Trung luận - QUÁN NIẾT BÀN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng tám 2009 04:21
- Viết bởi nguyen
Nếu các pháp chẳng KHÔNG,
Ắt không sanh không diệt.
Gì đoạn? Gì bị diệt?
Mà gọi là niết bàn?
Hỏi: - Nếu tất cả pháp KHÔNG,
Không sanh không diệt thí.
Gì đoạn? Gì bị diệt?
Mà gọi là Niết bàn?
Nếu tất cả pháp KHÔNG ắt không sanh không diệt. Không sanh không diệt thì cái gì bị đoạn? Cái gì bị diệt mà gọi là niết bàn? Thế nên tất cả pháp chẳng thể là KHÔNG. Do vì các pháp chẳng KHÔNG nên đoạn các phiền não, diệt năm ấm gọi là niết bàn?
Đáp: - Nếu các pháp chẳng KHÔNG,
Ắt không sanh không diệt.
Gì đoạn? Gì bị diệt?
Mà gọi là niết bàn?
Nếu tất cả thế gian chẳng KHÔNG ắt không sanh không diệt, thì cái gì bị đoạn, cái gì bị diệt khác mà gọi là niết bàn? Thế nên hai trường hợp Có và Không chẳng phải đến niết bàn, nghĩa niết bàn là:
Không được cũng không đến,
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
Chẳng sanh cũng chẳng diệt,
Đó gọi là niết bàn.
Không được là đối với hạnh, đối với quả không có cái gì để được. Không đến là không chỗ có thể đến. Chẳng đoạn là vì năm ấm từ trước đến nay rốt ráo KHÔNG, nên khi được đạo, vào niết bàn cũng không cái gì bị đoạn. Chẳng thường là, nếu có pháp có thể phân biệt được ắt gọi là thường. Niết bàn lặng lẽ, không pháp có thể phân biệt nên chẳng gọi là thường. Sanh diệt cũng vậy. Tướng như thế gọi là niết bàn.
Lại nữa, kinh nói niết bàn chẳng phải Có chẳng phải Không, chẳng phải cũng Có cũng Không, chẳng phải chẳng Có chẳng phải chẳng Không, chẳng thọ tất cả pháp, bên trong lặng lẽ gọi là niết bàn. Tại sao?
Niết bàn chẳng gọi Có,
Có ắt tướng già chết.
Trọn không có pháp có,
Mà lìa tướng già chết.
Vì mắt thấy tất cả muôn vật đều sanh diệt nên là tướng già chết. Nếu niết bàn là có ắt nên có tướng già chết. Nhưng việc ấy chẳng đúng. Thế nên niết bàn chẳng gọi là Có.
Lại, chẳng thấy lià tướng già chết riêng có pháp thật. Nếu niết bàn là có, tức nên có tướng sanh diệt già chết. Do vì lìa tướng già chết nên gọi niết bàn.
Lại nữa,
Nếu niết bàn là có,
Niết bàn tức hữu vi.
Trọn không có một pháp,
Mà cho là vô vi.
Niết bàn chẳng phải là Có. Tại sao? Tất cả muôn vật từ các duyên sanh đều là hữu vi, không có một pháp gọi là vô vi. Dù pháp “thường” tạm gọi vô vi, song dùng lý suy tìm pháp “ vô thường” còn chẳng có, huống nữa pháp thường là cái chẳng thể thấy, chẳng thể được.
Lại nữa,
Nếu niết bàn là Có,
Làm sao gọi không thọ.
Không có chẳng từ thọ,
Mà gọi là pháp Có.
Nếu bảo niết bàn là pháp Có, Kinh ắt chẳng nên nói không thọ là niết bàn. Tại sao? Không có pháp chẳng thọ mà có. Thế nên niết bàn chẳng phải Có.
Hỏi: - Nếu có chẳng phải niết bàn, không lý đáng là niết bàn chăng?
Đáp: - Có còn chẳng (phải ) niết bàn ,
Huống nữa là Không ư?
Niết bàn không có Có,
Chỗ nào sẽ Có Không?
Nếu Có chẳng phải niết bàn, Không làm sao là niết bàn? Tại sao? Vì nhân Có nên có Không. Nếu không cái Có, làm sao có cái Không? Như Kinh nói: “trước Có nay Không ắt gọi là Không”, niết bàn ắt chẳng vậy. Tại sao? Vì chẳng phải pháp Có biến làm Không. Thế nên không cũng chẳng làm niết bàn.
Lại nữa,
Nếu không là niết bàn ,
Làm sao gọi chẳng thọ?
Chưa từng có chẳng thọ,
Mà gọi là pháp Không.
Nếu bảo không là niết bàn, kinh ắt chẳng nên nói chẳng thọ gọi là niết bàn. Tại sao? Không có chẳng thọ mà gọi là pháp không. Thế nên niết bàn chẳng phải không.
Hỏi: - Nếu niết bàn chẳng phải Có chẳng phải Không, những gì là niết bàn?
Đáp: - Vì thọ các nhân duyên,
Luân chuyển trong sanh tử.
Chẳng thọ các nhân duyên.
Đó gọi là Niết bàn.
Vì chẳng như thật biết điên đảo nên nhân năm thọ ấm qua lại trong sanh tử. Vì như thật biết điên đảo nên chẳng nhận năm thọ ấm qua lại trong sanh tử nữa. Vì không tánh, năm ấm chẳng tương tục nên nói là Niết bàn.
Lại nữa,
Như trong Kinh Phật nói,
Đoạn Có đoạn chẳng Có.
Thế nên biết niết bàn ,
Chẳng Có cũng chẳng Không.
Có gọi là ba Hữu. Chẳng phải Có gọi là ba Hữu đoạn diệt. Vì Phật nói đoạn hai việc trên nên phải biết niết bàn chẳng phải có cũng chẳng phải không.
Hỏi: - Hoặc Có hoặc Không chẳng phải niết bàn, nay Có và Không chung hợp là niết bàn chăng?
Đáp: - Nếu bảo là Có Không,
Chung hợp là niết bàn.
Có Không tức giải thoát,
Việc đó ắt chẳng đúng.
Nếu bảo Có Không chung hợp làm niết bàn, tức hai việc Có Không hợp làm giải thoát. Việc đó chẳng đúng. Tại sao? Hai việc Có Không trái nhau, làm sao có cùng một chỗ.
Lại nữa,
Nếu bảo là có không,
Chung hợp làm niết bàn.
Niết bàn chẳng không thọ,
Hai thứ từ thọ sanh.
Nếu Có Không chung hợp làm niết bàn, kinh chẳng nên nói niết bàn gọi là không thọ. Tại sao? Hai việc Có Không từ thọ mà sanh, nhân nhau mà có. Thế nên hai việc có không chẳng được hợp làm niết bàn.
Lại nữa,
Có không chung hợp thành,
Làm sao gọi niết bàn ?
Niết bàn gọi vô vi,
Có không là hữu vi.
Hai việc Có Không chung hợp chẳng được gọi là Niết bàn. Niết bàn gọi là vô vi, có không là hữu vi. Thế nên Có Không chẳng phải là niết bàn.
Lại nữa,
Hai việc Có Không chung,
Làm sao là niết bàn?
Hai thứ chẳng đồng chỗ,
Như sáng tối chẳng chung.
Hai việc Có Không chẳng được gọi là niết bàn. Tại sao? Có và không trái nhau, cùng một chỗ chẳng thể được. Như sáng và tối chẳng cùng một lúc. Thế nên khi Có thì không cái Không, khi Không thì không cái Có, làm sao có không chung hợp mà gọi là niết bàn .
Hỏi: - Nếu Có Không chung hợp chẳng phải niết bàn, nay chẳng phải có chẳng phải Không lý đáng là niết bàn?
Đáp: - Nếu chẳng Có chẳng Không,
Gọi đó là niết bàn.
Chẳng có chẳng không này,
Lấy gì mà phân biệt?
Nếu niết bàn chẳng phải Có chẳng phải Không, chẳng phải có chẳng phải không này nhân đâu mà phân biệt. Thế nên chẳng phải có chẳng phải không là niết bàn, việc đó chẳng đúng.
Lại nữa,
Phân biệt chẳng có không,
Như thế gọi niết bàn.
Nếu như có không thành,
Chẳng có chẳng không thành.
Ông phân biệt chẳng phải có chẳng phải không là niết bàn, việc đó chẳng đúng. Tại sao? Nếu có không được thành, sau đó chẳng phải có chẳng phải không mới thành. Vì trái nhau với có gọi là không, trái nhau với không gọi là có. Có Không trong câu thứ ba ấy đã phá. Vì không có cũng Có cũng Không (nên) làm sao có chẳng phải Có chẳng phải Không. Thế nên niết bàn chẳng phải chẳng Có chẳng phải chẳng Không.
Lại nữa,
Như Lai sau diệt độ,
Chẳng nói Có và Không.
Cũng chẳng nói (cũng) có không,
Chẳng Có và chẳng Không.
- Như Lai đang hiện tại,
Chẳng nói Có và Không.
Cũng chẳng nói Có Không,
Chẳng Có và chẳng Không.
Hoặc Như Lai sau khi diệt độ, hoặc hiện tại, có Như Lai cũng chẳng thọ, không Như Lai cũng chẳng thọ, cũng có Như Lai cũng không Như Lai cũng chẳng thọ, chẳng phải có Như Lai chẳng phải không Như Lai cũng chẳng thọ. Do chẳng thọ nên chẳng thể phân biệt niết bàn là Có, Không ... Lìa Như Lai, cái sẽ được niết bàn? Lúc nào, chỗ nào, do pháp gì nói là niết bàn? Thế nên tất cả thời, tất cả trường hợp tìm cầu tướng niết bàn chẳng thể được.
Lại nữa,
Niết bàn và thế gian,
Không có chút phân biệt.
Thế gian và niết bàn ,
Cũng không chút phân biệt.
Do nhân duyên năm ấn tương tục qua lại nên nói là thế gian. Tánh năm ấm rốt ráo Không, không thọ, lặng lẽ, nghĩa này đã nói ở trước. Vì tất cả pháp chẳng sanh chẳng diệt nên thế gian và niết bàn không có phân biệt; niết bàn và thế gian cũng không phân biệt.
Lại nữa,
Mé thật của niết bàn ,
Cùng với mé thế gian.
Cả hai mé như thế,
Không mảy may sai biệt.
Rốt ráo suy tìm mé thật, mé vô sanh của thế gian và niết bàn bình đẳng chẳng thể được nên không có mảy may sai biệt.
Lại nữa,
Sau khi diệt, có không ...
Hữu biên …, thường…
Các kiến nương niết bàn ,
Đời vị lai, quá khứ.
Như Lai sau khi diệt độ: có Như Lai, không Như Lai, cũng có Như Lai cũng không Như Lai, chẳng phải có Như chẳng phải không Như Lai.
Thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian cũng hữu biên cũng vô biên, thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên.
Thế gian thường, thế gian vô thường, thế gian cũng thường thế gian cũng vô thường, thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường.
Ba trường hợp, mười hai kiến chấp trên đây thì, bốn kiến chấp Như Lai sau khi diệt độ Có, Không…, nương niết bàn mà khởi. Bốn kiến chấp thế gian hữu biên vô biên ..., nương đời vị lai mà khởi. Bốn kiến chấp thế gian thường, vô thường..., nương đời quá khứ mà khởi.
Như Lai sau khi diệt độ có, không... chẳng thể được, niết bàn cũng như thế. Như thế gian mé trước, mé sau, hữu biên, vô biên, hữu thường, vô thường... chẳng thể được, niết bàn cũng như thế. Thế nên nói thế gian và niết bàn bình đẳng không có khác.
Lại nữa,
Vì tất cả các pháp KHÔNG ,
Đâu có biên, vô biên.
Cũng biên cũng vô biên,
Chẳng biên chẳng vô biên.
- Cái gì là một khác?
Gì có thường, vô thường,
Cũng thường cũng vô thường,
Chẳng thường chẳng vô thường.
- Các pháp chẳng thể được,
Dứt tất cả hý luận.
Không người cũng không chỗ,
Phật cũng không chỗ nói.
Tất cả pháp, tất cả thời, tất cả trường hợp, vì từ các duyên sanh, vì rốt ráo KHÔNG nên không có tự tánh. Trong pháp như thế, sao là hữu biên? Cái gì là hữu biên? Sao là vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên? Cái gì chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên? Sao là thường? Cái gì là thường? Sao là vô thường cũng thường cũng vô thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường? Cái gì chẳng phải thường chẳng phải vô thường? Sao là thân tức thần? Sao là thân khác thần? Sáu mươi hai tà kiến như thế..., đối trong rốt ráo không đều chẳng thể được, dứt hết những cái có chỗ được, bặt hết hý luận. Vì dứt bặt hý luận nên thông suốt thật tướng các pháp, được đạo an ổn. Từ phẩm Nhân Duyên đến đây, phân biệt suy tìm các pháp. Có cũng Không không cũng không, vừa có vừa không cũng không, chẳng phải có chẳng phải không cũng không. Đó gọi là thật tướng các pháp, cũng gọi như pháp tánh, thật tế, niết bàn. Thế nên Như Lai không lúc nào không chỗ nào vì người nói tướng thật niết bàn. Vì vậy nói những cái có chỗ được đều dứt, hý luận đều bặt.