158 - Nguyệt Ðường không hóa duyên
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 01 Tháng tám 2009 18:51
- Viết bởi nguyen
631. 月 堂 拒 化 — Nguyệt Ðường không hóa duyên
Thủy Am nói:
– Nguyệt Ðường (húy là Ðạo Xương) khi trụ trì ở chùa nào, ngài cũng lấy việc hành đạo làm trách nhiệm của mình, không cần người hóa chủ, không chuộng đồ cúng dường. Sự ăn uống hằng năm chỉ tùy nơi thường trụ có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu.
Các Thiền tăng có chí muốn bù vào đó bằng việc hóa đạo, phần lớn ngài đều từ khước. Hoặc có kẻ nói: “Phật răn các Tì-kheo trì bát khất thực để nuôi thân mệnh, vì sao ngài lại chống đối chẳng cho?”. Nguyệt Ðường nói: “Khi Ðức Phật còn tại thế thì được, nhưng ngày nay làm hạnh đó tất sẽ có người ham lợi mà đưa đến chỗ tự bán cả thân mình”. Nhân thế, tôi nghĩ rằng ngài Nguyệt Ðường đề phòng tội lỗi từ lúc còn nhỏ nhiệm mà ngăn chặn không cho chúng lớn dần, quả là sâu xa và thiết thực. Những lời nói thích đáng ấy đến nay còn văng vẳng bên tai. Ngày nay nếu đem nó ra để quan sát, thì thấy há chỉ có sự tự bán mình mà thôi đâu!
(Theo: Thiền Lâm Bảo Huấn, quyển 4.)
632. 玉 泉 數 饌 — Ngọc Tuyền quở đãi tiệc
Thiền sư Ngọc Tuyền Hạo vào trong nhà bếp thấy người ta đang dọn bữa ăn chiều, liền hỏi: “Cỗ bàn này để đãi khách ư? Hay để chúng tăng ăn ư?”. Sau khi được nghe sự thật, Sư liền gọi Tri sự vào để đánh và mắng rằng: “Thuở xưa khi tham thiền, tôi vì mọi người mà gánh nước giã gạo. Nay có sẵn gạo bún để thổi nấu thành món ăn và cúng dường chư Phật, Bồ tát. Vậy mà các ông ăn cho no rồi không chịu lưu tâm tham học lại suy nghĩ trăm thứ, đem năm món cay nồng giả làm đồ mặn như: Ruột lừa, lươn, xương dê, canh ba ba để nuôi dưỡng tấm thân dơ dáy này; mở mắt thì theo cảnh, nhắm mắt thì theo mộng, chẳng biết để ý xem hai vị Chú Lục Phán Quan cùng Lược Thặng Ðại Phu sẽ tùy theo chỗ tạo nghiệp của ông mà ghi vào trong sổ sách không sót và bảo cho ông biết là sẽ có ngày chịu khổ”.
Ðồ chúng không chịu nổi sự lạnh lùng, khổ hạnh của Sư nên ngầm báo với quan huyện rằng: “Trưởng lão không có năng lực làm cho chúng tăng ăn ở yên ổn, chỉ biết đi lên đi xuống kiểm điểm vụn vặt”.
Quan huyện gọi Sư đến bảo rằng: “Bậc đại thiện tri thức vì sao không chịu ngồi yên trong trượng thất mà lại nhiều lần xuống nhà Ðông nhà Tây và ra trước cổng chùa vậy?”
Hạo đáp: Phật Ðại Thông Trí Thắng mười kiếp ngồi đạo tràng, Trưởng quan cho ngồi là Phật sao? Nếu cho ngồi là đúng thì chính là giết Phật vậy!
Quan huyện chỉ còn nước cười trừ.
(Theo: Vân Ngọa Kỉ Đàm.)
633. 雲 頂 三 教 — Vân Ðỉnh hiệu Tam Giáo
Thiền sư Ðông Sơn Vân Ðỉnh ở Phúc Châu tham vấn các vị Thiền sư nổi tiếng như: Ðại Ngu Chi, Thần Ðỉnh Yên. Sau đó gặp Tôn túc La Hán mới thấu triệt được việc của chính mình. Từ đó học vấn và đạo đức của Sư có tiếng vang. Trong Tùng Lâm gọi là Ðỉnh Tam Giáo. Lúc ra giáo hóa, Sư thường trụ Ðông Sơn, sau dời chỗ ở vài lần.
(Theo: Phổ Đăng lục.)
634. 法 泉 萬 卷 — Pháp Tuyền hiệu Vạn Quyển
Thiền sư Phật Huệ Pháp Tuyền ở Tưởng Sơn được người đời gọi là Tuyền Vạn Quyển.
(Theo: Phổ Đăng lục.)