ĐỜI SỐNG THIỀN VIỆN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 13 Tháng tám 2016 13:22
- Viết bởi Super User
Cảnh Tu viện hôm nay so với lúc khóa I không có gì đổi khác cho lắm. Chỉ khác về vẻ lớn lên của nó. Về cơ sở, có đổi khác chỗ Trai Ðường. Về nhà khách được xây cất lại. Ngoài ra cảnh sắc vẫn y nhiên. Bóng mát từ các cây trồng có thêm ra, vào trưa đây là những nơi che nắng rất tốt. Do sự có mặt của Thiền viện Bát Nhã và Linh Quang nên Hòa thượng đổi tên Tu viện Chơn Không thành Thiền viện Chơn Không cho được nhất trí.
Sự tổ chức trong chúng
Phần nghi lễ cầu Thầy đã xong, chúng được sắp xếp tổ chức như sau:
Ban chức sự:
Quản viện : Thích Thiện Phát
Tri sự : Thích Thiện Ðức
Tri khách: Thích Giác Thanh
Tri khố: Thích Phước Hiện
Thư Ký: Thích Hoằng Tâm
Hương đăng: Thích Như Dũng
Thị giả : Thích Thông Hải
Thích Thông Thiền
Thích Thông Huyền.
Ban chức sự 3 tháng đổi một lần.
Riêng hai Thiền sinh khóa I còn lại thì làm việc với tính cách công quả chung cho Viện. Thầy Như Hoàng vẫn là khám bệnh và kiêm thêm tri khố, giữ gìn dụng cụ làm cho chúng. Thầy ở riêng một chỗ. Một cái cốc phía trước Thiền đường về phía mặt và nằm bên dưới triền của con đường lên Thiền đường.
Vị trí này nằm phía sau thất Thầy Minh Ðạo. Thất Thầy Minh Ðạo được cất trong khóa I, đây là thất riêng của Thầy. Thất này mặt hướng xuống chợ Vũng Tàu. Trong khi đó, cốc Thầy Như Hoàng mặt hướng lên Thiền đường.
Thầy Phước Tú thì vẫn giữ phận công quả linh tinh. Trong thì xem như cố vấn cho Tri khố, Tri khách. Ngoài thì liên hệ mua sắm vật liệu, làm những việc có tính cách bao đồng. Ngày chúng tu học thì trực cổng xách gậy đi quanh giữ tài sản cho Tu viện, am cốc và cho cả xóm, mà Thầy Viện chủ gọi là chức "tuần tra". Có vị thân mật hơn gọi là: "Ðạo vòng" (cái đạo đi vòng vòng).
Thời khóa chuông bảng
Thời khóa chuông bảng cũng y như khóa I.
THIỀN VIỆN LINH QUANG
Chùa Linh Quang có lối kiến trúc tân kỳ, ra vẻ sang trọng. Nhưng chỗ nơi có vẻ chật hẹp không được khoáng đạt, không có chỗ để chúng rong chơi thoải mái. Vườn nhãn rậm rạp, tường dậu bít bùng, khiến không khí có phần ngột ngạt.
Cảnh Chơn Không khoáng đạt siêu thoát bao nhiêu thì cảnh Linh Quang trái lại chật hẹp gò bó bấy nhiêu, vì thế với khung cảnh như vậy đã gây cho Thiền sinh bị ảnh hưởng ít nhiều trong đời sống.
Sự tổ chức trong chúng
Ban chức sự được Thầy Quản viện tổ chức. Quản viện nơi đây gần như là một Thầy Trụ trì nên Quản viện có nhiều quyền hạn hơn, như trong Thanh quy, chỉ có việc thâu người vào và mời người ra thì không. Nhưng có quyền đề nghị giải quyết việc nhân sự.
Quản viện ở đây có quyền chỉ đạo toàn bộ Ban Chức Sự và cả đại chúng, trong phạm vi công việc, kiểm soát, nhắc nhở mọi hành vi tu học của chúng. Ngoài ra việc tu học, giảng dạy dành hoàn toàn cho Thượng toạ Viện chủ Chơn Không.
Như thế, Quản viện ở đây không phải là Thiền sinh, cũng không phải là Viện chủ, mà Quản viện là gạch nối giữa Thiền sinh và Viện chủ, giữa Viện chủ và Thiền sinh.
Ban chức sự:
Quản viện: Thầy Thích Phước Hảo
Tri sự: Ts. Thích Nhật Thọ
Tri khách: Ts. Thính Minh Thuận
Tri khố: Ts. Thích Minh Ngãi
Tri viên: Ts. Thích Ðồng Tâm
Thị giả: Ts. Thích Nhuận Như
Hương đăng: Ts. Thích Ðồng Trí
Thư ký: Ts. Thích Phước Hưng.
Ban chức sự này Quản viện 6 tháng đổi một lần. Ngoài ra các vị khác 3 tháng đổi một lần.
Thời khóa chuông bảng
Về thời khóa chuông bảng cũng giống như thời khóa ở Tu viện Chơn Không.
THIỀN VIỆN BÁT NHÃ
Thiền viện Bát Nhã có cơ sở vật chất khá tốt, dù không được rộng rãi so với số lượng người. Nhưng dù sao cũng khoáng đạt, nhờ lối kiến trúc đơn giản và nhờ vào địa thế thuận lợi.
Thiền viện nằm khơi trên sườn núi, nên gió gần như lúc nào cũng có, dù không gió không khí vẫn đầy. Thiền viện ở vị thế này có vẻ cheo leo, nhưng trước mặt nó là biển xanh nên tầm nhìn được thoải mái. Vì thế dù diện tích đất có hẹp, và ở thế dốc bất tiện cho việc đi lại, Thiền sinh cũng nghe mình không đến đỗi bị bó chân, bó cẳng. Vả lại Thiền viện lại là Ni, là nữ phái, thì việc đi lại cũng không đòi hỏi mấy.
Thiền sinh ở đây có đủ cảnh trí thiên nhiên. Ngày có biển xanh, núi thẳm, đêm có trăng thanh gió mát, có sao trời, Thiền sinh hòa quyện theo đây mà chăm sóc "ngưu nhi" cũng là thú vị.
Thiền viện Bát Nhã lại có một tổ chức hơi khác với Thanh quy. Một chức vụ ấy là vị Trụ trì.
Vị Trụ trì, quán xuyến về cơ sở nhà cửa đất đai, coi ngó những việc liên quan đến Thiền viện trên mặt hình thức. Chịu trách nhiệm về pháp lý, giao thiệp với xã hội và cũng là Thiền sinh.
Ban chức sự:
Trụ trì: Ts. Thích Nữ Như Bảo
Quản viện: Ts. Thích Nữ Như Ðức
Tri sự: Ts. Thích Nữ Từ Thanh
Tri khách: Ts. Thích Nữ Như Thủy
Tri khố: Ts. Thích Nữ Hải Liên
Thư ký: Ts. Thích Nữ Thuần Trí.
Trừ Trụ trì (người đại diện Sư bà trông coi Thiền viện), Ban Chức Sự được thay đổi nhân sự sau thời gian 3 tháng.
Thời khóa chuông bảng
Thời khóa chuông bảng cũng giống như thời khóa chuông bảng Tu viện Chơn Không.