headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

154 - Tuyết Phong vác cái vợt

雪 峰 笊 籬

Tuyết Phong tráo ly

慧 安 栲 栳

Huệ An khảo lão

慈 覺 勸 參

Từ Giác khuyến tham

道 吾 樂 道

Ðạo Ngô lạc đạo

615. — Tuyết Phong vác cái vợt

Theo Kích Tiết lục: Nham Ðầu vác cái bừa đi hành cước đến nơi nào cũng chỉ làm Viên đầu. Tuyết Phong vác cái vợt cán gỗ hành cước đến chỗ nào cũng làm Ðiển tọa. Khâm Sơn mang bàn ủi, kéo, dao, kim, chỉ hành cước đến nơi nào cũng may áo cho người.

Ba vị này, mỗi người đến nơi nào cũng làm chủ hoặc khách để tiểu tham hoặc cử công án.

616. — Huệ An mang cái giỏ

Thái thú huyện Phụng Tân thuộc Hồng Châu xem thấy pháp tịch ở viện Huệ An không có ai giảng thuyết nên ông gởi thư cho Thiền sư Chân Tịnh ở Bảo Phong nhờ Thiền sư lựa chọn người để làm chủ viện ấy.

Khi ngài Chân Tịnh ngỏ ý này với đại chúng, các bậc kì túc, Thủ tọa, Tri sự đều sợ phải hành đạo nơi ấy. Lúc đó có Thủ tọa Uyên là người phương Bắc, tính tình cứng cỏi, thích tự lập, Sư tham vấn ngài Hối Ðường, Chân Tịnh đã có chỗ khế ngộ, nhưng khi ở trong chúng sinh hoạt Sư vẫn giấu kín nên không ai biết. Sư nghe các vị Ðầu thủ, Tri sự từ chối chẳng vâng lời ngài Chân Tịnh, Sư liền thưa với ngài:

– Huệ Uyên đi được chăng?

Chân Tịnh nói:

– Ngươi đi được.

Chân Tịnh liền viết thư giới thiệu Uyên. Uyên nhận được công văn của huyện liền giã từ ra đi. Lúc ấy, ngài Trạm Ðường đang làm Tọa nguyên (chức vụ trông coi các việc của chúng liêu) hỏi Uyên rằng:

– Ông đi đến đó, trụ trì như thế nào?

Uyên đáp:

– Tôi không có phúc, không được kết duyên cùng mọi người nên tự mang một cái giỏ đi xin vật thực ở phố phường để cúng dường chúng tăng.

Trạm Ðường:

– Việc này phải là lão huynh mới làm được.

Trạm Ðường liền làm tụng và thết tiệc đãi Sư. Uyên trụ Huệ An, mỗi ngày mang giỏ đi xin. Nếu có vị tăng nào đến thình lình, Sư liền thỉnh trở về viện nghỉ ngơi, chờ Sư về cúng dường.

Sư cúng dường chư tăng như thế suốt 30 năm, dù mưa gió cũng chẳng thay đổi. Sư bắt đầu thay cũ đổi mới các ngôi: Phật điện, Luân tạng, La-hán đường.

Thông thường, một ngôi tùng lâm có nhiều điện đường và do nhiều người tu bổ, về sau bị nạn binh lửa tàn phá hư hại gần hết, chỉ riêng các điện đường của Huệ An là nghiễm nhiên tồn tại. Há chẳng phải là do nguyện lực thành tựu nên được thần linh hộ trì đó sao? Nay, các vị Trụ trì khắp nơi sẵn có mọi thứ để thọ dụng, một khi nghe đến phong cách của Uyên mà trong lòng không cảm thấy hổ thẹn sao?

617. — Từ Giác khuyên tham thiền

Thiền sư Tông Trách Từ Giác có làm bài văn khuyên tham thiền như sau:

“Luận đến kiến giải thì cần phải có Viên giải mới làm Thiền sư mắt sáng dạy người, tu thì tất phải được Viên tu mới có thể phân phó cho bạn đạo chốn tùng lâm.

Hàng sơ tâm ít phúc nếu chẳng khéo gần gũi nương tựa thầy bạn thì kiến giải thiên khô, tu hành lười nhác. Hoặc vọng cầu cảnh giới chư Thánh mà cô phụ tính linh của mình, đâu biết mình sẵn có đức tướng thần thông nên chẳng tin mình có khả năng ngộ đạo. Hoặc tự thị vào thiên chân, bài bác không có nhân quả. Chỉ nhằm lưng bụng lưu xuất chớ chẳng biết y theo địa vị để tu hành, cho nên nói Pháp sư thô giải chẳng thông giáo lí.

Thiền khách nói suông chẳng quí trọng cửa muôn hạnh, đây là tội thiên khô vậy. Hoặc là để cho thân thể lôi thôi, mặt mày lem luốc, thiếu sót oai nghi, không có tế hạnh. Hoặc chạy theo việc đời, kết bè kết đảng dạo chơi phố phường, bị lây nhiễm các thói xấu hạ cấp. Vì thế ông tăng quê mùa sẽ bị nông phu chê trách, tu sĩ lưu linh đâu khỏi bị nhà nho nhạo báng! Ðây là các tội do lười nhác vậy.

Sao chẳng chịu rời xa phiền não, cắt đứt lưới trần lao. Ngóng gió lành để kiếm Minh sư, xét lời huyền để tìm tri kỉ. Lóng thần chốn Tổ vực, dừng ý nơi Tông thừa. Xếp cà sa, tọa thiền nơi nhà yên thất vắng. Chống tích trượng, kinh hành chốn khe biếc non xanh. Bỗng nhiên tâm quang phát sáng, nghi ngại đều tan như băng rã. Ngay đó rõ ràng, đâu còn lầm cực quả của ba A-tăng-kì. Xưa nay đầy đủ, đâu ngại đến nhân và hoa báo của muôn hạnh. Từ đó tông thuyết đều thông như mặt trời sáng rỡ treo giữa hư không. Thân tâm đều sáng sạch như lưu ly lồng ánh trăng. Có thể nói: Cỏ bồng sinh trong bụi gai chẳng nhờ uốn nắn mà tự thẳng, trăm sông đổ về biển gọi là ao trời (thần thông diệu dụng phát ra tự nhiên). Xem trở lại các lỗi ngày trước mới biết là lầm to.

Lời ngay trái tai, dám mong người học ghi lòng. Ðời này kiếp khác cùng làm người bạn pháp bên nhau”.

618. — Ðạo Ngô hát Lạc đạo

Hòa thượng Ðạo Ngô có làm bài Lạc đạo ca (khúc ca vui đạo):

Lạc đạo sơn tăng túng tình đa

Thiên hồi địa chuyển nhậm tòng tha

Nhàn ngọa cô phong vô bạn lữ

Ðộc xướng vô sinh nhất khúc ca

Sơn tăng vui đạo thật thanh tao

Ðất chuyển trời xoay cũng chẳng nao

Nằm ngơi đỉnh núi không bầu bạn

“Vô sinh” riêng xướng khúc hát nào!

***

Xuất thế lạc,

Kham tiếu thì nhân hòa bất trứ

Sướng tình lạc đạo quá tàn sinh

Trương tam Lí tứ hỗn vong khước

Hát vô sinh, vui xuất thế.

Nực cười thiên hạ hòa chẳng nổi,

Kiếp tàn vui đạo thích chí ghê

Họ hàng thân thích đều quên cả.

***

夫,

Ðại trượng phu, tu khí khái

Mạc thuận nhân tình mạc phương ngại

Nhữ ngôn thuận tức thị bồ-đề

Ngã vị tòng lai tự tương bội

Ðại trượng phu, cần khí khái

Chớ thuận nhân tình, chớ e ngại

Nghe ông nói thuận tức Bồ-đề

Ta bảo xưa nay tự chống trái

***

憨,

Hữu thời hám, hữu thời si

Phi ngã đồ trung tránh đắc tri

Ðặc đạt nhất sinh thường nhậm vận

Dã khách vô hương khả đắc qui

Kim nhật sơn tăng chỉ già thị

Nguyên bản sơn tăng cánh nhược vi

Có lúc ngu, có lúc si,

Chẳng phải đường ta, biết được chi?

Nếu thấu (đạt) một đời thường tự tại

Lữ khách không quê để trở về.

Hôm nay sơn tăng chỉ thế ấy

Xưa kia sơn tăng lại làm sao?

***

機,

Thám Tổ cơ, Không vương tử

Thể tự phù vân một ôi ỷ

Tự cổ trường phi nhất nạp y

Tằng kinh kỉ độ tao hàn thử

Con đấng Không vương dò máy Tổ

Thể tợ phù vân không nương tựa

Từ xưa mặc mãi chiếc áo tơi

Nóng lạnh bao phen, chẳng thay đổi.

***

真,

Bất thị chân, bất thị ngụy

Ðả cổ nhạc thần thi bái quỵ

Minh minh nhất đạo Hán giang vân

Thanh sơn lục thủy bất tương tự

Chẳng phải chân, chẳng phải giả

Ðánh trống cúng thần quỳ bái lạy

Rõ ràng sông Hán một đường mây

Núi xanh sông biếc nào tương tợ.

***

成,

Bẩm tính thành, vô khai cải

Kết giác la văn bất tương ngại

Tính vốn sáng, chẳng cần lau

Mặc cho giăng mắc ngại gì đâu?

***

Hoặc vận từ bi hỉ xả tâm

Hoặc tức phùng nhân dĩ bổng khải

Từ bi ân ái lạc khiên triền

Bổng đả giáo y phá ân ái

Báo hồ nguyệt hạ lữ trung nhân

Nhược hữu ân tình ngô vi cải.

Hoặc khởi lòng từ bi hỉ xả

Gặp người dùng gậy để khai thị

Từ bi ân ái thêm trói buộc

Lấy gậy đánh y, trừ ân ái

Dưới trăng xin báo khách nhàn du

Nếu có ân tình ta sẽ cải (đổi).

[ Quay lại ]