Bài 3 - Qui Ngưỡng bày thể dụng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 24 Tháng tám 2008 08:14
- Viết bởi nguyen
溈 仰 體 用 | Qui Ngưỡng thể dụng |
曹 洞 正 偏 | Tào Ðộng chính thiên |
雲 門 數 句 | Vân Môn sổ cú |
臨 濟 三 玄 | Lâm Tế tam huyền |
9. 溈 仰 體 用 — Qui Ngưỡng bày thể dụng
Một hôm Qui Sơn (nối pháp Bách Trượng) cùng Ngưỡng Sơn đi hái trà. Kế, Qui Sơn hỏi:
– Trọn ngày chỉ nghe tiếng của con, mà chẳng thấy hình của con?
Ngưỡng Sơn liền rung cây trà. Qui Sơn bảo:
– Con chỉ được dụng mà chẳng được thể của nó.
Ngưỡng Sơn thưa:
– Còn Hòa thượng thì sao?
Qui Sơn lặng yên giây lâu. Ngưỡng Sơn nói:
– Hòa thượng chỉ được thể mà chẳng được dụng của nó.
Qui Sơn bảo:
– Tha con ba mươi gậy.
Ngưỡng Sơn thưa:
– Con ăn gậy của Hòa thượng, rồi ai sẽ ăn gậy của con?
Qui Sơn đáp:
– Tha con ba mươi gậy.
- Huyền Giác bình: Hãy nói lỗi ở chỗ nào ?
10. 曹 洞 正 偏 — Tào Ðộng chỉ chính thiên
Tông Tào Ðộng có Ngũ vị quân thần là:
Chính trung thiên
Thiên trung chính
Chính trung lai
Thiên trung chí
Kiêm trung đáo
(Theo: Nhân Thiên Nhãn Mục.)
11. 雲 門 數 句 — Vân Môn dạy vài câu
Thiền sư Vân Môn Yển ở Thiều Châu (nối pháp Tuyết Phong) dạy chúng:
– Mỗi người tự có ánh sáng, lúc sử dụng thì chẳng còn tối tăm. Cái gì là ánh sáng tự kỉ của các ông?
Ngài tự đáp thay chúng:
– Ba cửa của nhà bếp.
Lại nói:
– Hiếu sự chẳng bằng vô sự!
Lại dạy chúng:
– Nghe tiếng ngộ đạo, thấy sắc minh tâm. Bồ tát Quán Thế Âm đem tiền mua bánh mè. Buông tay xuống hóa chỉ ra là cái bánh bao.
Tăng hỏi:
– Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?
– Xem núi ở trong mặt trời.
– Thế nào là câu thấu pháp thân?
– Ẩn thân trong sao Bắc Ðẩu.
– Thế nào là chỗ chư Phật xuất thân?
– Ngọn Ðông Sơn trôi trên nước.
Tăng hỏi:
– Thế nào là Chính pháp nhãn tạng?
Sư đáp:
– Khắp (phổ)
– Chẳng khởi một niệm có lỗi hay không?
– Núi Tu Di.
Tăng hỏi:
– Thế nào là thời cơ khẻ mỏ?
Sư đáp:
– Tiếng (hưởng).
– Thế nào là tự kỉ của học nhân?
– Ði xem non nước.
Tăng hỏi:
– Thế nào là xuy mao kiếm?
Sư đáp:
– Tổ.
Tăng hỏi:
– Giết cha, giết mẹ đến trước Phật sám hối. Giết Phật giết tổ đến chỗ nào sám hối?
Sư đáp:
– Bày (lộ).
– Phật pháp như trăng đáy nước phải chăng?
– Sóng trong trẻo không đường thoát.
*
Tăng hỏi:
– Hòa thượng từ chỗ nào được?
Sư đáp:
– Xin hỏi ông từ đâu đến đây?
– Lúc đi như thế ấy thì sao?
– Núi non có nhiều đường.
(Theo: Nhân Thiên Nhãn Mục.)
12. 臨 濟 三 玄 — Lâm Tế có tam huyền.
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền ở Trấn Châu nói:
– Một câu nói ra phải có đủ tam huyền, một cửa huyền phải đủ tam yếu, có quyền có dụng. Các ông làm sao hiểu?
Tam huyền là:
Thể trung huyền
Huyền trung huyền
Cú trung huyền
Ðây là phương pháp lí luận và đối đáp của ngài Lâm Tế dùng để tiếp dẫn người học, mục đích giúp họ vượt ra mọi tình thức phân biệt đối đãi.