Thiền của đi vệ sinh [1]
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 27 Tháng tám 2012 14:12
Shunryu Suzuki - Viên Chiếu dịch
Ngay bây giờ bạn thấy thế nào?
Tôi không biết bạn ra sao. Nhưng tôi cảm thấy như vừa đi nhà vệ sinh xong. Khi tôi hơi già, tôi đi vệ sinh thường. Ngay lúc trẻ tôi cũng đi vệ sinh nhiều hơn người khác. Và đôi khi tôi có một lợi thế nhờ nó.
Khi tôi đến tự viện Vĩnh Bình, và ngồi Tangaryo (một kỳ ngồi liên tiếp nhiều ngày để yêu cầu được vào tự viện). Tôi có thể đi vệ sinh mà lương tâm không cắn rứt. Vì tôi phải đi. Tôi rất vui vẻ để đi vệ sinh. Tôi nghĩ đi về sinh là môt cách tốt để xem xét sư tu tập của mình.
Thiền sư Vân Môn có thể là người đầu tiên đã kết nối sự tu tập với nhà vệ sinh. Có người hỏi ngài: “Sự tu tập của Thầy là gi?” hay “Phật là gì?”. Ngài trả lời: “Giấy vệ sinh”. Thực ra, bây giờ ta gọi là giấy vệ sinh chứ lúc ấy là “Vật lau sạch chính ông, trong cầu tiêu”. Ngài đã nói thế. và từ đó nhiều thiền sư nghĩ về nó, tu tập với công án: Cái gì là giấy vệ sinh? Ngài nói thế là với ý gì?
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta ăn nhiều thứ, cầu kì hay đơn giản, ngon hay dở. Sau đó, chúng ta cần đi vệ sinh. Cũng thế, sau khi lắp đầy tâm mình, chúng ta hành thiền. Nếu không, cuối cùng tư tưởng của chúng ta sẽ thành độc hại. Làm sạch tâm mình trước khi học điều gì là cần thiết. Giống như vẻ hình lên tờ giấy trắng, nếu như bạn không dùng giấy trắng sạch, bạn không thể vẻ cái gì bạn muốn. Vì thế rất cần trở lại trạng thái của chính bạn. Nơi bạn không có gì để thấy, và không có gì để nghĩ. Rồi bạn sẽ hiểu những gì bạn đang làm.
Bạn càng hành thiền, bạn sẽ càng thích thú trong cuộc sống hằng ngày. Bạn sẽ khám phá những gì cần và những gì không. Cần phải sửa phần nào và nhấn mạnh phần nào. Nhờ thực hành bạn sẽ biết tổ chức cuộc sống của bạn. Đó là quan sát hoàn cảnh của bạn một cách chính xác, làm sạch tâm bạn và bắt đầu từ điểm khởi hành nguyên thủy của bạn. Đó, giống như đi vệ sinh.
Nền văn minh của chúng ta dựa trên ý tưởng thành đạt hay thu thập điều gì đó. Như khoa học là thu thập kiến thức. Tôi không biết những nhà khoa học hiện đại có vĩ đại hơn những nhà khoa học thế kỷ XVI không. Sự khác nhau là những kiến thức khoa học chúng ta thu thập được. Đó là một điểm tốt, đồng thời nguy hiểm. Chúng ta có hiểm nguy bị chôn vùi dưới tất cả kiến thức đã thu thập. Nó giống việc cố gắng sống sót mà không đi vệ sinh. Chúng ta đã bơi trong hố nước và không khí nhiễm độc. Và chúng ta nói về sự ô nhiễm này. Đồng thời chúng ta khó có thể sống sót với sự nhiễm độc của kiến thức.
Chúng ta biết cách đi vệ sinh mà không dính vào vật gì có trong thân chúng ta. Khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã có mọi vật, chúng ta sẽ không bị dính vào bất cứ vật gì. Thật vậy, chúng ta có mọi thứ. Cả khi không đến mặt trăng, chúng ta vẫn có nó. Khi chúng ta cố gắng đến mặt trăng, là nghĩ mặt trăng không thuộc về chúng ta.
Tâm chúng ta, như Phật dạy, là một với tất cả. Trong tâm chúng ta mọi thứ hiện hữu. Nếu chúng ta hiểu sự vật như thế, chúng ta sẽ hiểu hoạt động của chúng ta. Học điều gì là trân trọng điều đó. Trân trọng vật gì, là được tháo gỡ khỏi sự. Mọi vật sẽ là của chúng ta. Sự tu tập của chúng ta là nhận ra tâm rộng lớn đó. Nói cách khác, vượt trên mỗi hiện hữu gồm cả chính chúng ta, và hãy để tự ngã của chúng ta hoạt động theo cách của nó. Đó là hành thiền. Khi chúng ta hành thiền, chúng ta thực sự làm sạch những dính mắc của chúng ta.
Chúng ta rất sợ chết. Nhưng khi chúng ta đủ trưởng thành, chúng ta hiểu cái chết là điều sẽ xảy đến với chúng ta. Nếu bạn chết khi bạn trẻ. Đó là việc kinh khủng. Nếu tôi chết thì không kinh khủng như thế, cho tôi và cả cho bạn. Vì tôi dủ trưởng thành để chết. Tôi hiểu đời mình khá rõ, để sống một ngày ra sao, một năm ra sao, và sống sáu mươi hay một trăm năm là thế nào. Vì vậy dù gì đi nữa, khi bạn trở nên trưởng thành và kinh nghiệm, đã ăn nhiều món trong đời, tôi nghĩ bạn sẽ vui vẻ để chết, giống như bạn vui vẻ đi vệ sinh. Nó sẽ xảy ra như thế.
Một người già, tám mươi hay chín mươi, không có nhiều vấn đề. Nói về thân thể, người già có lẽ đau khổ, nhưng sự đau khổ đó không lớn như bạn nghĩ.
Khi trẻ, người ta nghĩ về cái chết như một việc gì đó rất khủng khiếp. Khi sắp chết, họ tiếp tục nghĩ như thế. Nhưng thật sự không phải vậy. Khả năng chịu đựng đau khổ thể chất có giới hạn, nhưng chúng ta nghĩ nó là vô hạn. Chúng ta có đau khổ vô hạn vì chúng ta có tham dục vô hạn. Tham dục, như Phật dạy, tạo ra nhiều vấn đề. Chúng ta thu thập những vấn đề của chúng ta. Cái này sau cái nọ với tham muốn vô hạn. Vì thế chúng ta có nỗi sợ hãi không đáy.
Thực vậy, khi chúng ta biết cách làm sạch tâm mình, chúng ta sẽ không có nhiều vấn đề như thế. Đúng như chúng ta đi vệ sinh mỗi ngày, chúng ta hành thiền mỗi ngày. Trong đời sống tu viện, thực hành tốt nhất là dọn nhà vệ sinh. Bạn đi bất cứ nơi đâu, đến bất cứ tu viện nào, bạn luôn tìm thấy một người đặc biệt đang dọn nhà vệ sinh. Chúng ta không làm sạch nhà vệ sinh chỉ vì nó nhơ bẩn. Dù nó sạch hay không, chúng ta vẫn làm sạch nhà vệ sinh, cho đến khi chúng ta có thể làm mà không có ý tưởng nào về sạch và nhơ. Khi được như thế mới gọi là đang hành thiền.
Kéo dài sự tu tập đó vào đời sống hàng ngày dường như khó nhưng thực sự hòan toàn đơn giản. Chính sự lười biếng của chúng ta làm nó khó. Vậy thôi. Đó là tại sao chúng ta nhấn mạnh sự chịu đựng, để tiếp tục tu tập. Không nên ngừng tu tập. Nên tiếp tục tu tập. Cứ khoảng khắc này sau khoảng khắc khác.
Vài thiền sinh hành thiền rất chăm chỉ. Có khả năng bỏ qua cuộc sống hằng ngày. Nếu ai đó đạt ngộ, họ có thể nói: “Tôi đã chứng ngộ với một Đại thiền sư, nên tôi làm gì cũng được. Tôi đã hoàn toàn thoát khỏi tốt và xấu. Chỉ có những người không có kinh nghiệm ngộ, mới dính vào ý tưởng tốt và xấu”. Nói như thế là bỏ qua cuộc sống hằng ngày. Họ không chăm sóc đời sống của họ. Họ không biết cách tổ chức đời sống, hay biết nên có sự hòa điệu nào. Biết hòa điệu cuộc sống là biết những gì chúng ta đang làm. Cần thấy hoạt động của chúng ta với tâm trong sạch qua kinh nghiệm thiền.
Khi bạn hiểu chính bạn tốt hơn và người khác tốt hơn, bạn có thể chỉ là chính bạn. Vì chúng ta dính mắc vào lối Mỹ hay lối Nhật, tâm chúng ta trở thành một cái giỏ rác. Nếu bạn chú ý điểm này, bạn sẽ hiểu hành thiền quan trọng thế nào.
May mắn hay bất hạnh, dù bạn không thích nó, chúng ta cần phải đi vệ sinh, chừng nào chúng ta còn sống.
Nếu tôi còn trẻ hơn, tôi sẽ hát một bài dân ca Nhật về nhà vệ sinh, ngay bây giờ.
Cám ơn các bạn rất nhiều.
[1] Trích “Không hẳn luôn như thế”