headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 27/04/2024 - Ngày 19 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Trung luận - QUÁN CÓ KHÔNG

            Trong các duyên có tánh,
            Việc đó ắt chẳng đúng.
            Tánh từ các duyên ra,
            Tức gọi pháp tạo tác.

Hỏi: - Các pháp mỗi thứ đều có tánh, do vì có lực và dụng. Như bình có tánh bình, vải có tánh vải, tánh ấy khi các duyên hòa hợp ắt có ra?
Đáp:Trong các duyên có tánh,
            Việc đó ắt chẳng đúng.
            Tánh từ các duyên ra,
            Tức gọi pháp tạo tác.

Nếu các pháp có tánh, chẳng nên từ các duyên mà có ra. Tại sao? Nếu từ các duyên có ra tức là pháp tạo tác, không có tánh thật.

Hỏi: - Nếu tánh các pháp là các duyên làm ra thì có lỗi gì?

Đáp: -   Nếu tánh là tạo tác,
             Làm sao có nghĩa này?
             Tánh là không tạo tác,
             Chẳng đợi pháp khác thành.

Như vàng lẫn lộn với đồng ắt chẳng phải vàng thật. Cũng vậy, nếu có tánh ắt chẳng cần các duyên. Nếu từ các duyên có ra, phải biết là không có tánh thật. Lại, nếu tánh là thật có, chẳng nên đợi cái khác có ra; chẳng phải như dài ngắn, kia đây, vì không tánh thật nên đợi cái khác mà có.

Hỏi: - Nếu các pháp không tự tánh, lý đáng có tha tánh?
Đáp: -   Nếu pháp không tự tánh,
             Làm sao có tha tánh?
             Tự tánh đối tha tánh,
             Cũng gọi là tha tánh.

Vì tánh các pháp là các duyên làm ra, vì cũng nhân đợi mà thành nên không tự tánh. Nếu vậy, tha tánh đối với tha, cũng là tự tánh, cũng từ các duyên sanh. Vì đợi nhau nên cũng không. Vì không nên làm sao nói các pháp từ tha tánh sanh, bởi tha tánh cũng là tự tánh.

Hỏi: - Nếu lìa tự tánh, tha tánh có các pháp thì có lỗi gì?

Đáp:Lìa tự tánh tha tánh,
            Đâu được lại có pháp.
            Nếu có tánh tự tha,
            Các pháp ắt được thành.

Ông nói lìa tự tánh, tha tánh mà có pháp. Điều đó chẳng đúng. Nếu lìa tự tánh, tha tánh ắt không có pháp. Tại sao? Có tự tánh, tha tánh thì pháp ắt thành. Như thể bình là tự tánh, y, vật là tha tánh.

Hỏi: - Nếu dùng tự tánh, tha tánh để phá cái có, nay lý đáng có cái không?

Đáp: -  Nếu cái có chẳng thành,
            Không, làm sao được thành.
            Vì nhân có cái Có,
           Cái Có hoại gọi Không.

Nếu ông đã chấp nhân cái Có chẳng thành, cũng nên chấp nhân cái Không cũng không. Tại sao? Vì cái có hư hoại nên gọi là không. Cái ấy nhân cái Có hoại mà có.
            Lại nữa,
                        Nếu người thấy Có, Không,
                        Thấy tự tánh, tha tánh.
                        Như thế ắt chẳng thấy,
                        Nghĩa chân thật Phật pháp.

Nếu người chấp trước sâu các pháp, ắt cầu có cái thấy. Nếu phá tự tánh ắt thấy tha tánh, nếu phá tha tánh ắt thấy có; nếu phá có ắt thấy không; nếu phá không ắt mê mờ. Nếu người lợi căn, tâm chấp trước mỏng, do biết pháp an ổn diệt các kiến chấp nên trọn chẳng sanh bốn thứ hý luận. Người ấy ắt thảy nghĩa chân thật của Phật pháp. Thế nên nói bài kê trên.

            Lại nữa,
                        Phật hay diệt Có, Không,
                        Ở trong kinh giáo hóa.
                        Ca Chiên Diên đã nói,
                        Lìa Có cũng lìa Không.

Trong kinh San-Đà-Ca-Chiên-Diên Phật vì nói nghĩa chánh kiến, lìa có lìa không. Nếu trong cái pháp có chút ít là thật có thì Phật chẳng nên phá có, không. Nếu phá có ắt người cho là không. Phật vì thông đạt tướng các pháp nên nói cả hai đều không. Thế nên ông hãy nên bỏ cái thấy Có, Không.

            Lại nữa,
                        Nếu pháp thật có tánh,
                        Sau ắt chẳng nên không.
                        Nếu tánh có tướng khác,
                        Việc đó trọn chẳng đúng.

Nếu các pháp là thật có tánh, trọn chẳng nên biến đổi thành khác. Tại sao? Nếu tánh thật ở tự tánh thì chẳng nên có tướng khác. Như dụ vàng thật ở trên. Do hiện nay thấy các pháp có tướng khác nên phải biết là không có tướng thật.

            Lại nữa,
                        Nếu pháp thật có tánh,
                        Làm sao có thể khác?
                        Nếu pháp thật không tánh,
                        Làm sao có thể khác?

Nếu pháp thật có tánh, làm sao có thể biến đổi thành khác. Nếu khônh tánh ắt không tự thể, làm sao có thể biến đổi thành khác.

            Lại nữa,
                        Thật có ắt kẹt thường,
                        Thật không ắt kẹt đoạn.
                        Thế nên người có trí,
                        Chẳng nên kẹt có không.

Nếu pháp thật có tướng. Có ắt trọn không có tướng Không, đó tức là thường. Tại sao? Như nói ba đời, trong vị lai có tướng của pháp, pháp ấy đi, đến hiện tại, chuyển vào quá khứ mà chẳng bỏ tướng cũ. Điều đó ắt là thường. Lại nói trong nhân trước có quả, điều đó cũng là thường.

Nếu nói thật có cái không, cái không ấy ắt trước Có nay Không, điều đó ắt là đoạn diệt. Đoạn diệt gọi là không có nhân tiếp nối nhau. Do hai cái thấy đó tức xa lìa Phật pháp.

Hỏi: - Vì sao nhân Có sanh thường kiến? Nhân Không sanh đoạn kiến?

Đáp: -  Nếu pháp có tánh thật,
            Chẳng không ắt là thường.
            Trước có mà nay không,
            Chính đó là đoạn diệt.

Nếu tánh của pháp là thật có, ắt có tướng chẳng phải không tướng, trọn chẳng nên không. Nếu không ắt chẳng phải Có mà tức là Không. Vì trước đã nói qua, cho nên như thế ắt rơi vào thường kiến.

Nếu pháp trước có rồi tiêu hoại mà thành không, đó gọi là đoạn diệt. Tại sao? Vì có chẳng nên không. Vì ông cho rằng có và không mỗi cái đều có tướng thật. Nếu có cái thấy đoạn, thường ắt không tội phước ..., phá việc thế gian. Thế nên cần phải bỏ.

[ Quay lại ]