headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 2 - Thanh Nguyên hứa cho búa

青 原 與 斧

Thanh Nguyên dữ phủ

南 嶽 磨 磚

Nam Nhạc ma chuyên

大 雄 創 寺

Ðại Hùng sáng tự

百 丈 開 田

Bách Trượng khai điền

5. — Thanh Nguyên hứa cho búa

Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư ở Kiết Châu (nối pháp Lục Tổ) bảo Thạch Ðầu đem thư đến chỗ Hòa thượng Nam Nhạc Hoài Nhượng rồi khi trở về, ngài sẽ cho chiếc búa.

Thạch Ðầu đến nơi, liền hỏi:

– Lúc chẳng mộ chư Thánh, chẳng trọng tính linh, khi ấy thế nào?

Nam Nhạc bảo:

– Ngươi hỏi tột mây xanh, sao chẳng hỏi việc bình thường!

– Thà chịu vĩnh kiếp trầm luân chứ chẳng cầu sự giải thoát của chư Thánh.

Ngài liền trở về, Thanh Nguyên hỏi:

– Sao về sớm thế?

– Thư cũng chẳng đưa, tin cũng chẳng có.

Ngài chợt nhớ trước kia Thanh Nguyên hứa cho búa bèn xin. Thanh Nguyên liền thòng một chân xuống, Thạch Ðầu liền lễ bái.

Ngài trở về Nam Nhạc trụ am.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 5.)

6. — Nam Nhạc mài ngói làm gương

Lúc Thiền sư Hoài Nhượng ở núi Nam Nhạc, Mã Tổ cũng cất am ở đấy, suốt ngày Mã Tổ chỉ ngồi thiền. Hoài Nhượng nhân đi ngang mới hỏi:

– Ông làm gì ở đây?

– Ngồi thiền.

– Ðể làm gì?

– Ðể làm Phật.

Một hôm, Hoài Nhượng đem một miếng ngói đến ngồi mài trước am Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:

– Hòa thượng mài ngói để làm gì?

– Ðể làm gương.

– Mài ngói đâu thể thành gương?

– Ngồi Thiền đâu thể thành Phật được.

Mã Tổ liền hỏi:

– Như vậy làm sao mới phải?

Nam Nhạc nói:

– Như người điều khiển xe, nếu xe chẳng chạy, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Ngay khi ấy, Mã Tổ liền ngộ được ý chỉ. Nam Nhạc liền truyền pháp ấn tâm, phù hợp với lời huyền kí của Tổ Ða-la: “Mã Tổ là con ngựa tơ đạp chết người trong thiên hạ”. Từ đó, Nam tông được xiển dương ở Giang Tây.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 3.)

7. — Ðại Hùng lập Thiền viện

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải ở Hồng Châu (nối pháp Mã Tổ) một hôm nghĩ rằng: “Thiền tông bắt đầu từ Thiếu Thất đến Tào Khê, cho tới thời của ta đây, phần nhiều tăng sĩ ở chùa luật. Tuy gọi rằng biệt viện, song đối với sự trụ trì và thuyết pháp vẫn chưa hợp qui củ”. Cho nên ngài thường thao thức về vấn đề này, ngài bảo:

– Ðạo của Phật Tổ, nếu muốn truyền bá rộng khắp và lâu dài để đời vị lai chẳng diệt mất, thì đâu nên hành theo các bộ kinh A-hàm.

Ngài liền soạn ra thanh qui cho Thiền môn.

Từ đó đến nay, thanh qui ấy trình bày những điều cốt yếu để chỉ dạy người sau, khiến họ chẳng quên gốc gác. Các bản thanh qui ấy đều có đủ trong các Thiền viện.

Vì trên núi Ðại Hùng chỗ ngài Hoài Hải ở cao trăm trượng nên Ðại Hùng còn chỉ cho Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 6.)

8. — Bách Trượng làm ruộng nương

Hòa thượng Niết-bàn ở núi Bách Trượng (nối pháp Bách Trượng Hoài Hải), một hôm bảo với chúng rằng:

– Các ông đi làm ruộng với ta, rồi ta nói đại nghĩa cho các ông nghe.

Chúng làm ruộng xong, trở về thỉnh sư nói đại nghĩa. Sư liền dang hai tay ra. Chúng không thể lường nổi.

  • Bách Trượng ở đây chỉ cho Thiền sư Niết-bàn.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 4.)

[ Quay lại ]