CHỚP MẮT THẤY Y
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 07 Tháng mười hai 2008 08:22
- Viết bởi nguyen
Thiền sư Ngưỡng Sơn đến thử nghiệm thiền sư Hương Nghiêm, hỏi:
- Sư đệ ! Gần đây tham thiền tâm được thế nào ?
Hương Nghiêm dùng kệ đáp :
Năm xưa nghèo, chưa phải nghèo ;
Năm nay nghèo, mới thật nghèo.
Năm xưa nghèo, còn có đất cắm dùi ;
Năm nay nghèo, dùi cũng không.
Khứ niên bần, vị thị bần ;
Kim niên bần, thủy thị bần.
Khứ niên bần du hữu lập chùy ;
Kim niên bần, lập chùy chi địa dã vô.
Ngưỡng Sơn nghe xong nói :
- Sư đệ mới ngộ Như Lai thiền, còn Tổ sư thiền thì chưa có cửa vào.
Lúc đó, Hương Nghiêm lại làm một bài kệ khác :
Tôi có một ky (cơ),
Chớp mắt thấy y.
Nếu người không hiểu,
Chớ gọi Sa-di.
Ngã hữu nhất cơ,
Thuấn mục thị y.
Nhược nhơn bất hội,
Biệt hoán Sa-di.
Nghe xong, Ngưỡng Sơn vô cùng vui mừng, liền trở về kể lại cho lão Quy Sơn nghe : “Sư đệ đã ngộ Tổ sư thiền”.
Lời bình :
Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đều là đệ tử của Thiền sư Quy Sơn. Đời Đường, từ Lục Tổ Huệ Năng về sau thiền tông phát triển rất mạnh. Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất là người sáng lập tùng lâm đầu tiên, tiếp đãi thiền giả mười phương, đề xướng tập thể tu hành. Kế có thiền sư Bá Trượng Hoài Hải lập ra Thanh Quy, dùng cách mới để an trụ đại chúng. Môn nhân đệ tử phát dương lẫn nhau, bài trừ sự hiểu biết phân biệt, chủ trương bất lập văn tự, tham cứu nguồn tâm, đề xướng tức tâm tức Phật, sử dụng tâm bình thường là đạo, cơ dụng gậy hét tiếp hóa một cách nhanh chóng, cho nên trở thành đặc chất Tổ sư thiền Trung Quốc. Ở Ấn Độ, Như Lai thiền là trạng thái yên tĩnh, khi qua thiền sư Trung Quốc xiển dương càng thêm sinh động và trở thành Tổ sư thiền ở trạng thái động.
Thiền sư Trí Nhàn nói kệ “Nghèo không có đất cắm dùi”, đó là Như Lai thiền không chấp một vật. Sau đó nói “Chớp mắt thấy y” đó là Tổ sư thiền hoạt bát, nhướng mày chớp mắt đều là thiền.