ĐẾN KHI KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ TỪ BỎ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 05 Tháng chín 2012 05:21
Tác giả: Janwillem van de wetering - Dịch giả: NS Hạnh Huệ
Một công án là một câu hỏi từ phạm trù khác, một kích cỡ khác, cố gắng để giải thích nó bằng những đường lối thông thường dường như phí phạm thì giờ. Sự hiểu biết không đưa anh tới đâu và kinh nghiệm chẳng giúp được gì. Vị thầy vẫn đòi câu trả lời. Ông quan sát anh và quan sát mãi, muốn rằng có một câu trả lời. Và khi anh cố gắng trả lời thì ông lắc đầu, đuổi anh đi, rung chuông, chỉ ra cửa, làm bất cứ gì để anh ngã lòng. Ngày kế đó, ông chờ anh đến gặp và nhìn anh yêu cầu câu trả lời.
Ở Nhật, tôi được một công án, nó đã chiếm chỗ tất cả câu hỏi của tôi. Tôi cố gắng để hiểu vấn đề, nhưng không kết quả. Bất cứ gì tôi nói đều sai.
Cuối cùng tôi nghĩ mình nên làm gì đó. Thực hiện một hành động nhăn mặt nhíu mày hay làm như không để ý gì. Nhưng vị thầy không chấp nhận những cách trả lời mới này. Tôi không thể tìm được chìa khóa, không có gì ăn khớp.
Bây giờ sau mười năm tôi vẫn không có câu trả lời và vẫn mang theo công án ấy.
Một cái trứng no đầy ấm áp vô tận nhưng vỏ chưa vỡ ra. Công án không làm tôi đau, nỗi sợ hãi trở thành sự hồi hợp, ung mủ một cách mơ hồ. Nó ửng đỏ tất cả. Chỉ có thế.
Vị thầy bảo rằng mỗi công án chỉ có một câu trả lời được chấp nhận. Ông so sánh công án với một phiên tòa thượng thẩm. Những phán xét là sở hữu chung. Bất cứ ai cũng có thể xem chúng và những gì tòa thượng thẩm quyết định thì không thể bác bỏ.
Công án, tiếng Trung Hoa gồm hai chữ. Công là chung, công cộng. Án là biên bản vụ án.
Tôi đã nhận ra rằng công án của tôi không đòi hỏi một câu trả lời bằng ngôn ngữ. Tôi không thể nói gì được, không thể làm gì được. Muốn giải quyết nó, tôi phải trở thành cái gì đó, đạt đến trình độ nào đó. Và trên trình độ đó, tôi sẽ gặp vị thầy rồi ông sẽ chấp nhận sự im lặng của tôi. Nhưng vị thầy là người của nhiều trình độ.
Ông dạy tôi cách nào để đạt đến trình độ đòi hỏi. Tôi phải thiền định và như một bài tập thứ nhì, tôi phải cố gắng và tỉnh thức. Ngồi thiền để tỉnh thức trong cuộc sống.
Tôi không bao giờ có thể giục ông chấp nhận câu trả lời của mình. Không có gì để nói, vì thế tôi phải lặng thinh, nhưng một người có thể lặng thinh nhiều cách. Và không được vội vã. Có lẽ đó là tất cả những gì tôi học được. Tôi không thể xông tới ông. Có thể sự thinh lặng đúng đắn sẽ đến, có thể không. Và tôi được đòi hỏi làm gì trong lúc ấy.
Tôi gắng hết sức mình.
Đó là những gì Phật nói khi ngài nhập diệt. Ngài biết chúng đệ tử đang mong lời dạy cuối cùng. “Gắng hết sức mình”, Ngài nói và tịch.
Sốt rột, tôi thường thưa với vị thầy Nhật rằng tôi đang gắng hết sức mình, nhưng ông bỏ qua. Dù sao cũng không thật như thế. Ông biết chính xác tôi đang làm gì, và ông muốn nghe câu trả lời đúng, hay có lẽ ông muốn thấy nó. Ông tiếp tục đuổi tôi ra và bảo sáng hôm sau trở lại, lúc 4 giờ hay 3 giờ rưỡi tùy mùa. Và bất cứ khi nào tôi đến gặp ông, trời cũng tối, lạnh và lặng lẽ im lìm.
Cuối cùng, tôi rời bỏ nghi thức lạ lùng đó, trở lại thế giới nơi mà người ta kiếm tiền, cưới vợ, có con, mua nhà, xe và bảo hiểm đời sống.
Nguyên nhân nào cũng có kết quả của nó. Cuộc hành trình đến Nhật là một nguyên nhân và có lẽ tôi không ngạc nhiên khi hơn bốn năm sau, tôi nhận được một bưu phẩm từ Kyoto. Nó được gởi theo đường hàng hải và lênh đênh hàng tháng mới đến tay tôi. Nó nhàu nát và bẩn thỉu, một tấm thiệp. Ở giữa, có hai chữ Trung Hoa Vô và Bất sanh, đến ngoài mọi kinh nghiệm đã được nói. Cách phát âm Trung Hoa Mu, một âm cơ bản, một Mantra, so với chữ Om của Tây Tạng và có lẽ cũng là chữ Đạo của những đạo sĩ Trung Hoa, những người đã sống khá lâu trước khi Phật ra đời.
Bên trái, tôi nhận ra chữ tượng hình tên và pháp hiệu của vị thầy. Bên phải, ông viết tên riêng của tôi, trong thư pháp đặc biệt dành cho người ngoại quốc. Không có thư kèm theo.
Tôi đã đóng khung tấm thiệp và kể từ đó xem nó như bức tranh trung tâm trong những căn phòng của mình. Khi tôi ngắm nó tôi thường bị thuyết phục rằng, tôi sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của nó, nhưng điều đó không chắc chắn lắm, vì không biết bao nhiêu lần, vị thầy đã chẳng nói cho tôi rằng sự bí ẩn sẽ được giải quyết đó sao? Tôi biết rằng chữ ở giữa là chìa khóa câu hỏi của tôi và rằng nó đã mô tả sự bí nhiệm phổ quát, trong cái chung và cũng trong chi tiết tỉ mỉ nhất. Và tôi nhớ vị thầy đã nói sự bí ẩn sẽ được giải quyết ngay bây giờ, luôn luôn bây giờ, tại cái điểm nơi hiện tại và quá khứ gặp nhau, sự tồn tại thoáng chốc hấp dẫn nhất.
Máy bay bắt đầu hạ thấp, những đỉnh đồi gần hơn. Tôi thấy phi trường và một lô bãi đậu xe. Tôi có thể thấy những chiếc xe xếp hàng ngay ngắn. Một trong số đó sẽ là của Peter. Tôi mong ông sẽ đến đón tôi, ông biết số chuyến bay. Tôi có một bản đồ nếu ông không có. Điều ông không có đó là hoàn toàn có thể. Ông có thể quên hay nghĩ rằng tôi sẽ đích thân tìm ông ở trang trại. Tôi sẽ phải đón xe ra.
Nhưng ông ở đó. Tôi thấy ông nhảy lên và vẫy tay, rồi ôm tôi kêu lên:
- Rất vui được gặp anh!
Tự ý thức, tôi lắp bắp những câu trả lời cho thích đáng và nhớ ở Nhật, ông đã chu đáo với tôi thế nào trong những ngày đầu quen biết, khi ông không chắc tôi có phải là một tên điên dữ dằn hay một người tìm chân lý thơ ngây. Trên xe, ông xin tôi điếu thuốc. Ông chỉ hút khi xúc động và rồi phải hỏi xin vì ông không bao giờ mang theo. Ông nói rất nhiều và hỏi thăm những người ông đã gặp ở Amsterdam.
Ở Nhật, tôi đã nghi, và những hình ảnh sau này làm tăng thêm nghi ngờ, rằng những người thần bí có hai nhân cách song song:
. Nhân cách hằng ngày, vai trò được tiếp tục đóng. Người thật sự thông suốt không bao giờ mất cá tính hay thói quen.[1] Lão sư Nhật thích đến rạp chiếu phim để coi những phim Phi Châu, ông xem dã cầu trên TV, ông không thích đến nha sĩ và cố gắng tránh mấy bà đứng tuổi đến hỏi đạo. Ông thích làm vườn hơn rửa bát dĩa. Ông thích vài bức biếm họa trong nhật báo. Ông là một người ngăn nắp đặc biệt về cách ăn mặc. Ông thích ăn mận xanh và uống loại trà xanh đặc biệt. Nhưng tất cả thói quen thích và không thích đó, là một phần nhân cách của ông, của sự xuất hiện tạm thời, nó là kết quả của sự giáo dục và môi trường của ông.
. Ông còn có nhân cách của một vị thầy. Ông là một người hiếm có, ông biết, ông biết bộ mặt riêng của ông, bộ mặt có sẵn trước khi cha mẹ sanh. Ông biết nguyên nhân có thể và không có thể của những thế giới, ông đã thấy suốt mọi hình tượng và có thể sống không có chúng, ông biết mọi vật được liên kết thế nào. Ông sống trong một nhất thể, nơi tất cả những thể hòa hợp với nhau.
Quy luật tu viện mà tôi tuân theo một phần từ lão sư. Ông sống trong căn nhà nhỏ, tách khỏi những tòa nhà chính. Tôi gặp ông, không thường lắm, tình cờ trong vườn hay trên đường. Nhưng mỗi ngày tôi gặp ông trong phòng tham thiền, nơi ông nhận đệ tử và chờ câu trả lời của tôi. Và trong thiền đường, tôi thấy nhân cách của một vị thầy.
[1] Mu
ốn nói dến những hành vi bình thường của một con người đã có, nhưng bây giờ không có sự trói buộc của thói quen nữa