Trung luận - QUÁN THÀNH HOẠI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 01 Tháng ba 2009 09:19
- Viết bởi nguyen
Nếu lìa nơi thành hoại,
Chính cũng không có pháp.
Nếu sẽ lìa nơi pháp,
Cũng không có thành hoại.
Hỏi: - Các nhân duyên hòa hợp hiện có quả sanh, phải biết quả ấy từ các duyên hòa hợp mà có?
Đáp: - Nếu các duyên hoà hợp,
Mà có quả sanh thì,
Trong hoà hợp đã có,
Đâu cần hoà hợp sanh?
Hoặc có thành, hoặc không thành đều có hoại. Hoặc có hoại, hoặc không hoại đều không có thành. Tại sao?
Nếu lià nơi thành thì,
Làm sao mà có hoại ?
Như lià sanh có tử,
Việc đó chẳng đúng.
- Thành hoại cùng chung có,
Làm sao có thành hoại?
Như thế gian sanh tử,
Một lúc ắt chẳng đúng.
- Nếu lìa nơi hoại thì,
Làm sao sẽ có thành?
Vô thường chưa từng có,
Lúc (nào) chẳng ở các pháp.
Nếu lià thành, hoại chẳng thể được. Tại sao? Nếu lià thành có hoại ắt chẳng nhân thành có hoại, hoại ắt không nhân. Lại không pháp thành mà có thể hoại.
Thành gọi là các duyên hợp, hoại gọi là các duyên tan. Nếu lìa thành có hoại, không thành thì cái gì sẽ hoại. Như không bình thì chẳng được nói bình hoại. Thế nên lìa thành không có hoại.
Nếu bảo chung thành có hoại, việc đó cũng chẳng đúng. Tại sao? Pháp trước riêng thành rồi sau có hợp; pháp hợp chẳng lìa khác. Nếu hoại lìa khác, hoại ắt không nhân. Thế nên chung thành cũng không có hoại.
Nếu lìa hoại hoặc chung hoại không có thành. Nếu lìa hoại có thành, thành ắt là thường. Thường là chẳng tướng hoại mà thật chẳng thấy có pháp thường chẳng tướng hoại. Thế nên lìa hoại không có thành.
Nếu bảo chung hoại có thành, việc đó cũng chẳng đúng. Thành và hoại trái nhau, làm sao có cùng một lúc. Như người có tóc và không tóc chẳng được cùng chung một lúc. Thành và hoại cũng vậy. Thế nên chung hoại có thành, việc đó cũng chẳng đúng. Tại sao? Nếu bảo phân biệt pháp nói trong thành thường có hoại, việc đó chẳng đúng. Tại sao? Nếu trong thành thường có hoại ắt chẳng nên có pháp trụ. Mà thật có trụ, thế nên nếu lìa hoại hoặc chung hoại chẳng nên có thành.
Lại nữa,
Thành hoại chung không thành,
Lìa cũng không có thành.
Cả hai đều chẳng thể,
Làm sao sẽ có thành?
Nếu thành họai chung cũng không có thành. Nếu chung thành ắt hai pháp trái nhau, làm sao cùng một lúc.
Nếu lìa ắt không nhân. Cả hai trường hợp đều chẳng có thành, làm sao sẽ có thành? Nếu có lẽ ra sẽ nói.
Hỏi: - Hiện có pháp tướng tận diệt; pháp tướng tận diệt ấy cũng nói tận, cũng nói chẳng tận. Như thế ắt có thành hoại ?
Đáp: -Tận ắt không có thành,
Chẳng tận cũng không thành.
Tận ắt không có hoại,
Chẳng tận cũng không hoại.
Các pháp trong ngày đêm niệm niệm thường diệt tận. Qúa khứ như dòng nước chẳng dừng trụ, đó gọi là tận. Việc đó chẳng thể nắm bắt, chẳng thể nói. Như sóng nắng không thật có, chẳng thể được. Như thế diệt tận không thật có tánh có thể được, làm sao có thể phân biệt nói có thành. Thế nên nói tận cũng chẳng thành. Vì không có thành nên cũng chẳng thể có hoại. Thế nên nói tận cũng không có hoại.
Lại, vì niệm niệm sanh diệt thường tương tục chẳng gián đoạn nên gọi là chẳng tận. Pháp như thế thật là thường trụ chẳng gián đoạn, làm sao có thể phân biệt nói rằng “nay là lúc thành”? Thế nên nói không tận cũng không có thành. Vì không có thành nên không có hoại. Như thế nói, chẳng tận cũng không có hoại. Như thế do suy tìm sự thật chẳng thể được nên không có thành, không có hoại.
Hỏi: - Hãy gác lại thành và hoại nhưng khiến có pháp thì có lỗi gì ?
Đáp: - Nếu lìa nơi thành hoại,
Chính cũng không có pháp.
Nếu sẽ lìa nơi pháp,
Cũng không có thành hoại.
Lìa thành hoại không có pháp. Nếu pháp không có thành, không có hoại, pháp đó lý đáng hoặc là không, hoặc là thường; mà ở thế gian không có pháp thường. Ông nói lìa thành hoại có pháp, việc đó chẳng đúng.
Hỏi: - Nếu lìa pháp nhưng có sanh diệt thì có lỗi gì?
Đáp: - Lìa pháp có thành hoại, việc đó cũng chẳng đúng. Tại sao? Nếu lìa pháp cái gì thành, cái gì hoại? Thế nên lìa pháp có thành hoại, việc đó chẳng đúng.
Lại nữa.
Nếu pháp tánh rỗng KHÔNG,
Cái gì có thành hoại?
Nếu tánh chẳng rỗng KHÔNG,
Cũng chẳng có thành hoại.
Nếu tánh các pháp là KHÔNG, KHÔNG đâu có thành, có hoại. Nếu tánh các pháp chẳng KHÔNG, chẳng KHÔNG ắt thật có, cũng chẳng nên có thành hoại.
Lại nữa,
Nếu thành hoại là một,
Việc đó ắt chẳng đúng.
Nếu thành hoại là khác,
Việc đó cũng chẳng đúng.
Suy tìm thành và hoại là một ắt chẳng thể được. Tại sao? Vì tướng sai khác. Vì mỗi thứ có phân biệt.
Lại thành và hoại khác cũng chẳng thể được. Tại sao? Vì không có riêng khác. Vì cũng không có nhân.
Lại nữa,
Nếu bảo do hiện thấy,
Mà có sanh diệt thì.
Ắt đó là si vọng,
Mà thấy có sanh diệt.
Nếu bảo là do mắt thấy có sanh diệt thì, làm sao dùng lời nói để phá. Việc đó chẳng đúng. Tại sao? Mắt thấy sanh diệt đó, ắt do ngu si điên đảo nên thấy, tánh các pháp là KHÔNG, không thật CÓ, như huyễn như mộng. Song phàm phu do điên đảo ở đời trước mà được con mắt này; đời này do nhân duyên nhớ tưởng phân biệt nên nói mắt thấy sanh diệt, trong đệ nhất nghĩa thật không có sanh diệt. Việc đó đã nói rộng trong phẩm Phá Tướng.
Lại nữa,
Từ pháp chẳng sanh pháp,
Cũng chẳng sanh phi pháp.
Từ phi pháp chẳng sanh,
Pháp cùng với phi pháp.
Từ pháp chẳng sanh pháp là, hoặc đến hoặc mất, cả hai đều chẳng đúng.
Từ pháp sanh pháp, hoặc đến hoặc mất ắt đó là không nhân. Không nhân ắt đó rơi vào đoạn thường.
Nếu do đến mà từ pháp sanh pháp thì, pháp đó đến rồi mà gọi là sanh ắt đó là thường. Lại sanh rồi sẽ sanh nữa. Lại cũng không có nhân mà sanh. Việc đó chẳng đúng.
Nếu do mất mà từ pháp sanh pháp, điều đó ắt mất cái nhân, sanh là không nhân. Thế nên từ mất cũng chẳng sanh pháp.
Từ pháp chẳng sanh phi pháp là, phi pháp gọi là không có gì, pháp gọi là có. Làm sao từ có tương sanh không tướng. Thế nên từ pháp chẳng sanh phi pháp.
Từ phi pháp chẳng sanh pháp. là, phi pháp gọi là không, có không làm sao sanh có. Nếu từ không sanh có, điều đó ắt không nhân, không nhân ắt có lỗi lớn. Thế nên chẳng từ phi pháp sanh pháp.
Chẳng từ phi pháp sanh phi pháp là, phi pháp gọi là không có gì, làm sao từ không có gì sanh không có gì. Như sừng thỏ chẳng sanh lông rùa. Thế nên chẳng từ phi pháp sanh phi pháp.
Hỏi: - Pháp và phi pháp tuy do nhiều thứ phân biệt nên không sanh, nhưng pháp lý đáng sanh pháp?
Đáp: - Pháp chẳng từ tự sanh,
Cũng chẳng từ tha sanh.
Chẳng từ tự tha sanh,
Làm sao mà có sanh ?
Vì khi pháp chưa sanh là không có. Lại vì tức tự mình chẳng sanh. Thế nên pháp chẳng tự sanh.
Nếu pháp chưa sanh ắt cũng không có tha. Vì không tha nên chẳng được nói từ tha sanh.
Lại chưa sanh ắt không có tự. Không có tự thì cũng không có tha. Chung cũng chẳng sanh. Nếu cả ba trường hợp đều chẳng sanh, làm sao từ pháp có pháp sanh.
Lại nữa,
Nếu có pháp chấp nhận,
Tức rơi vào đoạn thường.
Nên biết pháp chấp nhận,
Hoặc thường hoặc vô thường.
Pháp chấp nhận, phân biệt đó là thiện, là chẳng thiện, thường vô thường …, người đó ắt rơi vào hoặc thường kiến, hoặc đoạn kiến. Tại sao? Pháp được chấp nhận lý đáng có hai thứ :hoặc thường hoặc vô thường. Cả hai đều chẳng đúng. Tại sao? Nếu thường tức rơi vào bên thường, nếu vô thường tức rơi vào bên đoạn.
Hỏi: - Chỗ có pháp chấp nhận.
Chẳng rơi vào đoạn thường.
Vì nhân quả tương tục,
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
Có người dù tin nhận phân biệt nói các pháp mà chẳng rơi vào đoạn thường. Như kinh nói, năm ấm vô thường, khổ, không, vô ngã, mà chẳng đoạn diệt. Dù nói tội phước vô lượng kiếp số chẳng mất mà chẳng là thường. Tại sao? Vì nhân qủa của pháp ấy sanh diệt tương tục nên qua lại chẳng dứt. Vì sanh diệt nên chẳng thường. Vì tương tục nên chẳng đoạn?
Đáp: - Nếu nhân qủa sanh diệt,
Tương tục mà chẳng đoạn.
Vì diệt chẳng sanh lại,
Nhân tức là đọan diệt.
Nếu ông nói các pháp do nhân quả tương tục nên chẳng đoạn chẳng thường thì, nếu pháp diệt đã diệt rồi trọn chẳng sanh lại, ắt đó là cái nhân bị đoạn. Nếu cái nhân bị đoạn, làm sao có tương tục. Do vì diệt rồi chẳng sanh.
Lại nữa,
Pháp trụ nơi tự tánh,
Chẳng nên có không.
Niết bàn diệt tương tục,
Ắt rơi vào đoạn diệt.
Pháp thật có trong ở trong tướng có, lúc đó không có tướng không. Như bình thật ở tướng bình, lúc đó không có tướng hoại mất. Tùy lúc có bình thì không có tướng hoại mất, lúc không bình cũng không có tướng hoại mất. Tại sao? Nếu không có bình ắt không có chỗ để phá. Do nghĩa ấy nên diệt chẳng thề được. Vì lìa diệt nên cũng không sanh. Tại sao? Vì sanh diệt là nhân đối đải nhau. Lại vì có những lỗi thường… thế nên chẳng thể ở một pháp mà có cả có và không.
Lại, ở trước ông nói vì nhân quả tương tục sanh diệt nên, dù chấp nhận các pháp mà chẳng rơi vào đoạn thường. Việc đó chẳng đúng. Tại sao? Ông nói do nhân quả tương tục nên có ba Hữu tương tục. Diệt tương tục gọi là niết bàn. Nếu vậy, khi niết bàn lý đáng rơi vào đoạn diệt, do vì diệt ba Hữu, (sinh mạng) tương tục.
Lại nữa,
Nếu là sơ hữu diệt,
Ắt không có hậu hữu.
Nếu sơ hữu chẳng diệt,
Cũng không có hậu hữu.
Sơ hữu gọi là sinh mạng đời nay. Hậu hữu gọi là sinh mạng đời sau. Nếu sơ hữu diệt, kế đến có hậu hữu, điều đó tức không nhân. Việc đó chẳng đúng. Thế nên chẳng được nói sơ hữu diệt có hậu hữu.
Nếu sơ hữu chẳng diệt cũng chẳng nên có hậu hữu. Tại sao? Nếu sơ hữu chưa diệt mà có hậu hữu, điều đó ắt cùng có một lúc có hai sinh mạng. Việc đó chẳng đúng. Thế nên sơ hữu chẳng diệt không có hậu hữu.
Hỏi: - Hậu hữu chẳng do sơ hữu diệt mà sanh, chẳng do chẳng diệt mà sanh, nhưng đang diệt mà sanh?
Đáp: - Nếu sơ hữu đang diệt,
Mà có hậu hữu sanh.
Đang diệt là một hữu,
Đang sanh là một hữu.
Nếu sơ hữu đang diệt có hậu hữu sanh, tức hai hữu có cùng một lúc. Một hữu là đang diệt. Một hữu là đang sanh.
Hỏi: - Đang diệt và đang sanh cả hai hữu đều cùng tồn tại ắt chẳng đúng, nhưng hiện thấy sơ hữu diệt có hậu hữu sanh?
Đáp: - Nếu nói rằng sanh diệt,
Cho là cùng một lúc.
Ắt ở ấm này chết,
Tức ở ấm này sanh.
Nếu đang diệt, đang sanh cùng một lúc không có hai hữu, mà bảo là sơ hữu đang diệt hậu hữu sanh, nay lý đáng ở trong ấm nào chết tức ở ấm đó sanh, chẳng nên ở trong ấm khác sanh. Tại sao? Vì cái chết tức là cái sanh. Như thế tử sanh là pháp trái nhau chẳng nên cùng một lúc, một chỗ. Thế nên ở trước ông nói đang sanh và đang diệt cùng một lúc không có hai hữu, nhưng hiện thấy sơ hữu đang diệt có hậu hữu sanh việc đó chẳng đúng.
Lại nữa;
Trong ba đời tìm hữu,
Tương tục chẳng thể được.
Nếu trong ba đời không,
Đâu có hữu tương tục.
Ba hữu gọi là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Vì trong sanh tử từ vô thủy chẳng được thật trí nên thường có ba hữu tương tục. Nay ở trong ba đời chính chắn suy tìm chẳng thể được. Nếu trong ba đời không có, sẽ ở chỗ nào có tương tục. Nên biết có hữu tương tục đều từ ngu si điên đảo nên có, trong lý thật ắt không.