Bài 6 — Linh Vân trông thấy hoa
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 01 Tháng chín 2008 09:15
- Viết bởi nguyen
21. 靈 雲 見 花 — Linh Vân trông thấy hoa
Thiền sư Linh Vân Chí Cần ở Phúc Châu (nối pháp Qui Sơn), ban đầu ở tại Qui Sơn, nhân thấy hoa đào mà tỏ ngộ, liền nói kệ:
三 十 年 來 尋 劍 客 | Tam thập niên lai tầm Kiếm khách |
幾 回 落 葉 幾 抽 枝 | Kỉ hồi lạc diệp kỉ trừu chi |
自 從 一 見 桃 花 後 | Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu |
直 到 如 今 不 更 疑 | Trực đáo như kim bất cánh nghi. |
Ba mươi năm tìm trang kiếm khách
Bao phen lá rụng lại đâm chồi
Từ khi nhìn thấy hoa đào nở
Ðến nay tin chắc chẳng còn nghi.
Một hôm, Qui Sơn bảo:
– Từ duyên mà được vào, trọn không còn thối chuyển.
Về sau, Huyền Sa nghe được nói:
– Xét cho kĩ thì dám đoan chắc lão huynh chưa triệt ngộ.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 11.)
22. 香 嚴 擊 竹 — Hương Nghiêm sỏi chạm trúc.
Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn ở Ðặng Châu, ban đầu tham vấn Qui Sơn chẳng khế ngộ. Sư từ giã ra đi, đến chỗ di tích của Nam Dương Quốc sư, dừng chân nghỉ ngơi ở đấy. Một hôm, nhân lúc nhân sư đang cuốc cỏ, cuốc nhằm viên sỏi, viên sỏi văng vào bụi tre, vang lên một tiếng “cốc”, Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, cười vang rồi nói kệ:
Tiếng vang quên sở tri
Ðâu nhờ mượn tu trì
Xúc động rõ tự tính
Không kẹt ở khô thiền
Mọi chỗ không dấu vết
Oai nghi ngoài sắc thinh
Các nơi kẻ đạt đạo
Ðều gọi bậc thượng cơ.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 11.)
23. 沙 彌 尋 思 — Sa-di tìm Hành Tư
Thạch Ðầu Hy Thiên lúc còn là Sa-di, thờ Lục Tổ làm thầy. Lúc Tổ sắp nhập diệt, Hy Thiên hỏi:
– Sau khi Hòa thượng trăm tuổi, Hy Thiên sẽ nương ở với ai?
Tổ dạy:
– Tầm “Tư” đi.
Rồi Tổ nhập diệt. Mỗi ngày Hy Thiên ở chỗ yên tĩnh, ngồi ngay, yên lặng dường như quên thân. Ðệ nhất tọa hỏi:
– Thầy ông đã mất, ông ngồi đây để làm gì?
Hy Thiên đáp:
– Tôi theo di huấn của thầy mà ngồi đây tầm “Tư.”
Ðệ nhất tọa bảo:
– Ông có sư huynh tên là Hành Tư, ở tại Thanh Nguyên. Ông hãy nương vị ấy. Lời thầy ông dạy rất rõ mà ông hiểu lầm!
Hy Thiên liền đến nơi ấy ở, tức là Sư nối pháp Thanh Nguyên.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 5.)
24. 道 者 覓 宿 — Ðạo giả kiếm nơi trọ
Ngũ tổ Hoàng Nhẫn Ðại sư là người huyện Hoàng Mai, Kì Châu.
Nguyên trước kia Tài Tòng đạo giả ở núi Phá Ðầu đã từng thưa thỉnh với Tứ tổ Ðạo Tín:
– Ðạo lí có thể được nghe chăng?
Tổ bảo:
– Ông đã già, dù có nghe cũng không thể hoằng hóa được. Nếu ông tái lai tôi có thể chờ ông.
Ðạo giả liền đi đến bờ sông, thấy một cô gái đang giặt áo. Ngài vái chào và hỏi:
– Xin cho ngủ trọ được chăng?
Cô gái đáp:
– Tôi có cha mẹ, ngài hãy đến đấy mà xin.
– Nếu cô bằng lòng tôi mới dám đi.
Cô gái đáp bằng lòng, Ðạo giả liền quày quả ra đi.
Cô gái ấy vốn là con gái út của nhà họ Chu. Khi cô trở về nhà liền mang thai, cha mẹ cô giận dữ đuổi đi. Cô không chỗ nương tựa, hàng ngày dệt thuê trong làng, đêm ngủ ở quán trọ. Về sau cô sinh một bé trai, cho là điềm chẳng lành, liền ném xuống sông. Sáng hôm sau, cô thấy đứa bé nổi trên mặt nước, thần sắc tươi tỉnh. Cô rất kinh ngạc, bèn vớt lên. Về sau, đứa bé trở thành một đứa bé theo mẹ đi xin ăn. Người trong làng gọi nó là đứa bé không tên họ.
Ngày kia, một trí giả gặp đứa bé khen rằng:
– Ðứa bé này chỉ thua Như Lai bảy tướng.
Về sau, đứa bé gặp Ðại sư Ðạo Tín, được nối pháp và giáo hóa tại núi Phá Ðầu. Ðó là ngài Hoằng Nhẫn.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 1.)