Bài 111 — Thiên Nhiên bị câm miệng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 07 Tháng một 2009 09:35
- Viết bởi nguyen
443. 天 然 口 啞 — Thiên Nhiên bị câm miệng
Một hôm, Bàng cư sĩ thấy Ðan Hà đến (nối pháp Thạch Ðầu Hy Thiên), cư sĩ chẳng nói cũng chẳng đứng dậy. Hà bèn dơ phất tử lên. Cư sĩ liền dơ cái dùi lên. Hà nói:
– Nếu như thế thì cũng còn có cách khác nữa.
– Hồi này thấy huynh chẳng giống như lúc trước.
– Ông không ngại làm giảm thanh danh của người sao?
– Vốn phải đốn ngã ông một phen.
Hà nói:
– Như thế thì Thiên Nhiên câm miệng vậy.
– Ông câm miệng là phần của ông, còn làm cho tôi bị á khẩu.
Ðan Hà liền ném phất tử mà đi. Cư sĩ nói:
– Xà lê Nhiên! Xà lê Nhiên!
Ðan Hà chẳng ngoái lại. Cư sĩ nói:
– Chẳng những mắc bệnh câm mà còn bị bệnh điếc
(Theo: Hội Nguyên, quyển 3.)
444. 大 耳 心 通 — Ðại Nhĩ tha tâm thông
Vua Ðường Túc Tông ban chiếu cho Quốc sư Nam Dương Huệ Chung thử nghiệm tha tâm thông của Ðại Nhĩ Tam Tạng người Ấn Ðộ. Khi Sư đến, Tam Tạng làm lễ rồi đứng sang một bên.
Sư hỏi:
Ngài được tha tâm thông chăng?
– Chẳng dám!
– Ngài hãy nói Lão tăng bây giờ ở đâu?
– Hòa thượng là thầy một nước mà lại đến Tây Xuyên xem đua thuyền.
Sư lại hỏi:
– Ngài hãy nói bây giờ, Lão tăng ở đâu?
– Trên cầu Thiên Tân xem hát xiệc.
Lại hỏi:
– Ngay bây giờ, ngài hãy nói đi!
Tam Tạng mờ mịt. Sư quát:
– Dã hồ tinh, tha tâm thông ở chỗ nào?
(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)
445. 文 益 書 字 — Văn Ích bàn về viết chữ
(nối pháp Quế Sâm)
Thuở xưa, có một lão túc trụ am. Ở trên cửa viết chữ Tâm (心), trên cửa sổ viết chữ Tâm, trên vách viết chữ Tâm. Pháp Nhãn nói:
– Ở trên cửa chỉ cần viết chữ cửa, trên cửa sổ chỉ cần viết cửa sổ, trên vách chỉ cần viết chữ vách.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 6.)
· Huyền Giác nói: Trên cửa chẳng cần viết chữ cửa, trên cửa sổ chẳng cần viết cửa sổ, trên vách chẳng cần viết chữ vách. Vì cớ sao? Vì nghĩa của nó đã rõ ràng.
· Văn Ích tức là ngài Pháp Nhãn.
446. 曉 聰 栽 松 — Sư Hiểu Thông trồng tùng
Thiền sư Ðộng Sơn Hiểu Thông (nối pháp Văn thù Ứng Thiên) tự tay trồng muôn cây tùng ở ngọn Ðông Lãnh, vừa trồng vừa tụng Kinh Kim Cang Bát-nhã. Người trong núi gọi ngọn núi ấy là “Kim Cang phương tài tùng”. Thiền sư Nhi Bảo đích thân từ Ngũ Tổ đến đây. Ðể kiểm nghiệm ông ta, Sư hỏi:
– Một câu tột đỉnh làm sao nói?
Bảo nói: Thở gấp chết đi được!
Sư dộng cây cuốc, quở:
– Từ đâu mà được chỗ theo lời sinh hiểu này?
Hòa thượng bị hỏi một câu tột đỉnh liền đáp “Thở gấp”, khiến cho Phật pháp trở thành lưu bố rồi.
Bảo nói:
– Thỉnh sư đáp thay!
Sư nói:
– Sao chẳng nói thở mạnh chết đi được!
***
Ngài Tiêu Dao hỏi:
– Ngọn tại đây, Kim Cang ở chỗ nào?
Sư lấy tay chỉ, nói:
– Một gốc tùng này là do Lão tăng đích thân trồng lấy.
***
Ban đầu, Tỉ Bộ lang trung Hứa Công Thức đi tuần ở Nam Xương qua ngọn Liên Hoa Phong nghe Tường Công nói:
- Thử tìm và thưa hỏi Thông Ðạo Giả ở Giang Tây, ông tăng này là đôi mắt của trời người đó!
Hứa Công đi đến nơi thì nghe Hiểu Thông đã trụ núi theo gia phong (thói nhà). Công làm thơ gởi đến Sư. Bài thơ như sau:
語 言 渾 不 滯 | Ngữ ngôn hồn bất trệ |
高 躡 祖 師 蹤 | Cao nhiếp Tổ sư tung |
夜 坐 連 雲 石 | Dạ tọa liên vân thạch |
晝 栽 帶 雨 松 | Trú tài đái vũ tùng |
鏡 分 金 殿 燭 | Cảnh phân kim điện chúc |
山 荅 月 樓 鐘 | Sơn đáp nguyệt lâu chung |
有 問 西 來 意 | Hữu vấn Tây lai ý |
靈 堂 對 遠 峰 | Linh đường đối viễn phong |
Ngữ ngôn đều chẳng trệ
Noi theo dấu Tổ sư
Ðêm ngồi (tòa) đá hoa kết
Ngày trồng tùng điểm sương
Ðuốc chùa soi cảnh vật
Núi vọng tiếng lầu chuông
Có hỏi Tổ sư ý
Núi xa đối linh đường.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 6.)