Trung Luận - PHÁ BẢN TẾ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 30 Tháng mười hai 2008 07:56
- Viết bởi nguyen
Lời bậc Đại Thánh nói, |
Hỏi: - Kinh Không Bản Tế nói: chúng sanh qua lại trong sanh tử không thật có bản tế. Trong đó nói có chúng sanh, có sanh tử, do nhân duyên gì nên nói lời này?
Đáp: - Lời bậc Đại Thánh nói,
Không thật có bản tế.
(Là) Sanh tử không có đầu,
Cũng lại không có cuối.
Thánh nhân có ba hạng: 1 – Ngoại đạo có năm thần thông. 2 – Bậc A La Hán, Bích Chi Phật. 3 – Bậc Đại Bồ Tát được thần thông. Phật là bậc trên hết trong ba hạng nên nói là Đại Thánh. Lời đức Phật nói ra, thảy đều là chân thật. Nói sanh tử không có bắt đầu. Tại sao? Bởi sanh tử trước sau chẳng thể được, thế nên nói không có bắt đầu. Ông cho rằng, nếu không có trước sau, lý đáng có khoảng giữa, điều đó cũng chẳng đúng. Tại sao?
Nếu không có đầu, cuối,
Làm sao sẽ có giữa?
Thế nên ở trong đây,
Trước, sau, chung (giữa) cũng không.
Nhân giữa và sau nên có trước. Nhân trước và giữa nên có sau. Nếu không có trước, không có sau, làm sao có giữa? Trong sanh tử không có trước, sau, giữa, thế nên nói trước, sau, chung chẳng thể được. Tại sao?
Giả sử trước có sanh,
Sau có già chết, thì,
Chẳng già chết có sanh,
Chẳng sanh có già chết.
Nếu trước có già chết,
Rồi sau lại có sanh.
Điều đó ắt không nhân,
Chẳng sanh, có già chết.
Chúng sanh sanh tử, nếu trước sanh, dần dần có già, rồi sau có chết, ắt sanh không có già chết. Pháp, thì lý đáng sanh thì có già chết, già chết thì có sanh. Lại chẳng già chết mà sanh, điều đó cũng chẳng đúng. Lại nhân sanh mà có già chết, nếu trước có già, chết sau có sanh, ắt già chết không có nhân, vì sanh có sau. Lại, chẳng sanh đâu có già chết. Nếu bảo sanh, già, chết trước, sau chẳng thể được, cùng một lúc thành, điều đó cũng có lỗi. Tại sao?
Sanh cùng với già chết,
Chẳng được cùng một lúc.
Đang sanh ắt có chết,
Cả hai đều không nhân.
Nếu sanh, già, chết cùng một lúc ắt chẳng đúng. Tại sao? Vì đang sanh liền có chết. Pháp, lý đáng khi sanh thì có, khi chết thì không. Nếu đang sanh có chết, điều đó chẳng đúng. Nếu cùng một lúc sanh ắt không có nhân nhau. Như sừng trâu cùng một lúc có ra ắt chẳng nhân nhau. Thế nên.
Nếu như trước, sau, giữa,
Thảy đều là chẳng đúng.
Vì sao mà hý luận,
Bảo có sanh, già, chết?
Suy xét kỹ sanh, già, chết, vì ba trường hợp đều có lỗi nên tức là không sanh, rốt ráo KHÔNG, nay cớ sao tham trước, hý luận sanh, già, chết mà bảo rằng có tướng thật !
Lại nữa,
Những gì có nhân quả,
Và pháp tướng, sở tướng.
Thọ và người thọ ...
Tất cả pháp đã có.
Chẳng những với sanh tử,
Không thật, có bản tế.
Như thế tất cả pháp,
Cũng đều không bản tế.
Tất cả pháp, nghĩa là nhân quả, tướng sở tướng, thọ và người thọ ... đều không có bản tế, chẳng phải chỉ có sanh tử là không bản tế. Bởi vì lược chỉ bày nên nói sanh tử không bản tế.