúng ta chờ đợi tâm phiền não diệt rồi, mới có thể thấy được tâm Bồ-đề thanh tịnh hay không? Chẳng phải là lúc có phiền não ta cũng có thể thấy Bồ-đề sao? Bởi vì phiền não không thể làm nhiễm ô tâm Bồ-đề, khi có phiền não ấy mà, cũng có thể trong phiền não, nhận thấy được tâm thanh tịnh xưa nay là không phiền não. Thật ra, chúng ta nhất định phải có Thiện hữu tri thức chỉ dẫn, lại cần phải tự mình quyết tử tu hành, hội đủ hai nhân duyên này mới có thể đoạn trừ phiền não, Bồ-đề sẽ hiện tiền.

Sinh tử xưa nay vốn không, tất cả chúng ta tuy có sinh tử nhưng tâm thanh tịnh sáng suốt không sinh tử, cũng không nhất định lìa sinh tử mới thấy Niết-bàn, mà ngay ở trong sinh, lão, bệnh, tử khoảng mấy mươi năm ta có thể thấy tâm thanh tịnh Niết-bàn không sinh tử, thật ra, chúng ta cũng cần phải có Thiện tri thức chỉ dẫn và tự mình cố gắng dũng mãnh tinh tấn tiến tu.

Thế thì, dụng công như thế nào mới có thể thấy được tâm Niết-bàn? Đề Kinh nói Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu muốn thấy tâm thanh tịnh, thì phải nương vào sức lực Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã là gì? Bát-nhã là trí huệ, là mẹ của ba đời chư Phật, người đời chỉ có thong minh gọi là thế trí biện thong, lại trái với tự tâm mà nhận lấy ngoại cảnh, khi nhận lấy ngoại cảnh chắc có cái ngã bên trong, trái với tâm nhận lấy cảnh mà nghiên cứu thế pháp, gọi là hướng ngoại cầu học, thì không thể xa lìa một chữ ngã, vì có cái ngã tích chứa học vấn nên gọi là thông minh, thế nên người thông minh trí huệ ở thế gian khẳng định phải có cái ngã, cho nên người thông minh ngã kiến (chỉ thân tâm của mình do ngũ uẩn hòa hợp giả tạm tạo ra mà cho là thường trụ cố định, đó là ngã kiến) rất nặng, học vấn càng nhiều ngã kiến càng sâu.

Có ngã, đó là phá hữu vi, Bát-nhã chẳng phải là pháp hữu vi. Nên bỏ ngoại cảnh mà cầu tự tâm sáng suốt của mình, tâm sáng suốt là khẳng định không có cái ngã bên trong; tâm sáng suốt là muôn pháp đồng quán... muôn pháp không lìa tự tâm! Thấu rõ tâm này, ba đời chư Phật cùng đồng ở trong tâm, mười phương thế giới cũng ở trong ấy! Mười phương thế giới cũng rõ ràng, chúng ta thấu suốt cái tâm này, bất luận văn tự trong ngoài, cho đến ngôn ngữ của loài chim thú cũng thong suốt rất rõ ràng, đều được ngôn ngữ Đà-la-ni, cho nên khi tâm sáng suốt môn pháp đều thông, chỉ cần vô ngã, tâm ta vô ngã, muôn pháp đều thông, đây chính là trí huệ Bát-nhã.

Bát-nhã thông thường gọi là trí huệ, nhưng ta cho là phải thêm vào hai chữ...Bồ-đề, trí Bồ-đề gọi là Bát-nhã, Bồ-đề là Phật tính, từ Phật tính lưu xuất trí huệ cũng chính là Bát-nhã. Không thể hướng ngoại cầu học mà có được Bát-nhã. Hướng ngoại cầu học chỉ gọi là thông minh, không gọi là trí huệ Bát-nhã. Chỉ có lìa cảnh tâm sáng suốt, tâm sáng phát sinh trí huệ, đây gọi là Bát-nhã.

(Còn tiếp…)

[ Quay lại ]