Nhập Từ tam muội phóng sinh
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 04 Tháng tám 2012 11:44
- Viết bởi chanhdao
Chân hiền Tâm
Sông nước mênh mông…
Thả cá ở đây thật tuyệt! Tha hồ bơi lội sau khoảng ngột ngạt trong bao ni lông. Giăng lưới bắt cá cũng tuyệt 1. Tha hồ rộng rãi… Bên thả. Bên giăng. Trước thả. Sau giăng. Nhìn hai cảnh ấy cũng thấy ngồ ngộ. Thế gian là thế. Ai thả thì thả. Ai bắt thì bắt. Gieo quả nào gặt quả đó. Rồi cứ theo nghiệp mà đi. Còn chúng sinh sống hay chết là do phước đức của chúng.
Tôi không chú tâm với việc phóng sinh. Là không chú tâm bỏ tiền mua cá mua chim về thả. Đủ duyên thì làm. Chú tâm và tập thành thói thì không. Có lẽ quá khứ không huân tập nhiều. Hiện đời, có những nghi ngại khiến mình không thấy hứng thú. Cá ếch ngoài chợ không có người thả, chúng vẫn bị bắt ăn thịt, mình thả còn thấy có chút lợi ích cho vật cho người. Nhưng mấy chú chim, không vì nhờ mình cầu phước cho mình, chắc không có chim bị bắt, cũng không có người tạo nghiệp bắt chim. Thả nhiều, bị bắt càng nhiều, người tạo nghiệp bắt chim càng mạnh? Đại sư Trí Giả ngày xưa làm đầm phóng sinh, thuyết pháp cứu vật, cứu luôn nghiệp sát cho người. Người nghe thuyết pháp, chuyển nghề chài lưới khá nhiều. Cho nên, tập trung cho việc chuyển tâm trước đã. Còn việc phóng sinh, khi nào có duyên mới làm.
Mấy chục năm trước, chị em chồng tôi bị bắt vì bán vàng chui. Thiên hạ bày mua chim thả. Ừ thì mua chim về thả. Trong cơn hoạn nạn bày gì làm đó, mong sự may mắn xảy ra. Niệm Phật mở lồng, chim bay hết còn lại hai con. Vỗ mấy cũng không ra. Phải cho tay vào bắt. Cái điềm khiến mình suy ngẫm nhân quả ở đời. Nhân gieo một khi đủ duyên thành quả, có phóng cũng chẳng chịu ra. Mà thiệt! Ở hết một năm.
Lần hai là vào tháng bảy năm ngoái. Ngồi mua nấm mà con cá ở hàng bên cứ phóng vào mình. Quá ba bận, không thể không bận tâm. Mấy bà chung quanh không cho phóng sinh, nói chết. Nhảy dữ vậy mà chết? Nhảy vậy nhưng chết giờ.
Phóng sinh không phải là nghiệp của mình, lại nghe phóng rồi cũng chết không sinh, lại càng không thấy hứng thú. Niệm Phật và nhủ với nó vài lời rồi đi. Nhưng đi một đoạn lại thấy hối hận: “Chuyện sống hay chết chưa biết. Nhưng nó đã nhảy qua mình mấy bận... Dù gì, không do chặt đầu làm vẫy mà chết, đỡ đau đớn hơn”. Nghĩ rồi, trở lui mua cá, thả ở cái cầu gì đó không biết. Vừa đi vừa niệm.
Tha thiết mà niệm cho chúng sống sót, cho chúng an bình. Có chết cũng được một câu niệm Phật hồi hướng gieo duyên.
Thiên hạ vẫn nói “Dân thường tụng niệm phóng sinh không linh, phải có Tăng Ni mới linh”. Cũng biết, dân thường tụng niệm phóng sinh không linh, do tâm dân thường không tịnh. Là do thân tâm, không do đầu áo nhãn mác. Nhưng trong cái duyên lóp ngóp của chúng bấy giờ, mạng treo chỉ mành, gặp được Tăng chúng thanh tịnh, biết còn để hưởng phước không? Thôi thì dồn tâm tụng niệm cho chúng. Quan trọng ở chỗ hữu duyên, có duyên liền ứng. Quan trọng ở chỗ nhất tâm, có tâm liền cảm. Hết lòng niệm Phật nhất tâm hồi hướng cho chúng trước đã. Tôi tu thiền đâu có niệm Phật. Chỉ niệm khi cầu gia bị hồi hướng cho ai. Bởi nghĩ lực mình không đủ, phải cầu các ngài gia bị cho chắc. Tôi thấy tha thiết và có lòng thành, niệm Phật sẽ được nhất tâm. Ít nhất là vào lúc đó. “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn”. Tôi tin như thế và đã làm như thế.
Tới đây, không biết có còn duyên nào khiến làm những việc đó không. Không thì chắc cũng không làm. Không làm, nhưng không phản đối khi thấy người làm. Nói “ít” thì chính xác hơn là “không”. Với những cái duyên mình thấy chỉ còn hình thức, trở thành tệ nạn cho chính người đó quá rõ, thì cũng lên tiếng ít nhiều. Còn nghe hay không là việc của người.
Nói không phản đối vì nhiều lý do:
1/ Thế giới này rộng lớn và còn rất nhiều bí ẩn mà với cái trí hiện nay của tôi, tôi không dám chắc là đã thấy đúng bản chất của mọi hiện tượng để mà phản đối. Quá khứ bản thân lầm lẫn đã có. Người hiểu không đúng về mình cũng nhiều. Đâu thể y cứ một vài hiện tượng nào đó để mà thị phi. Cho nên, duyên nào thiện ác đã phân rõ rồi thì nói, không thì cũng tránh khởi tâm. Khỏi tổn đức mình cũng tránh hại người.
2/ Chim cá thả rồi, có thể bị bắt lại liền sau đó, nhưng được một lần chú nguyện, cũng là duyên tốt về sau cho chúng.
3/ Sáng nào tôi cũng đi chợ. Chợ đời lắm nỗi nhiêu khê. Ếch bị đập đầu vẫn còn chắp tay lại lạy, cá bị chà đất văng bọt tung tóe v.v… Bao nhiêu oan khiên xảy ra trước mắt như chuyện thường ngày ở huyện. Khoanh một vùng nhỏ, đã thấy chúng sinh khổ nạn rất nhiều. Vật đau hiện tại. Người khổ tương lai. Phóng sinh để chúng thoát khỏi những cảnh đau đớn lầm than, thấy cũng nên làm. Với kẻ đồng lương ba đồng ba cọc lương thiện, dành dụm ít tiền phóng sinh, cho dù mục đích qui ngã vẫn là đáng quí.
4/ Chúng sinh can cường, không phải dạy cho điều hay lẽ phải là đã chịu nghe. Hòa thượng ngày trước, vì lòng bi mẫn, khuyên người bạn tôi hãy thôi quyên tiền cúng chùa làm phước, để tâm cho việc tu hành. Vậy mà bực bội bỏ đi. Trong tâm còn sinh oán giận. Đi cho đủ hết Ta bà khổ nạn, người đuổi, người chê, mới tỉnh quay về sám hối cạo đầu. Mới thấy, đâu phải nói đúng là đã chịu nghe. Cho nên, đức Phật ngày trước, còn phải lập bày phương tiện, không thể chỉ thẳng con đường thẳng tắt. Huống thời mạt pháp, chúng sinh mê muội càng dữ, cố chấp tự mãn càng kinh, sơ tâm nếu không thuận theo tính dục của họ, khó mà gần gũi độ họ dài lâu. Cho nên, có khi thấy chim chưa thả đã chết, thấy cá thả rồi có cơ bắt lại tức thì…cũng không có ý phê bình các bậc Tôn đức vì sao chú nguyện mà không khuyên người đừng thả? Phương tiện độ sinh không thể nghĩ bàn, kẻ ngoài làm sao biết được.
5/ Có khi thấy việc phóng sinh đi quá cái mức bình thường không còn mang nghĩa phóng sinh, hoặc cầu hết bệnh, an lành, thoát nạn, tức vì tự ngã mà làm, không vi thương tưởng chúng sinh… đúng lý thì thấy không hay cho lắm, nhưng xét trên sự, với kẻ sơ tâm vẫn có mặt hơn. Điều đó cho thấy chư vị đã tin nhân quả, không còn nương tựa tháp miếu cô cậu, van lạy cầu sinh mê tín dị đoan. Đã biết xả của, mở lòng… Đó là cái nhân tốt đẹp mở đường cho những suy nghĩ hành động mang tính nhân quả phước thiện sau này.
Nghĩ vậy, tôi ít khởi tâm phê bình cản trở khi thấy người muốn phóng sinh. Nhưng làm thì tùy. Tôi chú tâm hơn với việc không giết sinh vật quanh mình. Con rết có cắn, không tâm sát hại đã đành, cũng không khởi tâm oán hận bực bội. Con chuột phá phách cũng không có tâm giết nó. Muỗi mòng các thứ v.v… Tập không khởi tâm bực bội để rồi phải giết. Bạn nói bệnh tật? Tại mình có tâm giết hại mới sinh tai họa bệnh tật. Không tâm, duyên tụ vào đâu để sinh? Nếu sinh, là do nghiệp cũ đủ duyên. Phải trả thì trả, không thích tạo thêm nhân mới. Có khi nhờ vậy lại xóa nghiệp cũ cũng nên. Tôi tin như thế và tập làm dần những việc như thế. Cũng là một cách giải nghiệp cho mình. Nghiệp tịnh thanh rồi, ứng duyên lợi vật sẽ có lợi ích thiết thực cho đời.
Hình thức cần có nội dung
Người người thích việc phóng sinh là có nhân duyên. Có người do huân cái nghiệp phóng sinh từ đời quá khứ, giờ đã thành tập, cứ nghe phóng sinh là thích rồi làm, không cần lý do. Có người nghe nói phóng sinh có thể sống lâu, hết bệnh, thoát nạn… nên thích phóng sinh. Tính ra, không phải tu thân, tịnh tâm, giữ miệng mà được cái quả như thế còn gì khỏe bằng. Hiện đời lỡ gieo cái nhân bất thiện cũng thoát tù tội thì sao không làm? Có khi phóng sinh cả mấy trăm triệu cũng vì lý đó.
Phóng sinh chỉ vì thương vật không vì cầu phước cầu lợi cho mình, chỉ có thánh nhân làm được. Vì phần tự lợi tương đối hoàn chỉnh, thân tâm như hóa như huyễn cầu chi? Chỉ do bi tâm xuất hiện ở đời độ sinh, vì người vì vật là chính. Còn lại đa phần chúng ta, những việc vị tha đều có vị ngã ít nhiều trong đó. Thành nếu mua cá thả chim để cầu phước lợi cho mình hay cho người thân là việc tự nhiên. Vẫn là đáng quí, vì mình đã tin Nhân quả. Có điều, nên nhìn vấn đề đúng như những gì kinh dạy. Có vậy việc làm mới không hư vọng. Chỉ có hình thức, không đúng bản chất, đến khi cái quả nghịch ý xảy ra, lại trách Phật Tổ nói sai, dang dỡ niềm tin đối với Tam bảo, không còn hành thiện, đọa ba đường dữ nhanh chóng, uổng phí cho mình. Cho nên, cần hiểu cái lý cho đúng, trên sự làm được đến đâu thì làm. Có làm, dù chỉ chút ít cũng là rất quí. Không nên phương tiện đến nỗi chỉ còn hình thức, trở thành dối mình gạt người.
Tôi thấy một đoạn, không biết tác giả là ai, ghi vầy: “Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức dạy rằng cứu thả các sinh mạng, tiêu trừ được bệnh tật, thoát khỏi các nạn tai”. Nói vậy, chỉ cần hình thức phóng sinh, sẽ được cái quả tiêu trừ tật bệnh… Phật tử cũng truyền miệng nhau như vậy. Nhưng khi đọc vào bản kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Ðức 2, những phần liên quan đến việc phóng sinh, thì thấy không hẳn như vậy. Kinh ghi: “Nếu có người muốn thoát bệnh khổ, nên vì người đó 7 ngày 7 đêm thọ trì 8 phần trai giới. Tùy lực làm được, sắm sửa đồ ăn thức uống cùng các vật dụng cúng dường chư Tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái cúng dường Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng kinh này 49 biến 3… cũng cần phóng đến 49 tạp loại chúng sinh, thì người bệnh có thể qua khỏi ách nạn, không bị các quỉ ngang ác nhiễu hại”. Hoặc “Nếu các quốc vương dòng Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh mà gặp nạn tai, như dân chúng bị dịch, nước khác xâm lăng, nội loạn, quá thời chẳng mưa v.v.. thì lúc ấy các vị phải đem lòng từ thương xót tất cả hữu tình, ân xá tội nhân, y theo pháp cúng dường đã nói mà cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Do thiện căn đó cộng với lực bản nguyện của Như Lai, trong nước liền được an ổn, mưa gió thuận thời, lúa thóc được mùa, tất cả chúng hữu tình đều vui vẻ, không bịnh hoạn, không bị thần Dược Xoa bạo ác não hại. Tất cả tướng ác đều ẩn. Các vị quốc vương sống lâu, không bịnh, tự tại, mọi việc đều thêm lợi ích”. Theo đó thì thấy, phóng sinh súc vật chỉ là duyên phụ giúp cho yên ổn, hết bệnh, thoát nạn. Duyên chính vẫn là giữ giới, trì tụng kinh điển, niệm danh chư Phật như lời thệ nguyện mà hàng Dược Xoa nói ở cuối kinh: “Nơi làng, xóm, thành, nước, hoặc trong rừng cây vắng vẻ, nếu có lưu bố kinh này hoặc lại có người thọ trì danh hiệu Dược Sư Lưu Ly, cung kính cúng dường, quyến thuộc chúng con nguyện đều hộ vệ thoát khỏi khổ nạn, các việc mong cầu khiến được thành tựu. Có ai bịnh hoạn khổ ách muốn cầu cho khỏi, cũng nên đọc tụng kinh này, lấy chỉ ngũ sắc kết tên chúng con, sau như ý rồi thì mở kết ra”. Cái chính của việc thoát khổ hết nạn là nhờ từ tâm, không chỉ nằm trên hình thức phóng sinh. Tuy nhờ từ tâm, nhưng sao lại phải trì tụng kinh điển v.v…? Từ tâm là thứ có sẵn trong mỗi chúng sinh, vì bị cái tôi chất đầy phân biệt ái dục che đậy mà ẩn. Giữ giới, niệm Phật, ngồi thiền, trì chú, hồi hướng tất cả chúng sinh đều được an vui, đều thành Phật đạo, chính là phương tiện giúp xóa cái tôi, hiển phát lòng từ.
Ngày xưa, khi Phật ở nước Câu-viêm-di. Vua nước ấy tên Ưu-dà-diên. Đệ nhất phu nhân tên là Xá-ma, là một tín nữ trung thành của Phật và hàng Thánh chúng. Bà thường thân cận cúng dường Như Lai, ca ngợi công đức của ngài hết mực. Đệ nhị phu nhân thì không. Một lần bà tâu với vua: “Như Lai và hàng đệ tử có chỗ không chánh đối với phu nhân Xá-ma”. Nhà vua nghe xong, nổi giận, lấy cung bắn vào Xá-ma. Vì thương xót vua, Xá-ma nhập Từ tam muội. Mũi tên bắn ra, quay lại dừng trước trán vua. Tên ấy cháy đỏ như một khối lửa trong rất đáng sợ. Vua bắn ba phát, thảy đều như vậy 4. Nói “Từ tam muội” là nói tâm từ bình đẳng. Mong muốn người thân cũng như người oán đều được an vui, vui rồi càng vui thêm nữa. Chính nhờ phát được tâm từ tam muội nói đó mà mọi nạn tai thoát hết, ngục tù cũng không. Không phải chỉ có hình thức phóng sinh mà thành tựu được. Kinh Phạm Võng nói: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm phóng sinh…”. Đại sư Phật Ấn cũng nói: “Giới sát, niệm Phật kiêm phóng sinh…”. Mọi việc đều cần “từ tâm”. Không với từ tâm, cái quả nhận được chưa hẳn như kinh đã nói. Nếu có từ tâm không cần phóng sinh, bệnh tật, tai ương, hoạn nạn cũng tiêu. Song có từ tâm cũng không từ chối làm việc phóng sinh. Phóng sinh với một tâm từ, mọi thứ sẽ được chăm chút, sẽ vì sự sống muôn loài phóng sinh đàng hoàng, cũng không sinh tâm ngã mạn thấy mình hơn người…
Phóng sinh, phương tiện giúp ta hiển phát tâm từ, cũng là hệ quả tất yếu khi tâm từ hiển phát.
Phóng tâm bất thiện đừng để nó sinh
Từ tâm, thể hiện qua việc giữ gìn 5 giới của người tại gia.
1/ Không vì một miếng ăn ngon mà giết mạng sống của vật. Chẳng qua vì nghiệp huân tập quá lâu, ừ thì chưa thể ăn chay, nhưng bỏ cái tâm sát hại muốn ăn cho tươi, cho bổ. Bỏ được là đã phóng sinh. Phóng đi cái tâm vì mình hại người hại vật. Bỏ rồi, từ từ hướng tới ăn chay. Tập tháng 2 bữa, 3 bữa v.v… cứ thế dần lên. Một lúc nào đó chay tịnh thành nghiệp, thói quen ăn mặn liền lùi. Giữ được không giết dù với vật nhỏ là đang làm việc phóng sinh. Bỏ tiền phóng sinh thêm nữa càng quí.
2/ Không vì cái lợi của mình mà nói gian dối, nói lời đâm thọc, chia rẻ, nguyền rủa, phá nát gia cang nhà người. Giữ gìn khẩu nghiệp không phạm những lỗi như vậy là đang phóng sinh. Phóng đi cái tâm nói dối, gian tham hại người, không để nó sinh.
3/ Không vì lợi lộc cho mình mà sinh thu gom, trộm cắp, tham nhũng, nhiễu nhương, khiến người khổ sở vô vàn, rồi đi phóng sinh cầu phước cho mình thoát nạn thoát khổ. Phước vật không bằng phước người. “Cung dưỡng cho hàng súc sinh được phước trăm lần, cho người phạm giới được phước ngàn lần, cho người trì giới được phước vạn lần…”5 . Làm sao phóng sinh cứu vật với tâm vị ngã mà đủ phước đức trả được cái nghiệp mình đã gây khổ cho người? Cho nên, vì do vô minh từ đời quá khứ, không biết mới làm. Giờ đã biết rồi, phóng sinh với tâm hối lỗi vẫn là cái phước gỡ bớt oan khiên, nhưng nhớ chừng đó chưa đủ. Cần phải có tâm ngừa lỗi. Những gì vì tiền mà khiến người khổ, nhất định không làm. Bố thí, xây chùa cho chúng tăng ở, phước vẫn không bằng chính mình qui y giữ giới đầy đủ 6. Đừng bán cái đức mà mua cái phước. Vất vả vô ngần! Cố gắng phát huy thiện nghiệp, hồi hướng ác nghiệp tiêu bớt. Đó là phóng đi cái tâm trộm cắp, là giới mà người phật tử tại gia phải giữ.
4/ Không vì tham ái của mình mà làm khổ người. Cái chuyện một vợ một chồng mà vẫn duyên thừa duyên thiếu là chuyện thường tình. Trôi lăn sinh tử bao đời, kết ân, kết oán cũng nhiều, duyên thừa sao mà tránh khỏi. Nhưng có lòng từ, không vì vui riêng mà làm khổ chồng, khổ vợ, khổ con. Ngưng được là đang phóng sinh. Phóng đi cái tâm tham ái tà dâm không để nó sinh cái nhân đau khổ cho người hiện tại, cho mình tương lai. Cái chuyện tà dâm, trong kinh Tăng Nhất A Hàm quyển I, Phật nói: “Hai thứ khiến người tham đắm, đó là dâm ái rượu chè”. Vì thế cần tỉnh ngay từ lúc đầu. Đừng vì một chút lao xao, hồn tiêu phách tán mà bước chân vào, để phải dính chùm với nhau rồi dừng không được.
5/ Phật nói: “Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều mà chịu quả báo súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục, còn nếu sinh trong loài người thì bị cuồng si, ngu hoặc, không biết chân ngụy… như là uống rượu. Tâm thích uống rượu thì chỗ sinh ra không có trí tuệ, thường chịu ngu si. Vì thế cẩn thận chớ có uống rượu”7. Phật nêu cái nhân, nói luôn cái quả, và khuyên đừng có uống rượu. Uống rượu được … ngu. Ở đời không gì thê thảm bằng “được cái ngu”. Đầu mối của mọi khổ nạn. Cứ nhìn tình trạng uống rượu của toàn thế giới hiện nay, có thể kết luận tương lai thế giới sẽ như thế nào. Không tin nhân quả chính là hệ quả của ngu. Châm ngòi mở rộng kho tàng khổ nạn không dứt. Sống không nghiện rượu, không làm khổ mình khổ người là có từ tâm.
Phóng cá, thả chim đặt trên nền tảng tâm từ như thế thì việc phóng sinh của ta dù ít hay nhiều, dù có hay không, đều mang đầy đủ ý nghĩa phóng sinh. Nếu thêm niệm Phật, tham thiền, bố thí v.v… thì không gì bằng. Làm rồi hồi hướng. Nguyện cho tất cả người thân kẻ oán đều được an vui, nghĩ thiện làm thiện để tránh khổ đau. Hồi hướng được vậy, từ tâm đang hiển, sở nguyện đều thành. Không kiếp này thì những kiếp sau cũng thành.
Cho nên, không tiền phóng sinh mà chịu giữ giới, niệm Phật, hành thiền, tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, lợi ích cho đời, rồi đem hồi hướng cho mình và người, sở nguyện sẽ thành, nghiệp cũ sẽ tiêu (dù là định nghiệp tuy vẫn xảy ra, nhưng chuyển ít nhiều)8. Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bản Nguyện Công Đức cũng nói đến mặt lợi ích của việc thọ trì tụng niệm như sau: “Nếu có người nam người nữ với niềm tin thanh tịnh, nghe được danh hiệu Phật kia, chí tâm lễ kính, ân cần cúng dường, thọ trì, niệm, tụng … nghiệp chướng trừ diệt, được tâm bồ-đề bất thối chuyển, đầy đủ trí túc mạng, chỗ sinh ra thường được thấy Phật, không bệnh, trường thọ, sau khi mạng chung sinh vào nước đó…” 9v.v… .
Cho nên, phương tiện chư Phật đưa ra có rất nhiều đường. Quan trọng là hợp với căn cơ mình. Hợp rồi, chịu hành, liền ứng. Nhưng nhớ, thế gian duyên khởi, tùy cơ ứng pháp. Có khi niệm Phật lợi ích cho mình, nhưng phải tham thiền, trì chú v.v… mới lợi cho người. Không phải mình lợi thì người cũng lợi. Mọi thứ tùy duyên. Bố thí, phóng sinh v.v…. cũng vậy. Song dù ứng dụng pháp nào, nên tránh tình trạng chỉ có hình thức. Cần rõ nội dung chính xác. Đừng như nhân vật trong kinh Bách Dụ, khổ nhọc cất công đi tìm kho báu. Tìm ra, chỉ lấy tấm chăn phủ ngoài, kho tàng bỏ lại. Nhưng lại không biết, dương dương tự đắc thỏa mãn cho đã đủ rồi. Chăn ngoài, có thể giúp ta ít nhiều qua cơn lạnh giá, nhưng không cứu nỗi những việc lớn hơn. Cái chính vẫn là làm sao khai phát kho báu trong mỗi chúng ta.
---------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Chỉ là một câu nói bông đùa. Nó không có giá trị nếu được tách ra khỏi bài viết này.
[2] Đại Tạng Kinh tập 14, kinh hiệu 450. Ngài Huyền Trang dịch sang Hán văn.
[3] Còn nhiều thứ khác.
[4] Kinh Đại Bảo Tích quyển 6 - phẩm Pháp Hội Vua Ưu-đà-diên.
[5] Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển I - Phẩm Địa Chủ.
[6] Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển II - Phẩm Tứ Đế.
[7] Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển I - Phẩm Ngũ Giới.
[8] Kinh Đại Bát Niết Bàn. Hệ A Hàm cũng nói đến tu tâm, tu giới, tu thân, tu tuệ chuyển nghiệp.
[9] Đại Tạng Kinh tập 14, kinh hiệu 451. Ngài Nghĩa Tịnh dịch sang Hán văn.