headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Trung Luận - PHÁ NĂM ẤM.

         Nếu lìa nơi sắc nhân,
         Sắc (quả) ắt chẳng thể được.
         Nếu sẽ lìa nơi sắc (quả),
         Sắc nhân chẳng thể được.

 

Hỏi: - Kinh nói có năm ấm, việc đó thế nào?
Đáp:Nếu lìa nơi sắc nhân,
            Sắc (quả) ắt chẳng thể được.
            Nếu sẽ lìa nơi sắc (quả),
            Sắc nhân chẳng thể được.

Sắc nhân, như vải nhân sợi, trừ sợi ắt không có vải, trừ vải ắt không có sợi. Vải như sắc, sợi như nhân.

Hỏi: - Nếu lìa sắc nhân có sắc, có lỗi gì?
Đáp: -  Lìa sắc nhân có sắc,
            Sắc đó ắt không nhân.
            Không nhân mà có sắc,
            Việc đó ắt chẳng đúng.
Như lìa sợi có vải, vải ắt không nhân. Không nhân mà có pháp là điều ở thế gian không có.

Hỏi: - Trong pháp Phật, pháp ngoại đạo, pháp thế gian đều có pháp không nhân. Pháp Phật thì có ba pháp vô vi. Vì vô vi là thường nên không nhân. Trong pháp ngoại đạo thì hư không, thời, phương, thức, vi trần, niết bàn v.v... Pháp thế gian thì hư không, thời, phương.., vì ba pháp ấy không chỗ nào chẳng có nên gọi là thường. Vì thường nên không có nhân. Vì sao ông nói pháp không nhân là điều ở thế gian không có?
Đáp: - Pháp không nhân này chỉ có ngôn thuyết, suy xét phân biệt ắt đều không có. Nếu pháp từ nhân duyên mà có, chẳng nên nói là không nhân. Nếu không có nhân duyên ắt như tôi đã nói.

Hỏi: - Có hai thứ nhân: Một là tác nhân; hai là ngôn thuyết nhân. Pháp không nhân đó không có tác nhân, chỉ có ngôn thuyết nhân, vì khiến người rõ biết?
Đáp: - Dù có ngôn thuyết nhân, việc ấy chẳng đúng. Hư không thì trong phẩm Lục Chủng sẽ phá. Ngoài ra những việc còn lại, sau sẽ phá.

Lại nữa, việc hiện thấy còn có thể phá, huống nữa vi trần v.v... là pháp không thể thấy. Thế nên nói, pháp không nhân là điều ở thế gian không có.

Hỏi: - Nếu lìa sắc có sắc nhân, có lỗi gì?
Đáp: -  Nếu lìa sắc có nhân,
            Ắt là nhân không quả.
            Nếu không quả có nhân,
            Ắt không có lẽ đó.

Nếu trừ sắc quả, nhưng có sắc nhân, tức là không quả có nhân.

Hỏi: - Nếu không quả có nhân thì có lỗi gì?
Đáp: - Không quả mà có nhân là điều ở thế gian không có. Tại sao?
Vì do qủa nên gọi là nhân; nếu không qủa làm sao gọi là nhân?
Lại nữa, nếu trong nhân không có quả, vì sao vật chẳng từ phi nhân mà sanh? Việc đó như trong phẩm Phá Nhân Duyên đã nói. Thế nên không có không quả mà có nhân.

      Lại nữa,
                        Nếu đã có sắc rồi,
                        Ắt chẳng cần sắc nhân.
                        Nếu sắc vốn không có,
                        Cũng chẳng cần sắc nhân.

Cả hai trường hợp có sắc nhân ắt chẳng đúng. Nếu trước ở trong nhân có sắc rồi thì chẳng gọi là sắc nhân. Hoặc trước ở trong nhân không có sắc, cũng chẳng gọi là sắc nhân.

Hỏi: - Nếu cả hai trường hợp đều chẳng đúng nhưng có sắc không nhân thì có lỗi gì?
Đáp:Không nhân mà có sắc,
           Việc ấy trọn chẳng đúng.
           Thế nên người có trí,
           Chẳng nên phân biệt sắc.

Hoặc trong nhân có quả, trong nhân không quả, việc này còn chẳng thể được; huống nữa không nhân mà có sắc. Thế nên nói: “Không nhân mà có sắc, việc đó trọn chẳng đúng. Thế nên người có trí, chẳng nên phân biệt sắc”. Phân biệt gọi là phàm phu, do vô minh, ái nhiễm, tham đắm nơi sắc; sau đó dùng tà kiến mà sanh phân biệt, hý luận: nói trong nhân có quả, không quả v.v... Nay ở trong đây tìm sắc chẳng thể được, vì vậy chẳng nên phân biệt.

      Lại nữa,
                    Nếu quả giống với nhân,
                    Việc đó ắt chẳng đúng.
                    Nếu quả chẳng giống nhân,
                    Việc đó cũng chẳng đúng.

Nếu quả giống với nhân, việc đó chẳng đúng , vì nhân nhỏ quả to, nhân quả, hình sắc, lực dụng... mỗi thứ đều khác. Như vải giống với sợi, ắt chẳng gọi là vải; vì sợi thì nhiều, vải chỉ có một, nên chẳng được nói nhân quả giống nhau.
Nếu nhân quả chẳng giống nhau, điều đó cũng chẳng đúng. Như sợi gai chẳng dệt thành lụa, sợi thô không dệt thành vải mịn. Thế nên chẳng được nói nhân quả chẳng giống nhau. Vì cả hai nghĩa đều chẳng đúng nên không sắc, không sắc nhân.

                    Thọ ấm và tưởng ấm,
                    Hành ấm và thức ấm...
                    Ngoài ra tất cả pháp,
                    Đều đồng với sắc ấm.

Bốn ấm và tất cả pháp cũng nên suy nghĩ theo như thế mà phá. Nay Luận chủ vì muốn khen ngợi nghĩa không nên nói kệ:
                    Nếu có người hỏi đến,
                    Lìa “Không” mà muốn đáp.
                    Ắt là chẳng thành đáp,
                    Đều đồng với họ nghi.

                  - Nếu người có gạn hỏi,
                    Lìa “Không” nói lỗi người.
                    Đây chẳng thành gạn hỏi,
                    Đều đồng nghi của người.

Nếu khi người luận nghĩa, mỗi bên có chỗ chấp, lìa nơi nghĩa không mà có hỏi đáp, đều chẳng thành hỏi đáp, đều cũng đồng nghi. Như người nói: bình là vô thường. Người hỏi nói: vì sao vô thường? Đáp rằng: vì từ nhân vô thường sanh. Đây chẳng gọi là đáp. Tại sao? Vì trong nhân duyên cũng nghi chẳng biết là thường hay là vô thường. Đó là đồng với chỗ nghi của người kia.

Nếu người hỏi muốn nói lỗi của người kia, chẳng y theo nghĩa không mà nói các pháp vô thường, ắt chẳng gọi là gạn hỏi. Tại sao? Vì ông nhân vô thường phá nghĩa thường của tôi, tôi cũng nhân thường phá nghĩa vô thường của ông. Nếu thật là vô thường ắt không có nghiệp báo, các pháp mắt, tai... niệm niệm diệt cũng không có phân biệt – Có những lỗi như thế..., đều chẳng thành gạn hỏi, đồng với chỗ nghi của người kia. Nếu y theo nghĩa “Không” mà phá về thường ắt không có lỗi. Tại sao? Vì người này chẳng chấp lấy tướng không. Thế nên nếu muốn hỏi đáp, thường nên y theo pháp Không, huống nữa người muốn cầu tướng tịch diệt lìa khổ!

[ Quay lại ]