headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Trung luận - QUÁN PHÁP

         Nếu ngã là năm ấm,
         Ngã tức là sanh diệt.
         Nếu ngã khác năm ấm,
         Chẳng phải tướng năm ấm.

Hỏi: - Nếu các pháp trọn rốt ráo KHÔNG, không sanh không diệt, đó gọi là thật tướng các pháp, thì làm sao vào? (thể nhập)

Đáp: - Do dứt sạch chấp trước ngã và ngã sở nên được trí tuệ vô ngã thấu tất cả pháp Không gọi là vào?

Hỏi: - Làm sao biết các pháp vô ngã?
Đáp: -
             1. Nếu ngã là năm ấm,
                Ngã tức là sanh diệt.
                Nếu ngã khác năm ấm,
                (Ắt) Chẳng phải tướng năm ấm.
            2. Nếu là không có ngã,
                Đâu được có ngã sở.
                Vì diệt ngã, ngã sở,
                Gọi được trí vô ngã.
            3. Người được trí vô ngã,
                Gọi đó là thật quán.
                Người được trí vô ngã,
                Đó là người ít có.
            4. Trong ngoài ngã, ngã sở,
                Vì tận diệt không có.
                Các thọ liền bị diệt,
                Thọ diệt ắt thân diệt.
             5. Vì nghiệp phiền não diệt,
                Gọi đó là giải thoát.
                Nghiệp phiền não chẳng thật,
                Vào KHÔNG, dứt hý luận.
            6. Chư Phật hoặc nói ngã,
                Hoặc khi nói vô ngã.
                Trong thật tướng các pháp,
                Không ngã, Không phi ngã.
            7. Thật tướng các pháp thì,
                Dứt nói năng, tâm hành.
                Không sanh cũng không diệt,
                Lặng lẽ như niết bàn.
            8. Tất cả thật chẳng thật,
                Cũng thật cũng chẳng thật.
                Chẳng thật, chẳng chẳng thật.
                Đó gọi pháp Chư Phật
            9. Tự biết chẳng do người,
                Lặng lẽ không hý luận.
                Không khác, không phân biệt,
                Đó gọi là thật tướng.
          10. Nếu pháp từ chuyên sanh,
                Chẳng tức, chẳng khác nhân.
                Thế nên gọi thật tướng,
                Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
           11. Chẳng một cũng chẳng khác,
                Chẳng thường cũng chẳng đoạn.
                Đó gọi vị cam lồ,
                Các Thế Tôn giáo hóa.
          12. Nếu Phật chẳng ra đời,
                Phật pháp đã diệt tận.
                Trí các Bích Chi Phật,
                Từ nơi xa lìa sanh.

Có người nói, Thần nên có hai thứ: hoặc năm ấm tức là thần, hoặc lìa năm ấm có thần. Nếu năm ấm là thần, thần ắt là tướng sanh diệt. Như trong bài kệ nói: “Nếu thần là năm ấm, tức là tướng sanh diệt”. Tại sao? Vì sanh rồi hư hoại. Do tướng sanh diệt nên năm ấm là vô thường. Như năm ấm vô thường, hai pháp sanh diệt cũng là vô thường. Tại sao? Vì sanh diệt cũng sanh rồi hư hoại nên vô thường. Nếu thần là năm ấm, vì năm ấm vô thường nên thần cũng phải là tướng sanh diệt vô thường, nhưng việc đó chẳng đúng.

Nếu lià năm ấm có thần, thần tức không tướng năm ấm. Như trong bài kệ nói “nếu thần khác năm ấm chẳng phải tướng năm ấm”. Song lìa năm ấm trọn không có pháp. Nếu lìa năm ấm mà có pháp, do tướng gì, pháp gì mà có?

Nếu bảo thần như hư không, lìa năm ấm mà có, điều đó cũng chẳng đúng. Tại sao? Trong phẩm Phá Sáu Đại Chủng đã phá hư không, không có pháp gọi là hư không.

Nếu bảo do có niềm tin nên có thần. Điều đó chẳng đúng. Tại sao? Tin có bốn thứ:

            1. Việc hiện thấy đáng tin
            2. So sánh biết đáng tin. Như thấy khói biết có lửa.
            3. Thí dụ đáng tin. Như cõi nước không có thâu thạch (đá tợ vàng) dụ nó như là vàng.
            4. Do lời bậc Hiền Thánh nói ra nên đáng tin. Như nói có địa ngục, cõi trời, Châu Uất - Đơn Việt, không có ai thấy, do tin lời Thánh nhân nên biết.

Thần ấy đối trong tất cả thứ tin chẳng thể được. Trong việc hiện thấy cũng không, trong so sánh biết cũng không. Tại sao? Vì so sánh biết gọi là trước thấy nên sau so sánh cùng loại mà biết. Như người trước thấy lửa có khói, sau chỉ thấy khói ắt biết có lửa. Nghĩa thần thì chẳng thế. Ai hay trước thấy thần cùng hợp với năm ấm, rồi sau thấy năm ấm liền biết có thần?

Nếu bảo có ba thứ so sánh biết:

                1. Như gốc trước.
                2. Như còn dư lại.
                3. Cùng chung thấy.

Như gốc trước, nghĩa là trước thấy lửa có khói, nay thấy khói biết như trước có lửa.

Như còn dư lại nghĩa là, như thổi cơm một hạt gạo chín liền biết những hạt còn lại đều chín.

Cùng chung thấy nghĩa là, như mắt thấy người từ đây đi đến kia, người kia cũng thấy mình đi. Mặt trời cũng như thế, từ phương Đông mọc lên rồi đến phương Tây. Tuy chẳng thấy nó đi, do người có tướng đi nên biết mặt trời cũng có đi. Cũng vậy, khổ vui, yêu ghét, hay biết,.vv... cũng nên có chỗ nương như thấy người dân biết chắc là nương với vua. Việc đó đều chẳng đúng. Tại sao? tướng chung mà tin là trước thấy người cùng hợp với cái đi mà đi đến phương khác rồi sau do thấy mặt trời đến phương khác nên biết có cái đi. Nhưng không có ai trước thấy năm ấm hợp với thần, rồi sau thấy năm ấm liền biết có thần. Thế nên trong tướng chung so sánh biết cũng không có thần.

Trong lời Thánh nhân nói ra cũng không có thần. Tại sao? Lời Thánh nhân nói ra đều trước mắt thấy rồi sau đó mới nói, lại do các Thánh nhân nói việc khác đáng tin nên phải biết nói địa ngục,vv... cũng đáng tin, mà thần thì chẳng vậy. Không có ai trước thấy thần rồi sau nói. Thế nên các thứ tin đối trong bốn thứ tin... tìm thần chẳng thể được. Vì tìm thần chẳng thể được nên không. Vì vậy lìa năm ấm không riêng có thần.

Lại nữa, trong phẩm Phá Căn, vì đã phá cái thấy, người thấy, bị thấy nên thần cũng đồng phá.

Lại, mắt thấy pháp thô còn chẳng được, huống nữa hư không hư vọng nhớ tưởng... mà có thần. Thế nên biết không có ngã. Vì nhân có ngã nên có ngã sở. Nếu không ngã ắt không ngã sở. Tu tập tám phần Thánh đạo, do nhân duyên diệt ngã, ngã sở nên được trí tuệ quyết định không ngã, không ngã sở.
Lại, không ngã, không ngã sở là, trong đệ nhất nghĩa cũng chẳng thể được. Không ngã không ngã sở là hay thật thấy các pháp.

Người phàm phu do ngã và ngã sở làm ngăn che con mắt trí tuệ. Nên chẳng thể thấy sự thật. Nay do bậc Thánh không ngã, ngã sở nên các phiền não diệt cũng diệt. Do các phiền não diệt nên hay thấy thật tướng các pháp.

Do trong ngoài ngã, ngã sở diệt nên các thọ cũng diệt. Do các thọ diệt nên vô lượng thân sau đều diệt, đó gọi là vô dư niết bàn?

Hỏi: - Thế nào là hữu dư niết bàn?

Đáp: - Vì các phiền não và nghiệp diệt nên gọi tâm được giải thoát. Các nghiệp phiền não ấy đều từ nhớ tưởng phân biệt mà sanh, không có thật. Các thứ nhớ tưởng phân biệt đều từ hý luận mà sanh, đạt được thật tướng các pháp, rốt ráo KHÔNG, các hý luận ắt diệt, đó gọi là hữu dư niết bàn, là pháp thật tướng.

Như thế, chư Phật do nhất thiết trí quán chúng sanh nên vì họ nói nhiều thứ, cũng nói có ngã, cũng nói vô ngã. Nếu người tâm chưa thuần tục, chưa có phần niết bàn, chẳng biết sợ tội.

Ngài vì họ... nên nói có ngã. Lại lại có nguời được đạo, biết các pháp KHÔNG, chỉ giả danh có ngã. Ngài vì những người đó... nên nói ngã không có lỗi.

Lại có người có những phước đức bố thí, trí giới..., nhàm chán khổ não trong sanh tử, sợ niết bàn hằng diệt mãi, thế nên Phật vì những ngưới đó... nói các pháp vô ngã, chỉ do nhân duyên hoá hợp, khi sanh thì rỗng sanh, khi diệt thì rỗng diệt, thế nên nói vô ngã, chỉ giả danh nói có ngã.

Lại người được đạo, do biết vô ngã chẳng rơi vào đoạn diệt nên nói vô ngã mà không có lỗi. Thế nên trong bài kệ nói: “Chư Phật nói có ngã, cũng nói là không ngã. Nếu đối trong chân thật. Chẳng nói ngã, phi ngã”.

Hỏi: - Nếu vô ngã là thật, nhưng do thế tục nên nói có ngã thì có lỗi gì?

Đáp: - Nhân phá cái ngã mà có vô ngã. Cái ngã thật chẳng thể được huống nữa có vô ngã. Nếu thật có vô ngã ắt là đoạn diệt, sanh ra tham trước. Như trong Kinh Bát Nhã nói: “Bồ Tát chẳng phải hành có ngã, cũng chẳng phải hành vô ngã.”

Hỏi: - Nếu chẳng nói ngã, phi ngã, không chẳng không thì Phật Pháp nói cái gì?

Đáp: - Phật nói thật tướng các pháp, trong thật tướng không đường nói năng, dứt các tâm hành. Do tâm chấp lấy tướng mà duyên sanh, do nghiệp quả báo đời trước nên có, mà chẳng thể thật thấy các pháp. Thế nên nói trong tâm hành diệt.

Hỏi: - Nếu tâm các phàm phu chẳng thể thấy thật, tâm Thánh nhân lý đáng hay thấy thật, Tại sao nói tất cả tâm hành diệt?

Đáp: - Thật tướng các pháp tức là niết bàn. Niết bàn gọi là diệt. Vì các diệt ấy là hướng đến niết bàn nên cũng giọi là diệt. Nếu tâm là thật thì đâu cần ba môn giải thoát không..., trong các thiền định cớ sao lấy diệt tận định làm đệ nhất. Lại cũng trọn trở vềvô dư niết bàn... Thế nên phải biết tất cả tâm hành đều là hư vọng, vì hư vọng nên phải diệt. Thật tướng các pháp là ra khỏi các tâm sở, không sanh không diệt, tướng lặng lẽ như niết bàn.

Hỏi: - Trong kinh nói, tướng lặng lẽ của các pháp từ trước đến nay tức là niết bàn, vì sao nói như niết bàn?

Đáp: - Người chấp trước pháp, phân biệt pháp có hai thứ: đây là thế gian, đây là niết bàn, nói niết bàn là lặng lẽ chẳng nói thế gian là lặng lẽ. Trong luận này nói tất cả các pháp tánh không, tướng lặng lẽ. Vì người chấp trước pháp chẳng hiểu nên dùng niết bàn làm dụ. Như ông nói tướng niết bàn là không, không tướng, lặng lẽ không hý luận, tất cả pháp thế gian cũng như thế.

Hỏi: - Nếu Phật chẳng nói ngã, phi ngã dứt các tâm hành, bặt đường nói năng thì làm sao khiến cho người biết thật tướng các pháp?

Đáp: - Chư Phật có vô lượng sức phương tiện, các pháp vốn không có tướng thật, vì độ chúng sanh, hoặc nói tất cả thật, hoặc nói tất cả chẳng thật, hoặc nói tất cả thật chẳng thật, hoặc nói tất cả chẳng phải chẳng thật.

- Tất cả thật là, suy tìm thật tánh của các pháp đều vào đệ nhất nghĩa, một tướng bình đẳng, nghĩa là không tướng. Như các dòng nước khác màu sắc, khác mùi vị mà chảy vào biển cả, ắt là một sắc, một vị.

- Tất cả chẳng thật là, khi các pháp chưa vào thật tướng thì mỗi cái phân biệt mà quán đều không có thật, chỉ do các duyên hòa hợp nên có.

Tất cả thật chẳng thật là, chúng sanh có ba bậc: thượng, trung và hạ. Người bậc thượng quán tướng các pháp chẳng phải thật, chẳng phải chẳng thật. Người bậc trung quán tướng các pháp tất cả thật, tất cả chẳng thật. Người bậc hạ do trí lực cạn nên quán tướng các pháp một ít thật, một ít chẳng thật. Quán pháp vô vi niết bàn vì chẳng hoại nên thật. Quán pháp hữu vi sanh tử vì hư dối nên chẳng thật.

- Chẳng phải thật chẳng phải chẳng thật là, vì phá thật chẳng thật nên nói chẳng phải thật chẳng phải chẳng thật.

Hỏi: - Phật ở chỗ khác nói lìa chẳng phải có chẳng phải không, vì sao trong đây nói chẳng phải thật chẳng phải chẳng thật là lời Phật nói?

Đáp: - Ở chỗ khác là vì phá bốn thứ tham trước nên nói, trong đây thì đối bốn câu không có hý luận, nghe Phật nói ắt được đạo, thế nên nói chẳng phải thật, chẳng phải chẳng thật.

Hỏi: - Đã biết Phật do nhân duyên bốn câu mà nói, lại người đạt được thật tướng các pháp thì lấy tướng gì có thể biết? Thế nào là thật tướng?

Đáp: - Nếu có thể chẳng theo người khác. Chẳng theo người khác là, dù cho ngoại đạo có hiện thần lực nói đây là đạo, đây là phi đạo, mà tự tin nơi tâm mình chẳng theo họ. Cho đến dù biến thân, mình chẳng biết là chẳng phải Phật, nhưng do khéo hiểu thật tướng nên tâm chẳng bị xoay chuyển. Trong đây vì không pháp có thể lấy, có thể bỏ nên gọi là tướng lặng lẽ. Vì là tướng lặng lẽ nên chẳng bị hý luận làm cho hý luận. Hý luận có hai thứ: 1. Ái luận, 2. Kiến luận. Trong đây không có hai thứ hý luận này; vì không có hai thứ hý luận nên không có nhớ tưởng phân biệt; vì không có phân biệt tướng khác, đó gọi là thật tướng.

Hỏi: - Nếu các pháp hoàn toàn KHÔNG sẽ rơi vào đoạn diệt chăng? Lại chẳng sanh chẳng diệt hoặc rơi vào thường chăng?

Đáp: - Chẳng đúng, trước đã nói thật tướng không có hý luận, tâm tướng lặng lẽ, dứt đường nói năng, nay ông tham trước chấp lấy tướng, ở trong pháp chân thật thấy lỗi đoạn thường. Người đạt được thật tướng, nói các pháp từ những duyên sanh, chẳng tức là nhân, cũng chẳng khác nhân, thế nên chẳng đoạn chẳng thường. Nếu quả khác với nhân ắt là đoạn, nếu chẳng khác với nhân ắt là thường.

Hỏi: - Nếu hiểu như thế thì có những lợi ích gì?

Đáp: - Nếu người hành đạo hay thông suốt nghĩa như thế ắt đối tất cả pháp chẳng một chẳng khác, chẳng đoạn chẳng thường. Nếu hay như thế tức sẽ diệt mọi phiền não, hý luận, được thường lạc niết bàn, thế nên nói Chư Phật đem vị cam lồ giáo hóa. Như thế gian nói, người uống được nước cam lồ của cõi trời ắt không già, bệnh, chết, không mọi thứ suy não. Pháp thật tướng này chính là vị cam lồ chân thật. Phật nói thật tướng có ba thứ:

- Nếu người đạt được thật tướng, dứt mọi phiền não, gọi là pháp Thanh Văn.

- Nếu làm phát sanh lòng đại từ, phát tâm Vô Thượng gọi là Đại Thừa.

- Nếu Phật chẳng ra đời, lúc không có Phật Pháp, Bích Chi Phật nhân xa lìa mà sanh trí tuệ. Nếu Phật độ chúng sanh xong, vào vô dư niết bàn, pháp để lại đã hết, nếu đời trước có phần đáng sẽ được đạo, có chút ít quán về nhân duyên nhàm chán; một mình vào trong núi rừng, xa lìa nơi ồn náo, đạt được đạo gọi là Bích Chi Phật.

[ Quay lại ]