headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Một cách tu không khó

sen4Tác giả: Pháp sư Tịnh Không - Người dịch: Vọng Tây

HỎI : Có một số người ở trong phước mà không biết phước, xung quanh họ đều đầy đủ, thế nhưng họ không thấy an vui, vì trong đầu họ luôn ghi nhớ những việc buồn quá khứ, còn việc an vui thì lại không nhớ chút nào. Thưa pháp sư, xin ngài có thể vì những người nghĩ không thông này mà khai thị ?

 

ĐÁP : Kinh nói: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng”. Người và người, người và công việc đều thoảng qua như mây trôi, hà tất phải để nó trong lòng, khiến chính mình khó chịu? Đây là ngu muội. Một người nếu muốn chân thật đạt đến an vui, trước tất cả những việc không vừa ý, tất cả người có vướng mắc tới mình, thì phải đem nó quên sạch không nhớ gì. Thường nghĩ đến chỗ tốt, không nên nghĩ đến chỗ xấu của người, thì tự an vui. Ngày ngày nghĩ đến lỗi lầm của người là bạn tự tìm cái khổ, không liên quan gì với họ. Khổ là chính mình, không phải họ, đây là hạng người mê hoặc, điên đảo mà kinh Phật thường nói.

 

Chúng ta nên tự cầu phước báo, thường hay nghĩ đến chỗ tốt của người. Dù họ có lỗi lầm, dù họ có ác, chúng ta vẫn có thái độ tốt đẹp đối đãi với họ, hơn thế nữa có thể làm cho người ác chuyển thành người tốt, công đức rất lớn, là một việc đại thiện. Không nên tác thành ác hạnh cho người khác, phải làm việc tốt cho người, chúng ta mới chân thật đạt đến an vui.

HỎI: Một số người không cách gì khống chế được suy nghĩ của mình. Thưa pháp sư, có phải có những phương pháp ngoại lực, ví dụ niệm tụng kinh văn gì đó giúp họ cởi mở chính mình, vậy nên đọc những kinh gì?

ĐÁP : Hiện tượng này rất phổ biến, trong ngoài nước đều đã thấy qua, nguyên nhân chủ yếu của nó, Phật pháp gọi là “tập khí quá sâu, phiền não quá nặng” . Dù có hiểu được đạo lý, khi hoàn cảnh xuất hiện họ vẫn không thể khắc phục, vẫn không thể chuyển đổi nó.

Phương pháp của Phật pháp rất nhiều, nếu phiền não khởi lên, tâm không bình, muốn làm cho tâm định lại, bạn nên mở quyển kinh, chăm chỉ đọc qua một lượt, xáo trộn dần dần liền ổn định. Cho nên dùng phương pháp đọc kinh cũng được, trì chú cũng được, niệm Phật cũng được v.v…. Thậm chí không dùng những phương pháp này bạn có thể dùng phương pháp thế gian. Bạn vốn thích nghe nhạc, chỉ cần mở vài khúc nhạc cổ điển rồi chuyên chú lắng nghe, tâm cũng có thể bình lại. Do đó phương pháp không cố định, bạn xem phương pháp nào có hiệu quả đối với mình thì có thể vận dụng nó. Tóm lại bình lặng vọng tưởng phân biệt là việc trọng yếu, đây là then chốt quan trọng trong vấn đề tu hành của chúng ta.

HỎI: Thưa pháp sư, có thể chỉ dạy chúng tôi một chút, nếu chúng ta tự tu ở nhà thì nên đọc những kinh văn gì?

ĐÁP : Sơ học nhất định phải từ nơi làm người tốt mà khởi đầu.

Những năm gần đây chúng ta ở hải ngoại đề xướng vận động bốn tốt:

1/ Giữ tâm tốt.

2/ Làm việc tốt.

3/ Nói lời tốt.

4/ Làm người tốt”.

Tiêu chuẩn của cái tốt phải phù hợp với xã hội, có lợi ích cho đại chúng, không vì lợi ích của chính mình. Nếu nghĩ đến lợi ích của chính mình, bỏ qua lợi ích của mọi người trong xã hội thì không đúng. Mỗi niệm vì xã hội, mỗi niệm vì mọi người, chúng ta cũng là một người trong đó. Mọi người được tốt, đương nhiên ta sẽ tốt. Ta được tốt mà khiến mọi người không tốt, ta vẫn phải chịu nạn tai, vẫn không cách gì tránh khỏi. Cho nên, đây là tiêu chuẩn tích cực vì xã hội, vì mọi người.

Ngày xưa đại sư Ấn Quang cả đời cực lực đề xướng “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Viên Liễu Phàm là người thời đại triều Minh, bốn thiên văn chương của ông lưu hành ở Đài Loan rất rộng. Ngày trước tôi đã giảng qua tỉ mỉ, cũng có băng đĩa, sách đang lưu hành, các bạn có thể xem, chăm chỉ học tập, trước tiên phải làm người tốt, đây là nền tảng. Sau đó chúng ta đọc kinh mới có thể nhận được kết quả. Về đọc kinh, nếu mọi người chưa tiếp xúc, tốt nhất nên tụng kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ không dài, thích hợp với người hiện đại, lý luận phương pháp cảnh giới trong đó tương đối viên mãn, mọi mặt đều được nói đến, là một bộ sách rất hay.    

HỎI : Những năm gần đây, trong lẫn ngoài nước, con thường nghe các đồng tu nói, có một vị pháp sư, một vị đại đức, một vị Lạt ma nào đó tự xưng họ chính là Bồ tát tái sanh, Phật tái sanh. Người ta đến hỏi con, xin cho biết rằng những lời nói này rốt cuộc là thật hay giả?

ĐÁP : Thực tế họ đã hỏi sai người, tôi làm sao biết được. Nếu tôi biết được thì chẳng phải tôi đã thành Phật rồi sao. Tôi không phải là đại Bồ tát tái sanh thì làm sao tôi biết họ là đại Bồ tát tái sanh. Do đó những truyền thuyết này đã mê hoặc rất nhiều đồng tu học Phật trong xã hội, đặc biệt là sơ học. Thậm chí không chỉ sơ học, ngay đến lão tu, cũng bị họ mê hoặc. Tuy không biết họ là thật hay giả, nhưng trên kinh Phật có thuyết minh, chư Phật Bồ tát ứng hóa ở thế gian này đích thực rất nhiều. Khi chúng sanh có khổ nạn to lớn, chư Phật Bồ tát đại từ đại bi ứng hóa ở thế gian, cùng hòa mình với tất cả đại chúng, không nhất định dùng thân phận gì. Giống như trong Phổ Môn phẩm đã nói, Bồ tát Quan Thế Âm hiện 32 tướng, nên dùng thân gì để độ ngài liền hiện ra thân đó, nam nữ già trẻ, trong các nghề nghiệp đều có Phật Bồ tát hóa thân.  

Thế nhưng có một nguyên tắc, họ nhất định không để lộ ra thân phận, nếu lộ ra thân phận, lập tức họ phải ra đi, không thể lưu lại thế gian này. Việc này chúng ta đã xem thấy trong lịch sử, thân phận vừa lộ, mọi người biết, họ liền ra đi, đó chính là thật. Còn nếu nói thân phận lộ ra mà họ vẫn không đi, thì việc này trở nên kỳ lạ, không hề tương ưng với kinh, do đó mà biết không phải thật. Không phải thật chính là giả mạo Phật Bồ tát lừa gạt chúng sanh, thu danh vọng lợi dưỡng, tạo tội nghiệp. Chúng ta hiểu những thường thức này thì không đến nỗi bị lừa.

Gần đây nhất mọi người mới biết đại sư Ấn Quang là Bồ tát Đại Thế Chí hóa thân tái sanh. Bạn xem hành nghiệp cả đời ngài của ngài không khác người bình thường. Chỉ là trong tu hành và xem cách ngài giáo hóa chúng sanh, đích thực rất tương ưng với những gì nói trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông.

Việc ngài là Bồ tát Đại Thế Chí tái sanh do một vị cư sĩ nói trong sách Vĩnh Tư Tập. Trước khi đại sư vãng sanh 4 năm, lúc đó vị cư sĩ này là một học sinh sơ trung, chưa hề tiếp xúc Phật giáo, cũng không tin Phật giáo. Cô gặp qua một giấc mộng thấy Bồ tát Quan Thế Âm mặc áo trắng nói với cô: “Bồ tát Đại Thế Chí đang giảng kinh thuyết pháp tại Thượng Hải”. Khuyên cô đi nghe. Cô hỏi: “Vị nào là Đại Thế Chí Bồ tát?” Ngài liền nói: “Vị ấy là pháp sư Ấn Quang”. Sau đó cả nhà đi gặp pháp sư Ấn Quang, đem sự việc nằm mộng nhìn thấy được nói ra. Pháp sư Ấn Quang mắng cô một trận vì tội yêu ngôn hoặc chúng, về sau không được phép nói nữa, nếu nói nữa thì cô đừng đến chỗ ngài. Cô mất hồn không dám nói nữa. Bốn năm sau đại sư Ấn Quang vãng sanh, cô mới đem việc này công bố ra.

Cho nên chân thật là người tái sanh nhất định sẽ không để bộc lộ thân phận. Bộc lộ thân phận mà không đi là có vấn đề. Pháp sư Ấn Quang một mực phủ nhận, làm gì có việc tự mình xưng là Phật Bồ tát tái sanh. Chúng ta phải cẩn thận để không lầm mà rơi vào tà đạo. 

 

 

 

[ Quay lại ]