headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

150 - Trà Lăng có viên ngọc

茶 陵 有 珠

Trà Lăng hữu châu

香 嚴 無 錐

Hương Nghiêm vô chùy

慧 日 論 藥

Huệ Nhật luận dược

柴 石 因 棋

Sài Thạch nhân kì

599. — Trà Lăng có viên ngọc

Úc Sơn chủ ở Trà Lăng chẳng từng hành cước. Nhân dịp có một Hóa chủ từ Lô Sơn đến bàn việc trong Tông môn, bảo Sư hãy khán công án: “Có vị tăng hỏi ngài Pháp Ðăng: Trên đầu sào trăm thước, làm sao tiến bước? Ðăng đáp: Ðại khái là ba năm”.

Một hôm Sư cưỡi lừa đi qua cầu. Châm lừa lọt xuống ván cầu, lừa ngã hất Sư té. Sư chợt đại ngộ liền làm tụng rằng:

Ngã hữu thần châu nhất khỏa

Cửu bị trần lao quan tỏa

Kim triêu trần tận quang sinh

Chiếu phá sơn hà vạn đóa.

Tôi có một viên ngọc thần,

Từ lâu bị bụi che phủ

Sáng nay hết bụi, sáng ngời

Soi thấy núi sông rất rõ.

Do sự việc này nên Sư chẳng đi các nơi tham học.

(Theo: Ngũ Đăng Hội Nguyên.)

600. — Hương Nghiêm không có dùi

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn từ giã Qui Sơn đi đến di tích của Quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương, nghỉ chân rồi cất am ở đấy. Một hôm, trong lúc dọn cỏ vườn, Sư cuốc nhằm viên sỏi, viên sỏi văng vào gốc tre phát ra tiếng cốc, Sư chợt tỉnh ngộ và có làm bài kệ như sau:

Nhất kích vong sở tri, cánh bất giả tu trị

Ðộng dung dương cổ lộ, bất đọa tiểu nhiên cơ

Xứ xứ vô tung tích, thanh sắc ngoại uy nghi

Chư phương đạt đạo giả, hàm ngôn thượng thượng cơ.

Một tiếng quên sở tri, chẳng cần phải tu trì

Xúc động bày tự tính, chẳng kẹt ở khô thiền.

Nơi nơi không dấu vết, oai nghi ngoài sắc thinh,

Các nơi bậc đạt đạo, đều gọi cơ thượng thượng.

Qui Sơn nghe được bài kệ này liền nói:

– Gã này đã triệt.

Lúc đó có mặt Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn thưa:

– Ðây là tâm cơ ý thức làm ra, phải chờ Huệ Tịch đích thân khám nghiệm qua mới được.

Ngưỡng Sơn đến gặp Sư, liền hỏi:

– Hòa thượng khen ngợi Sư huynh phát minh đại sự. Bây giờ Sư huynh thử nói xem!

Sư đọc lại bài tụng khi trước. Ngưỡng Sơn nói:

– Ðây là do ghi nhớ nhiều mà làm được. Nếu có chính ngộ hãy nói cái gì khác xem!

Sư liền hét một tiếng và nói rằng:

Khứ niên bần vị thị bần

Kim niên bần thỉ thị bần

Khứ niên bần thượng

hữu trác chùy chi địa

Kim niên bần chùy dã vô.

Năm ngoái nghèo chưa thật nghèo

Năm nay nghèo mới thật nghèo.

Năm ngoái tuy nghèo nhưng còn có dùi để cắm

Năm nay nghèo đến nỗi dùi cũng không.

Ngưỡng Sơn nói:

– Chấp nhận rằng Sư huynh đã ngộ Như Lai thiền, nhưng chưa chắc đã ngộ Tổ sư thiền.

Sư liền làm một bài kệ:

機,

Ngã ngũ nhất ki, thuấn mục thị y

會,

Nhược hựu bất hội, biệt hoán sa-di

Ta có một cơ, nháy mắt nhìn y

Nếu còn chẳng ngộ, chớ gọi Sa-di.

Ngưỡng Sơn liền trở về Qui Sơn, báo tin:

– Mừng quá, Sư huynh Hương Nghiêm đã ngộ Tổ sư Thiền.

(Theo: Liên Đăng lục.)

601. — Huệ Nhật luận về thuốc.

Thiền sư Huệ Nhật Nhã ở Lô Sơn là cao đệ của ngài Chân Tịnh từng làm một thiên bản thảo về Thiền như sau: “Thiền có vị ngọt, tính mát, an định tạng tâm, đuổi tà khí, quét ủng trệ, thông huyết mạch, lóng tinh thần, thêm ý chí, duy trì nhan sắc, trừ buồn phiền nóng nảy, khử điều dơ ác, khéo giải các độc hại, điều hòa bệnh tật. Thuốc cứu sống nhân gian nhiều loại tinh vi, thô trọng khác nhau để trị: lớn, nhỏ, da, thịt, xương, tủy. Nếu người nào được chỗ tinh tế của nó thì tốt; cho phàm thánh, quí, tiện đều chữa được. Còn lại phần lớn là những kẻ ngắm gió vịnh trăng ở trong tùng lâm. Ở đời có một bọn chọn nhiều thứ vỏ bọc làm thuốc, khiến người uống phải bỏ mạng. Thuốc thầm, thông, ngầm, hiển, nếu chẳng phải bậc chứng đạo đâu biết rằng nó chẳng nhờ tu luyện bào chế. Một phen uống vào thì thoát khỏi mọi khổ não như người bị trói được mở, công hiệu như thần. Vì giúp mọi người trường thọ nên Phật Tổ mới dùng thuốc này chữa bệnh cho tất cả chúng sinh và được hiệu là Ðại Y Vương. Như ngọn đèn sáng ở thế gian phá trừ các tối tăm do chấp trước.

Những người bị các bệnh mê loạn mà che giấu hoặc chẳng tin mình bị bệnh nặng hoặc bị lây bệnh của quỉ thần, trôi nổi trong sinh tử thì chẳng thể cứu được. Ôi! Ðáng thương thay!

(Theo: La Hồ Dã lục.)

602. — Sài Thạch nhân đánh cờ (thuyết pháp)

Ðầu tiên Âu Dương Văn Trung Công nghe Thiền sư Phù Sơn Viễn là bậc siêu quần nên tìm đến thiền thất của Sư. Lúc gặp mặt thì chưa thấy gì lạ, Văn Trung ngồi đánh cờ với khách, Thiền sư Viễn ngồi kế bên.

Sau khi đánh cờ xong, Văn Trung thỉnh Sư thuyết pháp. Sư sai đánh trống và thăng tòa, nói:

– Nếu luận về việc này thì giống như hai người đánh cờ. Tại sao nói như thế? Bởi vì địch thủ (vọng tưởng của chính mình) vốn thân thiện nên đương cơ chẳng nhân nhượng. Nếu ta chiếu năm tha ba thì mới được thông suốt một đường. Có một bọn thực chất chỉ biết đóng cửa (bít các căn) làm kế sống mà chẳng quyết định thi đấu xông qua cửa ải, nhờ hiểm nguy mới biết được tiết tháo; sau khi tan cuộc mới biết uổng công cầu hòa. Do đó nói bên mưu trí dũng cảm dễ được, bên ngu khờ nhút nhát khó thắng.

Suy tính để đi nước cờ thì luôn luôn phạm lỗi, tâm thô nên thường thường không thông. Thôi khoe là tay cao cờ, nói dối là thần tiên. Hơn thua vài ván thì chẳng hỏi, hãy nói một nước cờ lúc chưa phân đen trắng cứu cánh như thế nào?

Sư im lặng hồi lâu rồi nói:

– Xưa nay có chín mười đường, người mê kẻ ngộ có bao nhiêu?

Văn Trung nghe xong càng khen ngợi Sư.

(Theo: Tăng Bảo truyện.)

  • Sài Thạch là hiệu của Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn. Nói đủ là Sài Thạch Dã Nhân.
[ Quay lại ]