Trung luận - QUÁN NGHIỆP
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 02 Tháng Hai 2009 08:02
- Viết bởi nguyen
Thân nghiệp và khẩu nghiệp |
Hỏi: - Tuy dùng mọi trường hợp phá các pháp, mà nghiệp là thật có, hay khiến cho tất cả chúng sanh thọ quả báo. Như kinh nói: -Tất cả chúng sanh đều theo nghiệp mà thọ sanh. Người làm ác thì vào địa ngục, người tu phước thì sanh cõi trời, người tu hành Thánh đạo thì đuợc niết bàn. Thế nên tất cả pháp chẳng nên không. Nghiệp đó, nghĩa là:
Người hay hàng phục tâm,
Lợi ích cho chúng sanh.
Đó gọi là tứ thiện
Giống quả báo hai đời.
Người có ba món độc, vì làm não hại người khác nên sanh. Người tu hành điều lành là trước tự dứt điều ác, thế nên nói, hàng phục tâm mình, làm lợi ích cho người khác. Lợi ích cho người khác là, bố thí, trì giới, nhẫn nhục..., chẳng làm não hại chúng sanh. Đó gọi là làm lợi ích cho người khác, cũng gọi là phước đức của việc lành nơi lòng từ, cũng gọi là hạt giống của an vui đời nay và đời sau.
Lại nữa,
Đại Thánh nói hai nghiệp,
Tư và từ tư sanh.
Nghiệp ấy trong tướng riêng,
Nhiều thứ phân biệt nói.
Bậc Đại Thánh, lược nói về Nghiệp có hai thứ : 1- Tư. 2- Từ tư sanh. Hai nghiệp ấy đã nói rộng trong A Tỳ Đàm.
Tư mà Phật đã nói,
Chính đó là ý nghiệp.
Còn cái từ tư sanh,
Tức thân và khẩu nghiệp.
Tư là tâm sở. Trong các tâm sở, do hay phát khởi việc tạo tác nên gọi là nghiệp. Nhưng vì tư ấy nên dấy khởi nghiệp thân và khẩu bên ngoài. Tuy nhân các tâm và tâm sở khác mà có việc tạo tác, nhưng vì tư là gốc của việc tạo tác nên nói tư là nghiệp. Nay sẽ nói về tướng của nghiệp ấy:
Thân nghiệp và khẩu nghiệp,
Tác và vô tác nghiệp.
Như thế trong bốn việc,
Cũng thiện cũng chẳng thiện.
- Từ dụng sanh phước đức,
Tội sanh cũng như thế.
Và tư là bảy pháp,
Hay rõ tướng các nghiệp.
Khẩu nghiệp là bốn thứ khẩu nghiệp Thân nghiệp là 3 thứ thân nghiệp – 7 thứ nghiệp ấy có hai thứ sai biệt: có tạo tác, có chẳng tạo tác. Khi tạo tác gọi là tác nghiệp. Tạo tác rồi thì thường đeo đuổi theo mà phát sanh, gọi là vô tác nghiệp.
Hai thứ nghiệp trên có thiện và chẳng thiện. Chẳng thiện gọi là dừng ác. Thiện gọi là dừng ác.
Lại có phước đức từ dụng sanh. Như thí chủ đem thí cho người nhận. Nếu người nhận rồi thọ dụng thì thí chủ có hai thứ phước: 1- Từ thí sanh. 2- Từ thọ dụng sanh. Như người dùng tên bắn người. Nếu tên giết chết một người thì có hai thứ tội: 1- Từ bắn sanh. 2- Từ giết sanh. Nếu bắn chẳng chết, người bắn chỉ có tội bắn mà không có tội giết. Thế nên trong bài kệ nói: “Tội phước từ dụng sanh”. Như thế gọi là sáu thứ nghiệp. Thứ 7 gọi là tư. Bảy thứ đó tức là phân biệt về tướng của Nghiệp. Nghiệp đó có quả bảo đời nay và đời sau. Thế nên thật có nghiệp, có quả báo, vì thế các pháp chẳng nên không?
Đáp: - Nghiệp trụ đến thọ báo,
Nghiệp ấy tức là thường.
Nếu diệt tức vô thường,
Làm sao sanh quả báo.
Nếu nghiệp trụ đến thọ quả báo tức là thường. Việc đó chẳng đúng. Tại sao? Nghiệp là tướng sanh diệt tương tục, một niệm còn chẳng dừng trụ, huống nữa đến quả báo.
Nếu bảo nghiệp diệt, diệt ắc là không, làm sao hay sanh quả báo.
Hỏi: - Như mầm .vv.. tương tục,
Đều từ hạt giống sanh.
Từ đó mà sanh quả,
Lìa giống, không tương tục.
- Từ giống có tương tục,
Từ tương tục có quả.
Trước giống, sau có quả,
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
- Cũng vậy từ sơ tâm,
Tâm sở tương tục sanh.
Từ đó mà có quả,
Lìa tâm không tương tục.
Từ tâm có tương tục.
Từ tương tục có quả.
Trước nghiệp sau có quả,
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
Như từ hạt lúa có mầm, từ mầm có cọng, lá v..v tương tục. Từ tương tục mà có quả. Lìa hạt giống không có tương tục sanh. Thế nên từ hạt lúa có tương tục, từ tương tục có quả. Vì trước là hạt giống, sau có quả nên chẳng đoạn cũng chẳng thường. Như dụ hạt lúa, nghiệp quả cũng như thế. Tâm ban đầu giấy khởi tội phước, giống như hạt giống lúa. Nhân tâm ấy, các tâm và tâm sở khác tương tục sanh cho đến quả báo. Vì trước nghiệp sau quả nên chẳng đoạn cũng chẳng thường. Nếu lìa nghiệp có quả báo, ắt có đoạn thường.
Đây là nhân duyên quả báo của nghiệp Thiện. Nghĩa là:
Hay làm thành phước nghiệp,
Là mười bạch nghiệp đạo.
Năm dục lạc hai đời,
Tức quả báo bạch nghiệp.
Bạch gọi là trong sạch tốt lành thành tựu nhân duyên phước đức là từ mười bạch nghiệp đạo đó mà sanh chẳng giết hại, chẳng trộm cướp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói hung dữ, chẳng nói vô ích, chẳng ganh ghét, chẳng nóng giận, chẳng tà kiến. Đây gọi là lành (thiện), từ thân khẩu ý mà sanh. Quả báo đó là, được tiếng tâm lợi lạc đời nay, đời sanh thì sanh ở chỗ tôn quý trong người trời. Bố thí, cung kính vv.. tuy có nhiều thứ phước đức, nói gọn thì nhiếp thuộc trong mười thiện đạo?
Đáp: - Nếu như ông phân biệt,
Lỗi đó ắt rất nhiều.
Thế nên điều ông nói,
Với nghĩa ắt chẳng đúng.
Nếu có nghiệp quả báo tương tục nên dùng hạt lúa làm thí dụ thì lỗi đó rất nhiều, nhưng trong đây chẳng nói rộng.
Ông nói dụ hạt lúa, dụ ấy chẳng đúng. Tại sao? Hạt lúa có xúc chạm, có hình có thể thấy, có tương tục mà tôi suy xét kỹ việc ấy còn chưa chấp nhận; huống nữa tâm và nghiệp là không xúc chạm, không hình có thể thấy, sanh diệt chẳng dừng trụ, mà muốn cho là tương tục, việc đó chẳng đúng.
Lại nữa, từ hạt lúa có mầm... tương tục, là diệt rồi mà tương tục hay chẳng diệt mà tương tục? Nếu hạt lúa diệt rồi mà tương tục, ắt là không nhân. Nếu hạt luá chẳng diệt mà tương tục thì, từ hạt lúa đó thường sanh các hạt lúa. Nếu như vậy, một hạt lúa ắt sanh tất cả hạt lúa ở thế gian, việc đó chẳng đúng. Thế nên nghiệp quả báo tương tục ắt chẳng đúng.
Hỏi: - Nay sẽ lại nói thêm,
Nghĩa quả báo thuận nghiệp.
Chư Phật, Bích Chi Phật,
Hiền Thánh đã khen ngợi.
Nghĩa là:
Pháp chẳng mất như khoán (giấy nợ)
Nghiệp như của cải vay.
Tánh này ắt vô ký,
Phân biệt có bốn thứ.
- Thấy đế chẳng bị đoạn,
Chỉ tư duy mới đoạn.
Do pháp chẳng mất đo,ù
Các nghiệp có quả báo.
- Nếu thấy đế bị đoạn,
Mà nghiệp đến tương tợ.
Ắt sẽ phá về nghiệp.
Có lỗi lầm như thế.
- Tất cả các hành nghiệp,
Tương tợ, chẳng tương tợ.
Một cõi mới thọ thân,
Bấy giờ báo riêng sanh.
- Như thế hai thứ nghiệp,
Hiện đời thọ quả báo.
Hoặc nói thọ báo rồi,
Mà nghiệp vẫn cứ còn.
- Hoặc độ quả rồi diệt,
Hoặc chết rồi mà diệt.
Ở trong đó phân biệt,
Hữu lậu mà vô lậu.
Pháp chẳng mất đó, nên biết như tờ giấy nợ. Nghiệp như vật nhận lấy. Pháp chẳng mất ấy, có sự ràng buộc ở Dục giới, sự ràng buộc ở Sắc giới, sự ràng buộc ở Vô Sắc giới, cũng chẳng ràng buộc.
Nếu phân biệt thiện, bất thiện, vô ký, trong vô ký chỉ là vô ký. Nghĩa vô ký ấy đã nói rộng trong A-Tỳ-Đàm.
Thấy đế chẳng bị đoạn, từ một quả đến một quả, ở trong đó từ tư duy bị đoạn. Bởi vậy các nghiệp do pháp chẳng mất nên quả sanh. Nếu thấy đế bị đoạn. Thì nghiệp đến tương tợ ắt bị lỗi phá nghiệp. Việc đó đã nói rộng trong A-Tỳ-Đàm.
Lại nữa, pháp chẳng mất đó, đối với các nghiệp tương tợ, chẳng tương tợ ở một cõi, khi mới thọ thân, quả báo riêng một mình sanh nơi thân hiện tại.
Từ nghiệp lại sanh nghiệp, nghiệp ấy có hai thứ, tùy cái nào nặng sẽ thọ quả báo trước.
Hoặc có người nói, nghiệp ấy thọ báo rồi mà nghiệp vẫn còn, do vì chẳng niệm niệm diệt.
Hoặc độ quả rồi diệt, hoặc chết rồi mà diệt là, Tu Đà Hoàn và A La Hán... đã vượt qua quả rồi mới diệt. Các phàm phu thì chết rồi mới diệt.
Ở trong đó phân biệt hữu lậu và vô lậu là các bậc Hiền Thánh từ Tu Đà Hoàn..., nên phân biệt hữu lậu và vô lậu?
Đáp: Nghĩa đó đều chẳng lìa lỗi đoạn thường, vì vậy cũng chẳng nên chấp nhận.
Hỏi: - Nếu vậy, ắt không nghiệp quả báo?
Đáp: - Tuy không cũng chẳng đoạn,
Tuy có mà chẳng thường.
Nghiệp quả báo chẳng mất,
Đây gọi là Phật nói.
Nghĩa mà luận này nói là lìa cả đoạn và thường. Tại sao? Nghiệp rốt ráo là KHÔNG, tướng lặng lẽ, tự tánh lìa, thì có pháp gì để đoạn, pháp gì để mất? Do nhân duyên điên đảo nên qua lại trong sanh tử cũng chẳng thường. Tại sao? Nếu pháp từ điên đảo khởi ắt là hư vọng không thật; vì không thật nên chẳng phải thường.
Lại nữa, vì tham trước điên chẳng rõ biết thật tướng nên nói nghiệp chẳng mất. Chính đó là lời Phật nói.
Lại nữa,
Các nghiệp vốn chẳng sanh,
Do vì không tánh thật.
Các nghiệp cũng chẳng diệt,
Do vì nó chẳng sanh.
- Nếu nghiệp thật có tánh,
Tức gọi đó là thường.
Chẳng làm cũng gọi nghiệp,
Thường ắt chẳng phải làm.
- Nếu có nghiệp chẳng làm,
Chẳng làm lại có tội.
Chẳng đoạn dứt phạm hạnh.
Mà có lỗi bất tịnh
- Ắt là phá tất cả,
Pháp nói năng thế gian.
Làm tội và làm phước,
Cũng không có sai khác.
- Nếu nói nghiệp thật có,
Mà tự có tánh thật.
Thì thọ quả báo rồi,
Lý đáng lại thọ nữa.
- Nếu các nghiệp thế gian,
Từ phiền não có ra.
Phiền não ấy chẳng thật,
Nghiệp làm sao có thật?
Trong đệ nhất nghĩa các nghiệp vốn chẳng sanh. Tại sao? Vì không tánh. Do nhân duyên chẳng sanh nên ắt chẳng diệt; Chẳng phải do thường nên chẳng diệt. Nếu chẳng diệt vậy, nghiệp tách lý đáng là thật có. Nếu nghiệp thật có tánh ắt là thường. Nếu thường thì đó là nghiệp chẳng làm. Tại sao? Vì pháp thường thì chẳng thể làm.
Lại nữa, nếu có nghiệp chẳng làm thì, người khác làm tội, người chịu báo, người khác đoạn phạm hạnh mà người này mắc tội. Như thế ắt phá pháp của thế tục.
Nếu là trước có thì, mùa Đông chẳng nên nghĩ nhớ đến việc mùa Xuân; mùa xuân chẳng nên nghĩ đến việc mùa Hạ có những lỗi như thế...
Laị nữa, làm phước và làm tội ắt không có sai khác. Dấy tạo những nghiệp bố thí, trì giới... Gọi là làm phước. Giấy tạo những nghiệp giết hại, trộm cướp... Gọi là làm tội. Nếu chẳng làm mà có tội thì không có phân biệt ra.
Laị nữa, nếu nghiệp ấy là thật có tánh, ắt cùng một lúc thọ quả báo rồi lại nên thọ nữa. Vì vậy ông nói do pháp chẳng mất nên có nghiệp báo, ắt có những lỗi như trên.
Lại nữa, nếu nghiệp từ phiền não dấy khởi, phiền não đó không có tánh thật, chỉ từ nhớ tưởng phân biệt mà có. Nếu các phiền não không thật, nghiệp làm sao có thật? Tại sao? Vì cái nhân không tánh nên nghiệp cũng không tánh.
Hỏi: - Nếu các phiền não và nghiệp không tánh, chẳng thật, vậy thân quả báo hiện có lý đáng là thật?
Đáp:- Các phiền não và nghiệp, là nhân duyên của thân. Phiền não, các nghiệp KHÔNG. Huống nữa là các thân!
Các bậc Hiền Thánh nói phiền não và nghiệp là nhân duyên của thân. Trong đó ái hai sanh đắm trước, nghiệp hay tạo ra những quả báo tốt xấu, quý tiện thượng trung và hạ. Nay các phiền não và nghiệp đủ thứ suy tìm không có thật, huống nữa các thân có thật quả, vì tùy nơi nhân duyên.
Hỏi: - Tuy ông dùng đủ thứ nhân duyên để phá nghiệp và quả báo, mà kinh nói có người dấy khởi nghiệp. Vì có người dấy khởi nghiệp nên có nghiệp, có quả báo. Như nói:
Bị vô minh che lấp,
Bị Aí, kết trói buộc.
Đối với người làm trước,
Chẳng khác cũng chẳng một.
Trong Kinh Vô Thủy nói: “chúng sanh bị vô minh che lấp, bị Ái kết trói buộc, qua lại trong sanh tử từ vô thủy, thọ đủ thứ khổ vui”. Nay người thọ đối với người làm ở trước chẳng tức đó, cũng chẳng khác. Nếu tức đó thì người làm tội thọ thân hình trâu, trâu chẳng làm người. Nếu khác ắt mất nghiệp quả báo, rơi vào đoạn diệt. Thế nên người thọ đối với người làm trước chẳng tức đó, cũng chẳng khác?
Đáp: - Nghiệp chẳng từ duyên sanh,
Chẳng từ phi duyên sanh.
Thế nên ắt không có,
Người hay dấy khởi nghiệp.
- Không nghiệp, không người làm,
Đâu có nghiệp sanh quả.
Nếu là không có quả,
Đâu có người thọ quả!
Nếu không nghiệp, không người tạo nghiệp, đâu có từ nghiệp sanh quả báo. Nếu không quả báo, làm sao có người thọ quả báo! Nghiệp có ba thứ, trong năm ấm giả gọi người, đó là người làm. Nghiệp ấy sanh ở chỗ thiện hoặc ác gọi là quả báo. Nếu người khởi nghiệp còn không, huống nữa có nghiệp, có quả báo, và người thọ quả báo.
Hỏi: - Tuy ông đủ phá nghiệp quả báo và người khởi nghiệp, mà hiện nay chúng sanh tạo nghiệp, thọ quả báo quả, việc đó thế nào?
Đáp: - Như thần thông Thế Tôn
Biến hóa ra người hóa.
Như thế người hóa ra,
Lại biến ra người hóa.
- Như người hóa ban đầu,
Gọi đó là người làm.
Việc người hóa làm ra,
Ắt gọi đó là nghiệp.
Các phiền não và nghiệp,
Người làm và quả báo.
Đều như huyễn, như mộng,
Như sóng nắng, như vang.
Như do sức thần thông của Phật, biến hóa ra người hóa. Người hóa ấy lại hóa ra người hóa nữa. Như người hóa vốn không có sự thật, có thể mắt thấy. Lại, người hóa dùng khẩu nghiệp nói pháp, thân nghiệp bố thí .vv... nghiệp ấy dù không thật mà có thể mắt thấy. Cũng vậy, thân sanh tử, người làm và nghiệp cũng nên như thế mà biết. Phiền não gọi là ba độc. Phân biệt có 98 sử, 9 kết, 10 triền, 6 cấu,... vô lượng các phiền não. Nghiệp gọi là nghiệp thân, khẩu và ý. Đời nay và đời sau phân biệt có thiện ác, vô ký, khổ báo, lạc báo, chẳng khổ chẳng lạc báo, nghiệp hiện báo, nghiệp sanh báo, nghiệp hậu báo, vô lượng thứ... như thế người làm gọi là người hay khởi các nghiệp phiền não, hay thọ quả báo.
Quả báo gọi là từ thiện ác sanh năm ấm vô ký. Các nghiệp như thế... đều KHÔNG, không tánh, như huyễn, như mộng, như vang, như sóng nắng.