headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Trung luận - QUÁN TỨ ĐẾ


Nếu tất cả đều KHÔNG,
Không sanh cũng không diệt.
Như thế ắt không có,
Pháp bốn Thánh đế ấy.

 

 

 

Hỏi: - Phá bốn thứ điên đảo, thông suốt bốn Thánh đế, được bốn quả Sa môn.
Nếu tất cả đều KHÔNG,
Không sanh cũng không diệt.
Như thế ắt không có,
Pháp bốn Thánh đế ấy.

- Do vì không bốn đế,
Thấy Khổ và đoạn Tập.
Chứng diệt với tu đạo,
Đều không việc như thế.

- Do không có việc ấy,
Ắt không có bốn quả.
Vì không có bốn quả,
Cũng không người đắc, hướng.

- Nếu không tâm Hiền Thánh,
Ắt không có Tăng Bảo.
Vì không có bốn Đế,
Cũng không có Pháp Bảo.

- Do không Pháp, Tăng Bảo,
Cũng không có Phật Bảo.
Như thế người nói KHÔNG,
Ắt là phá Tam Bảo.

Nếu tất cả thế gian đều KHÔNG, không có gì, tức nên không sanh không diệt. Do vì không sanh không diệt ắt không bốn Thánh Đế. Tại sao? Từ Tập đế sanh Khổ đế thì Tập đế là nhân, Khổ đế là quả. Diệt khổ Tập đế gọi là Diệt đế. Hay đến Diệt đế gọi là Đạo đế thì Đạo đế là nhân; Diệt đế là quả. Như thế, bốn Thánh đế có nhân có quả; nếu không sanh không diệt ắt không có bốn Đế. Vì không có bốn Đế ắt không có thấy Khổ, đoạn Tập, Chứng Diệt, tu Đạo; Vì không có thấy Khổ, đoạn Tập, Chứng Diệt, tu Đạo ắt không có bốn quả Sa môn. Vì có bốn quả Sa môn ắt không có bốn bậc người Hướng và bốn bậc người Đắc. Nếu không có tám bậc Hiền Thánh này ắt không có Tăng Bảo.

Lại, vì không có bốn Thánh Đế nên cũng không có Pháp Bảo. Nếu không có Pháp Bảo và Tăng Bảo làm sao có Phật? Chứng được pháp gọi là Phật, không pháp thì gì là Phật? Ông nói các pháp đều KHÔNG ắt phá hoại Tam Bảo.
Lại nữa,
Pháp KHÔNG hoại nhân quả,
Cũng hoại luôn tội phước.
Cũng lại đều hủy hoại,
Tất cả pháp thế tục.

Nếu người chấp nhận pháp KHÔNG ắt phá hoại tội phước và quả báo của tội phước, cũng phá hoại pháp thế tục. Vì có những lỗi như thế... nên các pháp chẳng thể là KHÔNG?

Đáp: - Nay ông thật chẳng thể,
Biết KHÔNG, nhân duyên KHÔNG.
Và biết rõ nghĩa KHÔNG,
Thế nên tự sanh não.

Ông chẳng hiểu rõ thế nào là tướng KHÔNG, do nhân duyên gì mà nói KHÔNG, cũng chẳng hiểu nghĩa KHÔNG; vì chẳng thể biết như thật nên sanh nghi ngờ mà gạn hỏi như thế.
Lại nữa,
Chư Phật nương hai đế,
Vì chúng sanh nói pháp.
Một, do thế tục đế,
Hai, đệ nhất nghĩa đế.

- Nếu người chẳng thể biết,
Phân biệt rõ hai đế.
Ắt với pháp Phật sâu,
Chẳng biết nghĩa chân thật.

Thế tục đế là tất cả pháp tánh là KHÔNG mà vì thế gian điên đảo nên sanh khởi pháp hư vọng, đối với thế gian đó là thật.

Các bậc Hiền Thánh do thật biết tánh điên đảo nên rõ tất cả pháp đều KHÔNG, không sanh. Đối với bậc Thánh thì đệ nhất nghĩa đế này gọi là thật.

Chư Phật nương hai đế này mà vì chúng sanh nói pháp. Nếu người chẳng thể phân biệt đúng như thật về hai đế ắt đối với Phật pháp sâu xa chẳng biết được nghĩa thật.

Nếu bảo tất cả pháp chẳng sanh là đệ nhất nghĩa đế, chẳng cần tục đế thứ hai, điều đó cũng chẳng đúng. Tai sao?

Nếu chẳng nương tục đế,
Chẳng được đệ nhất nghĩa.
Chẳng được đệ nhất nghĩa,
Ắt chẳng được niết bàn.

Đệ nhất nghĩa đều nhân lời nói, lời nói là thế tục. Thế nên nếu chẳng nương thế tục ắt chẳng thể nói đệ nhất nghĩa. Nếu chẳng được đệ nhất nghĩa, làm sao được niết bàn? Thế nên dù các pháp không sanh mà có hai đế.

Lại nữa,
Chẳng thể chánh quán KHÔNG,
Độn căn ắt tự hại.
Như chẳng khéo chú thuật,
Chẳng giỏi bắt rắn độc.

Nếu người độn căn chẳng khéo hiểu pháp KHÔNG, đối với KHÔNG có lỗi mà sanh tà kiến. Như người vì lợi bắt rắn độc, chẳng thể khéo bắt, ngược lại bị hại. Lại như chú thuật muốn có làm điều gì, mà chẳng thể thành tựu ắt tự hại lại mình. Người độn căn quán pháp KHÔNG cũng lại như thế.

Lại nữa,
Thế Tôn biết pháp ấy,
Tướng sâu xa vi diệu.
Độn căn chẳng đến kịp,
Thế nên chẳng muốn nói.

Thế Tôn do pháp sâu xa vi diệu chẳng phải người độn căn hiểu đến, thế nên Ngài chẳng muốn nói.

Lại nữa,
Ông bảo ta chấp KHÔNG,
Mà cho ta sanh lỗi.
Nay lỗi ông đã nói,
Đối KHÔNG ắt không có.

Ông bảo do ta chấp KHÔNG nên cho ta sanh lỗi, song điều ta nói về TÁNH KHÔNG thì KHÔNG cũng không, không có lỗi như thế.

Lại nữa,
Do vì có nghĩa KHÔNG,
Tất cả pháp được thành.
Nếu không có nghĩa KHÔNG,
Tất cả ắt chẳng thành.

Do có nghĩa KHÔNG nên tất cả pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều thành tựu. Nếu không có nghĩa KHÔNG ắt đều chẳng thành tựu.

Lại nữa,
Nay ông tự có lỗi,
Mà xoay qua cho tôi.
Như người đang cởi ngựa,
Tự quên ngựa mình cởi.

Ông đối trong pháp có đã có lỗi mà chẳng thể tự giác, lại ở trong KHÔNG thấy có lỗi. Như người cởi ngựa mà quên con ngựa mình cởi.
Tại sao?
Nếu ông thấy các pháp,
Là quyết thật có tánh.
Tức là thấy các pháp,
Không nhân cũng không duyên.

Ông nói các pháp có tánh thật, nếu vậy, ắt thấy các pháp không nhân không duyên. Tại sao? Nếu pháp thật có tánh ắt nên chẳng sanh chẳng diệt. Pháp như thế đâu cần nhân duyên? Nếu các pháp từ nhân duyên sanh ắt không có tánh. Thế nên các pháp thật có tánh ắt không có nhân duyên. Nếu bảo các pháp thật trụ tự tánh, điều đó ắt chẳng đúng.
Tại sao?
Tức là phá nhân quả,
Làm, người làm, pháp làm.
Cũng lại hoại tất cả,
Sanh diệt của muôn vật.

Các pháp có thật tánh ắt không có các việc nhân quả... Như bài kệ nói:

Pháp các nhân duyên sanh,
Ta nói tức là KHÔNG.
Cũng gọi là giả danh,
Cũng là nghĩa trung đạo.

- Chưa từng có một pháp,
Chẳng từ nhân duyên sanh.
Thế nên tất cả pháp,
Không gì chẳng là KHÔNG.

Pháp từ các nhân duyên sanh ta nói tức là KHÔNG. Tại sao? Các duyên đầy đủ, hòa hợp thì vật sanh. Vì vật ấy thuộc các nhân duyên nên không có tự tánh. Vì không có tự tánh nên KHÔNG. KHÔNG cũng lại KHÔNG, chỉ vì dẫn dắt chúng sanh nên dùng giả danh để nói. Vì lìa hai bên có và không nên gọi là trung đạo. Vì pháp ấy không tánh nên chẳng được nói Có. Vì cũng không tướng KHÔNG nên chẳng được nói KHÔNG. Nếu pháp có tánh tướng ắt chẳng đợi các duyên mà có. Nếu chẳng đợi các duyên ắt không có pháp. Thế nên không có pháp CHẲNG KHÔNG. Điều ông nói ở trên là pháp KHÔNG có lỗi, nay lỗi này lại ở nơi ông.

Tại sao?
Nếu tất cả chẳng KHÔNG,
Ắt không có sanh diệt.
Như thế ắt không có,
Pháp bốn Thánh đế kìa.

Nếu tất cả pháp mỗi thứ đều có tánh và là chẳng KHÔNG ắt không có sanh diệt. Vì không có sanh diệt nên không có pháp bốn Thánh đế. Tại sao?
Nếu chẳng từ duyên sanh,
Làm sao sẽ có khổ?
Vô thường là nghĩa khổ,
Tánh thật không vô thường.

Nếu do chẳng có sanh ắt không có khổ. Tại sao? Kinh nói vô thường là nghĩa khổ. Nếu khổ có tánh thật, làm sao có vô thường, do vì chẳng bỏ tự tánh .
Lại nữa,
Nếu khổ có tánh thật,
Cớ sao từ tập sanh?
Thế nên không có Tập,
Do vì phá nghĩa KHÔNG.

Nếu khổ thật có tánh ắt chẳng nên sanh nữa, vì trước đã có. Nếu vậy, ắt không có Tập đế, do vì hoại nghĩa KHÔNG.
Lại nữa,
Nếu khổ có tánh thật,
Ắt chẳng nên có diệt.
Vì ông chấp tánh thật,
Tức phá hoại Diệt đế.

Nếu Khổ có tánh thật ắt chẳng nên diệt. Tại sao? Vì tánh ắt không mất.
Lại nữa,
Nếu khổ có tánh thật,
Ắt không có tu đạo.
Nếu Đạo có thể tu,
Tức không có tánh thật.

Nếu pháp là thật có ắt không có tu Đạo. Tại sao? Nếu pháp thật có ắt là thường; thường ắt chẳng thể thêm. Nếu Đạo có thể tu, Đạo ắt không có tánh thật.
Lại nữa,
Nếu không có Khổ đế,
Và không Tập, Diệt đế.
Đạo có thể diệt khổ,
Trọn sẽ đến chỗ nào?

Nếu các pháp trước đã thật có tánh ắt không có Khổ, Tập, Dịêt đế. Nay Đạo diệt khổ trọn đến chỗ nào diệt khổ?
Lại nữa,
Nếu khổ thật có tánh,
Trước giờ đã chẳng thấy.
Nay đây làm sao thấy?
Vì tánh ấy chẳng khác.

Nếu lúc trước là phàm phu chẳng hay thấy tánh khổ, nay lý đáng cũng chẳng thấy. Tại sao? Vì tánh chẳng thấy là cố định.
Lại nữa,
Như thấy Khổ chẳng đúng,
Đoạn Tập và chứng Diệt.
Tu Đạo cùng bốn quả,
Cũng thảy đều chẳng đúng.

Như tánh khổ đế trước kia chẳng thể thấy, sau cũng chẳng nên thấy. Như thế, cũng chẳng nên có đoạn Tập, chứng Diệt và tu Đạo. Tại sao? Tánh Tập ấy từ trước đến giờ chẳng đoạn, nay cũng chẳng nên đoạn, vì tánh thì chẳng thể đoạn.

Diệt, từ trước đến giờ chẳng chứng, nay cũng chẳng nên chứng, vì từ trước đến giờ chẳng chứng.

Đạo từ trước đến giờ chẳng tu, nay cũng chẳng nên tu, vì từ trước đến giờ chẳng tu.

Thế nên bốn thứ hạnh “Thấy, đoạn, chứng, tu” của bốn Thánh đế đều chẳng nên có. Vì không có bốn thứ hạnh nên cũng không bốn đạo quả. Tại sao?

Tánh bốn đạo quả ấy,
Trước giờ chẳng thể được.
Tánh các pháp nếu thật,
Nay làm sao có được?

Nếu các pháp có thật tánh, bốn quả Sa môn từ trước đến giờ chưa được, nay làm sao có thể được? Nếu có thể được, tánh ắt không thật.
Lại nữa,
Nếu không có bốn quả,
Ắt không người Đắc, Hướng.
Do không tám Hiền Thánh,
Ắt không có Tăng Bảo.

Vì không có bốn quả Sa môn ắt không người Đắc và Hướng. Vì không tám bậc Hiền Thánh ắt không có Tăng Bảo, mà kinh nói tám bậc Hiền Thánh là Tăng Bảo.
Lại nữa,
Vì không bốn Thánh đế,
Cũng không có Pháp Bảo.
Không Pháp Bảo, Tăng Bảo?
Làm sao có Phật Bảo?

Tu hành bốn Thánh đế sẽ chứng được pháp niết bàn. Nếu không bốn Đế ắt không có Pháp Bảo. Nếu không có hai ngôi Pháp và Tăng Bảo, làm sao sẽ có Phật Bảo. Ông dùng nhân duyên như thế nói các pháp thật có tánh ắt phá hoại Tam Bảo.

Hỏi: - Tuy ông phá các pháp, nhưng đạo rốt ráo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác lý đáng là có, vì nhân đạo ấy nên gọi là Phật?
Đáp: - Ông nói ắt chẳng nên,
Nhân Bồ đề có Phật.
Cũng lại chẳng nhân Phật,
Mà nói có Bồ đề.

Ông nói các pháp có tánh thật ắt chẳng nên nhân Bồ đề Phật, nhân Phật nói có Bồ đề, vì hai tánh là trường thật có:
Lại nữa,
Tuy lại siêng tinh tấn,
Tu hành đạo Bồ đề.
Nếu trước không Phật tánh,
Chẳng nên được thành Phật.

Do trước đã không tánh nên như sắt không tánh vàng, dù dùng nhiều cách nung luyện trọn chẳng thành vàng.
Lại nữa,
Nếu các pháp chẳng KHÔNG,
Không người làm tội phước.
Chẳng KHÔNG, đâu việc làm?
Vì tánh ấy thật có.

Nếu các pháp chẳng KHÔNG, trọn không có người làm tội phước. Tại sao? Vì tánh tôi trước đã có. Lại, vì không có làm và người làm.
Lại nữa,
Ông đối trong tội phước,
Chẳng sanh ra quả báo.
Đây ắt lià tội phước,
Mà có các quả báo.

Ông đối trong nhân duyên tội phước đều không có quả báo, ắt nên lìa nhân duyên tội phước có quả báo. Tại sao? Vì quả báo chẳng đợi nhân mà có ra.

Hỏi: - Lìa tội phước có thể không quả báo thiện ác, nhưng từ tội phước có quả báo thiện ác?
Đáp: - Nếu bảo từ tội phước,
Mà sanh ra quả báo.
Quả từ tội phước sanh,
Làm sao nói chẳng KHÔNG?

Nếu lìa tội phước không quả thiện ác, làm sao nói quả là chẳng KHÔNG? Nếu vậy, lìa làm và người làm ắt không tội phước. Ở trước ông nói các pháp chẳng KHÔNG việc đó chẳng đúng.
Lại nữa,
Ông phá tất cả pháp,
Nghĩa KHÔNG các nhân duyên.
Ắt phá hoại thế tục,
Những pháp đã có khác.

Nếu ông phá Đệ nhất nghĩa KHÔNG của các pháp nhân duyên ắt phá hoại tất cả pháp thế tục. Tại sao?

Nếu phá hoại nghĩa KHÔNG,
Tức nên không việc làm.
Không làm mà có làm,
Chẳng làm gọi người làm.

Nếu phá nghĩa KHÔNG ắt tất cả quả đều không làm, không nhân. Lại không làm mà thành làm. Lại, tất cả người làm chẳng nên có việc để làm(sở tác). Lại, lìa người làm lý đáng có nghiệp, có quả báo, có người thọ. Nhưng việc ấy chẳng đúng. Thế nên chẳng thể phá pháp KHÔNG.

Lại nữa,
Nếu như có tánh thật,
Mọi thứ tướng thế gian.
Ắt chẳng sanh chẳng diệt,
Thường trụ mà chẳng hoại.

Nếu các pháp có tánh thật ắt mọi thứ tướng ở thế gian như trời, người, súc sanh, muôn vật… đều nên chẳng sanh chẳng diệt, thường trụ chẳng hoại. Tại sao? Vì có tánh thật thì chẳng thể biến đổi. Song hiện thấy muôn vật mỗi thứ đều có tướng đổi khác, sanh diệt biến dời, thế nên chẳng thể có tánh thật.
Lại nữa,
Nếu không có pháp KHÔNG,
Chưa được chẳng nên được.
Cũng không đoạn phiền não,
Cũng không việc khổ hết.

Nếu không có pháp KHÔNG ắt những công đức đã có thuộc thế gian và xuất thế gian, người chưa được đều chẳng nên có được, cũng chẳng nên có đoạn phiền não, cũng không có khổ hết. Tại sao? Do vì không có tánh thật.

Thế nên trong kinh nói,
Nếu thấy pháp nhân duyên.
Ắt là hay thấy Phật,
Thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Nếu người thấy tất cả pháp từ các duyên sanh, người ấy ắt hay thấy Pháp thân Phật, thêm lớn trí tuệ, hay thấy bốn Thánh đế Khổ Tập Diệt Đạo, thấy bốn Thánh đế được bốn quả, diệt các khổ não,thế nên chẳng thể phá nghĩa KHÔNG. Nên phá nghĩa KHÔNG ắt phá pháp nhân duyên. Phá pháp nhân duyên ắt phá Tam Bảo. Nếu phá Tam Bảo ắt là tự phá.

 

[ Quay lại ]