160 - Nghĩa Hoài gãy đòn gánh
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 01 Tháng tám 2009 18:52
- Viết bởi nguyen
639. 義 懷 折 擔 — Nghĩa Hoài gãy đòn gánh
Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài lúc còn ở ngoài đời làm nghề chài lưới. Thuở bé Sư theo cha đánh cá, ngồi ở đuôi thuyền, cha bắt được con cá nào liền đưa cho Sư xỏ xâu, nhưng Sư chẳng nỡ và thả cá xuống sông. Cha nổi giận và đánh song Sư vẫn điềm nhiên.
Lúc trưởng thành Sư đến Kinh sư, nương ở chùa Cảnh Ðức xuất gia, rồi đi tham vấn các Thiền sư Kim Loan Thiện, Diệp Huyện Tỉnh, có khế ngộ. Cuối cùng Sư đến Cô Tô, ra mắt ngài Minh Giác ở Thúy Phong, được cho vào thất thưa hỏi. Một hôm, Phong bảo:
– Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy trọn chẳng được!
Sư do dự. Phong liền đánh, đuổi ra. Trải qua bốn lần như thế mà Sư chưa khế hội. Dần dần Sư làm chức Thủy đầu. Một hôm, do gánh nước, cây đòn gánh chợt gãy, Sư liền ngộ, làm bài kệ đầu cơ như sau:
一 二 三 四 五 六 七 | Nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất |
萬 仞 峰 頭 獨 足 立 | Vạn nhận phong đầu độc túc lập |
驪 龍 頷 下 奪 明 珠 | Ly long hạm hạ đoạt minh châu |
一 言 勘 破 維 摩 詰 | Nhất ngôn khám phá Duy-ma-cật. |
Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy
Trên đỉnh núi cao đứng một chân
Dưới hàm rồng dữ đoạt minh châu
Một lời khám phá lão Tịnh Danh.
Minh Giác nghe được, liền vỗ bàn khen hay.
Về sau, Sư trụ trì bảy ngôi đạo tràng, giáo hóa thịnh hành ở trong nước.
(Theo: Phổ Đăng lục.)
640. 自 回 攻 石 — Tự Hồi đập bể đá
Am chủ Thạch Ðầu Tự Hồi ở Ðiếu Ngư đài, Hợp Châu, khi còn ngoài đời vốn là thợ chẻ đá, Sư từng tham lễ Thiền sư Báo Ân Liễn, cầu pháp an tâm. Liễn dạy Sư nên từ bỏ gia đình để làm đạo nhân.
Chính Tông Tán ghi: “Hồi Thạch Ðầu lúc ngoài đời làm thợ chẻ đá, chẳng biết chữ, thích xuất gia, yêu cầu người khác tụng kinh Pháp Hoa cho Sư nghe, để Sư thầm tụng theo. Sư theo học với Thiền sư Nam Ðường Tĩnh, được sai làm kẻ quét dọn. Một hôm, ngài bảo Tự Hồi cầm lấy dùi gõ lên cục đá để tụng kinh chẳng ngừng. Nam Ðường bảo:
– Hôm nay lốc cốc, ngày mai lốc cốc, khi sinh tử đến làm sao tính cho ra?
Tự Hồi ngạc nhiên, buông dùi, lễ bái cầu xin Nam Ðường dạy cho pháp cứu cánh. Sư theo ngài đến phương trượng, ngài dạy thôi tụng kinh mà khán công án “Triệu Châu khám phá bà già”. Trong một thời gian dài, Hồi chẻ một tảng đá, đá cứng quá, liền cố sức đập xuống một búa. Chợt thấy lửa nháng, Sư liền có ngộ, trình kệ như sau:
用 盡 工 夫 | Dụng tận công phu |
渾 無 巴 鼻 | hồn vô ba tỉ |
火 光 迸 散 | Hỏa quang bính tán |
元 在 者 (這) 裏 | nguyên tại giả (giá) lí. |
Dùng hết sức mình
trọn không chỗ bám
Ánh lửa tóe ra
vốn ở chỗ này.
Nam Ðường nói:
– Con thấu triệt rồi!
Tấn Vân tiên sinh viết bài tựa cho quyển Thạch Ðầu Ngữ Lục có ghi: “Thạch Ðầu dùng tay cầm búa phá đá, gặp đá cứng, Sư đem hết sức giáng xuống một búa làm tảng đá tóe lửa và Sư liền ngộ”.
(Theo: Phổ Đăng lục.)
641. 伊 庵 同 勞 — Y Am cùng lao động
Ở Y Am có Thiền sư Quyền, vào niên hiệu Càn Ðạo ra ứng thế tại chùa Vạn Niên. Các bậc lão túc thấy oai nghi của Sư, nghe Sư cử dương thảy đều khâm phục, trong ngoài thảy say mê, ngàn người đều tề chỉnh như vào dinh phủ của quan. Khi đến nơi nào để hành đạo, Sư cũng tham gia lao động với đại chúng. Thượng thư Vưu Công Viên nói:
– Người trụ trì nên ngồi yên diễn nói giáo pháp sao lại dang thân ra hành hạnh đầu-đà?
– Không phải vậy đâu! Tì-kheo đời mạt pháp tăng thượng mạn, chưa đắc nói đắc, liền muốn phóng túng. Tôi đem thân ra làm gương còn e họ chẳng noi theo huống là tự mình dám buông lung sao?
Ðời gần đây nói: “Người làm mẫu mực cho Thiền lâm, đầu tiên phải kể đến Sư vậy!”.
(Theo: Nhân Thiên Bảo Giám.)
642. 真 如 自 役 — Chân Như tự làm lấy
Thiền sư Chân Như Mộ Triết ở Ðại Qui, tính tình cương nghị, kiến thức cao siêu, lấy việc hoằng pháp làm chí hướng của mình. Sư giữ giới luật tinh nghiêm để tạ ơn thầy. Quan Thái thú Ðàm Châu nghe đạo phong của Sư, rất vui lòng. Ông ta không thể để cho chùa Nhạc Lễ thiếu vị Trụ trì nên làm lễ nghênh đón Sư ra giáo hóa chúng sinh. Nhiều ngày sau đó, Sư dời về trụ Ðại Qui, số chúng được 200 người mà không cần phải kềm chế, mỗi người tự giữ giới luật. Chỉ sau giờ ăn cháo mới chịu cho đệ tử hỏi đạo, Sư bảo họ vào thất. Sau giờ ăn trưa thì tập họp đại chúng để uống trà. Các nơi thỉnh Sư giảng mỗi tháng một lần khiến cho Sư không có rảnh ngày nào. Khi xong giờ tham vấn, Sư tự làm lấy các công việc mà lẽ ra có thể sai khiến người khác làm thế. Trải qua mười bốn năm, hôm sớm nhang đèn. Ban đêm lễ bái giữ am, coi sóc đèn đóm nơi điện vũ. Lúc mệt thì lấy tấm choàng trùm đầu nằm nghỉ ở Tam Thánh đường. Có lời khen rằng: “Cả đời của Chân Như đem thân làm lời nói để giáo hóa các Tì-kheo v.v…”.
(Theo: Tăng Bảo truyện.)