THIỀN VIỆN CHÁNH GIÁC - NỖI LÒNG NGƯỜI CON PHẬT
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 19 Tháng sáu 2012 13:32
An Nhẫn
Miền Tây vốn là vùng đất sinh thành và hoằng hóa của các bậc cao tăng thạc đức, như quý Hòa thượng Chánh Hậu, Hòa thượng An Lạc - Thích Minh Đàng, Bồ Tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa…Miền Tây cũng là nơi xuất thân của Hòa thượng ân sư Thích Thanh Từ.
Tâm nguyện rộng lớn của Hòa thượng là trên vùng đất miền Tây này sẽ xây dựng một ngôi thiền viện cho những người con Phật có một nơi tu học, tiếp nối, phát huy tôn chỉ và đường lối tu tập của thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, “ một niệm chí thành muôn thiên hộ trợ”, hội đủ duyên lành. Giờ đây ngôi thiền viện được chính thức khởi công xây dựng và Hòa thượng ân sư đã đặt tên cho ngôi Thiền viện là “Trúc Lâm Chánh Giác”. Hòa thượng đã gởi tròn tâm nguyện mình qua “Chánh giác”, tên thiền viện được đặt cũng là lời nhắn nhủ cho hàng Tăng ni, Phật tử - những người đệ tử con Phật trên con đường tu học, phải đi rốt ráo đến giải thoát giải thoát , đạt nhất thiết trí. “Chánh Giác” mang một hàm nghĩa lớn, đó là trí tuệ vô thượng của Phật rõ biết tất cả chân lý một cách chân chánh và bình đẳng, không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức là những cái giả đã được phá sạch đi đến chỗ như như. Chúng con đến, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước (Tiền Giang), bên cạnh những ngôi nhà khang trang hiện đại, vẫn còn đó những mái tranh nghèo, những con thuyền, những người lao động chân lắm tay bùn chất phát miệt mài vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy gian khó. Khi rẽ vào con đường nhỏ có tên là Tràm Mù sẽ đưa chúng ta đến công trình đang khởi công xây dựng thiền viện trúc lâm Chánh Giác. Thiền viện:có diện tích 30 ha, do các Phật tử phát tâm cúng dường và thượng tọa Thích Thông Phương trụ trì thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng tiếp nhận và xây dựng Thiền viện theo sự chỉ dạy của Hòa Thượng Tôn sư. Phong cảnh ở đây còn rất nguyên sơ, kênh rạch chằn chịt, tràm đước bạt ngàn một màu xanh tươi mà một thời được mệnh danh là cánh đồng hoang trong bộ phim cùng tên nổi tiếng. Chỉ vài tháng trước, nơi đây là khu rừng thưa, ngập nước mênh mông, quí Thầy phải trầm mình dưới nước đốn tràm, phát hoang. Nắng tháng tư như thiêu, như đốt, những gương mặt sạm đi vì nắng gió, nhưng quí Thầy vẫn tươi cười rạng rỡ chỉ cho chúng con về dự án xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Chúng con cảm nhận phong thái tự tại, ung dung, nhẹ nhàng, thanh thoát đến đổi siêu phàm vẫn hiện hữu nơi quí Thầy dẫu đang đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, áp lực của công việc và thiếu thốn trong sinh hoạt,và ăn uống. Nhiều Phật tử đã bật khóc khi bước chân đi trên con đường qua chiếc cầu dẫn vào thiền viện, vì biết quí Thầy đã 3 ngày đêm không ngủ để làm cho xong, kịp đón Tăng, Ni, Phật tử khắp nơi về dự lễ đặt đá (con đường vừa xong chỉ cách khai lễ đặt đá 6 giờ do địa hình quá khó khăn phức tạp, nhiều nhà thầu đã bỏ cuộc trước lễ chỉ còn có 10 ngày nên quí thầy phải cáng đáng mọi công việc). Trước mắt chúng con là bãi đất trống, ngỗn ngang đào bới, tiếng ì ầm động cơ của bước đầu xây dựng. Theo Ban Hưng Công cho biết thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là một trong những ngôi thiền viện lớn nhất trong nước cũng như tại Đông Nam Á, dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng khoảng từ 3,5 đến 5 năm, “Cũng theo quy hoạch tổng mặt bằng, thiền viện có 25 hạng mục, bao gồm các hạng mục như Chánh Điện, Tổ Đường, Giảng Đường, Khu nội viện Tăng, Nhà Tăng ngoại viện, Trai đường, Lầu chuông, Lầu trống… với tổng diện tích xây dựng hơn 8000m2. Điều hết sức đặc biệt là trong bản quy hoạch, một khu vực rộng lớn được bố trí để xây dựng Tứ Động Tâm (Lâm Tì Ni – nơi Phật Thích Ca đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Phật thành đạo; Vườn Lộc Uyển – nơi Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na – nơi Phật nhập diệt) theo đúng nguyên mẫu với tỉ lệ 6-10. Theo tỉ này thì tháp Đại Giác sẽ có chiều cao khoảng hơn 31m.” Chúng con với bao niềm trân trọng, kính phục, yêu thương dành cho các Thầy đã dày công xây dựng, nhìn thiền viện Chánh Giác đang được xây dựng mà lòng chúng con dâng trào tự hào xiết bao… Chúng con những người con Phật nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho ngôi thiền viện được thuận duyên, có sự đồng lòng chung sức để xây dựng sớm hoàn thành trước là đền ơn Tam Bảo, sau là Hòa thượng ân sư, bậc cao Tăng đã dầy công phục hưng, gầy dựng lại thiền phái Trúc Lâm.