headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Trung Luận - PHÁ ĐỐT, BỊ ĐỐT

            Nếu đốt là bị đốt, 
            Làm, người ắt chẳng một.
            Nếu đốt khác bị đốt,
            Lìa bị đốt có đốt.

Hỏi: - Nên có thọ và người thọ, như đốt và bị đốt. Đốt là người thọ, bị đốt là thọ, nghĩa là năm ấm?

Đáp: - Việc đó chẳng phải. Tại sao? Vì đốt và bị đốt chẳng thành. Đốt và bị đốt hoặc do một pháp mà thành, hoặc do hai pháp mà thành? Cả hai đều chẳng thành.

Hỏi: - Hãy gác lại pháp một và khác. Bây giờ đều nói không có đốt, bị đốt, tại sao dùng tướng một, khác để phá. Như lông rùa, sừng thỏ, vì không có nên chẳng thể phá. Thế gian mắt thấy thật có việc, rồi sau mới có thể suy nghĩ. Như có vàng, sau đó mới có thể đốt cháy, có thể trui luyện. Nếu không có đốt và bị đốt, chẳng nên dùng pháp một và khác suy nghĩ. Nếu ông nhân có pháp một khác, thì phải biết là có đốt và bị đốt. Nếu chấp nhận là có, ắt là đã có.

Đáp: - Tuỳ theo pháp thế tục mà nói năng, chẳng nên có lỗi. Đốt và bị đốt, hoặc nói là một, hoặc nói là khác, chẳng gọi là chấp nhân. Nếu lìa lời nói của thế tục, ắt không chỗ để luận bàn. Nếu chẳng nói đến đốt và bị đốt, làm sao hay có chỗ để phá. Nếu không có điều gì để nói, ắt nghĩa chẳng được sáng tỏ. Như có người luận, muốn phá Có Không, ắt phải nói đến Có Không. Chẳng do nói đến Có Không mà cho là chấp nhận có không. Bởi thế, tuỳ theo lời nói của thế gian không có lỗi. Nếu miệng có nói bèn cho là chấp nhân, vậy ông nói: “phá” tức là tự phá rồi. Đốt và bị đốt cũng như thế, dù có nói đến cũng chẳng chấp nhân. Thế nên dùng một một và khác để suy nghĩ đến đốt và bị đốt, cả hai đều chẳng thành. Tại sao?

                    Nếu đốt là bị đốt,
                    Làm, người ắt chẳng một.
                    Nếu đốt khác bị đốt,
                    Lìa bị đốt có đốt.

Đốt là lửa, bị đốt là củi. Người làm là người, làm là nghiệp. Nếu đốt và bị đốt là một, ắt làm và người làm cũng nên là một. Nếu làm và người làm là một, ắt thợ gốm và bình là một. Người làm là thợ gốm, làm là bình. Thợ gốm chẳng phải bình, bình chẳng phải thợ gốm, làm sao là một. Do bởi làm và người làm chẳng một nên đốt và bị đốt cũng chẳng một.

Nếu bảo một chẳng được ắt nên là khác. Điều đó cũng chẳng đúng. Tại sao? Nếu đốt khác bị đốt, lý đáng lìa bị đốt riêng có đốt. Phân bịêt rõ đây là bị đốt, đây là đốt, mỗi nơi lìa bị đốt (củi) nên có đốt (lửa). Mà thật chẳng phải, thế nên khác cũng chẳng thể được.

        Lại nữa,
                    Như thế thường nên đốt,
                    Chẳng nhân bị đốt sanh.
                    Ắt không công đốt lửa,
                    Cũng gọi lửa vô tác.

Nếu đốt và bị đốt là khác, ắt đốt chẳng đợi bị đốt mà là thường đốt. Nếu là thường đốt, ắt tự trụ thể của mình, chẳng đợi nhân duyên, công người ắt thành rỗng. Công người là, sẽ giúp cho lửa khiến đốt cháy, công ấy hiện có. Thế nên biết, lửa chẳng khác bị đốt (củi).

Lại nữa, nếu đốt khác bị đốt, đốt tức thành không tác dụng. Lìa bị đốt (củi) thì lửa đốt cháy cái gì? Nếu vậy, lửa ắt không tác dụng. Lửa không có tác dụng, không có việc đó.

Hỏi: - Vì sao lửa chẳng từ nhân duyên sanh, công người cũng thành rỗng?
Đáp: -  Đốt chẳng đợi bị đốt,
            Ắt chẳng từ duyên sanh.
            Nếu lửa là thường đốt,
            Công người ắt thành rỗng.

Nếu đốt và bị đốt là khác, ắt chẳng đợi bị đốt mà có đốt. Nếu chẳng đợi bị đốt, ắt không pháp nhân nhau, thế nên chẳng từ nhân duyên sanh.

Lại nữa, nếu đốt khác bị đốt, ắt nên thường đốt. Nếu là thường đốt, lý đáng lìa bị đốt riêng thấy có đốt, chẳng cần đến công người. Tại sao?

                Nếu ông bảo đang đốt (cháy),
                Gọi đó là bị đốt.
                Lúc ấy chỉ có củi,
                Vật gì đốt bị đốt?

Nếu cho rằng trước có củi, khi đang cháy gọi là bị đốt. Việc đó chẳng phải. Nếu lìa đốt riêng có bị đốt thì, làm sao nói đang đốt cháy gọi là bị đốt.

            Lại nữa,
                        Nếu khác ắt chẳng đến,
                        Chẳng đến ắt chẳng cháy.
                        Chẳng cháy ắt chẳng tắt,
                        Chẳng tắt ắt thường trụ.

Nếu đốt khác bị đốt, ắt đốt chẳng nên đến bị đốt. Tại sao? Vì chẳng đợi nhau mà thành. Nếu đốt chẳng đợi nhau mà thành, ắt tự trụ thể của mình, đâu cần đến bị đốt, thế nên chẳng đến. Nếu chẳng đến ắt chẳng đốt cái bị đốt. Tại sao? Vì không có cái chẳng đến mà hay đốt cháy. Nếu chẳng đốt cháy ắt không tắt, lý đáng thường trụ nơi tự tướng. Việc đó chẳng phải.

Hỏi: -    Đốt khác với bị đốt,
             Mà hay đến bị đốt.
             Như (người) này đến người kia,
             Người kia đến người này.

Đốt và bị đốt là khác mà hay đến bị đốt. Như người nam đến với người nữ, người nữ đến với người nam?

Đáp: -   Nếu bảo đốt, bị đốt,
            Mỗi cái đều lìa nhau.
            Như thế đốt ắt hay,
            Đến với bị đốt kia.

Nếu lìa đốt có bị đốt, hoặc lìa bị đốt có đốt, mỗi cái đều tự thành, như thế ắt nên đốt đến bị đốt. Mà thật chẳng phải. Tại sao? Vì lìa đốt không có bị đốt, lìa bị đốt không bị đốt. Nay thì, lìa người nam có người nữ, lìa người nữ có người nam, thế nên dụ của ông chẳng phải. Ví dụ chẳng thành nên đốt chẳng đến bị đốt.

Hỏi: - Đốt và bị đốt đợi nhau mà có, nhân bị đốt có đốt, nhân đốt có bị đốt, hai pháp đợi nhau mà thành?

Đáp: -  Nếu nhân bị đốt (có) đốt,
            Nhân đốt có bị đốt.
            Trước thật có pháp gì,
            Mà có đốt, bị đốt?

Nếu nhân bị đốt mà cái đốt được thành, cũng nên nhân đốt mà bị đốt được thành. Trong đó, nếu trước thật có bị đốt, ắt nhân bị đốt cái đốt được thành. Hoặc trước thật có cái đốt, ắt nhân cái đốt mà bị đốt được thành. Nay nếu nhân bị đốt, mà cái đốt được thành, ắt trước thật có bị đốt, rồi sau mới có cái đốt, chẳng nên đợi cái đốt mới có bị đốt. Tại sao? Vì bị đốt ở trước, đốt ở sau. Nếu cái đốt chẳng đốt cái bị đốt, đó là bị đốt ắt chẳng thành. Lại bị đốt chẳng ở chỗ khác, vì lìa cái đốt.

Nếu bị đốt chẳng thành, thì đốt cũng chẳng thành. Nếu trước có đốt, sau có bị đốt, cái đốt cũng có lỗi như thế. Thế nên đốt và bị đốt, cả hai đều chẳng thành.

    Lại nữa,
                    Nếu nhân bị đốt (có) đốt,
                    Ắt đốt thành (rồi) lại thành.
                    Đó là trong bị đốt,
                    Ắt không có cái đốt.

Nếu muốn nhân bị đốt mà thành cái đốt, ắt cái đốt thành rồi lại thành nữa. Tại sao? Bởi cái cái tự trụ trong cái đốt. Nếu cái đốt chẳng tự trụ thể của mình, mà từ bị đốt thành, thì không có việc đó. Thế nên có cái đốt ấy từ bị đốt mà thành, nay ắt cái đốt thành rồi lại thành nữa, có lỗi như thế. Lại có lỗi là có bị đốt mà không có cái đốt. Tại sao? Vì bị đốt lìa cái đốt tự trụ thể của mình. Thế nên đốt và bị đốt nhân đợi nhau, là không có việc đó.

        Lại nữa,
                    Nếu pháp nhận đợi thành,
                    Pháp ấy lại thành đợi.
                    Nay ắt không nhân đợi,
                    Cũng không pháp được thành.

Nếu pháp nhân đợi mà thành, pháp ấy lại trở thành cái nhân gốc để đợi. Thật có như thế, ắt không có hai trường hợp đều là nhân gốc. Như nhân bị đốt mà thành cái đốt, ngược lại cũng nhân cái đốt mà thành bị đốt, ắt là cả hai đều không cố định. Vì không cố định nên chẳng thể được. Tại sao?

                    Nếu pháp có đợi thành,
                    Chưa thành làm sao đợi?
                    Nếu thành rồi có đợi,
                    Thành rồi đâu cần đợi!

Nếu pháp nhân đợi mà thành, thì pháp ấy trước vốn chưa thành. Chưa thành ắt là không, không thì làm sao có nhân đợi. Nếu pháp ấy trước đã thành, trước thành rồi thì đâu cần nhân đợi. Cả hai trường hợp đó đều chẳng nhân đợi nhau, thế nên ông trước nói ở trước là nhân đốt và bị đốt đợi nhau mà thành, không có việc đó. Thế nên:

                Nhân bị đốt không đốt,
                Chẳng nhân cũng không đốt.
                Nhân đốt không bị đốt,
                Chẳng nhân (cũng) không bị đốt.

Nay nhân đợi bị đốt, cái đốt chẳng thành, chẳng nhân đợi bị đốt, cái đốt cũng chẳng thành. Bị đốt cũng như vậy, nhân đốt, chẳng nhân đốt, cả hai đều chẳng thành cái bị đốt. Lỗi đó trước đã nói.

            Lại nữa,
                        Đốt chẳng ở chỗ khác đến,
                        Chỗ đốt cũng không đốt.
                        Bị đốt cũng như thế,
                        Ngoài ra như Khứ Lai (nói).

Cái đốt chẳng ở chỗ khác đến vào trong bị đốt. Trong bị đốt (củi) cũng không có cái đốt (lửa), vì chẻ củi ra, tìm lửa chẳng thể được. Bị đốt cũng như vậy, chẳng từ chỗ khác đến vào trong cái đốt (lửa). Trong cái đốt (lửa) cũng không có bị đốt. Như đốt rồi chẳng đốt, chưa đốt chẳng đốt, đang đốt chẳng đốt, nghĩa ấy trong phẩm Khứ Lai đã nói. Thế nên.

                    Nếu bị đốt không đốt,
                    Lìa bị đốt không đốt.
                    Đốt cũng không bị đốt,
                    Trong đốt không bị đốt. 

Trong bị đốt không có cái đốt, bị đốt tức chẳng đốt. Tại sao? Vì có lỗi trước đã nói làm và người làm là một. Lìa bị đốt không cái đốt, vì có lỗi là thường hay đốt. Đốt không có bị đốt, trong đốt không có bị đốt, trong bị đốt không có đốt, do vì lỗi khác nên cả ba trường hợp cũng chẳng thành.

Hỏi: - Cớ sao nói đốt và bị đốt?

Đáp: - Như nhân bị đốt có đốt, cũng vậy, nhân thọ có người thọ. Thọ gọi là năm ấm, người thọ là người, vì đốt và bị đốt chẳng thành, nên thọ và người thọ cũng chẳng thành. Tại sao?

                Do pháp đốt, bị đốt,
                Nói pháp thọ, người thọ.
                Và để nói bình, y,
                Tất cả mọi pháp thảy...

Như bị đốt chẳng phải đốt, cũng vậy, thọ chẳng phải người thọ, vì có lỗi làm và người làm là một. Lại, lìa thọ không người thọ, vì khác chẳng thể được. Bởi có lỗi khác, nên cả ba trường hợp đều chẳng thành. Như thọ và người thọ, ngoài ra tất cả pháp bình, y ... đều đồng ý với thuyết trên, vốn không sanh, rốt ráo là KHÔNG.

            Thế nên,
                        Nếu người nói có ngã,
                        Các pháp đều tướng khác.
                        Phải biết người như thế,
                        Chẳng thấm mùi Phật pháp.

Các pháp từ xưa đến nay vốn không sanh, rốt ráo là tướng lặng lẽ, thế nên cuối phẩm nói bài kệ này. Nếu người nói tướng ngã, như những người thuộc Độc Tử Bộ nói: chẳng được nói sắc tức ngã, chẳng được nói lìa sắc là ngã, mà ở trong Tạng Bất Khả Thuyết thứ năm.

Những người thuộc Tát Bà Đa Bộ nói: các pháp mỗi thứ riêng khác, là thiện, là bất thiện, là đạo vô ký, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi ... Những người như thế ... chẳng đạt được tướng lặng lẽ của các pháp, dùng lời Phật mà tạo thành đủ thứ lý luận.

[ Quay lại ]