headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Trung Luận - PHÁ SÁU ĐẠI CHỦNG

            Khi chưa có tướng Không,
            Ắt không pháp hư không.
            Nếu trước có hư không,
            Tức đó là không tướng.

 

Hỏi: - Sáu đại chủng mỗi thứ đều có tướng nhất định, vì có tướng nhất định ắt có sáu đại chủng?
Đáp: -     Khi chưa có tướng Không,
               Ắt không pháp hư không.
               Nếu trước có hư không,
               Tức đó là không tướng.

Nếu chưa có tướng hư không, trước có pháp hư không, hư không ắt không tướng. Tại sao? Chỗ không sắc gọi là tướng hư không. Sắc là pháp tạo tác vô thường, nếu sắc chưa sanh, chưa sanh ắt không diệt, bấy giờ không có tướng hư không. Vì nhân sắc nên có chỗ không sắc, chỗ không sắc gọi là tướng hư không.

Hỏi: - Nếu không tướng mà có hư không thì có lỗi gì?
Đáp:    Chính pháp không tướng đó,
                Tất cả chỗ không có.
                 Ở trong pháp không tướng,
                 Tướng ắt không sở tướng.

Hoặc trong pháp thường hay vô thường tìm pháp không tướng chẳng thể được. Như Luận giả nói: là Có, là Không, làm sao biết? Vì mỗi thứ đều có tướng. Sanh, trụ, diệt là tướng hữu vi. Không sanh, trụ, diệt là tướng vô vi. Nếu hư không không có tướng, ắt không pháp hư không. Nếu cho rằng trước không có tướng, sau tướng đến làm tướng, điều đó cũng chẳng đúng. Nếu trước không có tướng, ắt không pháp được thành tướng (sở tướng). Tại sao?

                Trong có tướng, không tướng,
                Tướng ắt không có chỗ trụ.
                Lìa có tướng, không tướng,
                Chỗ khác cũng chẳng trụ.

Như có cục bướu (cổ), có sừng, chót đuôi có lông, dưới cổ có diều, đó gọi là tướng bò. Lìa tướng ấy ắt không có bò. Nếu không có bò thì các tướng đó không chỗ trụ. Thế nên nói “ ở trong pháp không tướng, tướng ắt không sở tướng”.
Trong có tướng, tướng cũng chẳng trụ, vì trước đã có tướng. Như trong tướng nước, tướng lửa chẳng trụ, vì trước đã có tự tướng rồi.

Lại nữa, nếu trong không tướng mà tướng trụ, ắt là không nhân. Không nhân gọi là pháp vô vi mà có tướng. Vì năng tướng và sở tướng thường đối đãi nhau nên lìa có tướng, không tướng, trọn không có trường hợp thứ ba được thành tướng (sở tướng). Thế nên trong bài kệ nói “Lìa có tướng, không tướng. Chỗ khác cũng chẳng trụ”.

        Lại nữa,
                        Vì không pháp năng tướng,
                        Pháp sở tướng cũng không.
                        Vì không pháp sở tướng,
                        Pháp năng tướng cũng không.

Vì tướng không chỗ trụ ắt không pháp sở tướng. Vì không pháp sở tướng nên pháp năng tướng cũng không. Tại sao? Nhân năng tướng có sở tướng, nhân sở tướng có năng tướng, cùng làm nhân đối đải nhau.

                        Thế nên nay không (năng) tướng,
                        Cũng không có sở tướng.
                        Lìa năng tướng, sở tướng,
                        Cũng trọn không có vật.

Ở trong nhân duyên suy tìm cả gốc ngọn tướng, sở tướng quyết định không thể được. Vì hai tướng ấy không thể được nên tất cả pháp đều không. Tất cả pháp đều nhiếp thuộc trong hai pháp năng tướng, sở tướng. Hoặc tướng làm sở tướng, hoặc sở tướng làm tướng. Như lửa lấy khói làm tướng, khói cũng lại có tướng nữa.
Hỏi: - Nếu không có cái Có, lý đáng sẽ có cái Không?
Đáp: -      Nếu như không cái Có,
                Làm sao sẽ có Không?
                Có Không đã không rồi,
                Biết có không là ai?

Thường hoặc vật tự hoại, hoặc bị cái khác làm hoại mới gọi là không, cái Không chẳng tự có, do từ cái Có mà có. Thế nên nói “Nếu như không cái Có, làm sao sẽ có Không”. Mắt thấy tai nghe còn chẳng thể được, huống nữa không vật.
Hỏi: - Do vì không cái Có nên cái Không cũng không, lý đáng sẽ có người biết Có Không?
Đáp: - Nếu có người biết, lý đáng ở trong cái Có, hoặc ở trong cái Không, nhưng có và không đã phá thì người biết cũng đồng bị phá.

                Thế nên biết hư không,
                Chẳng có cũng chẳng không.
                Chẳng tướng, chẳng sở tướng,
                Năm thứ kia cũng vậy.

Như hư không đủ trường hợp suy tìm tướng chẳng thể được, ngoài ra năm thứ còn lại cũng như thế.

Hỏi: - Hư không chẳng ở ban đầu, chẳng ở về sau, vì sao phá trước?
Đáp: - Đất, nước, gió, lửa do các duyên hòa hợp nên dễ phá. Thức do nhân duyên khổ vui nên biết vô thường biến đổi, vì vậy dễ phá. Hư không thì không có tướng như thế, chỉ phàm phu mong mỏi cho là có, thế nên phá trước.

Lại nữa, hư không hay giữ gìn bốn đại, nhân duyên bốn đại mà có thức, thế nên trước phá cội gốc, còn lại sẽ tự phá.

Hỏi: - Người thế gian trọn thấy các pháp là có, là không, vì sao chỉ riêng mình ông trái với thế gian, nói không chỗ thấy?
Đáp: -     Trí cạn thấy các pháp,
                Hoặc có, hoặc không tướng.
                Đó là chẳng hay thấy,
                Pháp diệt kiến an ổn.

Nếu người chưa đạt đạo, chẳng thấy thật tướng các pháp, do nhân duyên ái kiến nên có nhiều thứ hý luận: Khi thấy pháp sanh cho đó là có, chấp lấy tướng nói là Có; khi thấy pháp diệt cho đó là đoạn, chấp lấy tướng nói là Không. Người trí thấy các pháp sanh liền dứt kiến chấp Không; thấy các pháp diệt liền dứt kiến chấp có. Thế nên đối tất cả pháp, dù có chỗ thấy nhưng đều như mộng, như huyễn. Cho đến kiến chấp về đạo vô lậu còn phải dứt, huống nữa những kiến chấp khác. Thế nên nếu người chẳng thấy pháp diệt kiến an ổn, ắt thấy có thấy không.

[ Quay lại ]