headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Bài 5 — Hoàng Bá tát một tát

黃 蘗 一 掌

Hoàng Bá nhất chưởng

大 愚 三 拳

Ðại Ngu tam quyền

李 翱 問 道

Lý Cao vấn đạo

陳 操 論 禪

Trần Tháo luận thiền

17. 黃 蘗 — Hoàng Bá tát một tát

Xin xem tắc 210: “Bách Trượng dã hồ”.

18. — Ðại Ngu lãnh ba quyền (đấm)

Lâm Tế ban đầu ở trong hội của Thiền sư Hoàng Bá Ðoạn Tế. Nghe Ðệ nhất tọa khuyên nên thưa thỉnh nơi Hoàng Bá, Lâm Tế bèn lên nhà trên hỏi:

– Thế nào là đại ý Phật pháp?

Hoàng Bá liền đánh. Do ba lần thưa hỏi là ba lần bị đánh nên Lâm Tế muốn từ tạ đi đến nơi khác. Ðệ nhất tọa thưa riêng với Hoàng Bá:

– Thượng tọa Nghĩa Huyền dù là kẻ hậu sinh nhưng rất đặc biệt. Khi nào ông ta đến từ giã Hòa thượng, mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Ngày hôm sau, Lâm Tế lên Pháp đường từ giã, Hoàng Bá khuyên đến Cao An yết kiến Ðại Ngu (nối pháp Qui Tông Thường). Lâm Tế đến Ðại Ngu. Ngu hỏi:

– Từ chỗ nào đến đây?

– Từ Hoàng Bá đến.

– Hoàng Bá dạy lời gì?

Tế thưa:

– Nghĩa Huyền ba lần hỏi về đại ý Phật pháp, ba lần bị cho ăn gậy, chẳng biết lỗi tại chỗ nào?

Ðại Ngu nói:

– Hoàng Bá có tâm lão bà (tâm từ bi) như thế, làm ông hết cùng khốn, thế mà ông còn tìm lỗi.

Ngay lời ấy, Lâm Tế liền đại ngộ và nói:

– Mới biết Phật pháp của Hoàng Bá không có gì đặc biệt!

Ðại Ngu nắm chặt Lâm Tế lại, nói:

– Con quỉ đái dầm, mới nói lỗi ở chỗ nào, bây giờ lại nói Phật pháp Hoàng Bá không có gì nhiều, ông thấy đạo lí gì, nói mau, nói mau!

Lâm Tế liền đấm vào hông Ðại Ngu ba cái, Ðại Ngu xô ra và nói:

– Thầy của ông là Hoàng Bá chẳng can dự gì đến ta.

Lâm Tế từ giã Ðại Ngu, trở về chỗ Hoàng Bá. Hoàng Bá hỏi:

– Ông trở về sớm vậy?

Tế thưa:

– Chỉ vì lòng thầy rất mực từ bi nên sự việc của con đã xong.

Một hôm, Lâm Tế đứng hầu Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi:

– Ðại Ngu có dạy lời gì?

Lâm Tế thuật lại chuyện trước. Hoàng Bá nói:

– Lão Ðại Ngu này, đợi lúc gặp y ta sẽ cho một trận.

Lâm Tế nói:

– Nói gì chờ với đợi, ngay bây giờ cho ăn,.

Tế liền bước tới vả Hoàng Bá một tát. Hoàng Bá nói:

– Gã khùng này dám vuốt râu cọp!

Lâm Tế liền hét. Hoàng Bá nói:

– Thị giả đâu! Dẫn gã khùng này ra.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 2.)

19. — Lý Cao hỏi đạo lí

Ðời Ðường, Lý Cao tự là Tập Chi, đến tham vấn Dược Sơn. Dược Sơn chỉ trời, chỉ đất, rồi hỏi:

– Hiểu chăng?

– Chẳng hiểu!

Dược Sơn bảo:

– Mây trên trời xanh, nước trong bình.

Cao liền nói kệ:

Luyện đắc thân hình lữ hạc hình

Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh

Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết

Vân tại thanh tiêu thủy tại bình.

             Luyện được thân hình tợ hạc hình

            Cội tùng bày trí hai hòm kinh

            Tôi nay đến hỏi không gì khác

            Mây ở trời xanh, nước tại bình

                                (Theo: Truyền Đăng, quyển 14.)

20. — Trần Tháo bàn luận thiền

Thượng thư Trần Tháo (đệ tử Trần Tôn Túc) làm Thứ sử Mục Châu.

Một hôm, dùng cơm chung với ngài Vân Môn Yển, Tháo hỏi:

– Các sách Nho tôi chẳng hỏi, ba tạng mười hai phần giáo thì đã có giảng sư, chỉ hỏi Ngài thế nào là việc hành cước của nạp tăng?

Vân Môn hỏi:

– Ðã từng hỏi bao nhiêu người rồi?

– Ngay bây giờ xin hỏi Thượng tọa.

– Việc này gác lại, tôi xin hỏi thế nào là ý kinh?

– Bìa vàng gáy đỏ.

– Ðây là chữ nghĩa lời nói, thế nào là ý kinh?

Tháo:

– Miệng muốn nói mà lời mất, tâm muốn duyên mà ý quên.

Vân Môn:

– Miệng muốn nói mà lời mất là vô ký, tâm muốn duyên mà ý quên là vọng tưởng. Thế nào là ý kinh?

Trần Tháo không đáp được.

Vân Môn hỏi:

– Tôi nghe nói ông thường xem kinh Pháp hoa phải không?

– Không dám!

Vân Môn:

– Trong kinh nói: “Nghề nghiệp làm ăn cùng với thật tướng trái nhau”. Hãy nói: “Trời phi phi tưởng có bao nhiêu người thoái vị?”

Tháo cũng không đáp được. Vân Môn quở trách rồi đuổi ra.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 9.)

[ Quay lại ]