Bài 33 — Ba Lăng nói chén bạc
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 16 Tháng mười 2008 10:10
- Viết bởi nguyen
129. 巴 陵 銀 椀 — Ba Lăng nói chén bạc
Tăng hỏi Thiền sư Tân Khai Ba Lăng (nối pháp Vân Môn Yển):
– Thế nào là Ðề-bà Tông?
Sư đáp:
– Tuyết đựng trong chén bạc.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 22.)
130. 雲 巖 寶 冠 — Vân Nham đáp mũ báu
Tăng hỏi Thiền sư Lỗ Tổ Bảo Vân ở Trì Châu (nối pháp Mã Tổ):
– Thế nào là chư Phật?
Sư đáp:
– Người nào mà trên đầu mà đội mũ thì chẳng phải.
Tăng hỏi:
– Thế nào mới phải?
Sư đáp:
– Trên đầu không có mũ báu.
· Ở đây không thấy nói đến Vân Nham (DG)
(Theo: Hội Nguyên, quyển 3.)
131. 荊 門 犢 鼻 — Kinh Môn cắt khố vải
Thiền sư Ngọc Tuyền Thừa Hạo ở huyện Kinh Môn (nối pháp Bắc Tháp Trung Quảng), du phương đến tham vấn nơi Bắc Tháp, phát minh tâm yếu, được tam-muội đại tự tại. Sư cắt một chiếc khố vải (độc tỉ côn) và biên chép tên họ của chư vị Tổ sư nhiều đời lên đó. Sư nói:
– Chỉ có ngài Văn thù và Phổ Hiền mới sánh được chút ít với ta!
Nói xong, Sư viết tên hai ngài lên dây lưng. Vì thế, trong tùng lâm gọi Sư là Hạo khố vải.
Khoảng niên hiệu Nguyên Phong (1078-1085), Sư làm Thủ chúng ở Tương Dương. Thiền sư Cốc Ẩn cũng có một gã đệ tử quê mùa ở đó và bắt chước làm như vậy. Sư thấy thế liền quở:
– Ông có đạo lí gì mà dám làm như thế, sẽ bị thổ huyết mà chết!
Về sau, ông tăng ấy bị thổ huyết chết ở Lộc Môn đúng như lời Sư nói.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 15.)
132. 疎 山 布 單 — Sơ Sơn bán gia tài
Sơ Sơn (nối pháp Lương Giới) nghe Hòa thượng Ðại Qui An ở Phúc Châu dạy chúng rằng: “Hữu cú vô cú như bìm leo cây”, Sư một mình vào núi đến chỗ Hòa thượng An, gặp lúc Qui đang trét vách đất, Sư liền hỏi:
– Trộm nghe Hòa thượng nói: “Hữu cú vô cú như bìm leo cây” phải chăng?
– Phải.
– Chợt cây ngã bìm khô, thì “cú” về chỗ nào?
Qui liền buông chậu bùn xuống, cười to ha hả rồi trở về phương trượng.
Sư nói:
– Ba mươi năm tôi bán hết gia tài chỉ vì việc này, Hòa thượng đâu được đùa nhau.
Qui gọi:
– Thị giả đâu, lấy ba trăm tiền cho Thượng tọa này!
Rồi Qui dặn dò:
– Về sau, có “độc nhãn long” (chỉ cho Thiền sư Minh Chiêu Khiêm bị hư hết một con mắt) sẽ vì ông mà chỉ bày chỗ của Qui Sơn!
Ngày hôm sau, khi Qui thượng đường, Sư bước ra hỏi:
Lí pháp thân là lí bặt huyền vi, chẳng bị cảnh thị phi cướp đoạt, còn là việc bên pháp thân. Thế nào là việc hướng thượng?
Qui đưa phất tử lên. Sư nói:
– Ðây còn là việc bên pháp thân.
Qui hỏi lại Sư:
– Thế nào là việc pháp thân hướng thượng?
Sư giựt lấy phất tử, bẻ gập lại ném xuống đất rồi trở về trong chúng.
Qui nói:
– Rồng rắn dễ phân biệt, nạp tử khó lường được.
Về sau, Sư nghe Hòa thượng Minh Chiêu Khiêm xuất thế ở Vụ Châu, liền qua thẳng nơi ấy lễ bái. Chiêu hỏi:
– Từ đâu đến?
– Từ xứ Mân đến
– Ðã từng đến Ðại Qui chăng?
– Ðã đến đấy.
– Nơi ấy có dạy lời gì?
Sư kể lại lời trước, Chiêu nói:
– Có thể bảo Qui Sơn đầu đuôi đều chính, chỉ là chẳng gặp tri âm thôi!
Sư cũng chẳng tỉnh, lại hỏi:
– Chợt gặp cây ngã bìm khô thì thế nào?
Chiêu bảo:
– Lại khiến Qui Sơn cười cho đó!
Sư ngay nơi lời này đại ngộ, liền nói:
– Trong cái cười của Qui Sơn có chứa gươm đao.
Từ xa Sư hướng về non Qui lễ bái, ăn năn lỗi lầm trước.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 13.)