Bài 36 —Càn Phong bảo một đường
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 19 Tháng mười 2008 10:17
- Viết bởi nguyen
141. 乾 峰 一 路 — Càn Phong bảo một đường
Tăng hỏi Càn Phong (nối pháp Lương Giới):
– Mười phương chư Phật đều từ một con đường vào cửa Niết-bàn, chẳng hay con đường đó ở đâu?
Phong cầm cây gậy vạch lên hư không một đường, rồi nói:
– Tại chỗ này!
Tăng bèn đến thỉnh ích Vân Môn. Môn cầm cây quạt giơ lên nói:
– Cây quạt nhảy phóc lên cung trời Ba mươi ba, đập vào mũi Ðế Thích. Con cá chép ở biển Ðông bị đập một gậy, mưa như cầm chỉnh mà đổ.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 13.)
142. 兜 率 三 關 — Ðâu-suất dạy ba cửa
Thiền sư Ðâu-suất Tùng Duyệt (nối pháp Chân Tịnh Văn) lập ra ba cửa để hỏi người học:
1. Dẹp sạch phiền não, tham cứu huyền chỉ cốt để thấy tính, vậy tính của ông ở đâu?
2. Biết được tự tính mới thoát sinh tử, nhưng lúc ông chết rồi làm sao thoát?
3. Thoát được sinh tử là biết được chỗ đi của mình. Vậy khi tứ đại tan rã, ông đi về đâu?
(Theo: Hội Nguyên, quyển 27.)
143. 谷 泉 逐 遇 — Cốc Tuyền đuổi Ỷ Ngộ
Thiền sư Ðại Ðạo Cốc Tuyền (nối pháp Phần Dương Chiêu) ở am Ba Tiêu tại Nam Nhạc, nhân có Thượng tọa Ỷ Ngộ đến tham (về sau Ỷ Ngộ trụ trì chùa Pháp Xương, nên còn được gọi là Pháp Xương Ỷ Ngộ). Ỷ Ngộ gọi:
– Am chủ ơi!
– Ai?
– Tăng hành cước.
– Làm gì?
– Muốn lễ bái am chủ.
– Hình như am chủ chẳng có ở đây.
– Có phải là ông không?
– Ðã nói là không có ở đây thì nói cái gì là ông hay tôi?
Tuyền xách gậy đuổi ra. Ngày hôm sau, Ngộ lại đến, Sư lại đuổi ra.
Hôm khác, Ngộ lại đến gọi:
– Am chủ ơi!
– Ai?
– Tăng hành cước.
Ngộ liền giở rèm bước vào. Sư chận ngực, nắm chặt Ngộ, nói:
– Ta ở chỗ này rất tàn bạo, cứt đái vãi tứ tung. Ðồ quỉ! Ðến đây hai lần ba lượt để tìm cái gì?
Ỷ Ngộ nói:
– Người ta nói chính am chủ gặp Phần Dương phải chăng?
Sư giải y, nói một cách hăng hái:
– Ông thử nói, khi tôi gặp Phần Dương có bao nhiêu việc lạ lùng?
– Thế nào là chủ trong am?
– Vào cửa phải biện lấy.
– Chẳng kính trọng cái này là cái gì?
– Lừa được bao nhiêu người rồi?
Ỷ Ngộ:
– Lời trước ở đâu?
– Nghe việc chẳng thật, gọi chuông là hủ.
– Khi muôn pháp hết sạch, toàn thể hiện. Vua tôi họp một chỗ là tà trong chính vậy.
Sư bảo:
– Cái lão dốt này, chẳng hiểu phải thôi ngay, làm loạn như thế để làm gì?
– Chưa biết lúc khách đến, Sư đem cái gì để đãi?
– Bánh Vân Môn, trà Triệu Châu.
– Thế ấy thì cám ơn thầy cúng dường.
Sư quát to:
– Chỗ này ta chưa có nhiều thứ, ông sớm nói lời cảm tạ cúng dường.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 12.)
144. 圓 照 戲 端 — Viên Chiếu đùa Tịnh Ðoan
Ðời Bắc Tống vào năm 1086, Thiền sư Viên Chiếu (nối pháp Thiên Y Hoài) từ chùa Huê Lâm ở Kinh Sư lui về Cô Tô, gặp Ðoan Sư Tử ở chùa Cam Lộ, Sư bảo:
– Ông có phải là Ðoan Sư Tử không?
– Phải
Sư nói đùa rằng:
– Sư Tử trong làng mà thôi.
Ðoan ứng thinh đọc tụng:
Sư Tử trong làng đùa trong làng
Mày mắt cùng đuôi một lúc động
Mở cửa miệng, bụng ngay thẳng,
Chẳng thích củi lồng, người khống chế
Dẫu cho đùa đến chỗ cung vua
Cũng xem như ở chốn không người
Viên Chiếu hoàn toàn chẳng hiểu lời chế giễu này.
(Theo: Tăng Bảo truyện.)