headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGŨ ĐĂNG HỘI NGHUYÊN - BIỆN BIỆT BẢO CHÂU

05.HatchauBồ-đề Đạt-ma, người nước Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua Hương Chí. Nhân Tôn giả Bát-nhã-đa-la nhận hạt châu của vua Hương Chí cúng dường, muốn biết chỗ tâm đắc của ba vị vương tử, Tổ đưa hạt châu lên và hỏi:
- Hạt châu này tròn sáng, có thứ châu nào sánh kịp chăng?
Hai vị vương tử thứ nhất và thứ hai đều nói:
- Châu này so với bảy báu, không báu nào sánh kịp.

Vương tử thứ ba (tức Bồ-đề Đạt-ma) đáp:
- Hạt châu này là của báu ở thế gian, chưa cho là tột; trong các thứ báu, chỉ có Pháp bảo là tột. Ánh sáng (của hạt châu) này là ánh sáng của thế gian, chưa là tột; trong các thứ ánh sáng, chỉ có trí sáng là tột. Sự trong sáng (của hạt châu) này là sự trong sáng của thế gian, chưa cho là tột; trong các thứ trong sáng, chỉ có tâm trong sáng là tột hơn hết. Châu này sáng chiếu, mà chẳng hay tự chiếu, cần có ánh sáng của trí tuệ. Để tỏ cái báu của nó, từ nơi ánh sáng trí tuệ này mà biện biệt. Trí tuệ đã biện biệt rồi tức biết đó là châu. Đã biết là châu, liền rõ nó là báu. Nếu rõ về cái báu của nó, thì nó báu mà chẳng tự là báu; nếu biện về cái châu của nó, thì nó châu mà chẳng tự là châu. Như vậy, nó châu mà chẳng tự biết là châu, cần có "trí châu" để biện biệt mới biết là thứ châu ở thế gian. Cũng thế, nó báu mà chẳng tự biết là báu, phải nhờ "trí báu" đểø soi sáng mới rõ là một vật báu. Song mà, nếu thầy có đạo, báu kia liền hiện, chúng sinh có đạo, tâm báu tự bày.
Tổ rất khen ngợi trí tuệ biện biệt của Bồ-đề Đạt-ma, bèn phó chúc cho Ngài nối dòng Pháp giáo hóa chúng sanh.

BÌNH:

Chúng sanh xưa nay quên mình theo vật, chỉ biết cái báu ở bên ngoài mà quên mất "của báu chính mình", nên tạo trăm phương ngàn kế để tranh đoạt lẫn nhau, gây thành một trường đau khổ, cũng vì chút của mọn. Có biết đâu, tất cả các thứ báu trên đời chẳng qua do tâm tưởng, nếu lìa tâm phân biệt, tức thảy đồng sỏi đá không khác. Chẳng hạn, một thỏi vàng đưa trước đứa bé con thì có nghĩa lý gì? Thế mới biết rõ ràng là mê! Nếu như có người nhận ra "của báu nơi mình", thì bao nhiêu cái báu kia làm sao sánh kịp? Nên kinh Kim Cang nói: "Dù đem bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để cúng dường, cũng không bằng người trì bốn câu kệ kinh Kim Cang", là ý này vậy.
Vì thế, ở đây để biện biệt về của báu, Tổ nói:
- Trong các thứ báu, chỉ pháp bảo là trên hết.
- Trong các thứ ánh sáng, chỉ ánh sáng trí tuệ là trên hết.
- Trong các thứ trong sáng, chỉ tâm trong sáng là trên hết.
Tóm lại, tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt là báu hơn hết trong tất cả các thứ báu, và báu này ai ai cũng đều đủ chẳng nhọc tìm cầu, chỉ cần một phen "nhớ" liền được.
 

[ Quay lại ]