headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/05/2024 - Ngày 24 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phật sự trong tù ngục

httinhvan3Lâm Thanh Tuyền - Hạnh Đoạn  soạn dịch

Để cảm tạ Hòa thượng Diệu Quả thu nhận mình, suốt thời gian ở Viên Quang, Tinh Vân đem hết tâm ý phụng sự Hòa thượng.

Lúc đó Hòa thượng đang làm Vụ trưởng Hội Phật Giáo cho cả ba huyện: Miêu Lật, Đào Viên và Tân Trúc. Tất cả công văn Tinh Vân đều duyệt giúp Ngài. Mặc dù Sư không nhận làm Giáo thọ Phật học viện, nhưng mọi việc tạp sư đều cáng đáng hết, bao luôn đi chợ nấu ăn. Hằng ngày, từ khuya Sư đã dậy sớm lội bộ ra chợ mua thức ăn, về tới chùa là lo chuẩn bị thức dùng cho mọi người. Nếu thấy ai đối với Hòa thượng có chút bất kính không hay, Sư sẵn sàng liều mình để bảo vệ Ngài.

 

Ở Viên Quang được ba tháng, một ngày nọ cảnh sát tìm đến bắt hết các tu sĩ đi.

“Không phải chỉ có chúng tôi, mà tất cả tu sĩ ở Đài Loan đều bị bắt. Nguyên do là Đài Loan có bốn cục trưởng cảnh sát làm gián điệp, mà ngoài chợ đang xảy ra chuyện dán biểu ngữ. Các đơn vị tình báo lại phao vu là do bọn “Hòa thượng chính trị” dán. Vì vậy những tu sĩ thuộc thành phần trí thức đều bị bắt đi, kể cả những vị đức cao vọng trọng như pháp sư Từ Hàng, Luật Hàng. Pháp sư Luật Hàng là Trung tướng xuất gia, mà lại xuất gia ở Đài Loan, nên hễ có chút nghi vấn là không xong, vẫn bị bắt đi.

Tinh Vân và nhóm tu sĩ có nguyên quán ngoại tỉnh thì bị nhốt vào một nhà kho to đùng. Tay chân đều bị trói chặt, nếm đủ màn tra khảo, khủng bố, ngay cả nằm nghỉ cũng không được. Thậm chí còn phải chứng kiến cảnh người bên cạnh mình bị đánh đập, bị lôi đi xử bắn. Sáng nay họ đánh giết vài người, ngày mai lại đánh giết vài người…

Mặc dù cảnh lao ngục đáng sợ như thế, Tinh Vân vẫn điềm nhiên đối mặt với sinh tử. Tuy vậy cũng có điều ấm lòng, vì viên cai ngục vốn có cảm tình với người xuất gia, rất thích tìm hiểu Phật pháp. Hằng ngày ông đến học hỏi Phật pháp với nhóm Tinh Vân và thường bảo họ rằng:

- Quí thầy sẽ nhanh chóng được thả ra thôi, khi quí thầy được thả rồi, tôi sẽ đến xin xuất gia.

Ai cũng cho là ông ta có lòng tốt, nói thế để an ủi họ. Nào dè khi họ được thả, thì viên cảnh sát ấy cũng theo xuất gia luôn, pháp hiệu là Quảng Nguyên.

Họ bị nhốt trong ngục hai mươi ba ngày. Sau nhờ có bà Trương Dương Thanh, phu nhân của Tướng quân Tôn Lập Nhân và cư sĩ Ngô Hồng Lân, cùng những người khác lo chạy chọt bảo lãnh nên các thầy mới được cứu ra khỏi ngục. Riêng pháp sư Từ Hàng thì không được may như thế, bị nhốt ngót năm tháng ròng. Về sau Ngài viên tịch ở Điện Di Lặc, nhục thân vẫn không hoại.

Sau khi thả các tu sĩ ra, cục cảnh sát vẫn phái người theo dõi ngày đêm. Vì có người vu khống Tinh Vân là ban ngày nghe đài giặc, tối đến thì thay thường phục lén ra ngoài phân phát truyền đơn phản động. Sư cũng chẳng lấy đó làm điều. Một năm sau, các phe đảng đen tối không đánh mà tự tan, viên mật thám được Tinh Vân cảm hóa, xin qui y làm đồ đệ.

Ra ngục rồi, sư vẫn trụ ở Viên Quang. Hòa thượng Diệu Quả bảo sư giúp Ngài viết bài “Hồi Cố Tiền Chiêm” cho Đặc san Mãn khóa Phật học viện.

Lúc ấy tôi còn quá trẻ, mà phải suy diễn theo khẩu khí của Hòa thượng để sáng tác. Bài viết xong, Hòa thượng không yên tâm. Vì thấy tôi tuổi nhỏ nên Ngài sợ tôi viết “lão” không quen, bèn lấy bài đưa cho pháp sư Viên Minh là chủ bút xem và hỏi:

- Thầy đoán xem người viết tác phẩm này cỡ bao nhiêu tuổi?

Viên Minh đọc xong, rất khâm phục, bình:

- Xét về tư tưởng và văn tài thì đây hẳn là một lão Hòa thượng tu hành cao niên. Ít gì cũng phải trên sáu mươi.

Ông ta còn nghi là pháp sư Đông Sơ viết. Việc này khích lệ tôi rất nhiều, tôi thấy rằng mình đã có thể đi vào đường hoằng pháp bằng văn chương”.

Tiếp đến, Tinh Vân được phái đến chùa Pháp Vân tại Miêu Lật để trông coi sơn lâm. Ba tháng ở trên núi Sư lo trù tính việc hoằng pháp cho tương lai. Sư hình dung lại bộ mặt Phật giáo qua những gì đã chứng kiến ở Đài Loan, lên kế hoạch sẽ tiến hành như thế nào, kiểu mẫu sống được phác họa và dần dần hình thành trong sư.

Trong thời gian ở sơn lâm, sư đã viết cho Đài Loan cuốn sách đầu tiên: “Vô Thanh tức đích ca xướng” (Lời ca vô thanh).

Sau đó không lâu, pháp sư Đại Tỉnh chùa Thiện Đạo mở Phật học viện ở Linh An Tự, cạnh hồ Thanh Thảo. Ông cho mời Tinh Vân đến làm chủ nhiệm trông coi việc giảng dạy, năm ấy Tinh Vân vừa tròn hai mươi lăm tuổi.

Suốt hai năm đảm nhiệm chức chủ nhiệm giáo dục, có nhiều học sinh gây ấn tượng sâu sắc như thầy Trí Đạo, Thánh Định, Huệ Định, còn thầy Tình Hư chùa Linh Tuyền Cơ Long hiện giờ là chủ bút tạp chí “Hải Triều Âm”. Riêng thầy Tu Hòa, Trụ trì chùa Khai Sơn Đài Đông, sau này bị xử tù chung thân rồi chết trong ngục. Thầy ấy có một đệ tử tên Ngô Thái An, mắc bịnh thần kinh, ngày đêm sống với ảo tưởng lật đổ chính phủ, mơ làm cách mạng. Chú ta viết rất nhiều thư gởi cho thầy Tu Hòa và nhiều người khác; nội dung toàn lệnh cho họ lật đổ chính quyền đương thời. Ta bị bắt nhốt oan cũng do cớ sự này. Thầy Tu Hòa là một thanh niên ưu tú mà bị bắt giam rồi chết trong ngục như thế thật oan uổng và đáng tiếc. Còn thầy Thánh Ấn ở Đài Trung, lúc đó mới mười bảy tuổi, khi thầy đến ghi danh thì Phật học viện đã khai giảng rồi, trường không thu nhận thầy. Tôi thấy thầy ấy là một nhân tài nên can thiệp: “Nếu như không thu nhận học sinh này, thì tôi không dạy nữa!” Trường mới miễn cưỡng nhận.”

Hồi tưởng lại thuở đầu dạy tăng sinh ở Phật học viện Đài Loan, sắc mặt Tinh Vân lộ vẻ hoan hỉ. Những tăng sinh này rất nhiều người có niên kỷ xấp xỉ Sư, có số còn lớn hơn Sư cả chục tuổi. Tình cảm thầy trò rất mật thiết. Nhưng Sư cũng lấy làm lạ là, nhiều tăng sinh lúc còn đang học thì có biểu hiện tình cảm rất nồng hậu, thậm chí việc việc đều bắt chước, tỏ vẻ rất sùng bái Sư, nhưng sau khi tốt nghiệp rồi lại không chịu nhận là học trò của Sư.

“Mới đầu, tôi cho là luân lý thầy trò Đài Loan lợt lạt, không giống ở Tiều Sơn: “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, trọn kiếp như cha). Dần dần, tôi hiểu ra, còn nhiều lý do khác nữa:

Một là, có những tăng sinh tính tình kiêu ngạo tự cho là hơn tôi, bản thân họ cũng là thầy. Một khi phải hạ thấp để nhận là trò của người thì họ sợ bị “giảm giá”, bởi họ có tư tưởng và quan niệm không được chín chắn về đạo thầy trò.

Hai là, do yếu tố nguồn gốc ngoại tỉnh của tôi. Các tăng sinh này đa số đều là người bản xứ, còn tôi là giáo thọ ngoại tỉnh. Do “lậm” nặng ảnh hưởng kỳ thị nên họ khó mở miệng nhận mình là học trò người ngoại hương. Đây là điều đáng tiếc vô cùng! Phật giáo là một tôn giáo bao dung khoáng đạt, chủ trương mọi người đều bình đẳng, không hề phân biệt, kỳ thị một chúng sinh nào. Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là người Ấn Độ, còn chư vị tổ sư bất kể là tông phái nào, há chẳng phải đều là người ngoại hương cả sao? Phật A Di Đà còn là người ngoại hành tinh nữa kia.

Vì muốn đả phá tư tưởng kỳ thị hạn hẹp, muốn mọi người cùng đoàn kết lại với nhau, Tinh Vân thấy rằng mình cần phải đi sâu vào quần chúng để hiểu rõ xã hội Đài Loan, hầu có thể đem Phật pháp truyền bá rộng rãi ở vùng đất này. Sư hi vọng có thể sửa đổi được cảnh tượng tăng tục lộn xộn và chấn chỉnh lại các hiện tượng bát nháo như tu sĩ thì cưới vợ, ăn mặn, không coi trọng kinh điển, giới luật. Do tất cả đã nhiễm sâu, ảnh hưởng nặng bởi nền phong hóa Phật giáo Nhật Bản. Đây không phải chỉ riêng mình ra sức hoằng dương chánh pháp là đủ, mà còn phải gấp rút lo đào tạo nhân tài cho vùng đất này, được vậy thì hạt giống chánh pháp mới có thể gieo rắc khắp nơi nơi.

 

 

[ Quay lại ]