Tâm Kinh Bát Nhã Giảng Giải - Tiếp theo
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 01 Tháng bẩy 2010 12:21
HT Tinh Vân giảng- Đạt Ma Thuận Hùng dịch
Vô trí diệt vô đắc. Không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
Tất cả pháp là không. Tướng không là tướng thanh tịnh. Ở trong tướng thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh nên không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, sáu trần thanh tịnh nên không có sắc thanh hương vị xúc pháp. Sáu thức cũng thanh tịnh, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới. Chúng ta thanh tịnh, nên không có vô minh, vô minh diệt rồi thì thanh tịnh, nên không có hết vô minh.
Lão tử thanh tịnh nên không có lão tử. Lão tử hết tức thanh tịnh, nên Bồ-tát thường dùng trí huệ tu lục độ vạn hạnh. Trí cũng thanh tịnh, đây là vô trí. Vậy làm muôn hạnh thanh tịnh có thể được, cho nên không đắc, pháp thế gian và pháp xuất thế gian thanh tịnh, đây là vô sở đắc.
Vậy pháp môn của Bồ-tát, các Ngài dùng lục độ làm trí huệ, có trí mới đoạn được lậu hoặc, hiện chưa chứng đắc tất cả pháp diệt hiện tiền, cần dùng trí để đoạn trừ lậu hoặc, như tất cả pháp xưa nay thanh tịnh yên lặng, trí không thể được, pháp không có chỗ được, nếu thấy có năng sở tức là tâm sinh diệt, không thấy có năng sở là tâm tịch diệt. Cho nên đạo không có trí cũng không có đắc.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát đỏa. Vì không có chỗ được nên Bồ-tát.
Tâm ngộ tất cả đều không, gọi là Bồ-đề. Âm Phạm ngữ là Bodhi, nghĩa là rõ biết lẽ chân chính, Trung Hoa dịch là chính giác. Kẻ biết rõ tất cả pháp không gọi là Tát-đỏa, là hữu tình, tức là loài có tình thức. Tâm pháp nhất như. Nếu không có năng đắc và sở đắc, cũng không có chỗ đắc thì gọi là Bồ-đề Tát-đỏa. (Người tu hành trên cầu thành Phật bằng trí huệ, dưới hóa độ chúng sinh bằng tâm từ bi, tức là người đầy đủ hai hạnh: Tự lợi, lợi tha và dũng mãnh cầu thành Phật.)
Y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng.
Thế nào là ngăn ngại? Ví như mắt (Ngọc châu) và mắt (Sạch) tương hợp đây là không ngăn ngại. Mắt và cát không thể dung hợp đây là ngăn ngại, lại như da và thịt tương hợp thì không ngăn ngại, như trong thịt mà có cắt đâm thì có ngăn ngại; ngăn ngại và tâm Bát-nhã không thể tương đồng, tâm Bát-nhã là không, tất cả pháp là có, nếu tất cả pháp chẳng không, có và không chẳng hay hợp lại liền có ngăn ngại, nếu tất cả pháp không, pháp không và tâm Bát-nhã không tương hợp liền không ngăn ngại. Cho nên tất cả pháp không tức là Bát-nhã, Bát-nhã tức là tất cả pháp không, Bát-nhã và tất cả pháp không đều thành một khối, tức là tất cả pháp không chẳng ngại Bát-nhã, và Bát-nhã không ngại tất cả pháp không, ví như chú Đại Bi ở tại trong tâm…không, cho nên chẳng ngại hội chú Lăng Nghiêm, chú Lăng Nghiêm có ở trong tâm không vậy? Không đây không kia, không và không hợp không có ngăn ngại, giả như có một pháp chẳng không liền có ngăn ngại.
Lục Tổ Huệ Năng khi còn đương thời, có một danh tăng Pháp Đạt, đến đảnh lễ Lục Tổ, chỉ vì đầu không sát đất bị Lục Tổ quở, Tổ nói: “Lễ mà đầu không sát đất chi bằng đừng lễ, trong tâm ông ắt có chứa chất sự nghiệp gì?”. Pháp Đạt thưa: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa có hơn ba ngàn bộ”. Ông tụng kinh Pháp Hoa hơn ba ngàn bộ mà tâm chưa không, cho nên tâm ông còn ngăn ngại.
Pháp thế gian chẳng không và trí Bát-nhã chưa xuất hiện, nên còn ngăn ngại. Nếu như pháp xuất thế gian cũng chẳng không, và trí Bát-nhã chưa xuất hiện cũng sẽ ngăn ngại. Không ngăn ngại tức không có sợ hãi, sợ hãi là tâm ý lo sợ suy nghĩ, như trong mắt có cát, nếu không lấy cát ra thì mắt sẽ mù lòa, rất đáng sợ vậy, hàng Nhị thừa có bệnh trầm không trệ tịch cũng thật lo sợ. Nếu có một pháp phóng túng buông lung trong tâm chẳng được không, thì một pháp này dẫn dắt chúng ta đi vào sinh tử.
Thời quá khứ ngài Kim Bích Phong nhập vào không định, quỷ vô thường đến tìm kiếm ông không được, quỷ vô thường liền thỉnh kế thổ địa, xin ông ta bàn mưu kế giúp cho, để Thiền sư Kim Bích Phong xuất định.
Thổ địa suy nghĩ nói: Thiền sư Kim Bích Phong rất thích cái bát ngọc của mình, nếu các ông tìm thấy cái bát ngọc của ông ta, ông ta khởi niệm thì sẽ xuất định. Quỷ vô thường nghe xong, liền chạy tìm bát ngọc của Sư và làm khua động. Sư nghe bát ngọc bị lắc keng keng, tâm vọng động vội vàng xuất định đến xem thế nào. Quỷ vô thường thấy Sư xuất định vỗ tay cười nói: Tốt lắm! Bây giờ mời Sư theo chúng tôi đến gặp Diêm Vương nha! Thiền sư Kim Bích Phong nghe xong, biết rõ vì tham ái nhất thời mà lại hủy bỏ huệ mạng ngàn xưa của mình. Sư liền đập nát bát ngọc, nhập định rồi làm một bài kệ:
Nếu ai muốn bắt Kim Bích Phong
Ví như luyện sắt khóa hư không
Hư không nếu như khóa chẳng được
Không ai bắt được Kim Bích Phong
Thế gian pháp chẳng không thì ngăn ngại trí Bát-nhã, đây gọi là ở trong mắt có cát bụi, nhận sinh tử luân hồi là thật có. Pháp xuất thế gian chẳng không thì cũng còn ngăn ngại trí Bát-nhã, ví như ở trong thịt có gai nhọn, nhận Hóa thành (Dụ Niết-bàn của Tiểu thừa, chưa rốt ráo và không thật) làm Bảo sở (Dụ Niết-bàn của Đại thừa chỉ nơi an trí rốt ráo chân thật), nên có phàm phu sinh tử, Niết-bàn của Nhị thừa vẫn là điên đảo mộng tưởng.
Phàm phu sinh tử có bốn điều điên đảo:
a. Thân không thanh tịnh, cho là thanh tịnh.
b. Thọ khổ là vui
c. Tâm vô thường cho là thường.
d. Pháp vô ngã cho là ngã. Đây là tướng điên đảo của phàm phu.
Niết-bàn của Nhị thừa có bốn điều điên đảo :
a. Xem chẳng thanh tịnh, chẳng thấy pháp thân thanh tịnh.
b. Xem khổ, chẳng thấy tịch diệt là vui.
c. Xem vô ngã, chẳng thấy tự tại là ngã.
d. Xem vô thường, chẳng thấy Phật tính là thường.
Đây là hàng Nhị thừa mộng tưởng điên đảo.
Cho nên trí Bát-nhã soi thấy năm uẩn đều không, và không chỉ xa lìa tất cả khổ ách, xa lìa tất cả khổ ách rồi sau mới thấy được tướng không của các pháp, năm uẩn không, sắc không, không cũng không, tất cả pháp đều không, ngay đó là tướng không của các pháp, đây là tướng không của năm uẩn. Cho nên trước tiên giảng độ hết tất cả khổ ách, sau nói tướng không của các pháp, nếu năm uẩn chưa không, tức là tất cả các pháp chẳng không, chẳng những tất cả khổ ách không độ hết, mà còn lại sinh ra điên đảo vọng tưởng, đây là phàm phu nhận sinh tử làm chân thật, hàng Nhị thừa nhận Niết-bàn là thật có, người ngộ đạo rồi: “Sinh tử Niết-bàn giống như hoa đốm trên không” sinh tử là không, Niết-bàn cũng thế!
Vì không có chỗ được nên Bồ-tát chứng được Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Trí huệ đến bờ bên kia) nếu có chỗ được, liền chẳng chứng được Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chứng được Bát-nhã Ba-la-mật-đa là tâm thấy được tất cả pháp, tâm tức là tất cả pháp, cho nên tâm và tất cả pháp không ngăn ngại, không ngăn ngại ngay đó liền không có pháp thế gian và xuất thế gian và cũng không còn sợ hãi, thì bốn điều điên đảo thế gian phàm phu sinh tử…cũng không có pháp xuất thế gian Nhị thừa Niết-bàn, đây là xa lìa điên đảo vọng tưởng cứu cánh chứng được Bát-nhã Niết-bàn.
Cứu cánh Niết-bàn. Đạt đến cứu cánh Niết-bàn.
Tâm không thể được, pháp không thể được, tâm và pháp nhất như, đều không có chỗ được, đây là cứu cánh Niết-bàn, cũng gọi đại Bát-nhã Niết-bàn, đại Niết-bàn là cõi yên tĩnh thường tịch quang, cõi yên tĩnh thường tịch quang của chúng ta là thường đức pháp thân. Tịch đây là đức giải thoát, quang đây là đức Niết-bàn. Ba đức bí tạng (giấu kín không truyền cho người gọi là bí, chứa đựng bên trong gọi là tạng. Bí tạng là diệu nghĩa của chư Phật do chư Phật khéo gìn giữ không tuyên thuyết bừa bãi) đây là chỗ chư Phật thường hành, Bồ-tát tu hành phải nương theo trí Bát-nhã ấy, tâm không ngăn ngại. Không có sợ hãi, xa lìa vọng tưởng điên đảo, cứu cánh đạt được Niết-bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu tam Bồ đề. Ba đời chư Phật cũng nương theo Bát-nhã được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Quá khứ vô minh trần lao phiền não vọng tưởng là không, đây là quá khứ của chư Phật. Hiện tại vô minh trần lao phiền não vọng tưởng là không, đây là hiện tại của chư Phật. Vị lai vô minh trần lao phiền não vọng tưởng là không, đây là vị lai của chư Phật. Dùng trí Bát-nhã quán chiếu, quá khứ phiền não là không, quá khứ thành Phật, hiện tại phiền não là không, hiện tại thành Phật, vị lai phiền não là không, vị lai thành Phật. Ba đời chư Phật, nương theo trí Bát-nhã Ba-la-mật-đa, vô minh vọng tưởng phiền não là không, thì ba đời chư Phật đều được A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề. A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề là tiếng Phạn, đây là vô thượng chánh đẳng chánh giác, Bồ-đề là tối thượng, Bồ-đề là tối bình đẳng, Bồ-đề là tối chân, thế nên gọi là con đường vô thượng chân chính.
Ở trên nói tướng không của các pháp, không có phàm phu và pháp năm uẩn mười tám giới, không Thanh văn pháp tứ đế khổ tập diệt đạo, không có Duyên giác và pháp mười hai nhân duyên, cũng không có Bồ-tát hay đắc trí, cũng không có chỗ được. Tóm lại đây không có pháp ba thừa, gom ba thừa về một Phật thừa, gom chín pháp giới về một pháp giới.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Nếu biết, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ hết thảy khổ, chân thật không dối.
Nương Bát-nhã ba-la-mật-đa tu hành, Phật chứng được Bồ-đề và Bồ-tát chứng được Niết-bàn, cho nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa là:
- Đại thần chú là thần lực rất lớn hay độ tất cả chúng sinh thành Phật.
- Đại minh chú hay phá trừ vô minh phiền não của chúng sinh.
- Vô thượng chú là Bát-nhã tối thượng.
- Vô đẳng chú, Bát-nhã là mẹ của chư Phật thường sinh ra tất cả chư Phật.
- Năng trừ tất cả khổ ách và nương Bát-nhã ba-la-mật-đa tu hành, thì ra khỏi nhà lửa ba cõi, xa lìa sinh tử luân hồi điên đảo chẳng dối, tức tâm là Phật, quyết định không dối.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết.
Tâm Kinh có hiển thuyết và cũng có mật thuyết, hiện tại đây giảng mật thuyết, mật thuyết rất căn bản và đơn giản.
Yết-đế yết đế, Ba-la yết đế, Ba-la-tăng Yết đế, Bồ-đề tát bà ha:
Mật là không thể giải thích, cũng không cho người hiểu, trong cửa Phật có nhiều người căn cơ khác nhau nương theo hiển giáo tu hành, cũng có nương theo mật giáo tu hành, ví như chú Đại bi, chú Lăng nghiêm…đều không thể giải thích, nếu có giải thích không gọi là mật, mật đây như người uống nước nóng lạnh tự biết, không giảng ra được, giải chẳng được, chỉ có tự mình hiểu, nay chẳng qua tôi vì trời người sẽ lược nói chú này có ý nghĩa ra đây.
- Yết-đế Yết-đế…khư, khứ.
- Ba-la Yết-đế…đến bờ bên kia.
- Ba-la-tăng Yết-đế…đại chúng đến bờ kia.
- Bồ-đề Ta-bà-ha (hay Tát-bà-ha)…mau chóng thành tựu chứng quả Bồ-đề.