Đạp miệng ông trưởng giả
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 12 Tháng bẩy 2010 10:11
Chân Hiền Tâm
Kinh Bách Dụ ghi : Xưa có ông trưởng giả rất giàu có. Mọi người chung quanh muốn tỏ ý cung kính để lấy lòng ông, nên mỗi lần ông khạc đàm xuống đất, người chung quanh dành nhau chà cho hết.
Bấy giờ có người quê mùa không đạp kịp lên đàm đã nhổ, mới nghĩ thầm “Nếu đợi đàm ông rơi xuống đất rồi thì ta không cách gì đạp kịp. Chi bằng khi ông vừa muốn khạc, ta liền đạp thẳng vào miệng ông. Chắc chắn sẽ đạp được”. Nghĩ rồi, người quê mùa liền thực thi ngay những gì vừa nghĩ khi thấy ông trưởng giả có ý muốn khạc đàm. Kết quả là … trưởng giả dập môi và gãy răng.
Đời nay kiếm được một người lanh lợi cỡ đó không phải dễ! Nhưng ngẫm cho cùng thì không khéo mình cũng có ít nhiều hơi hướm của chàng ngố đó.
Làm việc gì mà chỉ chú trọng đến hình thức còn tinh thần chính của sự việc lại bỏ mặc thì mọi việc xảy ra đều như vậy. Anh chàng quê mùa kia nếu biết việc đạp lên đàm chỉ là hình thức biểu trưng cho lòng tôn kính đối với trưởng giả, không chỉ đơn thuần là đạp làm sao cho được đàm, thì anh không tính chuyện nhanh nhẫu như thế. Song vì chỉ chú trọng đến hình thức, không nắm được tinh thần mà hình thức ấy muốn nói, nên việc đáng tiếc mới xảy ra. Bạn nghĩ xem, liệu người ta có để bạn yên không, khi bạn đạp dập miệng gãy răng người ta? Dù trưởng giả có lòng từ bi cao cả bao nhiêu thì đám người kia cũng không để cho chàng quê mùa này yên. Đàm vừa khạc ra chúng còn tranh nhau chà như thế, huống là kẻ làm tổn thương đến ngài trưởng giả? Bị bề hội đồng là cái chắc. Nát thân chứ chẳng phải chơi.
Đạo Phật cũng vậy. Hình thức phương tiện thì rất nhiều, nhưng nếu ta chỉ chú ý đến hình thức mà quên đi tinh thần Phật muốn nói thì sẽ như chàng quê mùa kia, vừa làm bầm dập Phật pháp, vừa làm phương hại bản thân mình.
Tinh thần Phật muốn nói đó là gì? Là muốn khơi lại TRÍ TUỆ và loại TÌNH THƯƠNG vô hạn trong mỗi chúng sanh. Trí tuệ và tình thương đó mọi người đều đủ, chỉ do vô minh che phủ mà mọi thứ thành hạn cuộc : Chỉ thấy được cái trước mắt không thấy được cái sau lưng. Chỉ thấy cái hiện tại mà không thấy được ba thời. Lầm nhân này với quả kia, gieo bao điều tội lỗi. Mọi thứ đều hạn cuộc trong cái tôi và cái của tôi. Nhích đi một chút liền có sự tính toán. Có tính toán thì có hơn thua. Có hơn thua thì có tranh dành, cướp bóc, sân hận, oán thù v.v… Thế giới tranh tàn, khổ đau, bất hạnh đầy dẫy. Vì thế, Phật đặt ra giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định để ngăn bớt nhân xấu, hầu giúp trí tuệ và tình thương của mình đối với muôn loài được phát triển. Loại trí tuệ và tình thương ấy phát triển thì cuộc sống sẽ an vui, mọi thứ sẽ hài hòa.
Gút lại, bất cứ hình thức tu hành nào, từ những lễ lạc trang nghiêm cho đến các phương tiện tu hành tỉnh lặng đều cốt làm sao để mọi người phát huy được trí tuệ và lòng từ của chính mình. Có trí tuệ và lòng từ thì bản thân mình không tạo nghiệp, thế giới mới hài hòa.
Giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, thiền định chỉ có giá trị khi chúng ta bớt dần tham - sân - si, TRÍ TUỆ và TỪ BI lần lần hiển phát. Cho nên không phải giữ giới thôi là đủ, có ngồi thiền là được. Giữ giới làm sao, thiền định thế nào mà đời sống của mình ngày càng thông thoáng. Với người thì ngày càng bao dung. Với mình thì ngày bớt dính mắc. Đó mới là những gì Phật muốn mình đạt đến khi đặt ra các hình thức đó. Giữ giới thật nghiêm, công phu thiền định thật giỏi, mà trí tuệ và lòng từ của mình cứ sệt như hắc ín pha dầu, đụng đâu dính đó, thấy gì ghét nấy thì việc tu hành của mình, trên hình thức thấy thì ngon chứ thực chất thì bù trớt.
Hòa thượng Chí Công cùng vua Lương Võ Đế một lần lên lầu thưởng ngoạn vào mùa tuyết rơi, thì thấy trên đầu một ngọn núi tuyết không rơi xuống đó. Vua Lương Võ Đế ngạc nhiên, Hòa thượng Chí Công liền thưa “Sở dĩ tuyết không rơi xuống được hòn núi đó, là do trong núi có một vị đang nhập định. Do lửa tam muội mà tuyết không thể rơi xuống”. Nghe vậy, Lương Võ Đế cảm kích muốn mời vị ấy về triều, trước là chiêm ngưỡng, sau là để cúng dường.
Sáng hôm sau, nhà Sư ấy được mời về triều. Vua Lương Võ Đế rất cảm phục về phong cách của Sư : Nhập thất hành thiền có khi cả tháng không thấy ăn uống. Hài lòng nên nhà vua tỏ ý muốn bày trai tăng cúng dường. Do ý kiến của Hòa thượng Chí Công, việc cúng dường được bày thành hai mâm, tất cả Tăng chúng đều được cúng dường những đồ quí giá, riêng sư Suy Hải, người có tài năng tham thiền nhập định, là những phẩm vật rất bình thường, với lý do đơn giản : Sư chưa đủ đức hạnh để nhận đồ cúng dường như các vị kia.
Suy Hải không dằn được cơn giận, uất lên “Bần tăng này là kẻ đã xa lìa thế tục quyết chí tu hành, nào mong cung điện nguy nga lợi dưỡng, cớ sao bệ hạ lại mời bần tăng về đây rồi đem bần tăng ra làm trò đùa khen chê hủy báng”. Uất khí dâng cao, Sư thổ huyết mà chết, đọa ngay vào thân súc sanh.
Hòa thượng Chí Công liền cho người trèo lên cây, mang chú chim mới nở, trên người có hai chữ Suy Hải về, dùng oai thần chú nguyện để thần thức nhập lại thân Suy Hải. Đợi Suy Hải hồi phục, Hòa thượng Chí Công mới giải thích “Ông tuy là người tu thiền nhập định, một pháp môn tối thắng trong tất cả các pháp môn, nhưng lại không nắm được chỉ yếu của Như Lai. Ông hãy dùng trí tuệ Bát Nhã mà quán chiếu. Không nên trụ tâm vào chỗ nào thì mới có thể giải thoát. Kinh nói “Một niệm tâm sân, trăm vạn cửa chướng khai mở”. Ông phải nhớ lấy. Nghiêm trì giới luật thiền định mà phải tham khảo thêm kinh điển của Như Lai. Có vậy trí tuệ mới khai thông, bằng không chỉ như kẻ đếm bò cho người khác”. Sư Suy Hải tỉnh ngộ gật đầu.
Sư Suy Hải tu thiền nhập định rất giỏi, nhưng Sư chỉ chú trọng đến hình thức tham thiền nhập định mà quên mất tinh thần của việc tu thiền nhập định là gì. Phật bày ra các pháp môn chủ yếu là để người tu điều hòa thân tâm, bớt dính mắc vào vạn pháp mà nhận ra được cái gì là chân, cái gì là vọng. Nhận ra được bản chất thực của vạn pháp thì không còn dính mắc vào chúng. Chỉ khi không dính mắc vào chúng, tức tâm mình thực sự vô trụ, thì mình mới thực sự được giải thoát. Sư tham thiền nhưng Sư không nhớ tinh thần chính của việc tham thiền là phải phá đi cái tôi của mình, đưa tâm về chỗ vô trụ. Tu là phải phá ngã mà Sư không phá, lại trụ tâm tập trung nuôi dưỡng định lực. Tuy lực định cao đó nhưng trí tuệ không hiển nên lực định ấy lại là thứ khiến khí sân của Sư càng mạnh. Thổ huyết là lẽ tất nhiên.
Phá bỏ được cái tôi của mình thì mình mới thực sự an vui, trí tuệ mới có cơ phát triển, không đến nỗi tức đến thổ huyết như thế.
Suốt một thời gian dài, tôi không muốn ở nhà. Vô chùa cũng vui, ra nhà bà chị chồng cũng vui. Ở đâu cũng vui miễn đừng về nhà. Cứ bước chân vào nhà là tôi thấy người nặng nề, khó thở, mệt nhọc. Cứ như có ma ám. Thầy bói nói tại cung điền trạch có con bạch hổ thành như thế. Tôi phải mất một thời gian để nắm cho được gáy con bạch hổ mà tống nó đi.
Ở đâu cũng vui vì chùa là chùa của thầy, thất là thất của quí cô, nhà là nhà của anh chị, tất cả đều không phải là NHÀ CỦA TÔI. Việc gì xảy ra nơi ấy cũng không phải là VIỆC CỦA TÔI. Những cái của tôi không tồn tại những nơi đó. CÁI CỦA TÔI không thì CÁI TÔI cũng không. Bởi không ai đến nhà người khác ở mà đi tranh cãi đúng sai với người ta. Nhà người thì người quyết, mình làm được gì thì làm không thì thôi, không việc gì phải động não cho mệt. Hợp thì nói qua nói lại, không thì nghe tai này qua tai kia rồi nhăn răng cười, đâu có gì phải tranh cãi. Không khỏe sao được.
Về đến nhà thì mọi thứ là của mình. Nhà mình, chồng mình, con mình, việc của mình và quan trọng nhất là ý của mình. Con bạch hổ chính là cái tôi của mình. Bởi vì cái gì cũng TÔI, nên đức ông thương thì đức ông nhịn cho mươi bữa, nhưng quá quắc quá thì cũng phải có một bữa đức ông nổi khùng. Thế là, cãi nhau long trời lỡ đất, đòi chết, đòi li dị, đòi bỏ nhà vô chùa, đòi đủ thứ. Cãi và đòi nhiều thứ quá nên … hết hơi và phát bệnh. Rồi … cuộc đời tui sao khổ quá vậy trời!
Con cũng có cái tôi của con nên không phải nói thứ gì nó cũng nghe lời, nhất là khi nó đã lớn. Nhưng mình quen với cái tôi của mình rồi nên ngay cả người nó yêu, mình cũng bắt phải đúng tiêu chuẩn của mình, mình mới chịu. Nói mà thấy nó nhăn mặt là nổi sùng, thuyết cho nó một trận để nó hiểu thế nào là sự khôn ngoan và từng trãi của mình. Nhiều thứ như thế làm sao không có chuyện để mệt. Không nặng nề phiền não mới là lạ.
Mọi phiền não đều bắt nguồn từ cái tôi và những cái của tôi nên đến với đạo, muốn thực sự nếm được hương vị an lạc của đạo, Phật dạy phải bỏ đi cái tôi của mình. Bỏ đi cái tôi chứ không phải bỏ đi cái chủ của mình. Có cái chủ đó mình mới sống, mới ăn, mới làm được mọi việc. Làm trong sự định tỉnh nên mọi thứ hài hòa yên vui. Tôi làm mà không có cái tôi hiện diện. Muốn biết cái tôi có hiện diện không thì phải xem mình có tham sân không?
Đó là lý do vì sao, mọi pháp môn của đức Phật đều tập trung giúp người tu phá bỏ tham - sân - si. Có tôi mới có tham - sân - si. Có tham - sân - si là biết có tôi. Không có cái tôi thì không có tham - sân - si. Không tham - sân - si thì không có cái tôi. Không tham - sân - si thì mọi thứ sẽ an vui, hài hòa, nề nếp.
Có người nói, nói đến thiền không còn đặt đến vấn đề tham - sân - si nữa, chỉ đặt vấn đề kiến tánh. Đúng! Nhưng muốn kiến tánh thì phải phá tham sân si. Mà kiến tánh để chi? Để có năng lực phá đi chủng tử của tham - sân - si, là chỉ cho loại vô minh vi tế. Si là tên khác của vô minh. Loại vi tế này không có thiền không phá được. Thành trước sau cao thấp gì cũng là tập trung phá tham - sân - si mà thôi.
Đọc mấy công án và hành trạng của chư vị thiền sư thấy thanh thản vui vẻ vậy đó. Nhưng là cả một quá trình công phu phá tham - sân - si không dừng nghỉ. Đến với thiền mà nghĩ không còn phá tham - sân - si nữa thì thiền đó là thiền gì chứ không phải là thiền của Phật.
Đời nay, người đến với đạo rất nhiều nhưng đa số chú trọng vào hình thức nhiều hơn là những gì Phật dạy trong kinh. Phật pháp bị biến dạng từ hình thức cho đến tinh thần. Xin xâm, bói quẻ, cúng sao, giải hạn v.v… Hình thức còn không đúng, huống là tinh thần mà Phật muốn nói.
Chính vì tinh thần đã mất, nên thấy trong nhà chộn rộn không yên, mình lại lo coi bếp coi núc, lo chạy thầy cúng kiến chứ không biết quay lại soi lấy tâm mình. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Nhưng vì tâm mình không tịnh thành cõi giới quanh mình cũng không tịnh. Vì chỉ chú trọng đến hình thức nên chỉ tính những chuyện bên ngoài mà cốt lõi của vấn đề thì bỏ mặc.
Ngay cả trong môi trường Phật pháp, cũng xảy ra nhiều chuyện rối ren. Người tu càng lâu, ngã tướng càng bự, so ra không bằng với người mới phát tâm. Kẻ thích bằng cấp này, người thích học vị nọ mà chuyện điều thân điều tâm thì bỏ mặc. Chỉ một mớ tương chao thôi mà đi đâu cũng muốn ăn trên ngồi trước. Thanh toán mớ tóc xong, đã nghĩ đến chuyện cúng dường và sự lễ lạy của người đời v.v... Tu vậy là mình đang giết mình mà làm bầm dập cả Phật pháp. Không phải lâu nay, người ta vẫn nhìn Phật giáo như một loại tôn giáo ăn bám, trốn đời, mê tín dị đoan sao? Không phải không có lý do của nó.
Bỏ đi cái tôi không có nghĩa là không làm gì hết. Không phải nói tôi không dính mắc thì thôi chuyện ai nấy lo. Chồng lo chuyện chồng. Con lo chuyện con. Cha sống mặc cha. Con chết mặc con. Trò chết mặc trò. Tao chỉ biết chuyện tu hành của tao. Tu như thế không phải là không được. Nếu đủ sức tu kiểu đó thì cứ tu. Nhưng đã gọi là CHUYỆN TU HÀNH CỦA TAO thì tất cả đều buông. Thân cũng buông mà tâm cũng buông. Buông đến khi nào sáng đạo mới thôi. Tan thân mất mạng trên bồ đoàn cũng … buông! Được vậy thì cứ mặc kệ tất cả mà tu. Còn tu mà vợ thì buôn bán tảo tần nuôi con chết bỏ, mình thì không làm gì hết. Tiền bạc nhất quyết không dính vô, nhưng ăn thì vẫn ăn, áo vẫn phải mặc, con thì vẫn đẻ đều đều. Tu vậy khổ lắm. Cái nhàn nhả thảnh thơi của mình là cái rứt ruột đau khổ của người, mà có ai xa lạ, chính là người thân của mình. Tu vậy sao đành? Phật dạy mình có trí tuệ và từ bi là để đủ sức mạnh gánh bớt trách nhiệm đau khổ cho người, khiến họ vơi bớt khổ nạn mà quay về đường chính. Từ cái chính đó, cuộc sống của họ sẽ vui. Mình lấy cái vui đó của người làm cái vui của mình. Phật không dạy mình vô trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Song, có trách nhiệm với gia đình không có nghĩa là cái gì cũng chỉ có gia đình. Phật không dạy mình có trách nhiệm với gia đình đến nổi chỉ biết đến tôi và những cái của tôi rồi lún sình luôn trong đó. Cố gắng dàn trải tình thương rộng ra, đối xử bình đẳng với mọi người được chừng nào hay chừng đó. Đừng có con tôi thì cái gì cũng được. Không phải con tôi thì một miếng cũng không cho. Đừng có cái gì cũng tập trung cho người thân của mình, còn người dưng thì mặc xác. Ai thương thì cho, ai ghét có chết cũng mặc kệ. Thứ gì thuộc về phân biệt, tính toán, ích kỷ đều có cái quả không tốt. Muốn sống an vui mình phải điều hòa cho được cái chung và cái riêng, giữa bản thân với gia đình, giữa gia đình với người chung quanh. Lòng từ càng rộng, cái quả an vui càng lớn. Hạn chế bó buộc mình trong cái tôi và những cái của tôi.
Cho nên, ôm chặt hết mọi thứ, bệnh đã đành mà thả hết mọi thứ cũng thành bệnh. Phải ôm mà không ôm, thả mà không thả. Khó lắm không phải dễ. Vì mình hay lọt vào hai cực hoặc bên này hoặc bên kia. Đạo Phật không dạy mình lệch bên này hay bên kia, mặc dù có lúc thấy Phật dạy mình bên này hay bên kia. Dạy bên này vì mình đi quá sâu qua bên kia, dạy bên kia vì mình đi quá sâu qua bên này. Như với người ở cõi giới này Phật dạy đừng tham - sân - si, nhưng với người ở cõi vô sắc thì không dạy như vậy. Thực chất là muốn chỉ ra lý trung đạo. Nghĩa là tùy cái duyên hiện đời mà trôi tròn trách nhiệm của mình nhưng không được dính mắc vào đó.
Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Đạo và đời phải cân bằng”. Cân bằng không phải không làm gì hết. Làm mà không dính mắc. Nếu làm làm bất cứ gì mà lấy lợi ích của người làm trọng thì mình sẽ hạn chế được sự dính mắc. Không bỏ mặc chính là đời. Lấy lợi ích của người làm trọng chính là đạo. Đạo và đời hòa hợp không dính mắc chính là cân bằng.
Thế nào là không dính mắc? Là không để sự việc đó làm cho mình vui hay buồn, bực mình hay lo âu. Khi tâm vừa khởi những niệm đó thì cố gắng tỉnh, thấy cho được những tâm niệm vừa khởi đó rồi bỏ nó đi. Bỏ chưa được, làm hoài cũng có lúc được. Buông được thì định tỉnh được. Định tỉnh được thì buông được. Làm việc gì trong định tỉnh luôn tốt hơn là làm trong sự lo âu hay giận dữ.
Tôi thấy cái khó của mình là ngay khi tâm khởi niệm mình không tỉnh, không biết nó khởi nên nó mới dẫn mình chạy. Nếu biết tâm THAM đang dấy khởi, cái SÂN muốn trào ra, thì mình sẽ dừng nó không mấy khó khăn nếu mình muốn.
Cho nên, tu có hai cái khó : Một là không tỉnh nên để niệm tham niệm sân dẫn chạy. Đã để nó dẫn chạy nên nó có lực khiến mình tới luôn. Hai là mình không muốn dừng. Mình thấy cần phải làm như thế v.v…
Đó là hai cái khó trong việc dừng tâm. Nếu không vướng hai thứ đó, việc dừng tham - sân - si không khó. Vì sao? Vì tính cách của một con người là do thói quen mà ra, không phải là thứ bất di bất dịch mà không thay đổi được. Tu chính là dừng đi các thói quen mà thôi. Muốn có cuộc sống hạnh phúc ở cõi trời hay người thì phải dừng đi các thói quen xấu. Muốn thành Phật thì phải dừng luôn cả thói quen tốt. Nói PHẢI DỪNG đây không có nghĩa không làm việc tốt nữa. Làm không ngừng, làm chết bỏ, nhưng không để thói quen đó sai sử. Không lệ thuộc vào thói quen, dù là thói quen tốt, thì tâm mình mới trở về được trạng thái vô trụ. Mình mới thực sự có hạnh phúc dù cuộc sống chung quanh có thế nào.
Như việc đi chùa nghe pháp, đi chùa nghe pháp là một việc rất tốt. Nhưng nếu để thói quen đó chi phối, thì khi không được đi chùa, mình sẽ thấy bức rức không yên, có khi là nổi sùng rồi khóc bù lu bù loa. Đừng nghĩ cái bức rức nổi sùng đó là tốt. Cái bức rức đó cho thấy mình đã bị thói quen thiện chi phối. Phải buông cái bức rức đó đi. Dù không được đi chùa, tâm vẫn bình yên mới là tốt. Bình yên không có nghĩa là không cần đi chùa nữa, ở nhà xem tivi ca kịch cho vui. Có điều kiện mình vẫn phải đi chùa nghe pháp nhưng không dính mắc vào việc đi chùa.
Nói chung, khi còn nhiều thói quen đời quá thì tốt nhất là nên tập các thói quen thiện. Thói quen thiện giữ cho mình không bị thói quen xấu dẫn chạy. Hết thói quen xấu rồi, thói quen thiện cũng phải buông. Tu thì phải nắm rõ vấn đề như thế. Không thì nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra.
Tham - sân - si là cái nhân của một quả xấu. Nếu mình không dừng được nó. Cái phước mình đang hưởng sẽ bị nó làm giảm, đủ duyên mình sẽ có một hoàn cảnh xấu. Đó là qui luật tất yếu của luật Nhân Quả. Có nhân, đủ duyên sẽ có quả.