Trung luận - QUÁN TRÓI VÀ MỞ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 27 Tháng một 2009 20:39
- Viết bởi nguyen
Trói, thì không có mở, |
Hỏi: - Sanh tử chẳng phải đều không có cội gốc, ở trong đó lý đáng có chúng sanh qua lại, hoặc các hành qua lại. Ông do nhân duyên gì nên nói chúng sanh và các hành trọn không, không có qua lại?
Đáp: - Các hành là qua lại,
Thường, chẳng nên qua lại.
Vô thường, cũng chẳng nên,
Chúng sanh cũng lại thế.
Các hành qua lại trong sáu đường sanh tử, là tướng thường mà qua lại? Hay tướng vô thường mà qua lại? Cả hai đều chẳng đúng. Nếu là tướng thường mà qua lại, ắt không có sanh tử tương tục. Do vì thật có. Vì trụ ngay tự tánh. Nếu do vô thường mà qua lại, cũng không có sanh tử tương tục. Do vì chẳng thật có. Vì không tự tánh. Nếu do chúng sanh nên qua lại, cũng có lỗi như thế.
Lại nữa,
Nếu chúng sanh qua lại,
Trong ấm, giới, các nhập.
Năm thứ tìm trọn không,
Cái gì có qua lại?
Sanh tử, ấm, giới, nhập tức là một nghĩa. Nếu chúng sanh ở trong ấm, giới, nhập mà qua lại thì, chúng sanh ấy trong phẩm Đốt và Bị Đốt, phẩm Năm Đại Chủng suy tìm không thể được, cái gì ở trong ấm, giới, nhập mà có qua lại?
Lại nữa,
Nếu từ thân đến thân,
Qua lại tức không thân.
Nếu như không có thân,
Ắt không có qua lại.
Nếu chúng sanh qua lại, là có thân mà qua lại? Hay không thân mà qua lại? Cả hai đều chẳng đúng. Tại sao? Nếu có thân mà qua lại, thì từ một thân đến một thân. Như thế, ắt qua lại là không thân. Lại, nếu trước là có thân, chẳng nên từ thân đến thân.
Nếu trước không thân ắt không có. Nếu không có, làm sao có sanh tử qua lại?
Hỏi: - Kinh nói có niết bàn diệt tất cả khổ, cái diệt ấy lý đáng các hành diệt, hoặc chúng sanh diệt?
Đáp: - Cả hai đều chẳng đúng. Tại sao?
Nếu các hành là diệt,
Việc đó trọn chẳng đúng.
Nếu chúng sanh là diệt,
Việc đó cũng chẳng đúng.
Nếu ông nói các hành diệt, hoặc chúng sanh diệt, việc đó trước đã đáp. Các hành không có tánh, chúng sanh cũng không, mọi thứ suy tìm sanh tử qua lại chẳng thể được. Thế nên các hành chẳng diệt, chúng sanh cũng không diệt.
Hỏi: - Nếu vậy, ắt không có trói, không có mở, vì không thật có cội gốc?
Đáp: - Tướng các hành sanh diệt,
Chẳng trói cũng chẳng mở.
Chúng sanh như trước nói,
Chẳng trói cũng chẳng mở.
Ông bảo các hành và chúng sanh có trói, mở, việc đó chẳng đúng. Vì các hành niệm niệm sanh diệt, nên chẳng thể có trói mở. Chúng sanh thì ở trước nói năm trường hợp suy tìm chẳng thể được, làm sao có trói mở.
Lại nữa,
Nếu thân gọi là trói,
Có thân ắt chẳng trói.
Không thân cũng chẳng trói,
Chỗ nào mà có trói?
Nếu bảo thân năm ấm gọi là trói, giả sử chúng sanh trước có năm ấm ắt chẳng nên trói. Tại sao? Vì một người có hai thân.
Không thân cũng chẳng nên trói. Tại sao? Nếu không thân ắt không năm ấm; không năm ấm ắt không, làm sao có thể trói. Như thế trường hợp thứ ba cũng không chỗ trói.
Lại nữa,
Nếu bị trói trước (có hay) trói,
Ắt nên trói bị trói.
Mà trước thật không (hay) trói,
Ngoài ra như Khứ Lai (đáp).
Nếu bảo bị trói trước có cái hay trói, ắt nên trói cái bị trói. Mà thật lìa bị trói trước không có cái hay trói. Thế nên chẳng được nói chúng sinh có trói.
Hoặc nói chúng sanh là bị trói, năm ấm là hay trói. Hoặc nói các phiền não trong năm ấm là hay trói, ngoài ra năm ấm là bị trói, việc đó chẳng đúng. Tại sao? Nếu lìa năm ấm trước có chúng sanh, ắt nên lấy năm ấm trói chúng sanh. Mà thật lìa năm ấm không riêng có chúng sanh. Nếu lìa năm ấm riêng có phiền não, ắt nên lấy phiền não trói năm ấm. Mà thật lìa năm ấm không riêng có phiền não.
Lại nữa, như trong phẩm Khứ Lai đã nói: đã đi thì chẳng đi, chưa đi thì chẳng đi, đang đi cũng chẳng đi. Cũng vậy, chưa trói thì chẳng trói, trói rồi thì chẳng trói, đang trói cũng chẳng trói.
Lại nữa, cũng không có mở. Tại sao?
Trói, thì không có mở,
Chẳng trói cũng chẳng mở.
Đang trói mà có mở,
Trói mở ắt cùng lúc.
Trói thì không có mở. Tại sao? Vì đã trói. Không trói cũng không có mở. Tại sao? Vì không có trói. Nếu bảo đang trói có mở, ắt trói và mở cùng một lúc. Việc đó chẳng đúng. Lại, vì trói và mở trái nhau.
Hỏi: - Có người tu hành Thánh đạo hiện vào niết bàn, được giải thoát làm sao nói không có?
Đáp: - Nếu chẳng thọ các pháp,
Ta sẽ được niết bàn.
Nếu người như thế đó,
Trở lại bị thọ trói.
Nếu người khởi niệm thế này: “Ta lìa thọ được niết bàn”. Người ấy liền bị thọ trói.
Lại nữa.
Chẳng lìa nơi sanh tử,
Mà riêng có niết bàn.
Nghĩa thật tướng như thế,
Làm sao có phân biệt.
Trong đệ nhất nghĩa thật tướng của các pháp, chẳng nói lìa sanh tử riêng có niết bàn. Như Kinh nói: Niết bàn tức sanh tử, sanh tử tức niết bàn. Như thế, trong thật tướng của các pháp làm sao nói cố định đây là sanh tử, đây là niết bàn!