Tâm kinh Bát Nhã giảng giải -Tiếp theo
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 19 Tháng sáu 2010 09:09
HT Tinh Vân giảng- Đạt Ma Thuận Hùng dịch
Thọ tưởng hành thức diệt phục như thị. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Một pháp như thế, pháp pháp đều như thế..
Xá-lợi-tử thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Này Xá-lợi-phất, tướng không của các pháp, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.
Dùng trí Bát-nhã, soi thấy năm uẩn đều không liền qua tất cả khổ ách. Tất cả khổ ách qua rồi tức thấy được các pháp tướng thanh tịnh. Thanh tịnh thì không có tên phân biệt, cho nên gọi là tướng không của các pháp.
Các pháp và bản lai diện lục chính là tướng không. Thật tướng các pháp xưa nay là không, các pháp chưa từng xa lìa tướng không này. Ví như sinh tử cũng là tướng không, nếu ta mê thời là có. Dùng trí Bát-nhã mà quán thì sinh tử là không, phiền não cũng không. Đây chính là Bồ-đề. Chúng sinh xưa nay cũng là không, và thật không có chúng sinh được diệt độ. Thật tướng của các pháp là không. Thế nên tất cả pháp từ xưa đến nay “không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt”.
Tất cả pháp chẳng sinh, thử hỏi mặt trăng trong nước có tử sinh không?...không sinh. Trăng trong nước có diệt không?...không diệt. Trăng trong nước không sinh không diệt, tất cả pháp cũng không sinh không diệt. Trăng trong nước có dơ sạch chăng?...không. Thế nên trăng trong nước không dơ, song chỉ không bị nước dơ làm nhiễm, trong nước thanh tịnh cũng có trăng, và trăng cũng chẳng nhiễm nước thanh tịnh, cho nên nói chẳng dơ chẳng sạch.
Biển lớn trời cao, hai thứ thủy triều, nước biển không thể tăng thêm, trời cao nước xuống, cả hai đều không tăng không giảm, cho nên chúng sinh khi thành Phật, Phật tính không tăng, và khi chưa thành Phật, Phật tính cũng không giảm. Sinh về Niết-bàn Phật tính thanh tịnh, đọa và địa ngục Phật tính cũng chẳng nhiễm ô, phàm phu luân hồi có sinh tử, Phật tính không sinh cũng không tử, ở hư không…sáng đến tối đi, Phật tính không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Cho nên trong tướng không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức.
Thật tướng của các pháp là không. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chư Phật Như Lai tuyệt không chấp sắc, không chấp thọ, tưởng, hành, thức. Trong tướng không của các pháp, năm uẩn có là không thể được, vì thế trong tướng không của các pháp không có một chúng sinh. Kinh Kim Cang ghi: “Diệt độ vô lượng vô biên chúng sinh mà thật không có chúng sinh được diệt độ” là ý này vậy.
Trong thật tướng của các pháp, không sắc không tướng có thể được, sắc và tính là tướng không của các pháp, cho nên trong tướng không, không sắc tướng có thể được. Chú Lăng Nghiêm và chú Đại Bi không một chữ có thể được, cũng không văn tự kinh Kim Cang có thể được, thế nên trong ‘không’ không sắc. Nếu không sắc, thân này liền không, và cũng không thọ, tưởng, hành, thức. Tâm không cho nên cả hai thân và tâm đều dứt. Thân tâm đều không Phật lại hiện tiền. Vì thế, chúng ta chưa thấy thân tứ đại này không, nên có khổ về sinh, lão, bệnh, tử. Tâm chẳng không nên có sinh, trụ, dị, diệt. Thân và tâm cả hai đều quên thì Phật tính hiện tiền, vì thế người học Phật thật là giản đơn và rất hiện thật.
Vô nhãn tỷ thiệt thân ý. Không có mắt tai mũi lưỡi thân ý.
Mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý gọi là sáu căn. Các căn này thường chứa nghiệp phiền não, ví dụ như mắt xem sắc liền thấy sắc, hoặc chúng ta thường nhìn trộm vào người khác mà không nhìn vào chính mình, cho nên liền tạo nghiệp. Nếu mắt nhìn thấy vàng bạc, khởi tâm trộm cắp, thấy người đẹp khởi tâm tham dục, thấy danh lợi tham danh lợi, thấy thức ăn ngon khởi tâm tham ăn. Ở đây do căn mắt mà chúng ta tạo nghiệp. Nếu sáu căn đều không, tức là tâm thanh tịnh. Còn bằng không thì chúng ta tạo nghiệp trói buộc, Như Lai nhãn căn đều không. Súc sinh mắt thịt, mắt chư thiên, mắt trí huệ, mắt pháp, mắt Phật, năm mắt đầy đủ, cho nên nhãn căn đều không, thì không thể tạo nghiệp. Căn tai cũng lại như thế. Nếu căn tai chẳng không, thì tất cả phải quấy, dâm từ, ca khúc, hợp lại rồi chúng ta tạo nghiệp. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế, cho nên sáu giặc này làm môi giới, tự cướp gia bảo của chúng ta, sáu căn tức là sáu giặc cướp mất đi chân như Phật tính của chúng ta, vì vậy ta phải dùng trí huệ quán chiếu, để thấy rõ thật tướng của các pháp là tướng không. Thế nên trong tướng không không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu tất cả đều không, đây là thanh tịnh [1].
Vô sắc thanh hương vị xúc pháp. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trần đây là ô nhiễm, hay che mờ bản lai thanh tịnh Phật tính, như mắt xem sắc trần tâm khởi niệm tham, nên sắc trần che mờ Phật tính, như thế tai nghe âm thanh tâm khởi chấp trước, và mũi ngửi hương trần tâm khởi chấp trước, lưỡi nếm hương trần liền khởi tâm ham thích, và thân chấp xúc trần, ý duyên pháp trần, đều là che mờ Phật tính.
Sáu căn đối với sáu trần, sáu căn nếu không sáu trần cũng thế, nếu sáu căn giữ chấp sáu trần, thì liền có sinh tử; Nếu sáu căn hồi quang phản chiếu trở về với một đây là Niết-bàn, cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm tu từ âm thanh vào Tam-ma-địa (Chánh định). Đây là chúng ta dùng nhĩ căn “Phản văn văn tự tính” tính thành Vô thượng đạo. Nhĩ căn nghe tốt xấu, lời nói gian dối rồi tạo tội, nếu nhĩ căn phản văn xa lìa thanh trần. Ngay đó chúng ta thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Người tu hành nhất định phải xa lìa sáu trần, cho nên xuất gia nghĩa là ra ngoài sáu trần, ví như chúng ta giữ giới Sa-di phải hoàn toàn xa lìa sáu trần. Năm giới là sát sinh, trộm cướp, tà dâm, uống rượu, vọng ngữ. Người cư sĩ tại gia phải lãnh thọ giới cao quý này. Giới Sa-di mới tăng thêm giới thứ sáu là chẳng được đeo tràng hoa hương và không được dùng hương thơm thoa mình. Giới thứ bảy là tự mình không được đờn ca hát múa, cũng chẳng được đến xem nghe, chúng ta phải xa lìa âm thanh sắc trần. Giới thứ tám là không được ngồi giường cao rộng lớn, đây là ra ngoài xúc trần. Giới thứ chín là không ăn phi thời và không tham chấp thức ăn hương vị, đây là vượt ngoài vị trần. Giới thứ mười không được cầm giữ đồ sành tượng vàng bạt vật báu, đây là vượt ngoài pháp trần.
Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức gọi chung là sáu thức, cộng thêm phần trên sáu trần, và sáu căn đây là mười tám giới. Mười tám giới này của chúng sinh. Sáu căn bên trong, sáu trần bên ngoài, trong khoảng giữa gọi là sáu thức. Sáu trần vô tri (không biết), sáu thức hữu giác (có biết). Sáu thức khởi lên phân biệt, nhưng sáu căn không phân biệt, như mắt nhìn thấy vật, không phân biệt dài ngắn vuông tròn, chỉ là do nhãn thức khởi phân biệt, căn tai thường nghe âm thanh, chẳng hay phân biệt đây là người nam hoặc nữ, hay âm thanh gió hoặc lửa…Đây là do nhĩ thức khởi lên phân biệt. Chúng sinh chẳng xa lìa sinh tử, đều do tự mình nhận có ở sáu căn, sáu thức, sáu trần. Bị mười tám giới vây khốn. Xa lìa mười tám giới thì không có chúng sinh, nên cái không này cũng bị phá luôn. Nếu mười tám giới hòa hợp thì có chúng sinh, nên cái này cũng phải phá luôn. Chúng sinh xưa nay vốn là không, nếu không sáu căn không sáu trần, sáu thức, sao lại hợp với chúng sinh, chỉ vì chúng sinh chẳng giữ được mười tám giới trên, nên bị mười tám giới che mờ Phật tính.
Thế nên nơi nơi thọ sinh, lục đạo luân hồi, không có lối thoát.
Xưa kia khi Đức Phật còn tại thế, có một vị Bà-la-môn tên Hắc Chỉ, vận dụng thần thông hái hoa cúng dường Đức Phật, Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn Hắc Chỉ:
- Buông xuống!
Bà-la-môn buông cành hoa bên tay trái xuống.
Thế Tôn lại bảo.
- Buông xuống!
Bà-la-môn buông cành hoa bên tay phải xuống.
Song, Thế Tôn lại bảo.
- Buông xuống!
Khi ấy, Bà-la-môn Hắc Chỉ nói:
Con có hai tay cầm hoa đã buông hết! Vậy Thế Tôn muốn con buông cái gì?
Thế Tôn lại nói:
Ta không bảo ông buông cành hoa trên tay, ta muốn ông buông sáu căn bên trong, buông sáu trần bên ngoài, khoảng giữa buông sáu thức. Mười tám giới, tất cả đều buông, buông đến chỗ không còn để buông nữa, ngay đây ông có chỗ an thân lập mạng, và ông đã thoát khỏi sự sinh tử trói buộc. Bà-la-môn Hắc Chỉ ngay đó mới hiểu rõ đạo lý buông xuống của Thế Tôn.
Hiện tại chúng ta ở trong sáu căn, sáu trần, sáu thức đều chưa buông hết, bị mười tám giới che mờ Phật tính, muốn thấy được Phật tính, nhất định phải buông hết mười tám giới, dùng trí huệ quán chiếu, xem thấy không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cho đến không có ý thức giới, mười tám giới đều không, nếu mười tám giới đều không tức mười tám giới thanh tịnh, ngay đó các pháp thật tướng liền hiện tiền và nhận ra được Phật tính.
Vô vô minh, diệt vô vô minh tận. Không có vô minh, cũng không có hết vô minh.
Thế nào là vô minh? Nếu chúng sinh không buông được mười tám giới, thì mười tám giới che mờ Phật tính, Phật tính chẳng hiện tiền. Đây gọi là vô minh. Kinh ghi: “Chân như chẳng giữ tự tính, một niệm mê mờ mà có vô minh”.
Chân như mọi người sẵn có, chỉ tự mình không giữ cương vị. Tướng thế gian thường trụ, thì đây là chân như giữ tự tính. Còn phàm phu chân như không giữ tự tính, một niệm bất giác mà vọng động, nên có vô minh. Vô minh không có thật thể, nếu không rõ vô minh nhất định có hành. Thế nên, bất giác đây là vô minh, vọng động được gọi là hành. Hành phân ra thiện hành và ác hành, chẳng động gọi là hành thiện, nói chung gọi là nghiệp hành. Có hành liền có thức. Hành thiện có thức thiện, hành ác có thức ác. Không động mà hành thì có thức không động. Hành tức là nghiệp, người có nghiệp của người, ví như người thấy nước là nước. Người của chư thiên có thức của chư thiên, thấy nước như lưu ly. Nghiệp của ngạ quỷ có cái thấy biết của ngạ quỷ. Nghiệp thức dẫn dắt đi tái sinh, thức tình của tinh cha huyết mẹ. Ba duyên hợp lại mà thành thai nghén, đây gọi là sắc, sắc đây là nhờ tinh cha huyết mẹ. Tự tâm mình chẳng biết, tâm ấy gọi là vô tác dụng, cho nên gọi là danh sắc, danh sắc bảy ngày biến đổi một lần, sau bốn mươi chín ngày có sáu lần thọ sinh: Tức là đầu, hai tay, hai chân và sau mười tháng sáu căn đầy đủ, có sáu căn nhập vào sáu trần tạo thành công năng, nên gọi là lục nhập. Sau khi bé sơ sinh ra đời, sáu trần tiếp xúc, thế nên lục nhập duyên xúc. Xúc cảnh, có khổ có vui, thuộc về thọ, nên xúc duyên thọ. Thọ là quả báo, thọ quả báo thời tâm sinh phiền lụy chấp trước, nên thọ duyên ái. Nếu thọ vui thì ái có dài lâu. Nếu thọ khổ thì ái kia thường xa lìa. Ái mà hợp thì ái không lìa, liền sinh chấp. Chấp thì liền tạo nghiệp. Nếu nương lý mà chấp thì thuộc về thiện nghiệp. Nếu không lý mà chấp thì thuộc về ác nghiệp. Nếu chấp duyên có, có tức là nghiệp, có nghiệp nên có sinh, có sinh nên có già, bệnh, chết, ai, bi, khổ, não.
Do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh lão bệnh tử ai bi khổ não, đây gọi là mười hai nhân duyên.
Nếu dùng trí Bát-nhã quán xét thì vô minh diệt tức hành diệt, hành diệt tức thức diệt, thức diệt tức danh sắc diệt, danh sắc diệt tức lục nhập diệt, lục nhập diệt tức xúc diệt, xúc diệt tức thọ diệt, thọ diệt tức ái diệt, ái diệt tức thủ diệt, thủ diệt tức hữu diệt, hữu diệt tức sinh diệt, sinh diệt tức lão bệnh tử ai bi khổ não diệt. Mười hai nhân duyên này là không thì có thể chứng được quả Bích Chi Phật. Nếu dùng trí Bát-nhã quán chiếu thật tướng các pháp, chẳng những không có vô minh mà cũng không có hết vô minh. Vì nếu không có phàm phu thì không có vô minh, cũng không có Bích Chi Phật, nên không có hết vô minh.
Nãi chí vô lão tử, diệt vô lão tử tận.Cho đến không có già chết, cũng không có hết già hết chết.
Không có phàm phu già chết, cũng không có Bích Chi Phật và hết già chết, dùng trí Bát-nhã xem tất cả pháp, có thể siêu vượt pháp thế gian nên không có vô minh, siêu vượt pháp thế gian nên vô minh đã hết.
Vô khổ tập diệt đạo. Không có khổ tập diệt đạo.
Bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo chân thật không hư dối, bốn chân lý này là chỗ thấy biết của bậc Thánh, nên gọi là bốn Thánh đế. Về mặt đại thể, Tứ đế là quy nạp thuyết. Thập nhị duyên khởi mà Phật giáo dùng giải thích các hiện tượng trong vũ trụ, là đại cương giáo nghĩa của Phật giáo nguyên thủy, là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Thích Tôn.
Tứ đế theo thứ lớp được gọi là Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ đạo thánh đế. Trong đó Khổ và Tập biểu thị cho quả và nhân trong thế giới mê vọng, còn Diệt và Đạo biểu thị quả và nhân trong thế giới chứng ngộ. Tức, quả hữu lậu thế gian là khổ đế. Nhân hữu lậu thế gian là tập đế. Quả vô lậu xuất thế là diệt đế. Nhân vô lậu xuất thế là Đạo đế.
1. THỊ TƯỚNG CHUYỂN [2]
Khổ tập bức bách, chỉ cho chúng sinh, quả báo hoàn toàn khổ não, vì sinh, lão, bệnh, tử gia tăng bức bách. Đây là khổ khổ. Khoái lạc của thế gian là vô thường. Lạc hoại khổ lại sinh. Đây gọi là hoại khổ. Hành thiền định tâm không được an vui, là vô thường, thuộc hành khổ. Thế nên ở trong tam giới có khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Đây gọi là tam khổ. Ngoài ra còn có bát khổ : Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm suy thạnh khổ. Chúng sinh chẳng biết khổ, cho nên Như Lai dạy tướng khổ.
Tập chiêu cảm tính : Khổ từ đâu lại đến? Đây là tự chiêu, gọi là tập đế. Tập, là chiêu cảm. Mọi người đều có tham sân phiền não. Do ba phiền não tạo tác các nghiệp sát, đạo, dâm, vọng. Do nghiệp mà chiêu cảm bát khổ trên. Khổ đây là quả của của nhân tập
Diệt, có thể chứng tính : Nhân khổ diệt quả khổ gọi là Diệt đế. Nếu hết khổ gọi là Niết-bàn.
Đạo, có thể tu tính : Nhân khổ diệt quả khổ, chủ yếu là nhờ tu đạo. Đạo đế là pháp vô lậu không còn rơi rớt trong sinh tử nữa.
2. KHUYẾN TU CHUYÊN [3]
Khổ, ta nên biết : Biết tức là giác, giác (khổ) sinh tức là vô sinh, giác (khổ) trụ tức là vô trụ, giác(khổ) diệt tức là vô diệt. Nếu giác ngộ vô sinh sao lại có khổ? Cho nên vì khổ này ta nên biết.
Tập, ta nên đoạn : Tập là phiền não, phiền não vì sao đoạn? đoạn thế nào đây? Nhất định phải giác, giác tập thì không có tập, tức là đoạn tập. Thế nên với tập này ta nên đoạn.
Diệt, ta nên chứng : Chứng như thế nào ư? Nếu quả khổ và nhân khổ diệt rồi thì Diệt đây do nhân sinh mà có. Còn nếu không sinh tức không diệt. Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt hiện tiền, đây là chứng.
Đạo, ta nên tu…: Đạo này làm sao tu? Nếu giữ giới thì có giới để giữ. Còn chẳng giữ giới thì không. Tu định tức có định, không tu định tức không có định. Đoạn trừ lận hoặc thì có trí huệ. Chẳng đoạn thì không. Thế nên cần phải tu.
Cho nên chúng ta tu con đường ba mươi bảy phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, và trở lại tam vô lậu học: Giới, định, huệ.
3. ĐẮC CHỨNG CHUYỂN [4]
Đây là khổ, ta tự biết, chẳng dùng cách mà biết. Đây là tập ta phải đoạn, chẳng dùng cách để đoạn. Đây là diệt, ta nên chứng, chẳng dùng cách để chứng. Đây là đạo ta nên tu, chẳng dùng cách tu.
Cho nên chẳng dùng phương tiện biết, phương tiện đoạn, phương tiện chứng, phương tiện tu? Như Lai liễu ngộ lý Tứ đế chân thật. Như :
- Khổ, là pháp hữu vi chẳng lìa ba tướng sinh, trụ, diệt. Như Lai ngộ tướng sinh không thể được, tướng trụ không thể được, tướng diệt cũng không thể được. Nếu ngộ ba tướng sinh, trụ, diệt không thể được [5], đây là đương thể tức không. Không đây là lý chân thật. Đó là nói về Khổ đế.
- Tập là pháp hữu vi, không lìa ba tướng phiền não. Phiền não có sinh chăng? Ngộ, thì tướng sinh không thể được. Phiền não có trụ chăng? Ngộ, thì tướng trụ không thể được. Phiền não có diệt chăng? Ngộ, thì tướng diệt không thể được. Như thế nếu mê thì thấy có phiền não sinh, trụ, diệt có thể được. Nếu ngộ thì ba tướng phiền não sinh, trụ, diệt đều không thể được. Đây là đương thể tức không, cũng là hợp tướng chân thật. Đó là nói về Tập đế.
- Diệt cũng lại như thế? Có sinh tức có diệt. Giác tức là vô sinh, cũng không thể diệt. Tịch diệt hiện tiền. Vậy diệt là chân đế. Như Lai nói diệt, là nhân khổ diệt mà thấy chân thật. Thấy chân thật nên không khổ, không tập, không diệt.
- Đạo cũng lại như thế? Ví như người tu giới định huệ, giới có sinh chăng? Giới không có tướng sinh. Giới có tướng trụ chăng? Giới không có tướng trụ. Giới có tướng diệt chăng? Giới không có tướng diệt. Giới định huệ, ba tướng sinh trụ diệt có thể được chăng? Không sinh, trụ, diệt. Ba tướng này là pháp vô vi. Giới định huệ đương thể tức không. Đạo tức là tướng không. Tu tức là không tu. Cho nên Đạo đây, chúng ta cần tu và cũng không dùng cách tu. Lục Tổ nói:
Đất tâm không lỗi tự tính giới
Đất tâm không loạn tự tính định
Đất tâm không suy tự tính huệ
Chẳng tăng chẳng giảm tự Kim Cang
Thân đến thân đi vốn Tam Muội
Đây tức là chân đế giới, định, huệ. Đạo đây là chân đế.
Tướng không của các pháp là thật tướng, không có phàm phu pháp là khổ và tập, cũng không có hiền thánh pháp là diệt và đạo. Cho nên không có khổ tập diệt đạo.
[1] Đọc đọan này cần phải hiểu : Căn mắt, tai v.v… là nhân duyên (điều kiện) để chúng ta dựa vào đó mà tạo nghiệp. Lỗi chính vẫn ở phần ý thức phân biệt.
[2] Thị tướng chuyển: Chỉ ra tướng để biết mà chuyển.
[3] Khuyến tu chuyển : Khuyên tu để chuyển.
[4] Đắc chứng chuyển : Nhờ chứng nghiệm mà chuyển.
[5] Không thể được : Không thể nắm bắt.
(Còn tiếp...)