152 - Viên Chiếu được chở về
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 01 Tháng tám 2009 18:48
- Viết bởi nguyen
607. 圓 照 載 歸 — Viên Chiếu được chở về
Thiền sư Viên Chiếu húy Tông Bản trước khi thờ Thiền sư Vĩnh An Ðạo Thăng ở chùa Thừa Thiên, Tô Châu, Sư đã trụ trì chùa Thụy Quang, tự viện ngày càng hưng thịnh.
Trần Công Tương, Thái thú Hàng Châu đem hai chùa Thừa Thiên và Hưng Giáo để kiên trì mời thỉnh Sư. Sư muốn đến nơi ấy, nhưng dân chúng Tô Châu giữ Sư lại. Thái thú càng muốn đem chùa Tịnh Từ khẩn cầu giao Sư trụ trì. Thái thú nói:
– Vị Trụ trì trước, ba năm trồng cội phúc cho vùng này. Tôi chẳng dám cầm Sư ở lâu!
Sư nức nở khen rằng:
– Ai chẳng muốn làm phúc!
Dân chúng Tô Châu biết được ý của Sư. Nghe Sư đến nơi ấy, số người học càng gia tăng gấp đôi ở chùa Thụy Quang. Sau đó, dân Tô Châu đem hai chùa Vạn Thọ và Long Hoa thỉnh Sư lựa chọn để ở, có hơn ngàn người đón rước Sư. Sư nói:
– Vị Sư trước tôi ở đây có ba năm. Hôm nay tôi ở đến chín năm rồi.
Những người hào hiệp biết Sư muốn trở về, nên muốn cướp Sư để cùng về với họ. Thái thú Hàng Châu sai Huyện úy đem binh lính đến bảo vệ Sư khiến họ chẳng dám thực hiện việc ấy.
Ðến niên hiệu Nguyên Phong thứ 5 (1082), Sư đem việc tự viện giao cho đệ tử là Thiện Bản rồi đến ở am Thụy Phong. Người xứ Tô Châu nghe được tin ấy định tổ chức cướp Sư lại, nhưng họ sợ lực lượng còn yếu không thắng nổi nên chưa dám ra tay. Quan Ðãi chế Tằng Công Hiếu thường đến Tô Châu hỏi đạo với Tông Bản, được Sư chỉ cho chỗ chí yếu. Thừa dịp ông yết kiến Sư trong am, dân đã chuẩn bị thuyền cập bến; họ đến giã từ Thiện Bản rồi hộ tống Sư lên thuyền. Trong khi Sư cười nói, họ chở Sư trở về để an ủi lòng tưởng nhớ của người dân xứ Tô Châu.
Khi về đến, Tông Bản ở viện Phúc Trăn, núi Khung Long.
(Theo: Tăng Bảo truyện.)
608. 宏 智 舁 請 — Hoằng Trí được khiêng đi
Thiền sư Hoằng Trí trụ chùa Viên Thông, đang đêm nằm mộng thấy làm một câu liễn rằng: “Tùng kính tiêu sâm yểu điệu môn, đáo thời vi nguyệt chính hoàng hôn” (lối tùng vắng vẻ cửa lung lay, [đến] lúc trăng lên nhằm khi chiều xuống.)
Khoảng niên hiệu Kiến Viêm (1127-1130), Sư lánh giặc, đội nón qua vùng đông Chiết Giang đến chùa Thiên Ðồng; gặp lúc vị Trụ trì nơi đây vừa nghỉ chức vụ. Mới tờ mờ sáng Sư đã rời thuyền đi vào núi. Trời vừa sáng, Sư thấy con đường tùng vắng vẻ, mặt trăng bị khí mù che lấp làm Sư chợt nhớ đến câu liễn đối mà mình nằm mộng thấy. Kế đó, Sư vào nhà khách tăng để nghỉ. Tuy Sư chẳng nói tên họ mà trong huynh đệ đã có người biết, bảo nhau rằng:
– Ðây là Trưởng lão ở Trường Lô, vì sao lại đến đây?
Họ ngầm báo cho vị Chủ sự biết. Vị này liền đích thân lên phủ báo tin. Quan phủ không giấu được niềm vui, bởi vì đêm ấy thần nhân báo mộng:
– Người Trụ trì chùa Thiên Ðồng là vị Cổ Phật ở Thấp Châu.
Quan phủ trao thiếp cho sai quan đến nhà khách tăng để mời Sư. Sư kiên quyết chẳng chịu, liền bị các huynh đệ cùng nghỉ trong nhà khách áp lại khiêng Sư về phương trượng. Sư ở chùa Thiên Ðồng 30 năm, tông chỉ Tào Ðộng nhờ Sư mà được hưng thịnh.
(Theo: Tùng lâm thịnh sự.)
609. 寂 照 遵 記 — Tịch Chiếu theo lời dặn dò
Thủ tọa Minh ở Phúc Ðường có hiệu là Tịch Chiếu, là người rất thông minh, tham thiền đã lâu, hầu Thiền sư Không Du ở chùa Ngọc Kỉ, Tứ Minh. Du mắc bệnh phong trải qua nhiều năm, những kẻ tả hữu lần lượt ra đi, Chiếu càng siêng năng chăm sóc cho ngài. Du từng dặn dò đem chùa Phúc Tiên giao cho Sư, chẳng nên ra giáo hóa, mà trở về làng làm gương mẫu.
Khi Thiền sư Tuyệt Chiếu làm Thủ chúng ở Cổ Sơn, Soái Lí Công Tuấn mời Sư về trụ chùa Ðại Vân Phong. Sư từ chối bằng bài kệ:
Làm tăng vô sự của hoàng triều
Bàn thiền luận đạo chẳng kham đâu
Ngày qua uể oải hiềm vô ích
Danh rỗng làm nhục thiền Tổ sư.
Tuyệt Chiếu khuyến khích Sư ra giáo hóa, Sư bảo rằng:
- Chỉ muốn được làm một kẻ nhàn!
Rồi thuật kệ như sau:
Vừa bày nửa cái, vốn bên bờ
Người xưa việc gốc lại gặp nhau
Cửa sài bỏ mặc không người đóng
Phật chẳng dung đâu, nếu gặp thời.
(Bài kệ này giải thích bốn chữ “Muốn làm kẻ nhàn”)
Ngay hôm ấy, Sư liền bỏ đi. Về sau, Sư ở đậu chùa Thanh Bạch Vân ở xứ Mân, người học hâm mộ hướng về. Ðược vài năm, Soái Việt Công Hy Tịnh hết lòng kính lễ Sư, định rước Sư về Tuyết Phong. Chiếu viết thư cho tiểu sư là Viên am chủ nhờ trao, nội dung bức thư là tạ từ chẳng đến. Soái gói trầm hương cúng cho Sư. Sư cũng đem bốn câu thơ tặng lại:
Ðạo nhân lên non mời chẳng xuống
Gió rét căm căm, uể oải nằm
Bỗng dưng Thái thú cần hỏi đạo
Viết thư tạm gởi tiểu sư trao.
Trên 30 năm, Tịch Chiếu chỉ mặc một tấm choàng rách bằng giấy. Mặc dù Sư triệt ngộ song vẫn tuân theo lời dặn dò không ra giáo hóa. Sư tự thẹn và tỏ ý nương cảnh núi rừng vắng vẻ để yên thân, trước sau không thay đổi, khiến cho những kẻ đua đòi danh vị, mua Phật bán Tổ nghe đến phong cách của Sư, họ lấy làm xấu hổ chẳng ít!
(Theo: Khô Nhai Mạn lục.)
610. 懷 志 守 命 — Hoài Chí giữ di chúc
Hoài Chí là người xứ Kim Hoa, sống vào đời Tống. Thuở nhỏ Sư theo học làm Giảng sư. Một hôm, Sư nhờ một Thiền giả kích phát nên bỏ việc giảng diễn mà đi tham vấn các nơi. Cuối cùng Sư đến Ðộng Sơn và đắc pháp nơi Thiền sư Chân Tịnh Văn. Ở đấy lâu ngày Sư từ giã ra đi. Chân Tịnh dặn rằng:
– Thiền của con tuy có vượt mức thường, song tiếc rằng duyên không tiến hơn được!
Chí làm lễ nhận lời dạy rồi đến Viên Châu. Người ở châu này thỉnh Sư trụ trì chùa Dương Kì, Sư không nhận và ra đi. Trên sông Tương, Ðàm Mục thỉnh Sư trụ chùa Bắc Thiền ở Thượng Phong, Sư cũng chẳng nhận. Sau đó, Sư cất am ở rặng Hành Nhạc được trên 20 năm. Có bài kệ như sau:
Muôn cơ thôi dứt mặc ngu si
Dấu vết luôn cho Dã Lộc tham
Chẳng cởi áo gai, tay làm gối
Bao đời mộng ở am Duyên La.
Có lời khen rằng:
– Ðiều mà người hiển đạt muốn là tuân theo di chúc, hết sức cưỡng lại các lời mời thỉnh, có thể bảo là chẳng khó sao? Người thời nay thích danh lợi bỏ lễ nghĩa, chẳng ai mời cũng đến; hạng như thế có rất nhiều, đâu còn nhớ đến lời dạy của thầy nữa!
(Theo: Truy Môn Sùng Hành lục.)