KIẾN TRÚC GIÀ LAM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 02 Tháng sáu 2016 12:36
- Viết bởi Super User
Ngôi Thiền đường
Từ Pháp Lạc thất đã mở một con đường trước đó hướng về phía Tây Nam khoảng 50m, lên một ngọn đồi nhỏ. Từ điểm đồi này mở một lối thẳng góc hướng vách núi, với độ dài khoảng 30m. Chính nơi đây được chọn làm nền Thiền đường.
Để đắp nền cho một ngôi nhà trên núi thật là khó khăn. Nền càng lớn lại càng khó hơn. Nền Thiền đường tương đối rộng dài (9m x 15m). Việc sắp đá làm nền đòi hỏi phải là thợ mới được và xây cất bằng vật liệu nặng, nên thợ đá, thợ hồ cùng hợp tác.
Việc làm nền phải mất nhiều thời gian, sau đó mới có thể lên tường xây bằng đá chẻ. Nhìn dáng tường đá trông thật vững vàng, thật mạnh mẽ, tỏ ra một sức mạnh tiềm tàng đang hồi trỗi dậy.
Tuy vậy, lối kiến trúc thật đơn giản không có gì gọi là kiểu cọ cho lắm, mái bắt vằn, có thảo bạc trước làm mặt, hướng về chợ Vũng Tàu. Đầu song nhà và thảo bạc tạo thành hình chữ T mà người xưa gọi là chữ đinh.
Chính thảo bạc này làm thêm vẻ xinh xắn cho ngôi Thiền đường và tạo thành mái hiên ấm cúng rộng rãi mát mẻ, nối với hành lang 3 mặt kia thành một vòng liên tục rất thuận tiện cho việc đi kinh hành.
Mái Thiền đường đỏ nổi bật giữa núi rừng xanh thẳm, trông ấm áp lạ thường. Với tầng tam cấp rộng cao tạo thành dáng uy nghiêm cho ngôi chùa. Hàng cột đá thảo bạc vững vàng uy vũ, nói lên sức sống hùng, sống mạnh gần như thách thức với bão táp phong ba.
Mặt nền vòng hành lang tráng xi măng, bên trong lót gạch bông vàng. Một vách ngăn chia làm hai. Phần trước thờ Phật là Thiền đường. Phần sau thờ Tổ cũng là chỗ ngủ nghỉ của Thầy Viện chủ. Điện Phật, Thiền đường đơn giản chừng ấy.
Ngôi Tăng đường
Cuối Thu, ngôi Thiền đường đã xong, ngôi Tăng đường được bắt đầu. Nền Tăng đường được xây dựng cách ngôi Thiền đường về phía sau mươi thước. Tăng đường được xây ngang mặt hướng về Thiền đường. Thiền đường và Tăng đường nằm theo hướng hình chữ T mà giữa là khoảng trống dùng làm sân hoa kiểng. Phía sau hướng về vách núi.
Như vậy, khu vực xây cất này, có hướng trước mặt là biển Đông, hướng sau lưng là núi cao. Nếu đứng từ trước nhìn ra sau thì sẽ thấy vị trí này nằm giữa ngọn núi. Một vị trí đáng gọi là đường bệ.
Về kiến trúc, Tăng đường được cất đơn sơ bằng vật liệu nhẹ, cây và tôn thiếc.
Về phòng ốc được chia làm 5 căn và ngăn ra làm tám phòng. Riêng căn giữa đối diện với hậu Tổ trước, dùng làm Trai đường (phòng ăn). Nền tráng xi măng đơn giản.
Ở vị trí này, Tăng đường thật khoáng đạt, gió thông, cảnh rộng. Từ đây có thể trông ra bến Tầm Dương (bãi trước) rõ ràng. Nên là một chỗ ở đáng gọi là tốt, vừa hợp vệ sinh lại vừa thơ mộng, lại thêm ở vào thế núi ôm nên cũng ấm cúng.
Xây hồ nước
Hồ nước là nguồn sống. Trên núi nước quan trọng hàng đầu trong sự sống nên hồ nước phải được đặc biệt chú trọng. Xây hồ để chứa nước trời mưa.
Ở khu Pháp Lạc Thất đã có được 2 hồ. Mỗi hồ có sức chứa 10m3 nước (250 đôi). Với số lượng ấy chỉ dùng được cho một đôi người trong một năm, nên nay phải xây thêm.
Vị trí phía trước Tăng đường về bên phải được chọn làm nơi xây hồ. Hồ này được xây với kích thước khá bề thế. Dung lượng 30m3 (750 đôi). Hồ cỡ này cũng thuộc loại to. Thân hồ phải được xây âm dưới đất. Vì thế, việc moi lỗ lấy đá cho một kích thước như vậy thật đáng kể. Phải tốn nhiều ngày công mới chuẩn bị xong một đáy hồ. Hồ được xây bằng đá chẻ, loại đá gối (viên đá bằng cái gối kê đầu). Công trình này đòi hỏi phải là thợ có kỹ thuật cao.
Hồ xây xong có dáng vuông dài nổi lên mặt đất chừng thước. Thành hồ, mặt hồ được tô láng, sạch và đẹp. Vì vậy với mặt hồ này có thể dùng làm sân ngồi chơi ngắm núi non trời nước thật lý thú.
Lập vườn, mở rẫy
Song song với việc xây cất, việc trồng cây lập vườn, trồng cây tạo cảnh cũng được đặt ra. Tuy lỗ đào (trồng cây) hay gặp phải đá, nhưng mít, chuối, xoài, đào, được trồng có hàng lối vì thế đã ra dáng vẻ một vườn cây.
Tràm bông, khuynh diệp cũng được trồng, trước đón gió khử không khí độc, sau làm cảnh. Hai hàng tùng bá, được đặt hai bên đường trước Thiền đường. Trước Tăng đường cũng được trồng tùng, trắc cùng ít hoa kiểng, tạo màu sắc tươi mát.
Việc xây dựng suốt cả năm mới tạm xong, cơ sở và cảnh trí khá hoàn chỉnh, như vậy giai đoạn một đã tạm kết thúc. Đây là giai đoạn cơ sở với nhiều khó khăn. Thành quả này đủ để bảo đảm cho những bước đi tới.
1. Cổng Tu viện 2. Đường vào Tu viện 3. Đường lên nhà khách
4. Đường Tiêu Dao 5. Đường Thạch Đầu 6. Đường Đại Mai 7. Đường Thạch Đầu đoạn giữa
Phá đá mở đường
Đại Mai là một con đường dốc, do Thầy Minh Quang mở để đi lên thất Thầy Viện chủ. Con đường này được xây bằng xi măng, quanh co có độ dốc không đều, dài khoảng 50m, tương đối dễ đi.
Đường Thạch Đầu khúc khuỷu quanh co, có đoạn độ dốc khoảng 45 độ, đi cũng khá mệt. Đường dài khoảng 60m, các cấp chỉ được tấn bằng đá. Khách đi đường này phải khá cẩn thận. Đường tuy khó bước, nhưng giữa lối lại có nơi dừng chân thật tuyệt. Nơi đây là một mỏm đá chơi vơi hứng trọn gió từ xa khơi thổi vào. Ngồi đây nghe khỏe ra và trông trời ngắm biển thì không gì bằng. Từ hai con đường này, bọc vòng giao nhauđể tiến lên một khu đồi rộng khoảng 500m2. Đây là vị trí dùng xây cất ngôi thất cho Thượng tọa Viện chủ. Vị trí này như một đài quan sát khắp Tu viện. Từ đây có được tầm nhìn khoáng đạt hơn. Từ vị trí nền thất qua Nhà khách và đỉnh, ba điểm này được nằm cùng trên một đường thẳng.
Xây cất thất Thầy Viện chủ và khu Thiền thất
Thất Viện chủ được xây cất lên. Và một cái thất dùng cho khách của Viện chủ cũng được cất kế bên. Hai thất cách nhau chừng mươi thước. Mảnh đất xưa hoang vu nay trở thành có giá trị.
Công việc xây thất Viện chủ xong. Thiền sinh lại thừa thế tiến lên, tiếp tục phá rừng lần lên về phía đỉnh. Đây là tầng đất thứ ba. Tầng đất dốc thoai thoải, tre le chiếm đa số.
Thiền sinh dạo này đã thực thụ là "dân rừng tướng núi", đối rừng núi không còn bỡ ngỡ như dạo nào nữa. Thiền sinh xông xáo quơ rựa, quơ dao tha hồ chém chặt. Lũ tre có cứng có dại, Thiền sinh chấp hết. Đây rừng gai, cây quéo gai. Các thứ cây gai ... Thiền sinh giờ này chẳng còn ngần ngại, cứ sấn bừa chém gục hết lũ "quân rừng thâm niên".
Nhìn “giang sơn” rộng mở (khoảng gần một mẫu). Thầy ước tính lập thành khu Thiền thất.
Trong kế hoạch thì khu Thiền thất này sẽ được cất nhiều cái thất riêng biệt. Nhưng trong bước đầu cất trước một thất để Tăng chúng thay phiên nhau nhập.
Vị trí Thiền thất đầu tiên này nằm sau thất Viện chủ, ở phía trên núi, cách hơn 10m.
Ngôi Thiền thất có kích thước ba mét vuông, nền đá, tường gạch, mái tôn thiếc nóc bánh ít. Có hành lang xung quanh.
Bên trong giữa thờ một bàn Phật nhỏ gọn. Một bên kê cái giường ngủ.Một bên kê một bàn viết và một cái tủ nhỏ.
Khung cảnh xung quanh u tịch. Nơi đây vắng vẻ không người qua lại. Bên phải nhìn vào là bờ vực, cảnh trí đẹp. Từ đây cũng có thể trông ra biển.
Ngôi thiền thất này của Thầy Đắc Pháp, đối với người mến hạnh tịch tịnh, thì đây là một nơi rất thích hợp. Ở đây qua ngày qua tháng mà trừng tâm lắng đọng thì tuyệt.
Rồi sau này đến những ngày cuối khóa có thêm số Thiền sinh mới về dự khóa II. Với số người này "sung" vào công quả toàn bộ. Ba ngôi Thiền thất được xây lên, Việc chuyển vật liệu từ dưới lên để xây cất những cái thất này thật là vất vả. Đường dốc cao, gạch cát, xi măng phải vác từng bao, gánh từng gánh. Khoảng đường tính ra có gần 200 mét, với độ cao thật đáng kể.
Cái thất cuối cùng cách đỉnh còn chẳng bao xa.Tính từ chân núi lên thì thất này đã vào khoảng 3/4 núi. Vì vậy, việc chuyển vật liệu để xây cất là một công trình thật đáng kể.
Các Thiền thất này cũng được cất theo mẫu Thiền thất đầu. Cách cấu trúc và vật liệu cũng giống nhau. Vị trí mỗi thất không đều, không có hàng ngũ thứ lớp, mà tùy vào thế đất. Tuy vậy, bố cục cho toàn khu mỗi thất nằm đúng vị trí trở thành một khu thất đẹp.
Từ nơi thất thứ nhất theo tay trái đi lên độ 50m, là ngôi thất thứ hai của Thầy Phước Hảo.
Từ ngôi thất thứ hai đi ngay về phía mặt, khoảng 50m là ngôi thất thứ ba của Thầy Nhật Quang.
Từ ngôi Thiền thất thứ hai đi chênh chếch lên về phía trái của đường đi khoảng 70m phía trên thất thứ ba, đây là thất thứ tư của Thầy Thiện Năng. Thất này có độ cao nhất. Tầm nhìn thật xa. Gió thật mát.
Nơi thất này được xây một hồ nước. Hồ đủ dùng cho một người trong một năm.
Cách thất thứ tư này về phía dưới chừng mười thước, có con đường đi ngang, đi qua sau nóc thất thứ hai. Con đường có độ dài khoảng 50m, được tấn đá và ban đất bằng phẳng. Con đường này làm đường kinh hành cho Thiền sinh trên khu Thiền thất.
Những Am Thất liên ranh Tu viện
Am Dương Chi
Người chủ am là Bà Bảy, mẹ của sư cô Hạnh Chơn (sư cô là Thị giả đầu tiên của Hòa thượng). Nơi đây cũng là nhà khách nữ đầu tiên của Tu viện Chơn Không, là nơi dừng chân của quý Thầy đi chợ mua thức ăn hàng ngày cho đại chúng.
Am Tổng Trì
Người chủ am là tín nữ Chơn Tri, tiếng thường gọi là Bà Năm. Bà thường ăn gạo lức muối mè theo phương pháp Ohsawa, nên cũng gọi là Bà Năm Ohsawa. Ngôi am ba căn của Bà khá lớn. Bên trong thờ Phật cốt khá lớn, trang trí khá mỹ thuật. Bà đã luống tuổi hãy còn là cư sĩ. Bà người hào sảng, tánh tình phóng khoáng, cứng cỏi, thích triết lý. Lại cũng mang nhiều nghệ sĩ tính … nên cũng có vẻ đặc biệt. Với Tu viện bà tỏ ra nhiệt tình, rất thân thiện, xem Thiền sinh như thân quyến.
Tịnh thất Liên Hoa
Người chủ thất là Sư cô Thích Nữ Từ Thệ.
Thất này nằm ngay cổng Tu viện, về phía trái (từ trong Viện nhìn ra). Ngôi thất nhỏ xinh xắn. Bên trong thờ phượng đơn giản nhưng rất đẹp.
Sư cô hiền nhưng rất nhanh nhẹn. Nấu ăn khéo. Chịu khó tu học.
Hòa Vân Thạch Thất
Ngôi thất này được cất đồng thời với Thiền đường Tu viện, do 3 chủ nhân có tên đời là: Thoại Lan, Ngọc Điệp, Thu Hà. Đây là 3 tín nữ. Ba vị đã chung cất để làm chỗ lui tới nghe Kinh, học Phật pháp. Ngôi thất này được xây bằng đá, chắc chắn, rộng rãi, đẹp.
Chùa Viên Phước
Ngôi chùa này là nơi mỗi buổi chiều Thầy Viện chủ ghé dùng sữa. Chùa do Sư cô Như Tâm trụ trì, Sư cô Thuần Nhất làm thư ký.
Vị Viện chủ Tu viện trong thế tương quan cuộc sống, Viện chủ đã thực hiện đúng châm ngôn “Nhất cận thân, nhì cận lân”. Nhất là trong xóm giềng lân cận này, những người đã ở dưới hệ đệ tử thì vị Thầy lại càng tự thấy mình có trách nhiệm phải đùm bọc, phải chăm lo. Sự thật Thầy không phải lo gì về đời sống vật chất cơm áo cho họ hết, vì tất cả người quanh đây về mặt này, đều đầy đủ hay còn có dư thừa nữa là khác. Vị Thầy chỉ cần đứng trên phương diện tinh thần hỗ trợ, bao nhiêu đó cũng đủ cho cả